Suy niệm hạnh thánh _ 08/2


Thánh GIÊRÔME EMILIANI
 (1481-1537)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Khi còn là một sĩ quan đầy tự tin và khô đạo, chỉ huy một pháo đài của thành phố Venice, Giêrôme Emiliani bị bắt sau vụ tấn công của địch thủ là Liên Minh Cambrai và bị nhốt trong một tháp canh. Chính trong thời gian tù đầy này, Giêrôme đã có thời giờ suy nghĩ, và ngài quyết định thoát khỏi xiềng xích ràng buộc chính mình. Ngài khước từ mọi quyến luyến của thế gian và trở về với Thiên Chúa.
Sau khi vượt thoát ngục tù, ngài treo xiềng xích ở nhà thờ Treviso gần đó -- như để nói lên lòng biết ơn đã được tự do không những về phần xác mà còn được giải thoát phần tinh thần.
Sau một thời gian ngắn làm thị trưởng Treviso, ngài trở về Venice là nơi ngài theo học làm linh mục. Nhiều năm sau khi thụ phong, chiến tranh đã chấm dứt nhưng nhiều biến cố xảy đến đã khiến Cha Giêrôme thay đổi đời sống. Một trận dịch và nạn đói đã càn quét khắp cả miền bắc nước Ý. Cha Giêrôme lại xung phong trong việc chăm sóc bệnh nhân và nuôi người đói. Ngài cảm thấy có ơn gọi đặc biệt trong việc chăm sóc các trẻ em mồ côi. Bằng chính tài sản của mình, ngài sáng lập ba cô nhi viện, một trung tâm hoàn lương cho các cô gái điếm và một bệnh viện. Từ đó dẫn đến việc thành lập một tu hội cho các linh mục và các thầy mà tên của tu hội là tên nơi sáng lập: Tu Hội Somascha. Mặc dù tu hội dành toàn thời giờ để giáo dục thanh thiếu niên, công việc chính của họ vẫn là đam mê đầu tiên của Cha Giêrôme -- đó là chăm sóc các em cô nhi.
Xiềng xích cuối cùng của Cha Giêrôme được tháo bỏ là khi ngài lâm bệnh vì chăm sóc bệnh nhân. Ngài từ trần năm 1537 hưởng thọ 56 tuổi. 
Ngài được phong thánh năm 1767, và năm 1928, Đức Piô XI đặt ngài làm quan thầy các trẻ mồ côi và các em bị bỏ rơi. 
Suy niệm 1: Khô đạo
Khi còn là một sĩ quan đầy tự tin và khô đạo, chỉ huy một pháo đài của thành phố Venice, Giêrôme Emiliani bị bắt sau vụ tấn công của địch thủ.
Do môi trường binh ngũ ít lui tới nhà thờ để có thể lãnh nhận các bí tích, cũng như tiếp thu lương thực lời Chúa, sĩ quan Giêrôme Emiliani sống trong tình trạng khô đạo là điều dễ hiểu.
Nhưng khô đạo thì chưa phải là mất đạo hay chối đạo, nên chút tàn lửa này đã được thổi bùng lên, nhờ Đấng không đành bẻ gãy cây lau bị giập, chẳng nỡ tắt đi tim đèn leo lét (Mt 12,20).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con học đức từ nhân và kiên nhẫn của Chúa, để giúp kẻ lạc đạo trở về với Chúa, vì Chúa vốn không muốn bất cứ một ai phải hư mất (Mt 18,14; Ga 17,12).
Suy niệm 2: Tù đầy
Chính trong thời gian tù đầy này, Giêrôme đã có thời giờ suy nghĩ, và ngài quyết định thoát khỏi xiềng xích ràng buộc chính mình. Ngài khước từ mọi quyến luyến của thế gian và trở về với Thiên Chúa.
Trong cuộc đời chúng ta, nhiều khi phải tự "giam hãm" mình để thoát khỏi xiềng xích của cái tôi. Khi chúng ta bị "kẹt" trong những trường hợp mà mình không muốn, lúc đó chúng ta mới nhận ra sức mạnh giải thoát của một Đấng khác.
