Suy niệm hạnh thánh _ 26/4

Thánh GIUSE COTTOLENGO
 (1786-1842)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Giuse Cottolengo là người con cả trong gia đình 12 người con. Sinh trưởng ở Bra, gần Turin, Ý Đại Lợi, sau một thời gian vất vả vì sức khoẻ yếu kém và khó khăn trong việc học, ngài được thụ phong linh mục trong Địa Phận Turin năm 1811.
Trong quãng đời của Cha Giuse, nước Ý tan nát vì chiến tranh và người nghèo cũng như người bệnh tật thường bị quên lãng. Được khích động bởi cuộc đời Thánh Vinh Sơn Phaolô và xúc động trước sự đau khổ của những người chung quanh, Cha Giuse đã thuê phòng ốc để chăm sóc các bệnh nhân, và tuyển mộ các thiếu nữ để điều hành. Khi công việc ngày càng bành trướng và được nhiều người tham gia, Cha Giuse quy tụ những người thiện chí trong hai tổ chức là Tiểu Đệ và Tiểu Muội Thánh Vinh Sơn Phaolô.
Khi bệnh dịch tả lan tràn năm 1831, tổ chức của Cha Giuse phải đóng cửa và di chuyển ra ngoại ô thành phố, ở Voldocco, tiếp tục chăm sóc người bất hạnh. Tổ chức của ngài có tên Nhà Chúa Quan Phòng và phục vụ nhiều loại người khác nhau (người bệnh, già, sinh viên nghèo, người bị bệnh tâm thần, người mù). Tất cả phần tài chánh đều nhờ vào lòng bác ái của mọi người.
Bị mắc bệnh thương hàn, ngài yếu dần và từ trần ở Chieri, nước Ý, và được phong thánh năm 1934.
Suy niệm 1:  Vất vả
Sau một thời gian vất vả vì sức khoẻ yếu kém và khó khăn trong việc học, Thánh Giuse Cottolengo được thụ phong linh mục trong Địa Phận Turin năm 1811.
Thành công thường được gặt hái sau chuỗi ngày gian nan vất vả. Để có được một mùa bội thu, người nông dân phải trải qua nhiều công đoạn vất vả trong việc cày bừa gieo trồng rồi thu hoạch. Để có được một bằng tốt nghiệp, người học sinh phải miệt mài học tập và chăm lo đèn sách trong nhiều năm tháng.
Và dĩ nhiên để được thụ phong linh mục, Thánh Giuse Cottolengo cũng phải dày công tu luyện cũng như trau dồi kiến thức và nhất là phải vật lộn với tình trạng sức khoẻ yếu kém của chính bản thân với nhiều năm trời.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chân nhận và sống bài học Chúa dạy: phải qua đau khổ mới vào được vinh quang.
Suy niệm 2:   Thi hành thánh ý
Trong quãng đời của Cha Giuse, nước Ý tan nát vì chiến tranh và người nghèo cũng như người bệnh tật thường bị quên lãng. Cha Giuse đã thuê phòng ốc để chăm sóc các bệnh nhân.
Làm thế nào để chúng ta biết được thánh ý Thiên Chúa? Có phải thánh ý đó không thay đổi? Thánh Giuse Cottolengo chỉ bắt đầu thực hiện công việc bác ái nổi tiếng đó sau 21 năm làm linh mục. Những năm cầu nguyện và tìm kiếm đã giúp Thánh Giuse Cottolengo nhận ra lời mời gọi của Thiên Chúa.
Trong quá khứ, dù chúng ta có đáp ứng thế nào với nhu cầu của tha nhân đi nữa, Thiên Chúa luôn luôn mời gọi chúng ta độ lượng hơn nữa, đến mức bỏ ăn (Mc 3,20;6,31) quên nghỉ (Lc 18,15-16), thậm chí hy sinh cả mạng sống mình theo gương Đức Giêsu (Ga 10,11).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn dộ lượng phục vụ tha nhân đến quên mình theo như ý Chúa mong muốn. 
