Lễ CTT Hiện Xuống _ sức sống của Giáo Hội

SỨC SỐNG CỦA GIÁO HỘI
Giáo Hội đã được phát sinh chính ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống. Rồi Chúa Thánh Thần đã luôn luôn sống trong Giáo Hội, dìu dắt nâng đỡ, bảo trợ soi sáng Giáo Hội.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Trong bài huấn dụ ngày 29 tháng 11 năm 1972, Đức Phaolô VI đã đặt câu hỏi: “Đâu là nhu cầu trước tiên và cuối cùng của Giáo Hội đáng mến và thánh thiện của chúng ta?”
Rồi ngài trả lời: “Với niềm thánh thiện kính sợ, chúng tôi muốn nói lên điều này, bởi vì như các con biết, điều này thuộc phạm vi mầu nhiệm sự sống của Giáo Hội, nhu cầu thiết yếu chính là Chúa Thánh Thần, đấng làm cho sống và thánh hóa Giáo Hội, luồng gió thiêng liêng làm căng con buồm của Giáo Hội, là nguồn suối bên trong tuôn chảy ánh sáng và sức mạnh, là sự nâng đỡ và đấng an ủi Giáo Hội, nguồn mạch các đặc sủng, các hoan ca, sự bình an, là vị lãnh đạo, là bảo đảm và tiền vị của sự sống hạnh phúc và bất diệt. Giáo Hội cần có lễ Hiện xuống vĩnh viễn.”
Sách tông đồ công vụ cho ta thấy rõ hiệu quả của ơn Chúa Thánh Thần. Mặc dầu Chúa Giêsu đã huấn luyện các tông đồ ba năm, kết quả của cuộc huấn luyện này, chỉ đạt được khi Chúa đã về trời, lúc Chúa Thánh Thần hiện xuống. Cho tới lúc Chúa chết và ngay cả sau lúc Chúa sống lại, các tông đồ vẫn còn nhút nhát sợ hãi, các ngài không hiểu lời Chúa đã đành, mà các ngài cũng không hiểu lời thánh kinh; do đó các ngài quan niệm sai lầm về sứ mạng của Chúa, luôn luôn nghĩ tới uy quyền danh vọng thế trần, Chúa sẽ đưa lại cho các ngài u tối, mà lòng các ngài còn đầy tham vọng, ích kỷ; nhưng khi đã lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần, thì toàn thể con người các ngài đã biến đổi. Từ chỗ nhút nhát sợ sệt, các ngài đã biến đổi. Từ chỗ nhút nhát sợ sệt, các ngài đã trở thành sáng suốt, hiểu rõ cựu ước, hiểu rõ lời Chúa, rao giảng mầu nhiệm cứu chuộc; từ chỗ đầy tham vọng ích kỷ, các ngài đã sống hy sinh chịu đựng, sẵn sàng hy sinh cuộc đời cho đến chết. Chúa Thánh Thần đã ban ơn cho cá nhân các ngài, mà còn ban ơn cho cả Giáo Hội. Giáo Hội đã được phát sinh chính ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống. Rồi Chúa Thánh Thần đã luôn luôn sống trong Giáo Hội, dìu dắt nâng đỡ, bảo trợ soi sáng Giáo Hội.
Không phải Chúa Thánh Thần chỉ hoạt động, trong các tông đồ, và trong Giáo Hội, mà riêng đối với mỗi người chúng ta đây, ngày lễ Hiện Xuống cũng đã đến với chúng ta trong lúc ta chịu phép thêm sức. Chúa Thánh Thần đã và đang luôn luôn tác động trong tâm hồn ta, để biến đổi ta thành đền thờ hoàn hảo Chúa Ba Ngôi. Sau đây là một số việc Chúa Thánh Thần hoạt động nơi ta:
Chúa Thánh Thần đã luôn luôn soi sáng dậy dỗ chúng ta, Chúa Thánh Thần giúp ta tin mạnh mẹ vào các tín điều của đạo.
Chúa Thánh Thần còn ban sự sống cho ta, ngài làm cho ta sống sức sống giồi giào của Thiên Chúa, kết hợp ta với Thiên Chúa, ban sức sống nội tâm và duy trì sức sống đó trong ta.
Chúa Thánh Thần thôi thúc ta sống thành chứng nhân Chúa Kitô sống mạnh mẽ cam đảm, trong việc phụng sự làm tôi Chúa, để mỗi lần hữu trở thành tông đồ Chúa.
Các hoạt động Chúa Thánh Thần nơi ta được thể hiện qua các ơn, ta quen gọi là bảy ơn Chúa Thánh Thần. Đó là những ơn thâm hiểu, thượng trí, chỉ giáo, dũng cảm, minh luận, kính úy, và ơn hiếu thảo. Những ơn này soi dọi lý trí ta, giúp ta tin Chúa, mến Chúa, cậy trông vào Chúa, giúp ta, cam đảm thi hành điều Chúa muốn, luôn luôn nhận ra ơn Chúa, để cảm tạ biết ơn Chúa.
