BÀ KHÓ
Chỉ có tử thần mới giải quyết được sự đau khổ của
nhân loại… Riêng có bà “Khó” thì cứ sống hoài vì tử thần không dám ra tay. Có lẽ vì thế mà ta thấy cảnh nghèo
khó còn tồn tại tới ngày nay.
Con người của mọi thời đại, mọi dân tộc đều
ước ao sống vĩnh cửu ngay ở cõi đời này. Nhưng nếu con người không phải chết,
trong cục diện hiện tại, thì thế giới này sẽ ra sao. Câu chuyện sau đây sẽ trả
lời câu hỏi đó.
Người ta không còn nhớ câu chuyện này xảy
ra vào năm nào, nhưng chắc chắn là xảy ra vào lúc dân số thế giới đã đông và
con người đã biết liên lạc với nhau qua các châu lục địa.
Tại Thụy Điển có một bà già nghèo khó, sống
cô độc trong túp lều, giữa cánh đồng hẻo lánh. Bà trồng được một cây táo thật tốt.
Mỗi ngày bà đi ăn xin tại các làng xung quanh. Người ta cũng chẳng thèm hỏi tên
bà. mọi người gọi bà là bà "Nghèo Khó.” Sau cùng cho tiện, họ đặt tên cho
bà là bà "Khó.” Bà ‘Khó” ban ngày đi ăn xin và tối về ngủ trong túp lều.
Bà chẳng cần tiện nghi gì, nên bằng lòng với cuộc sống khó nghèo này. Nếu có điều
làm phiền bà lại chính là cứ đến mùa táo, cây táo của bà tuy rất sai, nhưng táo
chưa kịp chín, thì lũ trẻ đã tới phá phách, bẻ trộm táo của bà. Đã có lần bà ở
nhà coi, nhưng vì không đi ăn xin, thì ngày đó không có gì ăn... nên bà đành để
lũ trẻ tự do tung hoành.
Một buốí tối, lúc bà sắp lên giường thì bỗng
nghe có tiếng rên rỉ ngay bên cạnh túp lều. Bà vội vã ra coi: đó là một cụ già
rách rưới, còm cõi, cụ xin bà giúp đỡ vì cụ chẳng những bị rét cóng, mà còn bị
đói lả. Bà liền vực cụ vào lều đặt lên giường, đốt củi sửa ấm cho cụ và cho cụ
ăn uống, rồi bà nhường giường cho cụ nằm, còn bà thì nằm đất suốt đêm đó. Sáng
thức dậy, bà “Khó” vô cùng bỡ ngỡ, vì cụ già rách rưới đã biến mất, thay vào đó
là một vị thánh.
Vị thánh bảo bà “Ta là thánh Nicolas, tối qua ta giả làm người đói rách để thử lòng bác
ái của con, ta rất hài lòng vì cử chỉ thương người của con, vậy con muốn gì ta
sẽ ban cho.” Bà "Khó" nghĩ mình cũng chẳng cần xin gì. Duy chỉ có
một điều bà ao ước từ lâu, là làm sao giữ được cây táo sai trái, cho bọn trẻ
không tới ăn cắp... Số tiền bán táo chắc cũng thu được nhiều! Vì thế bà chỉ xin
thánh Nicolas một ơn, là giữ cây táo cho bà.
Thánh Nicolas bảo: "Từ nay sẽ không một đứa trẻ nào dám tới ăn cắp táo của con nữa.
Ta sẽ làm phép đế bất cứ ai trèo lên cây táo, là sẽ bị treo lẳng lơ lên cây
táo, cho tới khi con ra lệnh thì người đó mới xuống được.” Nói rồi thánh Nicolas
biến mất.
