THỨ SÁU SAU CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY
BÀI ĐỌC: Gr 20,10-13
10 Con nghe biết bao người vu cáo: "Kìa, lão "Tứ phía kinh hoàng!,
hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi!" Tất cả những bạn bè thân thích đều rình xem
con vấp ngã. Họ nói: "Biết đâu nó chẳng mắc lừa, rồi chúng ta sẽ thắng và
trả thù được nó!" 11 Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con như một
trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, sẽ
không thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề: đó là một nỗi
nhục muôn đời không thể quên. 12 Lạy Đức Chúa các đạo binh, Đấng dò
xét người công chính, Đấng thấu suốt tâm can, con sẽ thấy Ngài trị tội chúng
đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài. 13 Hãy ca tụng Đức
Chúa, hãy ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường
hung bạo.
ĐÁP CA: Tv 17
Đ. Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu Chúa:
Người đã nghe tiếng tôi. (x c
7)
2 Con yêu mến
Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con; 3a lạy Chúa là núi đá, là thành
luỹ, là Đấng giải thoát con;
3bc Lạy Thiên Chúa
con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là
thành trì bảo vệ. 4 Tôi kêu cầu Chúa là Đấng xứng muôn lời ngợi
khen, và tôi được cứu thoát khỏi quân thù.
5 Sóng tử thần
dồn dập chung quanh, thác diệt vong làm tôi kinh hãi, 6 màng lưới âm
ty bủa vây tứ phía,bẫy tử thần ập xuống trên tôi.
7 Lúc ngặt nghèo
tôi kêu cầu Chúa, kêu lên Người là Thiên Chúa của tôi. Từ thánh điện, Người đã nghe tiếng tôi cầu cứu,
lời tôi khấn nguyện vọng đến tai Người.
TUNG HÔ TIN MỪNG: x Ga 6,63c. 68c
Lạy Chúa, Lời Chúa là Thần
Khí và là Sự Sống; Chúa có những Lời đem lại sự sống đời đời.
TIN MỪNG: Ga
10,31-42
31 Khi ấy, người Do-thái lấy đá để ném Đức Giê-su. 32 Người bảo
họ: "Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi
làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi? "33 Người Do-thái đáp:
"Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời
nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.”34
Đức Giê-su bảo họ: "Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao:
"Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh""?35
Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà
lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ,36 thì tôi là người Chúa Cha đã
thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: "Ông nói phạm
thượng! vì tôi đã nói: "Tôi là Con Thiên Chúa"?37 Nếu tôi
không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. 38 Còn nếu
tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc
đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi
và tôi ở trong Chúa Cha.” 39Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng
Người đã thoát khỏi tay họ.
40 Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông
Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. 41 Nhiều người đến gặp
Đức Giê-su. Họ bảo nhau: "Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng
mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng.”42 Ở đó, nhiều người đã
tin vào Đức Giê-su.
CHÂN LÝ ĐƯỢC ĐÓNG ẤN BẰNG
MÁU
Đức Giêsu cũng như các ngôn sứ đều chung một số phận hẩm hiu, vì tất cả
phải khổ, bị bách hại có khi đến mất cả mạng sống, chỉ vì loan báo một Chân Lý
có lợi cho mọi người. Kìa ngôn sứ Giêrêmia cũng chỉ vì trung thành loan báo Lời
của Chúa cho dân mà ông phải rên lên đến nổi da gà, khi nhớ đến tâm địa độc ác của
những kẻ đang bao vây nhằm ám hại ông: “Tứ
phía kinh hoàng! Tố cáo đi! Ta hãy tố cáo nó đi! Mọi kẻ thân tín
của tôi đều dòm ngó chờ tôi sảy ngã. Biết đâu nó sẽ mắc hớ và ta sẽ thắng được
nó, và ta sẽ báo thù được nó” (Gr 20,10: Bài đọc).