Đặc biệt ta luôn luôn nghe nhắc tới việc chúng ta phải là nhân chứng của Chúa. Nhiều người nghĩ công việc, hoàn cảnh sống, cũng như địa vị mình đâu có thể là chứng nhân của Chúa được. Công việc này dành cho các giám mục, linh mục, các nam nữ tu sĩ, chứ đâu là nhiệm vụ của các tín hữu. Sau đây là câu truyện chứng tỏ ai trong chúng ta cũng có thể là nhân chứng của Chúa:
Sau những năm làm đầy tớ cho một gia đình quý tộc, cô Sophie Berdanska, thất nghiệp, lang thang… Ngày kia, gia đình ông Merston, một gia đình Do Thái, mướn cô về săn sóc cho mấy đứa con của ông.
Ngay hôm đầu tiên, khi biết được Sophie Berdanska là người công giáo, ông Merston đã ra điều kiện với cô là, không được nói về đạo cho con cái của ông. Sophie Berdanska hứa sẽ gữi điều kiện đó. Nhưng cô Sophie Berdanska đã lấy một mảnh giấy nhỏ viết vài dòng chữ, gấp lại và bỏ vào chiếc huy chương của cha cô để lại, rồi đeo vào cổ. Lũ trẻ nhiều lần đòi cô Sophie Berdanska cho coi chiếc huy chương, nhưng cô nhất định không cho chúng xem.
Dưới sự chăm sóc chỉ bảo của Sophie Berdanska: mấy con ông Merston càng ngày càng ngoan, và chăm chỉ. Cuộc sống đang trôi qua êm đềm thì tai họa dồn dập xẩy đến: bé Naim đau nặng phải đi nằm viện. Cô Sophie Berdanska tình nguyện ngày đêm túc trực săn sóc em. Tiếp sau đó hai em kia cũng ngã bệnh. Gánh đã nặng, lại nặng thêm trên đôi vai Sophie. Tuy nhiên cô vẫn vui vẻ, tận tụy phục vụ cho đến khi ba em hoàn toàn bình phục. Sau những ngày quá lao lực: thức khuya, dậy sớm để săn sóc cho ba em: Sophie Berdanska đã ngã bệnh và từ trần.
Khi niệm xác Sophie Berdanska, người ta đã gỡ chiếc huy chương cô vẫn đeo, và lũ trẻ được tự do chơi ngắm chiếc huy chương đó. Khi đã chán, chúng liệng nó vào một xó nhà. Tình cờ, một hôm ông Merston thấy chiếc huy chương, ông đã mở ra coi. Ông thấy trong đó có mảnh giấy ghi mấy dòng chữ: “Người ta cấm tôi nói về đạo của tôi, thì tôi quyết sống đạo trước mặt họ nhưng một chứng nhân hùng hồn.” Ông Merston và cả gia đình bàng hoàng cảm động. Tất cả mọi người trong gia đình xin tòng giáo và lãnh nhận bí tích rửa tội. Hai năm trôi qua, hôm nay là ngày giỗ Sophie Berdanska. Người ta thấy cả gia đình ông Merston dậy sớm, cùng nhay đến nhà thờ công giáo dự lễ thánh.
Chính Chúa Giêsu đã truyền cho mỗi Kitô hữu: “Chúng con là ánh sáng cho trần gian. Ánh sáng của chúng con phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt của chúng con mà tôn vinh Cha chúng con là đấng ngự trên trời.” (Mt 5,14-16)
Xưa Đức Mẹ đã đón nhận ơn Chúa Thánh Thần, qua sự im lặng và lời cầu xin tha thiết với các tông đồ, vậy chúng ta muốn lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần chúng ta cũng hãy bắt chước Đức Mẹ và các Tông đồ, luôn luôn giữ lòng ta bình tĩnh, yên lặng kết hợp với Chúa, chúng ta còn phải tha thiết cầu xin Chúa Thánh Thần đến với chúng ta mỗi ngày, đổi mới con người chúng ta, để chúng ta xứng đáng, nhờ cuộc sống, mà thẳng tiến về quê trời. Giáo Hội có thói quen bắt đầu mỗi giờ kinh, mỗi việc phụng vụ, bằng kinh xin ơn Chúa Thánh Thần nhắc ta nhớ tới Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy dốc hết thận trọng chăm chú và sốt sắng đọc kinh này vào mỗi đầu giờ kinh, để cả giờ cầu nguyện đó chúng ta kết hợp mật thiết với Chúa Thánh Thần mà thời phượng, tôn kính, cảm tạ Chúa Cha và Chúa con cho xứng đáng.
Đề tựa của Lm. HK