Sáng đó, bà lão vui mừng, yên tâm vào làng
ăn xin. Tới chiều khi trở về, thì lạ thay, bà thấy một lũ trẻ đang leo lẳng lơ
trên cây táo. Chúng trèo lên bẻ trộm táo và rồi bị treo trên đó, không thể nào
xuống được. Cả những đứa ở dưới, đưa tay lên, để kéo bạn xuống, cũng bị dính
vào bạn và chúng lơ lửng thành một chuỗi dài, từ cành táo xuống tới đất. Lúc bà
về, chúng van xin bà làm cách nào cho chúng xuống được. Bà giảng cho chúng một
bài lý luận, phải biết tôn trọng của người khác, bỏ thói trộm cắp... Lũ trẻ hứa,
sẽ không bao giờ còn dám tái phạm.
Bà cho phép tất cả cả được xuống. Kế từ
ngày đó lũ trẻ đồn ra là cây táo của bà "Khó" có ma, cho nên chẳng những
ban đêm, mà cả ban ngày không một ai dám bén mảng đến khu đất bà đang sống.
Một chiều nọ, lúc bà đi ăn xin về, bà thấy
tử thần, đã ngồi sẵn ngay trước cửa lều. Tử thần nói: "Đã tới giây phút, bà phải từ giã cõi đời để về chầu Chúa, bà hãy
theo tôi.”
Tuy sống cảnh nghèo nàn, đơn độc, bà
"Khó" vẫn còn ham sống, bà liền nói với tử thần: "Vì tôi phải ra trước tòa Chúa xin ông vui lòng ngồi chờ, để tôi
vào thay đồ.” Tử thần bằng lòng. Trong lúc bà thay đồ, bà nóí vọng ra: ”Xin mời ông lên bẻ vài trái táo ăn cho đỡ
khát.” Tử thần vui vẻ trèo lên hái táo, nhưng khi hái xong thì bị treo vào
cây táo, không xuống được. Tử thần van xin bà giúp… nhưng bà phớt lờ và đi ngủ
như thường. Vì nơi bà ở hoang vắng, không ai qua lại, nên tử thần kêu la, cũng
chẳng ai biết.
Ngày hôm sau, bà ung dung vào làng ăn xin
như không có chuyện gì xảy ra…
Nhưng rồi khắp vùng đó, rồi cả nước Thụy Điển,
Đan Mạch, Đức, Pháp, Anh v.v... khắp Châu Âu, cả Á, Mỹ, Phi, Úc châu... Một hiện
tượng lạ lùng xảy đến cho loài người: Không thấy một ai chết nữa (Lý do tử thần
đang bị treo trên cây táo của bà “Khó’). Người ta thông tin cho nhau, hỏi han
nhau, đánh điện đi khắp các nơi và con người biết là, mình không phải chết nữa.
Khắp thế giới vui mừng, người ta mở tiệc linh đình, ăn uống say sưa, thức thâu
đêm để chúc mừng nhau: Con người đã trở thành bất tử…
Nhưng rồi chỉ qua vài chục năm, số người chết
không có mà người mới sinh vẫn đều đặn. Nhà cửa bắt đầu thấy chật hẹp. Trước
đây một gia đình, cùng lắm chỉ có ông bà, cha mẹ, con cái sống chung, nay ông
bà không chết, cháu chắt cứ sinh sản, cảnh chật chội, thiếu thốn tất nhiên phải
đến. Lương thực thì có hạn, số người chỉ có tăng mà không có giảm, thế giới lâm
vào cảnh đói khát, chẳng những thiếu lương thực, mà cả đồ may mặc. Đất đai canh
tác và cả núi rừng nay cũng biến thành gia cư, thế mà chỗ ở vẫn thiếu.
Tệ hại
hơn cả, tuy là con người không chết, nhưng vẫn bị bệnh hoạn, tai nạn. Các nhà
thương đông nghẹt bệnh nhân, tới nỗi không còn giải quyết cách nào. Những người
thập tử nhất sinh cũng cứ sống nheo nhóc. Biết bao nhiêu người già quá, không
còn làm được việc gì nữa, chỉ nằm đó cho con cháu nuôi. Họ cũng chẳng hy vọng
được chết, để trút bỏ gánh nặng làm khổ con cháu. Cả những người bị xe cộ đè, nằm
không để người khác nuôi báo cô hết năm này qua năm khác.
