Thứ Năm 21/6/07
T. Lu-y
Gon-da-ga
ANH EM HÃY CẦU
NGUYỆN THẾ NÀY
“…Vì Cha anh em biết rõ anh em cần gì trước khi anh em cầu xin, vậy anh
em hãy cầu nguyện thế này…” (Mt 6,7-15)
Suy niệm: Hồi năm rồi,
khi bản dịch Việt ngữ mới của Sách Lễ Rôma được phổ biến, người ta đã tốn nhiều
giấy mực để tranh luận về câu cú, chữ nghĩa - trong đó có cuộc tranh luận về
việc nên gọi “Chúa” hay “Cha” trong một số văn mạch. Điều thật rõ ràng là Đức
Giêsu đã dạy các môn đệ Người ngày xưa (và chúng ta hôm nay) gọi Thiên Chúa là
Cha. Điều này không thấy nơi bất cứ tôn giáo nào khác. Không ai gọi Thần, Phật,
Thượng Đế, Đấng Tối Cao là cha của mình cả… Các Đấng ấy xem chừng quá cao, quá
xa – và người ta giữ thái độ “kính nhi viễn chi”… Tiếng “Cha” mà người Kitô hữu
dùng để gọi Thiên Chúa, vì thế, là một cuộc cách mạng, một mạc khải thật lớn và
thật bất ngờ: Thiên Chúa là Cha chúng ta, Ngài luôn ở gần bên ta, Ngài yêu
thương và biết rõ ta cần gì trước cả khi ta lên lời, Ngài hằng quan tâm săn sóc
ta.
Mời Bạn: Chúa Giêsu
khuyên ta “đừng lải nhải như dân ngoại,” vì “không phải nói nhiều là được nhận
lời.” Người dạy ta cầu nguyện với Cha trên trời bằng Kinh Lạy Cha. Với trọn tâm
tình, ta xin cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha hiển trị, thánh ý Cha được thực
hiện… Chúng ta cũng xin Cha ban cho mình những phương tiện để sống, và nhất là
ta xin Cha thứ tha những lỗi lầm, kèm với lời hứa rằng mình sẽ tha thứ cho anh
chị em… Quả thực, Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện mẫu mực.
Chia sẻ: Gọi Thiên
Chúa là “Cha” và biết rằng Ngài thực sự là Cha của mình, điều đó đem lại cho
bạn những cảm xúc nào?
Sống Lời
Chúa: Trong Thánh Lễ và trong kinh nguyện hằng ngày, bạn chú tâm đọc Kinh Lạy
Cha thật sốt sắng.
Cầu nguyện: Chọn một tư
thế thích hợp nhất (quì hoặc đứng, chắp tay hoặc dang tay) để đọc hay hát Kinh
Lạy Cha.