Đức Giêsu còn bị nhiều người căm thù
hơn các ngôn sứ chỉ vì Ngài công bố một Chân Lý: “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (Ga 10,38:Tin Mừng). Đây
là một Chân Lý cần thiết cho sự sống mọi người, mà nhiều kẻ vẫn quyết liệt phủ
nhận, nên Ngài đặt câu hỏi và giải thích: “Tại
sao các ông bảo tôi nói phạm thượng vì tôi đã nói tôi là Con Thiên Chúa? Nếu
tôi không làm các việc Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi! Còn nếu tôi làm, cho
đi các ông không tin chính mình tôi, thì hãy tin vào các việc tôi làm, ngõ hầu
các ông biết và cầm chắc luôn rằng Chúa Cha ở trong tôi, tôi và Cha tôi là một”
(Ga 10,30. 36-38: Tin Mừng).
Như thế Đức Giêsu đòi mọi người phải
tin vào Ngài là Thiên Chúa, đồng bản tính với Đức Chúa Cha để đem lại sự sống
dồi dào. Đức Tin phải thể hiện bằng việc lãnh nhận năm ơn Chúa ban và làm triển
nở:
-
Được tái sinh trở nên con Thiên Chúa trong Chúa
Giêsu.
-
Được Chúa tha hết mọi tội và gìn giữ không phạm
tội.
-
Được kết hợp với Chúa Giêsu để làm việc lành, mới
tồn tại muôn đời, góp phần tôn vinh Thiên Chúa.
-
Được nên một trong Chúa Giêsu Phục Sinh.
-
Được làm những việc lớn lao hơn Chúa Giêsu để tôn
vinh Chúa.
1. ĐƯỢC TÁI SINH TRỞ NÊN CON
THIÊN CHÚA TRONG CHÚA GIÊSU.
* Đức Giêsu nói:
C Ga 3,5:
Ai không sinh lại bởi nước và Thần Khí thì không thể vào được Nước Thiên Chúa
* Thánh Gioan nói:
C Ga 1,12-13: Những ai đón nhận Ngôi Lời (Chúa Giêsu), tức
là những ai tin vào danh Người,thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ
được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,
hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa.
* Thánh Phêrô nói:
C1Pr 1,23: Anh em đã được tái sinh, không phải do hạt
giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn
tại mãi mãi.
C Cv 2,38: Hãy hối cải và mỗi người hãy chịu thanh tẩy
nhân danh Đức Giêsu Kitô để được ơn tha tội và anh em sẽ được lãnh ơn Thánh
Thần.
*Thánh Giacôbê nói:
C Gc 1,18: Chúa đã tự ý dùng Lời Chân Lý mà sinh ra chúng
ta, để chúng ta nên như của lễ đầu mùa trong các thụ tạo của Người.
2. ĐƯỢC CHÚA THA HẾT MỌI TỘI VÀ
GÌN GIỮ KHÔNG PHẠM TỘI.
* Đức Giêsu nói:
C Ga 15,3: Chúng con được sạch nhờ Lời Thầy nói với chúng
con.
* Thánh Phaolô nói:
C Rm 8,1: Ai ở trong Đức Kitô, thì không còn bị lên án
nữa.
C Rm 8,10: Nếu Đức Kitô ở trong anh em, thì dầu thân xác
anh em có phải chết vì tội đã phạm,Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì
anh em đã được trở nên công chính.
* Thánh Gioan nói:
C 1Ga 3,9: Phàm ai sinh bởi Thiên Chúa thì không làm sự
tội, vì mầm giống của Người lưu lại trong kẻ ấy; và kẻ ấy không thể phạm tội,
bởi chưng đã được sinh bởi Thiên Chúa.
3. ĐƯỢC KẾT HỢP VỚI CHÚA GIÊSU ĐỂ
LÀM VIỆC LÀNH MỚI TÔN VINH THIÊN CHÚA.
* Thánh Gioan nói:
C Ga 1,3: Nhờ Ngôi Lời (Chúa Giêsu) vạn vật được tạo
thành, và không có Ngài thì chẳng có gì được tạo thành, điều đã được tạo thành
nơi Ngài là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.
