Lời Chua cnmc 3b _ tôi sẽ xây dựng lại

TÔI SẼ XÂY DỰNG LẠI
Khi tẩy uế đền thờ, Đức Kitô cho thấy sứ vụ của Ngài là trả về cho bản tính nhân loại khả năng giao tiếp và chia sẻ sự sống thần linh của Thiên Chúa…
Lm. HK
Trong một công viên Tây ban nha, người ta thấy có mấy dòng chữ dán trên một thân cây: “Tôi là một cái cây. Bạn có thể đi ngang qua và giơ tay làm hại tôi, hãy nhớ rằng tôi là lửa ấm cho sức khoẻ của bạn trong những đêm lạnh; là bóng râm che mát cho bạn khỏi cái nóng mùa hè; là nguồn gìn giữ cho bạn những ngụm nước giải khát; là cái xà nhà của bạn; là mặt bàn của bạn; là giường bạn nằm; là ván thuyền của bạn; là cán cuốc của bạn; là cái nôi của bạn; và là cái giường cho giấc ngủ ngàn năm của bạn. Đừng hại tôi bạn nhé.”
Thoạt tiên, chẳng mấy ai cho một cái cây là quan trọng, nhưng những lời tâm tình làm cho ai cũng thấy nó thật gần gũi và có mối quan hệ sống còn với cuộc sống của chính họ.
Cũng thế, mỗi người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa nên thánh ý Chúa được ghi sâu trong lòng và trở nên sự sống và hạnh phúc của họ: “Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn. Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng. Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời” (Tv 19,8).
Bao bi kịch xảy đến trong dòng lịch sử nhân loại đều bởi sự coi thường đến lãng quên luật Chúa và gạt bỏ tiếng lương tâm qua một bên trước những cám dỗ của thế tục!
Vì thế, trước khi đưa Dân Chúa vào Đất Hứa, một chọn lựa căn bản và quyết liệt, các điều được ghi trong lòng họ từ ban đầu được Chúa nhắc lại, thánh ý Chúa được qui lại thành mười điều răn chạm khắc vào hai tảng đá trao cho dân chúng qua ông Môsê, mà điều đầu tiên làm nguyên lý nền tảng cho mọi điều luật sau đó: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20,2-3).
Trong thời sau hết, trong mầu nhiệm nhập thể, Lời Chúa đã được chạm khắc vào bản tính con người nơi Đức Kitô. Khi tẩy uế đền thờ, Đức Kitô cho thấy sứ vụ của Ngài là trả về cho bản tính nhân loại khả năng giao tiếp và chia sẻ sự sống thần linh của Thiên Chúa, là phục hồi sự sống thần linh trong đời sống con người: “Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” (Ga 2,15-16).
Cuộc tẩy uế đền thờ Giêrusalem là dấu chỉ và bắt đầu cho một cuộc cách mạng trong đời sống đức tin, xây dựng lại Dân Chúa với kiểu mẫu và nguồn mạch là sự chết và sống lại của Đức Kitô: “Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói” (Ga 2,21-22).
Đúng thế, trong đời sống Giáo hội, mầu nhiệm thập giá, sự khôn ngoan của Chúa, luôn được dùng để tẩy uế niềm tin. Tại sao? Vì sự khôn ngoan thế tục không thể hiểu và chấp nhận thập giá: “Chúng tôi rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1,23).
Sự khôn ngoan đó được biểu lộ trong mọi chi tiết cuộc sống, làm cho điều nhỏ bé nên vĩ đại, bụi đất cũng mang hơi thở thần linh; và đơn giản là giúp người ta trở về với cái đẹp nguyên thủy của ơn gọi làm người.
Sự khôn ngoan đó, ngày xưa được chạm khắc vào đá và trao cho Môsê, ngày nay nhập thể làm người và được trao cho thánh Giuse, người đã sống sự cao cả của ơn gọi làm người, xứng đáng là người bảo trợ cho Lời Chúa nhập thể. Trong bài giảng lễ thánh Giuse năm 1969, ĐGH Phaolô VI đã diễn tả cái vĩ đại của đời sống tầm thường được thể hiện nơi thánh Giuse: “… Thánh Giuse quả là một người khó nghèo, ngay chính, cần mẫn, có khi rụt rè, nhưng ngài có một đời sống nội tâm sâu thẳm, từ đó ngài tiếp nhận được những mệnh lệnh và những khuyến cáo đặc biệt, cũng như ngài tìm được lý do và sức mạnh cho những quyết định lớn lao, như việc phó thác cả quyền tự do, các chức phận con người, cả hạnh phúc lứa đôi, để mặc thánh ý Chúa định đoạt. Ngài đã nhận sống cuộc đời gia đình với tất cả trách nhiệm và gánh nặng của bậc ấy, nhưng lại khước từ tình yêu phu phụ theo lối tự nhiên, để đổi lấy một tình yêu trinh khiết khôn tả. Như vậy, ngài đã hy sinh dâng hiến cả đời sống cho những đòi hỏi siêu việt của cuộc giáng trần kỳ diệu của Đấng Cứu Thế.”
Luôn tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa là sự sống của thánh Giuse.
Đó chinh là sự sống thần linh Đức Kitô mang đến hầu phục hồi sự sống cho nhân loại.
Tôi muốn sống hạnh phúc, nhưng thánh ý Chúa ở đâu trong đời tôi?