Suy niệm 3:  Đau khổ
Được khích động bởi cuộc đời Thánh Vinh Sơn Phaolô và xúc động trước sự đau khổ của những người chung quanh, Cha Giuse đã thuê phòng ốc để chăm sóc các bệnh nhân.
Đau khổ luôn hiện diện khắp mọi nơi trên thế giới với muôn vàn dạng thức, và dĩ nhiên cũng gây nên nhiều phản ứng khác nhau. Cha Giuse thì xúc động và biến nỗi niềm thành hành động thuê phòng ốc để chăm sóc các bệnh nhân, và tuyển mộ các người thiện nguyện để điều hành.
Ngược lại có người thì chà đạp trên sự đau khổ của kẻ khác như bán kẻ nghèo khó với giá một đôi giày (Am 2,6), thậm chí làm giàu trên sự đau khổ của tha nhân như một vua Akháp đã dùng thủ đoạn sát hại ông Navốt để chiếm đoạt vườn nho của ông (1V 21,16).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cùng khóc với người khóc để xoa dịu nỗi khổ của người.
Suy niệm 4:  Hợp tác
Cha Giuse đã thuê phòng ốc để chăm sóc các bệnh nhân, và tuyển mộ các thiếu nữ để điều hành.
Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao. Ý thức tự mình một mình không thể làm được hữu hiệu công trình phục vụ những người kém may mắn, Cha Giuse đã bắt tay vào việc chiêu mộ các thiện nguyện.
Thọat đầu Ngài lập nên một tổ chức có tên Nhà Chúa Quan Phòng, rồi dần dần sáng lập các tổ chức Nữ Tử Đấng Thương Xót, Nữ Tử Đấng Chiên Lành, Ẩn Sĩ của Chuỗi Mai Khôi, và các Linh Mục của Thiên Chúa Ba Ngôi, để cùng chung tay phục vụ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con khiêm tốn nhận ra sự hạn hẹp của khả năng mình để luôn chung tay hợp tác với người khác.  
Suy niệm 5:  Tiếp tục
Khi bệnh dịch tả lan tràn năm 1831, tổ chức của Cha Giuse phải đóng cửa và di chuyển ra ngoại ô thành phố, ở Voldocco, tiếp tục chăm sóc người bất hạnh.
Một công việc diễn tiến đều đặn đến lúc hoàn thành dầu không tránh được nhiều khó khăn, nhưng không thể nào khó khăn bằng một công việc gặp phải trở ngại khi bị gián đoạn mà rồi phải tiếp tục tiến hành cho đến lúc thành công.
Đó là trường hợp của Cha Giuse khi tổ chức phải đóng cửa và di chuyển ra ngoại ô thành phố do bệnh dịch tả lan tràn. Nhưng ngài không bỏ cuộc, ngài không chịu khuất phục trước nghịch cảnh, nên tổ chức đã được ngài phấn đấu tiếp tục để chăm sóc người bất hạnh.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đã bắt tay vào việc thì phải đi đến hoàn thành, cho dầu có bị gián đoạn thì cũng phải tiếp tục luôn mãi.
Suy niệm 6:   Tiền bạc
Tất cả phần tài chánh đều nhờ vào lòng bác ái của mọi người.
Tiền bạc có một thế lực rất lớn đến mức có câu: có tiền mua tiên cũng được. Nhưng đừng quên nó lại không có khả năng mua được nước thiên đàng, nếu không được sử dụng đúng ý Chúa, như Chúa đã từng cảnh báo: Người giàu thật khó vào nước thiên đàng biết bao (Mc 10,23-25).
Thật vậy vì tham lam tiền bạc mà hai vợ chồng Khanania và Xaphira đã phạm tội lừa dối Thiên Chúa nên đã bị phạt chết ngay tại chỗ (Cv 5,1-11). Còn ngược lại Banaba bán đất lấy tiền trao cho các tông đồ để phân chia cho các tín hữu thiếu thốn, nên được chọn làm sứ giả loan báo tin mừng (Cv 4,37;13,2) và sau này được tôn vinh hiển thánh.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sử sụng tiền bạc như viên quản lý trung tín của Chúa.