Phục Sinh mạc khải
THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG CỨU CHUỘC,
THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG CỨU CHUỘC,
chứ không phải người giải cứu
Tại sao Thiên Chúa dường như luôn luôn vắng mặt
khi những người tốt gặp hoàn cảnh khó khăn? Tại sao Thiên Chúa không giải cứu
những người Ngài yêu mến và cứu họ thoát khỏi đau đớn và cái chết?
Trước khi
nghiêm túc suy nghĩ về Chúa Giêsu, trước hết bạn hãy xem thử mình kỳ vọng đến
đâu!
Câu nói trên của
Daniel Berrigan đã đúng đắn cảnh báo chúng ta rằng đức tin vào Chúa Giêsu và sự
phục sinh sẽ chẳng cứu chúng ta khỏi những nhục nhã, đau đớn và cái chết trong
đời này. Đức tin không phải là phương tiện để làm vậy. Chúa Giêsu không cho bằng
hữu mình có ngoại lệ, cũng như Chúa Cha cũng không cho Chúa Giêsu có ngoại lệ. Dù
điều này thể hiện rõ ràng nhất trong sự phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng nó cũng
xuyên suốt cả Tin Mừng. Để hiểu được, chúng ta nên so sánh sự phục sinh của
Chúa Giêsu với điều mà chính Ngài đã làm khi đưa Ladarô từ cõi chết sống lại.
Câu chuyện về
Ladarô đặt ra rất nhiều chất vấn. Thánh Gioan Tông đồ thuật lại như sau: Câu
chuyện giới thiệu gia đình Ladarô, hai chị em Mácta và Maria rất thân thiết với
Chúa Giêsu. Vì thế chúng ta dễ thấy sốc khi Chúa Giêsu gần như lơ là trước bệnh
tật của Ladarô và lời mời Ngài đến chữa bệnh cho ông. Câu chuyện như thế này:
Chị em của
Ladarô, Mácta và Maria nhắn Chúa Giêsu rằng “người
Ngài thương đang lâm bệnh,” ngụ ý xin Chúa đến chữa lành cho ông. Nhưng
Chúa Giêsu hành động thật kỳ lạ. Ngài không vội lên đường, thay vào đó, Chúa vẫn
ở lại chỗ cũ thêm hai ngày nữa, trong khi Ladarô đang chết dần. Sau khi ông đã
chết, Ngài mới dự định đến thăm ông. Khi đến làng nơi Ladarô ở, Ngài gặp Mácta
rồi Maria. Cả hai chị em đều lần lượt hỏi Ngài: “Tại sao lại vậy?” Nếu Ngài yêu thương người này, sao Ngài không đến
để cứu anh ấy khỏi chết? Thật sự, câu hỏi của Maria còn ngụ ý nhiều hơn nữa: “Tại sao lại vậy” Tại sao Thiên Chúa dường
như luôn luôn vắng mặt khi những người tốt gặp hoàn cảnh khó khăn? Tại sao
Thiên Chúa không giải cứu những người Ngài yêu mến và cứu họ thoát khỏi đau đớn
và cái chết?
Trong câu trả lời,
Chúa Giêsu không biện giải một lý thuyết nào. Thay vào đó Ngài hỏi xác Ladarô ở
đâu, họ đưa Ngài đến, và ở đó, bên phần mộ, Chúa khóc thương và rồi cho người bạn
đã chết của mình được sống lại. Vậy tại sao lúc đầu Ngài lại để cho ông chết
đi? Câu chuyện này đưa ra một chất vấn: Tại sao lại vậy? Tại sao Chúa Giêsu
không vội vàng đến cứu Ladarô dù Ngài rất thương ông?
Lời đáp cho câu
hỏi này dạy cho chúng ta một bài học rất quan trọng về Chúa Giêsu, về Thiên
Chúa, và đức tin, cụ thể rằng Thiên Chúa không phải là một Thiên Chúa giải cứu
chúng ta, nhưng đúng hơn là một Thiên Chúa cứu chuộc chúng ta. Thiên Chúa không
thường can thiệp để cứu chúng ta khỏi những sỉ nhục, đau đớn, cái chết, nhưng
đúng hơn, Ngài chuộc lại những sỉ nhục, đau đớn và cái chết đó về sau.