Và chỉ lúc ấy chúng ta mới có thể trở nên một người khác cho những "kẻ tù đầy" và các "em cô nhi" chung quanh chúng ta.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng quên đi số người ngày càng gia tăng vì bị gia đình và cộng đồng bỏ rơi: đó là người già, trẻ cô nhi, người đau yếu và những người bị tẩy chay…
Suy niệm 3: Biến cố
Nhiều năm sau khi thụ phong, chiến tranh đã chấm dứt nhưng nhiều biến cố xảy đến khiến Cha Giêrôme thay đổi đời sống. Trận dịch và nạn đói đã càn quét khắp cả miền bắc nước Ý. Ngài xung phong trong việc chăm sóc bệnh nhân và nuôi người đói.
Biến cố là lời mời gọi và cũng là hồi chuông cảnh tỉnh. Phúc thay, Cha Giêrôme đã lắng nghe và đã đáp trả bằng việc chuyển đổi đường hướng mục vụ trong việc chăm sóc bệnh nhân và nuôi người đói.
Không phải ai cũng dễ nhận ra và sử dụng các biến cố xảy đến trong đời mình, để nhờ đó mà trở nên hoàn thiện hơn, do tính cố chấp hoặc buông súng quá sớm như một Giuđa Ítcariốt.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con bình tâm đối diện với mọi biến cố, để luôn chọn được giải pháp đúng đắn theo Thiên Ý.
Suy niệm 4: Ơn gọi
Ngài cảm thấy có ơn gọi đặc biệt trong việc chăm sóc các trẻ em mồ côi. Bằng chính tài sản của mình, ngài sáng lập ba cô nhi viện, một trung tâm hoàn lương cho các cô gái điếm và một bệnh viện.
Ơn gọi nào cũng có giá trị tuyệt mỹ dưới tầm nhìn của Thiên Chúa. Điều quan trọng là đương sự có đón nhận và sống hết mình để làm tăng thêm giá trị của mình không mà thôi.
Do đó không nên nhìn ơn gọi người khác để rồi tự ti mặc cảm và buông xuôi, hoặc ngược lại sinh lòng kiêu ngạo mà coi thường tha nhân. Người ở hậu trường cũng góp phần thành công không kém người diễn xuất trên sân khấu.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ý thức về vai trò quan trọng của mỗi người trong vườn nho  Chúa. 
Suy niệm 5: Tu hội
Mặc dù tu hội dành toàn thời giờ để giáo dục thanh thiếu niên, công việc chính của họ vẫn là đam mê đầu tiên của Cha Giêrôme -- đó là chăm sóc các em cô nhi.
Tu hội là một hội sống đời thánh hiến, trong đó các thành viên sống giữa đời, hướng tới đức ái trọn hảo và nỗ lực góp phần thánh hóa trần gian ngay giữa lòng đời (Sách GiáoLý số 928).
Nhờ đời sống tận hiến để thánh hóa trần gian, các thành viên tham dự vào nhiệm vụ phúc âm hóa của Hội Thánh, ngay giữa đời và từ môi trường đời; nơi đó, họ hiện diện và tác động như men trong bột (Sách Giáo Lý số 929).
* Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho Giáo Hội có nhiều tâm hồn đạo đức tham gia vào các tu hội.
Suy niệm 6: Cô nhi
Mặc dù tu hội dành toàn thời giờ để giáo dục thanh thiếu niên, công việc chính của họ vẫn là đam mê đầu tiên của Cha Giêrôme -- đó là chăm sóc các em cô nhi.
"'Cha của các em cô nhi và người bảo vệ các bà góa là Thiên Chúa trong sự hiện diện thánh thiêng của Ngài. Thiên Chúa ban nơi trú ngụ cho kẻ bị bỏ rơi; Ngài dẫn các tù nhân đến chỗ thành công; chỉ kẻ phản loạn mới phải ở trong phần đất khô khan' (Tv 68)…
Chúng ta phải chuẩn bị để lãnh nhận nhiệm vụ mới và chức năng mới trong mọi sinh hoạt của con người, và nhất là trong xã hội, nếu thực sự muốn thể hiện sự công bằng. Trên tất cả, hành động của chúng ta phải nhắm đến những người và những quốc gia mà, vì những hình thức đàn áp và vì yếu tính của xã hội, họ không có tiếng nói và là nạn nhân của sự bất công" (Sự Công Bằng Trong Thế Giới, Hội Đồng Giám Mục Thế Giới 1971).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hòa chung tâm tình của Hội Đồng Giám Mục Thế Giới bằng việc thể hiện trong hành động.