Thánh PHAOLÔ MIKI và CÁC BẠN
(c. 251?)
Lược sử
Thành phố Nagasaki,
Nhật Bản, rất quen thuộc với mọi người vì đó là nơi trái bom nguyên tử thứ hai
đã được thả xuống và giết hại hàng trăm ngàn người. Trước đó ba thế kỷ rưỡi, 26
vị tử đạo Nhật Bản đã bị treo trên thập giá ở một ngọn đồi nhìn xuống Nagasaki,
bây giờ thường được gọi là Núi Thánh.
Thánh Phaolô Miki là
con của một sĩ quan chỉ huy thuộc quân đội Nhật. Ngài sinh ở Tounucumanda và
theo học trường dòng Tên ở Anziquiama, gia nhập dòng năm 1580, và trở nên nổi
tiếng vì tài rao giảng.
Trong thời kỳ bách hại
đạo Công Giáo dưới thời Taiko, Toyotomi Hideyoshi, vào ngày 5 tháng Hai, ngài
bị treo trên thập giá cùng với hai mươi lăm người Công Giáo khác, trong đó có
nhiều giáo dân, như: Phanxicô, một thợ mộc bị bắt trong khi theo dõi cuộc hành
quyết và sau đó bị treo trên thập giá; Gabrien, mười chín tuổi là con trai của
người gác cổng dòng Phanxicô; Leo Kinuya, hai mươi tám tuổi làm thợ mộc ở
Miyako; Diego Kisai, phụ tá của các cha Dòng Tên; Joachim Sakakibara, người làm
bếp cho các cha Phanxicô ở Osaka; Peter Sukejiro, được một linh mục dòng Tên
sai đến giúp đỡ các tù nhân thì bị bắt; Cosmas Takeya quê Owari nhưng đi truyền
giáo ở Osaka; và Ventura ở Miyako, lúc đầu được các cha dòng Tên rửa tội, sau
đó khi thân phụ từ trần, ông trở nên một nhà sư, và sau cùng được các
cha Phanxicô đưa trở lại Công Giáo.
Trong khi bị treo trên
thập giá, Thầy Phaolô Miki đã nói với những người đến xem cuộc hành quyết:
"Bản án nói rằng những người này đến Nhật Bản từ Phi Luật Tân, nhưng tôi
đâu có đến từ quốc gia nào. Tôi đích thực là người Nhật. Lý do duy nhất
tôi bị giết là vì tôi rao giảng giáo lý Đức Kitô. Quả thật tôi đã rao giảng
giáo lý Đức Kitô. Tôi tạ ơn Thiên Chúa vì lý do này mà tôi chết. Tôi tin rằng
những lời trăn trối của tôi là sự thật. Tôi biết quý vị tin tôi và một lần nữa
tôi muốn nói với quý vị: Hãy xin Đức Kitô giúp cho quý vị có được hạnh phúc.
Tôi vâng lời Đức Kitô. Theo gương Đức Kitô, tôi tha cho những người đã hành
quyết tôi. Tôi không ghét họ. Tôi xin Thiên Chúa thương xót tất cả chúng ta, và
tôi hy vọng máu của tôi sẽ đổ trên dân tôi như một cơn mưa nhiều kết quả."
Khi các nhà truyền
giáo trở lại Nhật trong những năm 1860, lúc đầu họ không thấy một vết tích nào
của Kitô Giáo. Nhưng sau một thời gian, họ tìm thấy hàng ngàn người Kitô đã
sống chung quanh Nagasaki và họ sống đạo một cách lén lút.
Tất cả các vị tử đạo Nhật Bản
được phong chân phước năm 1627, và phong thánh năm 1862.
Suy niệm 1: Rao
giảng
Thánh Phaolô Miki là con của một sĩ quan
chỉ huy thuộc quân đội Nhật. Ngài sinh ở Tounucumanda và theo học trường dòng
Tên ở Anziquiama, gia nhập dòng năm 1580, và trở nên nổi tiếng vì tài rao
giảng.
Giáo dân cũng chu toàn sứ mạng ngôn sứ của
họ bằng việc phúc âm hóa, “nghĩa là loan báo Đức Kitô bằng đời sống chứng tá và
lời nói”. Nơi giáo dân, “hoạt động phúc âm hóa này... mang sắc thái và có một
hiệu năng đặc biệt vì được thể hiện trong những hoàn cảnh thông thường ở trần
gian” (LG 35).
Hoạt động tông đồ này không chỉ là làm
chứng bằng đời sống. Người tông đồ đích thực còn phải tìm dịp loan truyền Đức
Kitô bằng lời nói, cho người chưa tin... hoặc cho tín hữu” (AG 15).
* Lạy
Chúa Giêsu, sứ mạng rao giảng thật là cao cả nhưng Chúa lại sẵn sàng trao ban
cho mọi người. Xin giúp chúng con ý thức và quyết tâm chu toàn.
Suy niệm 2: Nhà sư
Ventura ở Miyako, lúc đầu được các cha dòng
Tên rửa tội, sau đó khi thân phụ từ trần, ông trở nên một nhà sư, và sau cùng
được các cha Phanxicô đưa trở lại Công Giáo.
