Bài giảng
lễ Thánh Gia Thất
“Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng
bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14).
Khi chiêm ngắm
những tấm ảnh gia đình Thánh Gia, chúng ta thường thấy một cảnh sống thật thanh
bình: Đức Mẹ ngồi khâu vá, Thánh Giuse đang làm mộc, còn Chúa Giêsu đang quan
sát cha làm việc. Nếu cứ nhìn vẻ bề ngoài như vậy, bất cứ ai cũng đều nghĩ rằng,
đời sống gia đình Thánh Gia quả là một đời sống lý tưởng, bởi nhịp sống mỗi
ngày cứ trôi đi một cách hoàn toàn phẳng lặng. Thế nhưng, trong thực tế, gia
đình Thánh Gia cũng gặp phải những khó khăn, những sóng gió như bất cứ một gia
đình nhân loại nào khác.
Gia đình là nền
tảng của Xã hội và Giáo Hội. Thế nhưng một
thực tế là, ở nhiều nơi, “cái nôi” đó đang bị đe dọa, đang bị lung lay tới tận
gốc rễ. Gia đình đang mất dần vai trò là “tổ ấm” của mình do tình trạng lục đục
trong hôn nhân của các cặp vợ chồng. Hậu quả của những đổ vỡ đó dẫn đến việc
nhiều đứa trẻ phải sống trong cảnh thiếu tình cha, vắng tình mẹ; dần dà trở
thành những nạn nhân của những tệ đoan xã hội.
Nhận thấy tầm
quan trọng của gia đình trong việc Giáo dục con cái, Đức cố Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II, trong tông huấn về gia đình “Familiaris Consorto” đã khuyến cáo các
bậc phụ huynh: “Cha mẹ phải nhìn nhận rằng,
chính họ là những nhà giáo dục đầu tiên và trên tất cả đối với con cái. Vai trò
giáo dục của họ quyết liệt đến nỗi thật khó tìm được bất cứ điều gì có thể đền
bù vào sự thất bại của họ. Cha mẹ phải nhận trách nhiệm tạo bầu khí gia đình đầy
linh hoạt trong tình yêu và tôn kính Thiên Chúa và mọi người, để sự phát triển
hoàn mỹ về cá tính và xã hội được nẩy nở trong con người. Vì vậy, gia đình là
trường học đầu tiên cho tất cả những đức tính Giáo hội và xã hội mà bất cứ xã hội
nào cũng cần phải có”. Muốn được như vậy, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta
hãy cùng nhìn ngắm vào mẫu gương gia đình Nazarét.
Từ mẫu gương Gia đình Nazarét
Khi chiêm ngắm
những tấm ảnh gia đình Thánh Gia, chúng ta thường thấy một cảnh sống thật thanh
bình: Đức Mẹ ngồi khâu vá, Thánh Giuse đang làm mộc, còn Chúa Giêsu đang quan
sát cha làm việc. Nếu cứ nhìn vẻ bề ngoài như vậy, bất cứ ai cũng đều nghĩ rằng,
đời sống gia đình Thánh Gia quả là một đời sống lý tưởng, bởi nhịp sống mỗi
ngày cứ trôi đi một cách hoàn toàn phẳng lặng. Thế nhưng, trong thực tế, gia
đình Thánh Gia cũng gặp phải những khó khăn, những sóng gió như bất cứ một gia
đình nhân loại nào khác.
Còn thử
thách nào lớn hơn cảnh nghèo. Vì nghèo mà biết bao gia đình sinh ra bất hoà, ấy thế mà Thánh
Gia đã phải trải qua những kinh nghiệm của kiếp nghèo. Ngay khi Chúa Giêsu chuẩn
bị ra đời, gia đình Thánh Gia đã bị người ta xua đuổi, bị hất hủi đến nỗi phải
trú ngụ trong chuồng bò lừa. Thê thảm hơn nữa, phải sinh con giữa bầy súc vật,
không giường chiếu chăn màn.
Còn gì buồn
hơn là bị thù ghét, bị săn đuổi? Thánh Gia sống hiền lành khiêm nhường, thế mà phải chịu đựng sự
thù ghét của Hêrôđê. Vừa sinh ra, còn trẻ còn non nớt mà cha mẹ đã phải bồng bế
con chạy trốn, xa quê hương đất nước, sống nơi đất khách quê người.
Còn cảnh nào bi
đát bằng cảnh vợ chồng hiểu lầm nhau? Thế mà Thánh Giuse đã hiểu lầm Đức Mẹ khi Đức Mẹ thụ thai bởi quyền
phép Đức Chúa Thánh Thần. Ai đã trải qua cảnh nghi ngờ bị phản bội sẽ hiểu
Thánh Giuse đã bị giày vò đau đớn đến mức nào.
Còn gì khiến
cha mẹ buồn hơn khi thấy con cái không ngoan ngoãn vâng lời, bỏ nhà
ra đi? Vậy mà Thánh Giuse và
Đức Mẹ đã phải chứng kiến cảnh đứa con ngoan ngoãn của mình tự động ở lại Đền
Thờ mà không xin phép cha mẹ. Các ngài vất vả lo âu tìm kiếm thì ít, nhưng buồn
phiền đau khổ thì nhiều. Làm sao các ngài tránh khỏi buồn phiền khi nghĩ rằng
người con mà các ngài rất mực yêu quý đã không vâng lời cha mẹ?