Nói đơn giản,
Chúa Giêsu đã hành động với Ladarô chính xác theo cách mà Thiên Chúa, Cha Ngài
hành động với Ngài. Chúa Cha yêu thương Chúa Giêsu sâu đậm và mật thiết, nhưng
Chúa Cha không giải cứu Ngài khỏi sỉ nhục, đau đớn và cái chết. Trong giờ cùng
cực nhất, khi chịu sỉ nhục, thống khổ, và chết trên cây thập giá, Chúa Giêsu bị
đám đông chế nhạo: “Nếu Thiên Chúa là cha
ngươi, hãy để Ngài cứu ngươi đi!” Nhưng chẳng ai đến giải cứu Ngài cả. Thay
vào đó, Chúa Giêsu đã chết trong sỉ nhục và đau đớn. Thiên Chúa Cha chỉ cho Ngài sống dậy sau khi đã nhận lấy
cái chết.
Đây là một
trong những mặc khải mấu chốt của biến cố phục sinh: Chúng ta được Thiên Chúa cứu
chuộc, chứ không phải giải cứu.
Thật vậy, câu
chuyện cho ông Ladarô sống lại trong Tin Mừng theo thánh Gioan, ngụ ý trả lời
cho câu hỏi nhức nhối của thế hệ Kitô hữu đầu tiên: Họ biết Chúa Giêsu bằng
xương bằng thịt, họ đã thân thiết gần gũi với Ngài, đã tận mắt thấy Ngài chữa
lành cho dân chúng và còn cho cả kẻ chết sống lại, vậy tại sao Ngài để cho họ
phải chết? Tại sao Chúa Giêsu không giải cứu họ?
Phải mất một thời
gian, các Kitô hữu tiên khởi mới hiểu được rằng Chúa Giêsu không dành ngoại lệ
cho bằng hữu của mình, cũng như Chúa Cha đã không cho Ngài ngoại lệ nào. Vậy,
cũng như chúng ta, họ đấu tranh với sự thật rằng có thể một người có đức tin
sâu sắc chân thật, và được Thiên Chúa yêu thương, vẫn phải chịu đựng sỉ nhục,
đau đớn và cái chết như mọi người khác. Thiên Chúa không cất đau khổ và cái chết
khỏi Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu cũng không cất những đau khổ này cho chúng ta.
Đó chính là một
trong những mặc khải chính yếu của phục sinh và là một trong những điều mà
chúng ta thường hiểu lầm nhiều nhất. Chúng ta luôn mãi xác định trong đức tin,
và cứ rao giảng về một Thiên Chúa giải cứu, một Thiên Chúa hứa sẽ ban ngoại lệ
đặc biệt cho những ai có đức tin chân thật: Tin thật vào Chúa Giêsu, rồi bạn sẽ
không còn phải chịu những sỉ nhục và đau khổ đời này nữa. Tin thật vào Chúa
Giêsu, mọi chuyện tốt đẹp sẽ đến với bạn! Tin vào sự phục sinh, và cuộc đời của
bạn sẽ đầy ánh rực rỡ cầu vồng!
Là thế ư! Nhưng
Chúa Giêsu không bao giờ hứa giải cứu chúng ta, cho chúng ta ta được ngoại lệ,
được miễn nhiễm với ung thư, hay không phải chết. Đúng ra, Ngài hứa rằng, đến
cuối cùng, từ đau khổ sẽ xuất hiện sự cứu chuộc, bào chữa, miễn xá, và rồi sẽ
là sự sống bất diệt. Nhưng đó là đến cuối cùng, còn bây giờ, trong những chương
đầu và giữa của đời mình, chúng ta vẫn phải có những sỉ nhục, đau đớn, và cái
chết hệt như những gì mà mọi người khác chịu.
Cái chết và phục
sinh của Chúa Giêsu mạc khải một Thiên Chúa cứu chuộc chứ không phải một Thiên
Chúa giải cứu.