* Thánh Phaolô nói:
C 1Cr 13,3: Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà
chia sẻ, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có Đức Ái, thì
cũng chẳng ích gì cho tôi.
Đức Ái ở đây không phải là phẩm tính
mà là chính Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa là
Đức Ái” (1Ga 4,8). Vậy chỉ khi được kết hợp với Chúa Giêsu để làm việc
lành, thì việc đó mới gọi là việc bác ái.
C Rm 11,36: Vì muôn vật đều do Đức Giêsu Kitô mà có, nhờ
Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời! Amen.
* Thánh sử Luca khẳng định:
C Cv 5,38-39: Ý định hay công việc do người phàm, tất sẽ bị
phá hủy, còn việc làm trong Thiên Chúa, thì không ai có thể phá hủy được, kẻ
nào cả gan phá sẽ mang tội chống Thiên Chúa.
4. ĐƯỢC NÊN MỘT TRONG CHÚA GIÊSU
PHỤC SINH.
* Đức Giêsu nói:
C Ga 10,34-35 (Tin Mừng): Ta bảo các ngươi: các ngươi là
thần, nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ Lời là thần thánh, mà Thánh
Kinh không thể hủy bỏ.
Vị “thần” ở đây tiếng Hy Lạp số ít viết là
Theos, có nghĩa là Thiên Chúa duy nhất; chữ này ở số nhiều viết là Theol, có
nghĩa là các thần minh. Rõ ràng những ai được nghe Lời Chúa thì đồng danh với
Thiên Chúa, đồng danh với Đức Giêsu là Con Đấng Tối Cao (x Lc 1,32 = Lc 6,35).
C Ga 6,57: Ai ăn tôi nó sống nhờ tôi, như tôi sống nhờ
Cha tôi.
C Ga 15,1: Thầy là cây nho, anh em là cành.
Cành và thân cây đều cùng một bản
chất, cùng một sự sống và lệ thuộc vào nhau. Đến như vinh quang của Chúa Cha
cũng lệ thuộc vào việc lành các môn đệ Đức Giêsu làm. Vì vậy mà Đức Giêsu nói
với các môn đệ: “Nơi điều này Thầy được
hiển vinh là anh em sai hoa kết trái và trở nên môn đệ của Thầy” (Ga 15,8).
Như thế ta được thông hiệp cùng một sự sống với Thiên Chúa Ba Ngôi.
* Thánh Phaolô nói:
C Dt 2,11. 14: Đấng tác thánh và những người được thánh hóa
cùng một nguồn gốc, cùng chung một máu thịt với nhau, vì thế Đức Kitô không gượng
gọi ta là anh em của Ngài.
C Gl 2,20: Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Chúa
Kitô sống trong tôi.
Tuy nhiên ta được đồng hóa với Thiên
Chúa chỉ nên thực hữu vào ngày cánh chung. Vì thế thánh Gioan nói: “Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất
hiện,chúng ta sẽ nên giống như Người,vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người
như vậy” (1Ga 3,2b).
5. ĐƯỢC LÀM NHỮNG VIỆC LỚN LAO
HƠN CHÚA GIÊSU ĐỂ TÔN VINH CHÚA.
* Đức Giêsu nói:
C Ga 14,12: Ai tin vào tôi thì các việc tôi làm kẻ ấy cũng
sẽ làm, và sẽ làm được những việc lớn lao hơn thế nữa, vì tôi về cùng Chúa Cha.
Đức Giêsu nói như thế không phải tự
con người có quyền năng hơn Thiên Chúa, nhưng vì qua mầu nhiệm Tử Nạn và Phục
Sinh, Ngài về với Cha và ban Thánh Thần cho những ai thuộc về Ngài, để họ tiếp
nối sứ mệnh của Ngài. Mục đích Con Thiên Chúa vào đời là để tẩy rửa tội lỗi cho
những ai tin vào Ngài, và Ngài đưa họ vào sống trong mầu nhiệm Nước Thiên Chúa.
