Vấn đề gia đình:
NÓI MỘT HIỂU TRĂM
Khả năng thấu suốt, bao quát vấn đề để phát hiện những
dấu hiệu tinh tế, những hiện tượng nhạy cảm vốn rất cần thiết trong hôn nhân...
Tuy nhiên, mọi bước đi quá đà đều dễ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng...
“Ý TẠI NGÔN NGOẠI” Thanh Thùy (kế toán, ngụ tại F.1, Q.5) luôn tự hào vì khả năng “hiểu
sâu” của mình. Chỉ cần liếc thấy một cái nhướng mắt, nhíu mày, hay nghe được
vài câu ai đó kể, cô cũng tự suy ra được vấn đề trong câu chuyện.
Được bạn
bè khen ngợi là tâm lý, nhanh nhạy, Thùy càng tự tin phát huy năng lực. Cũng vì
thế, Đức Trung – chồng Thùy phải gánh chịu lắm cảnh dở khóc dở cười từ vợ.
Thực
chất, việc Thùy “nghe ít hiểu nhiều” đem lại không ít lợi ích cho gia đình. Vừa
nghe ba má chồng than mỏi lưng, chán ăn, hôm sau cô đã mang biếu hộp thuốc bổ;
bữa tới lại nghe chồng khen “thích nhất cá chép om vợ làm”, đến mai anh được
thưởng thức ngay. Tuy nhiên theo thời gian, dường như Thùy càng hướng
dẫn sự nhạy cảm về phía tiêu cực hơn là tích cực, để rồi những cơn hờn dỗi, những đúc kết “điếng người” cứ thể đổ ụp lên
Trung từng ngày.
“Thì ra anh nói vậy là vậy… phải không?”, “Em không ngờ
anh lại nghĩ như thế… ”, “Ý anh là… chứ
gì!” là những mẫu câu Trung thường xuyên nhận được từ vợ những lúc anh lỡ
nói gì không trúng ý. Ngôn từ thì ít, song ý tưởng hoa lá cành mà Thùy tự bồi
đắp them có thể triển khai ra… vô hạn. Còn nhớ, có lần Thùy chưa giải quyết hết
mớ sổ sách sếp giao nên phải đem về nhà làm mấy đêm liến. Thấy vợ thức khuya,
Trung định hủy buổi picnic cuối tuần của hai vợ chồng để cô thư thả làm việc,
nghỉ ngơi. Vừa đưa chuyện: “Em à, hay mai
mình ở nhà nha, đặng em có thời gian làm”, Trung đã thấy
Thùy sa sầm: “Anh có thương em đâu, thấy em mệt mà con kêu ở nhà để lu bu việc chợ
búa… ” “Đâu có, ý là anh lo cho em,
muốn em dư dả thời gian chút, tuần sau mình đi cũng được, coi như tiết kiệm một
khoản cho tuần này.” Thùy vặn lại: “Thì ra đi chơi với vợ anh cũng
tính toán chi ly từng đông!” Đến nước này Trung chỉ còn cách kêu trời. Chịu
hết nổi, có lần Trung la làng: “Em nghĩ
quá chi vậy, anh sợ lắm!”, lập tức Thùy “kết luận”: “Ý anh là tui
nói nhiều, dai nhách chứ gì, vậy chứ hồi đó ai kêu tui tinh tế, sâu sắc, hóa ra
anh đã lầm về tui, thôi dẹp đi… ”
NÂNG TẦM BẢN CHẤT
Cũng mắc
tính hay đoán, ưa suy như Thùy, song Khánh Mai (ngụ Linh Xuân, Thủ Đức) không
dừng ở hàm ý mà thường xuyên nâng hiện tượng lên thành… bản chất. Mỗi lần Quốc
Thanh, chồng Mai làm gì không vừa ý, Mai đâu than vắn thở dài, ra
chiều bi kịch: “Trời, mới cưới có mấy năm anh đã thành ra như vậy rồi, kiểu vầy sống
thêm… mấy năm nữa ai biết đổ đốn ra sao!”, hoặc “Đó mới chút mà mình đã gây nhau, chắc lâu dài mình hết… hợp đường ai
nấy đi quá.” Thực chất, kết luận hùng hồn đó chỉ bắt nguồn từ những xung
đột, hiểu lầm vụn vặt trong gia đình.