Các phòng thí nghiệm, các nhà bác học đã cố
gắng tìm những phương thuốc giúp con người chết, mà rồi kết cục không ai phát
minh ra được (Vì tử thần không còn hoạt động). Thế giới treo những giải thưởng
thật lớn cho những ai tìm ra được môn thuốc “làm chết người”, mà cũng chẳng ai
tìm ra cả. Cả nhân loại lo âu, vì cứ tình trạng này thì chỉ vài ba chục năm
sau, sẽ không còn nơi ở, sẽ không còn lương thực. Vấn đề trường học, bệnh viện,
cũng không cách nào giải quyết được…
Lúc đó con người mới nhận ra là, nếu lớp
người trước sinh mà không chết, thì lớp người sau đành bó tay, không cách nào giải
quyết được vấn đề sinh sống.
Tại Thụy Điển, có một ông lang: (khi tử thần
chưa bị treo trên cây táo) thì ông lang này, được mời tới chữa bệnh cho ai, là
người đó sớm muộn gì cũng chết. Vì thế người ta gọi ông là ông “lang băm.”
Bây giờ ông “lang băm” ra sức nghiên cứu, để
bốc thuốc cho người ta chết, nhưng các thang thuốc của ông vô hiệu, uống thuốc
của ông con người vẫn sống.
Một buổi tối nọ, ông thị trưởng cho mời ông
“lang băm” tới, bàn với ông xem có cách nào làm cho người ta chết được không? Cả
hai bàn bạc, ăn uống với nhau mãi tới khuya. Ông lang băm say quá, không còn biết
lối về nhà. Ông đi lạc vào khu hoang vắng của bà “Khó.”
Bỗng từ xa ông nghe có tiếng rên rỉ, từ cây
táo của bà “Khó” phát ra: “Xin thương
tôi, có ai đến giúp tôi với.”
Ông “lang băm” liền trèo lên, kéo tử thần
xuống. Nhưng rồi lại không xuống được, ông bị treo vào cây táo với tử thần. Bà
Khó lúc này đã quá già, bà trở thành nghễnh ngãng, nên khi ông lang băm kêu cứu,
bà cũng vẫn ngủ yên giấc.
Sáng sớm hôm sau, gia đình ông lang băm
không thấy ông về. Cả nhà đổ đi tìm và người ta đoán là, ông có thể lạc vào khu
đất ma quái của bà “Khó.” Họ rủ nhau vào đó. Họ thấy ông “lang băm” và tử thần
đang treo trên cây táo. Người ta trèo lên kéo ông xuống.
Nhưng rồi cứ ai trèo lên, thì lại không xuống
được, người nọ bám vào người kia, thành những chuỗi hàng dài lơ lửng trên cây
táo. Mỗi lúc, người ta đến một đông, coi việc lạ lùng. Và tiếng ồn ào huyên náo
kêu gào, làm cho bà “Khó” tỉnh giấc.
Bà mới hay sự việc. Tử thần cho bà biết là,
cả thế gian đang đau khổ vì con người không chết. Chỉ có tử thần mới giải quyết
được sự đau khổ của nhân loại. Vậy xin bà cho tử thần xuống để cứu giúp nhân loại.
Bà “Khó” bằng lòng cho phép tử thần xuống.
Tử thần phải ra tay làm việc liên tục ngày đêm vì lúc đó rất nhiều người giành
nhau chết. Những người cần chết trước thì tử thần cho quyền ưu tiên.
Chính ông “lang băm” cũng phải mất rất nhiều
ngày làm phụ tá cho tử thần.
Riêng có bà “Khó” cứ sống hoài vì tử thần không dám ra tay. Có lẽ
vì thế mà ta thấy cảnh nghèo khó còn tồn tại tới ngày nay.