Thế mà mãi cuối đời Đức Giêsu, Ngài mới đưa được một tên trộm biết sám hối xin
theo Ngài vào Nước Trời (x Lc 23,40-43); trong khi ta còn là phàm nhân tội lỗi
khi giảng Lời cho đồng loài,hoặc cử hành các Bí tích cho anh em, cả khi cầu
nguyện cho những người đã qua đời, là ta đã đưa biết bao nhiêu người về với
Chúa, đó là lễ vật Chúa ưa thích nhất (x Rm 15,16).
Như thế tất cả những ân huệ ta được
lãnh nhận nơi Chúa và được Chúa Giêsu ở cùng, Ngài giúp ta trở nên người quyền
năng hơn Đức Giêsu còn nơi dương thế, thì cũng là những việc Chúa Giêsu Phục
Sinh tiếp tục làm nơi người Công Giáo, là các chi thể của Ngài. Do đó ngày hôm
nay, Chúa Giêsu vẫn còn tiếp tục nói với thế giới: “Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn
nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các
việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong
tôi và tôi ở trong Chúa Cha" (Ga 10,37-38: Tin Mừng).
Bởi thế, bất cứ ai làm chứng cho sự
thật, quy tụ đồng loại về cho Chúa mà phải gặp đau khổ, thì hãy noi gương ngôn
sứ Giêrêmia tuyên xưng Đức Tin: “Đức Chúa
hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại con sẽ
thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã
ê chề: đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên. Lạy Đức Chúa các đạo binh,
Đấng dò xét người công chính, Đấng thấu suốt tâm can, con sẽ thấy Ngài trị tội
chúng đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài. Hãy ca tụng Đức Chúa, hãy
ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo”
(Gr 20,11-13: Bài đọc).
Vậy ta hãy tung hô Chúa: “Lạy
Chúa, Lời Chúa là Thần Khí và là sự sống; Chúa có những Lời đem lại sự sống đời
đời” (Ga 6,63c. 68c: Tung Hô Tin Mừng). Vì “Chúa là sức mạnh của con, là núi đá, là thành lũy, là Đấng giải thoát
con” (Tv 18/17,2-3: Đáp ca).
Tất cả những ơn trên ta được Chúa
Giêsu ban, khởi đi từ lúc Ngài xuống sông Giođan để ông Gioan làm phép rửa cho.
Hôm đó Ngài truyền cho nước tự nhiên chuyển tải muôn vàn ơn phúc, từ mầu nhiệm Tử
Nạn và Phục Sinh của Ngài đổ trên những ai tin Ngài là Thiên Chúa thể hiện bằng
việc lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Chính vì vậy mà lời kết thúc Tin Mừng hôm
nay, thánh Gioan ghi nhận: “Đức Giêsu lại
ra đi sang bên kia sông Giođan, đến chỗ trước kia ông Gioan đã làm phép rửa, và
Người ở lại đó. Nhiều người đến gặp Đức Giêsu. Họ bảo nhau: "Ông Gioan đã
không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng”
(Ga 10,40-41). Bởi vì “ai chỉ vì phép lạ hay dấu lạ mà tin vào Đức Giêsu
thì Ngài không tín nhiệm người ấy” (Ga 2,23-24). Người được Đức Giêsu
tín nhiệm là người tin vào lời giới thiệu của ông Gioan về Đức Giêsu sau khi
ông làm phép rửa cho Ngài: “Đây là Chiên
Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Đức Giêsu chỉ muốn
thanh tẩy những ai đến với Ngài khởi đi từ lúc lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy.