Tình yêu Thiên Chúa thật bao la hải hà vượt
xa lối xử sự của loài người. Người đón nhận và sẵn sàng sử dụng hết mọi người
thành tâm thiện chí, cho dầu đó là một viên chức thu thuế như Mátthêu, một
người bắt đạo như Saolô, một nhà sư như Ventura, miễn là họ chấp nhận viết lên
trang sử mới với Chúa.
Đối với Chúa, quá khứ lầm lỗi không quan
trọng vì đã trôi qua. Điểm cần lưu ý, đó là hiện tại sửa sai và tương lai phấn
đấu nhằm bù đắp. Phêrô chối Chúa nhưng khóc lóc thảm thiết và thể hiện tình mến
Chúa bằng cái chết thập giá vào cuối đời. Thế là đủ.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng nhìn quá khứ lầm lỗi để xét người, nhưng
theo gương Chúa để giúp vực họ dậy và tạo một tương lai tươi sáng cũng như lành
thánh cho họ.
Suy niệm 3: Lý do chết
Thầy Phaolô Miki đã nói: Lý do duy nhất tôi
bị giết là vì tôi rao giảng giáo lý Đức Kitô. Quả thật tôi đã rao giảng giáo lý
Đức Kitô. Tôi tạ ơn Thiên Chúa vì lý do này mà tôi chết.
Cái chết có thể đến cho người từ nhiều
nguyên nhân khác nhau. Với Aben thì bị chính Cain anh ruột mình giết do lòng
ghen tị (St 4,8). Với hai vợ chồng Khanania và Saphira là do lừa dối Thiên Chúa
(Cv 5,4.9). Còn Giuđa Ítcariốt thì tự thắt cổ (Mt 27,5).
Chết là quy luật của phàm nhân, không ai
tránh khỏi ngay cả Đức Giêsu vốn là Thiên Chúa hằng sống và bất tử (Lc 23,46).
Điều quan trọng là chọn cho mình lý do để chết, chết mà vẫn lưu danh muôn thuở,
chết mà vẫn cảm nhận được niềm hạnh phúc như thầy Miki.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống thánh để được chết lành.
Suy niệm 4: Sự thật
Thầy Phaolô Miki đã nói: Tôi tin rằng những
lời trăn trối của tôi là sự thật. Tôi biết quý vị tin tôi.
Lời trăn trối thường mang tính chân thật
nên dễ tạo được niềm tin nơi tha nhân. Còn ở trong các trường hợp khác thì thật
là khó, vì cách chung người đời hay sống dối gian và lường gạt nhau (Gr 5,1),
nên ai nấy đều phải dè dặt, không lạ gì có vấn đề thề thốt.
Đúng ra nếu sống chân thật đến mức “có thì
nói có và không thì nói không” (Mt 5,37) ở mọi nơi, mọi lúc và với mọi người,
thì đâu cần phải thề thốt làm gì (Mt 5,34), như lời Đức Giêsu chỉ dạy.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống chân thật cho dầu phải chịu thiệt thân, để
xứng danh là người con Chúa vốn là Đấng Chân Thật tuyệt đối (Tb 14,6; Ga
14,6).
Suy niệm 5: Tha thứ
Thầy Phaolô Miki đã nói: Theo gương Đức
Kitô, tôi tha cho những người đã hành quyết tôi. Tôi không ghét họ.
Tha thứ là một biểu hiện của tình thương,
lòng yêu thương thậm chí đối với cả kẻ thù (Mt 5,44). Đức Giêsu mời gọi và đã
nêu gương (Lc 23,34). Thánh Têphanô tử đạo thực thi (Cv 7,60).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết thứ tha để xứng đáng được Chúa tha
thứ.
Suy niệm 6: Tử đạo
Thầy Phaolô Miki đã nói: Tôi xin Thiên Chúa
thương xót tất cả chúng ta, và tôi hy vọng máu của tôi sẽ đổ trên dân tôi như
một cơn mưa nhiều kết quả.
Ngay từ thời sơ khai, một số Kitô Hữu đã
được mời gọi -- và chắc chắn sẽ được mời gọi luôn -- để làm chứng cho tình yêu
đối với kẻ thù cách hùng hồn trước muôn dân, nhất là những kẻ bách hại. Do đó,
Giáo Hội coi sự tử đạo như một ơn huệ đặc biệt và là bằng chứng cao cả nhất của
tình yêu.
"Mặc dù chỉ một ít người được ban cho
cơ hội tử đạo, nhưng tất cả phải chuẩn bị để tuyên xưng Đức Kitô trước mặt mọi
người, và bước theo Người trên đường thập giá giữa những sự bách hại không bao
giờ thiếu trong Giáo Hội" (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, số 42).
* Lạy
Chúa Giêsu, một đức tin như của 26 vị tử đạo thì rất cần thiết cho ngày nay
cũng như trước đây. Xin thương ban đức tin ấy cho chúng con.