Những sóng gió
mà Thánh Gia đã phải đương đầu như thế có lẽ nhiều và nặng nề hơn những gia
đình bình thường. Thế nhưng các ngài vẫn giữ được hạnh phúc gia đình. Vậy nhờ
bí quyết nào các ngài đã vượt qua được biết bao cơn sóng gió như thế?
Trước hết các
ngài luôn tìm thánh ý Chúa. Mỗi khi gặp gian nan thử thách, các ngài không tìm ý riêng mình,
cũng không tìm ý thích của người đời, nhưng luôn đi tìm ý Thiên Chúa. Tìm ý
Chúa mạc khải trong Kinh Thánh, qua các biến cố xảy đến. Tâm sự với Chúa trong
giờ cầu nguyện. Hỏi ý kiến Chúa nơi các vị đại diện.
Khi biết được
thánh ý Chúa, các ngài lập tức mau mắn vâng lời. Đức Mẹ muốn giữ mình đồng trinh, nhưng khi biết ý
Chúa muốn cho Người làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Mẹ liền thưa: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, tôi xin vâng lời thiên sứ truyền”.
Thánh Giuse đang muốn bỏ đi, nhưng khi biết ý Chúa muốn cho Người ở lại, Người
đã vâng lời ngay không ngần ngại.
Sau cùng, các
ngài luôn quên mình vì hạnh phúc của mọi người trong gia đình. Thánh Giuse tuy là gia trưởng, nhưng đã hết tình
phục vụ Đức Mẹ và Đức Giêsu. Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng lại xưng mình là
tôi tớ của Thiên Chúa. Còn Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng lại trở thành người
con bé nhỏ nhất trong gia đình.
Đến Gia đình chúng ta
Ngày nay, nhiều
gia đình gặp khủng hoảng, lâm vào cảnh cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, vì đã
không biết áp dụng những bí quyết của Thánh Gia. Mỗi khi gặp khó khăn, thay vì
cầu nguyện, đọc Phúc Âm để tìm ý Chúa thì lại đi tìm ý kiến ở những nơi mê tín dị đoan.
Thay vì vâng lời Chúa qua các vị bề trên thì lại chỉ tìm ý riêng mình. Thay vì khiêm nhường
quên mình thì lại kiêu ngạo tự ái, bắt người khác phải phục vụ mình.
Vậy đâu là
phương thế giúp chúng ta có thể trở nên những gia đình mẫu mực như lòng Chúa ước
mong? Lời Chúa trong thứ của Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côlôxê (Cl
3,12-21) đã cho chúng ta biết: “Anh em
hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng
và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người
kia”. Người Việt Nam có câu: “Một sự
nhịn, chín sự lành”. Trong đời sống gia đình, làm sao có thể tránh khỏi những
lúc xô xát, cãi cọ… nhưng nếu, vợ chồng biết nhường nhịn nhau thì cửa nhà sẽ êm ấm. “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn” là vậy. Ở đây, lý do mà
Thánh Phaolô đưa ra khiến ta phải tha thứ cho nhau là vì: Chúa đã tha thứ những lỗi lầm cho chúng ta
(x. Cl 3, 13).
Tiếp đến, để giữ được mối thuận hảo trong gia
đình, thì: “Trên hết mọi đức tính, anh em
phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14). Lòng bác
ái ở đây phải phát xuất từ con tim chân thành, không kiêu căng, không tự ái,
như trong “Bài ca đức ái” mà thánh Phaolô đã dạy: Bác ái là tha thứ, là tin tưởng
cậy trông tất cả. Là thông cảm và luôn thứ tha.
Sau cùng, thánh
Phaolô khuyên chúng ta: “Anh em có làm
gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ
Thiên Chúa Cha” (Cl 3,17). Mỗi khi hành xử, chúng ta hãy đặt câu hỏi rằng:
tôi làm điều này, nói điều kia có nhân danh Chúa hay không?
***
Đức Gioan
Phaolô II đã viết: “Hôn nhân và gia đình
là một trong những tài sản quí báu nhất của nhân loại” (Tông thư Familiaris
consortio, số 1). Đã là tài sản quý, thì ai cũng phải có bổn phận giữ gìn, nâng
niu và trân trọng. Mừng lễ Thánh Gia thất hôm nay, Giáo Hội ước muốn mỗi gia
đình chúng ta hãy nhìn lên tấm gương của gia đình Nazarét để học biết cách gìn
giữ hạnh phúc gia đình mình. Nguyện chúc cho tất cả các gia đình luôn sống
trong sự bao bọc chở che của tình yêu Chúa, để mai ngày, mọi thành viên trong
gia đình chúng ta sẽ được cùng hân hoan vui mừng đoàn tụ với nhau trên thiên quốc
để ca tụng tình yêu Chúa muôn đời. Amen.