Năm 1970, một câu chuyện làm cho nhiều
người tại Saigon chú ý nhất:
Nước Cộng
hòa Trung Phi được Pháp trao trả độc lập vào ngày 13/8/1960. Đây là một nước
nghèo, đất rộng người thưa, tài nguyên thiên nhiên chủ yếu là các mỏ, quặng kim
cương, coban, sắt… với diện tích khoảng 662. 984 km2. Từ khi được Pháp trao trả
độc lập, Cộng hòa Trung Phi do Tổng thống D. Đacô lãnh đạo. Năm 1966, trung tá
Jean Beldel Bokassa đứng đầu một binh đoàn, dẫn quân về lật đổ Tổng thống D. Đacô
để nắm quyền lãnh đạo, tự phong đại tá rồi vọt lên… đại tướng chỉ trong vòng có
mấy ngày và lên cầm quyền. Trước khi làm Tổng thống,rồi Hoàng đế nước Trung
Phi, Jean Beldel Bokassa đi lính cho Pháp. Trong chiến tranh Thế giới lần thứ
II, Bokassa theo đội quân lê dương đi đánh thuê nhiều nước như Ma rốc, Algierie
và vào năm 1953 có mặt ở miền Nam Việt Nam. Lúc bấy giờ Bokassa mang cấp bậc
trung sĩ nhất, đóng quân tại Chánh Hưng, Sài Gòn.
Thời gian ở
Việt Nam,
Bokassa có yêu và làm đám cưới với cô Nguyễn Thị Huệ. Việc lấy được một người
lính lê dương làm chồng đã giúp bà Huệ có một cuộc sống khá thoải mái. Tuy
nhiên, khi Pháp thua trận tại Điện Biên Phủ, phải ký hiệp định đình chiến ngày
20/7/1954, rồi rút quân đội về nước, thì Bokassa lúc này cũng phải theo đoàn
quân thua trận của Pháp lên tàu về nước, để lại cái thai trong bụng bà Huệ,
không biết là gái hay trai!
Sau khi
chồng về nước, bà Huệ phải một thân một mình tự bươn chải, sống một cuộc sống
nghèo khổ. Martine lớn lên cũng chỉ biết mặt bố mình qua một số bức ảnh kỷ niệm
mà bà Huệ còn giữ lại. Vào thời điểm ngay trước khi có thông tin Tổng thống
Bokassa đi tìm người con rơi ở Sài Gòn thì Martine đang làm… bốc vác cho nhà
máy xi măng Hà Tiên, gần Thủ Đức. Những lúc rảnh thì lại đi làm… phu thợ hồ để
kiếm thêm thu nhập!
Khi lên làm
Hoàng đế Bokassa của nước Trung Phi, và bằng con đường ngoại giao ông nhờ tìm
đứa con lạc loài, đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, một người đàn ông có đạo
đức, khiến cho mọi người xúc động, cảm kích. Lúc ấy, có rất nhiều bà dẫn con
đến tòa Đại sứ Trung Phi nhận là vợ - con ông Bokassa. Nhưng nhờ khoa học người
ta đã xác định ai là con thật của vị Hoàng đế này. Đó là bà Huệ và cô con gái
Martine ở Tân Thuận Đông. Thế là mẹ con bà từ kiếp sống bần cùng, xã hội không
ai quan tâm, nghiễm nhiên trở thành hoàng hậu và công chúa. Khi cô Maritne được
đón sang Trung Phi, thời gian sau được người giàu có đến cầu hôn, trong đám
cưới ấy, Việt Nam
phải cử đại diện sang chúc mừng.
Truyện này không thể so sánh với
chúng ta là phàm nhân tội lỗi lại được Chúa thương cho làm con Thiên Chúa trong
Chúa Giêsu,được Cha trên trời là Vua vũ trụ muốn ngỏ lời với ta làm Hiền thê
của Con Một Ngài. Ngôn sứ Isaia đã báo trước niềm vui này: “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng
tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về, như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng
là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 62,4-5). Vì thế mà thánh Phaolô
nói: “Tôi đã đính hôn anh em với một
người độc nhất là Đức Kitô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ
thanh khiết” (2Cr 11,2).
THUỘC LÒNG
Như trai tài
sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về, như cô dâu là niềm
vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ (Is 62,4-5).
http://phaolomoi. net
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH