Nói thật để làm gì?
Hai người sống thọ
nhất của xã hội con người hiện đại đều nói rằng muốn sống thọ hãy sống thật. Đó
có thể là một bí quyết, nhưng cũng có thể là một thông điệp.
Đúng ngày Cá
tháng Tư năm nay, người được chính thức ghi nhận kỷ lục Guinness sống thọ nhất
thế giới đương đại, cụ bà Misao Okawa người Nhật Bản, đã qua đời ở tuổi 117.
Hồi sinh nhật
thứ 113 của cụ, có phóng viên đến hỏi: Bí quyết sống thọ của cụ là gì? Cụ Okawa
trả lời: Tôi sống thật, nói thật, chắc thế nên sống lâu, thế thôi.
Cụ Okawa qua đời,
giờ đây người già nhất hành tinh là sư cụ Luang Pu Supha. Hòa thượng sinh ngày
17/9/1896 ở tỉnh Sakon Nakhon, đông bắc Thái Lan, tức là thậm chí còn cao niên
hơn cụ bà ở Nhật. Khi được vấn về vụ sống thọ, sư cụ Supha cô đọng: "Ăn ít, nói ít, và nói thật.”
Tuần trước, có
một cuộc thi bơi lội dành cho thiếu niên nhi đồng thủ đô nhằm khuyến khích những
tài năng và vận động phong trào chống đuối nước. Bọn trẻ chỉ trên dưới 10 tuổi
được cha mẹ đưa đi. Những vận động viên nhí
lao xuống làn nước xanh trong một cuộc đua được tổ chức khá quy mô. Trên
bờ, tổ trọng tài được bố trí bấm giờ ở từng làn bơi, rất quy củ nghiêm túc.
Nhưng không hiểu sao, đến đoạn công bố kết quả, thì em về nhất thành về nhì, em
xuất sắc lẽ ra được vào chung kết lại bị loại. Truyền hình phát đi hình ảnh những
đứa trẻ ngỡ ngàng. Có đứa khóc, đứa cắn môi đứa giơ tay giậm chân đòi công bằng.
Trong khoảnh khắc, tôi thấy nhiều đứa
già đi cả chục tuổi, chúng nó
giã biệt tuổi thơ ngay bên cái bể bơi ấy, tổn thương và phẫn nộ. Có lẽ lần đầu
tiên trong đời, chúng cảm thấy bị phản bội, cho dù sau đó kết quả được công bố
lại khi cha mẹ chúng lên tiếng.
Cuộc đấu tranh
cho sự thật tôi nghĩ trước hết là cuộc đấu tranh tự thân và không thỏa
hiệp. Nhưng nhiều
người, trong đó có tôi đã từng thỏa hiệp với sự gian lận, sự dối trá từ rất
lâu. Chỉ có điều, chúng ta tự xuê xoa với chính mình rằng, đó chỉ là những nói
dối nhỏ. Chúng ta chỉ trích nạn tham nhũng, nhưng ai cũng chọn giúi tiền cho cảnh
sát giao thông khi phạm luật. Chúng ta đau xót với kết quả bất công của một cuộc
thi bơi, nhưng cũng chính chúng ta lại cũng cố gắng xin xỏ, chạy chọt cho con
cái vào trường chuyên, lớp chọn.
Câu chuyện ở
đây không phải là một lời nói dối nhỏ. Là người tìm hiểu về cuộc thi bơi của bọn
trẻ, tôi nhận ra làm gì có lời nói dối nào nhỏ? Làm gì có sự dối
trá nào nhỏ? Dối trá là dối trá.
Tôi tự hỏi: Có
cái gì đơn giản hơn sự thật? Và có gì dễ biến mất hơn sự thật?
Bàn tay là thật
- nhưng cái bắt tay có thể là giả dối.
Đôi mắt là thật
- nhưng giọt nước mắt có thể là giả dối.
Trình độ là thật
- nhưng bằng cấp có thể là giả dối.
Cái thật có giá trị tự thân, nhưng cái giả dối mang lại nhiều lợi
ích hơn.
Giữ giá trị hay chạy
theo lợi ích, đó là mâu thuẫn mà con người luôn phải đấu tranh. Trước hết là tự đấu tranh. Nhưng có nhiều
khi, chúng ta cảm thấy cô đơn trong cuộc đấu tranh cho sự thật ấy. Nhiều khi vì
thế chúng ta thỏa hiệp. Và khi chúng ta thỏa hiệp hết ngày này sang tháng khác
với vô vàn sự dối trá, thì làm gì có một môi trường xã hội trung thực - nơi mà
những mầm sự thật có cơ hội vươn mình lên thành đại thụ.
Hai người sống
thọ nhất của xã hội con người hiện đại đều nói rằng muốn sống thọ hãy sống thật.
Đó có thể là một bí quyết, nhưng cũng có thể là một thông điệp. Suy nghĩ về nó
có thể sẽ giúp chúng ta có lựa chọn giữa hai câu hỏi quan trọng bậc nhất của thời
đại này: Nói thật để làm gì? Và nói dối để được gì?
Gia Hiền (vnexpress.net)
Thiên Chúa
là ai? Thật khó có một định nghĩa thấu đáo và có sức thuyết phục về Thiên Chúa cho
con người ở mọi thời đại, vì Thiên Chúa vượt trên mọi phạm trù tư tưởng của con
người. Dù vậy, Thánh Kinh đã cho chúng ta một định nghĩa đơn giản về Thiên
Chúa: Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,8); Thiên Chúa là Sự Thật (Ga 14,6). Một câu thánh vịnh đã cho ta một định
nghĩa hết sức ngắn gọn về Thiên Chúa: “Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán, đầy yêu thương trong mọi việc Người
làm.” (Tv
145,13)
Hai câu hỏi,
“Nói thật để làm gì? Và nói dối để được gì?” cũng chỉ là một câu hỏi về sự thật và lẽ làm người mà ai cũng phải có được một câu trả lời rõ
ràng và dứt khoát, vì không thể có sự thỏa hiệp, nửa này nửa kia giữa sự thật
và gian dối.
Để làm người, tất nhiên sự thật phải được chọn lựa,
nhưng để làm người Kitô hữu, sự thật càng cần được chọn lựa cách triệt để hơn: “Chúa thành tín trong mọi
lời Chúa phán.” Tôi
có thể nói mình tin thờ Chúa không nếu tôi không thành tín trong mọi lời tôi nói? Nếu
tôi sống gian dối thì ai là Thiên Chúa của tôi?
Để xác
minh thần tính của mình, Chúa Kitô nhận chính mình là Sự Thật. Thánh
Phêrô làm chứng: “Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối.” (1Pr 2,22);
Ngược với
sự thật là gian dối, mà gian dối là tội của ma quỷ, Chúa Giêsu đã cho thấy gian
dối là bản tính của ma quỷ: “Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối
là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối.” (Ga 8,44)