Vài lần
đi chợ giùm vợ, về nhà Thanh đều nghe cô trách: “Có miếng rau
con cá mà anh cũng mua hớ, hoặc là anh quá vụng về, hoặc là anh ham nhìn mấy
con nhỏ bán hang lung liếng nên bị tụi nó dụ rồi!” Từ đó, Mai mặc nhiên cho
rằng chồng vụng về, nên không bao giờ tin tưởng anh khoản chợ búa bếp núc. Mấy
lần Thanh về trễ vì bận tiệc tùng tiếp khách, dù anh đã báo trước, “xin phép”
đàng hoàng, Mai vẫn nói thêm: “Lấy rồi mới hay anh ham đàn đúm
nhậu nhẹt, chắc giờ còn bia ôm em út nữa, đàn ông vô tâm đến thế là cùng!”
Có bữa thấy vợ hào hứng lên kế hoạch kinh doanh hàng xách tay online, anh phân
tích thiệt hơn, nào là vốn mình không nhiều, nguồn hàng chưa ổn định, thời gian
làm văn phòng với chăm gia đình, nghỉ ngơi chưa đủ, nên suy nghĩ tính toán kỹ.
Mới gật gù với chồng một chút thì lòng hoài nghi và khả năng “xé chuyện” của
Mai chợt dâng lên. Cô quay ra buộc chồng tội “coi thường phụ nữ, xem thường
khả năng của vợ, vợ có hoài bão mà không ủng hộ, còn bàn ra, vùi dập.” Rồi
cô chốt lại: “Chắc anh muồn em suốt ngày
vâng lời, ru rú trong nhà thì mới thỏa cái thói ích kỷ!” Mới đầu, Thanh
nghe vợ “đúc kết” vậy thì còn hoảng, năn nỉ xin lỗi, hứa hẹn cho vợ an tâm.
Riết rồi, anh đâm ra bi quan, mất dần lòng tin vào bản thân và cả cuộc hôn nhân
đang có.
TỨC NƯỚC VỠ BỜ
Thực
chất sau mỗi lần gay gắt, buộc tội chồng, khi hết cơn buồn bực thì Mai cũng trở
lại cư xử nhẹ nhàng. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh về sự kém cỏi của bản thân và không
khí ngột ngạt của đời sống vợ chồng vẫn đeo đuổi Thanh. Một hôm, Thanh bất ngờ
khi vừa gặp Tú, bạn của cả hai vợ chông, nghe cô hỏi: “Vợ chồng ông dạo này sao thế, đừng vô tâm mà làm khổ nó nữa!” Hỏi
ra mới biết, mấy lúc bức xúc chồng, Mai đều tìm Tú để trút bớt, rồi sẵn miệng
nâng tầm lên bao nhiêu là thói hư tật xấu của đàn ông, và cho rằng hôn nhân đem
tới bao nhiêu bi kịch cho phụ nữ… Quá bàng hoàng, hụt hẫng, nay tối đó Thanh về
nhà tuyên bố: “Nếu em thấy sống với tôi
thảm thương khổ sở đến vậy thì tôi giải thoát cho em, chứ em không việc gì phải
chịu đựng người chồng tồi tệ này!”
Chuyện
của vợ chồng Thùy – Trung cũng ngày càng căng thẳng khi Trung nói mãi không
xong, nặng nhẹ đủ chiều mà Thùy vẫn cứ tật suy đoán, hờn dỗi, vẽ lá vẽ cành.
Trung ngày càng mệt mỏi, áp lực. Từng lời ăn thiếng nói, anh đều phải “lọc” kỹ,
tránh những gì quá riêng tư, phức tạp. Tránh mãi, tránh mãi, đến nỗi càng về
sau, Trung càng không còn gì để nói với vợ. Ban đầu thấy Trung lặng lẽ chiều
chuộng, nghe lời răm rắp, Thùy rất đắc ý vì nghĩ mình đã “dạy chồng thành công.”
Chỉ đến lúc cô lờ mờ nhận ra lâu lăm rồi Trung chẳng chia sẻ, tâm sự gì; căn nhà giờ đây chỉ còn cô huyên thuyên, chỉ đạo,
anh chỉ “ừ ừ, anh cũng thế”, hoặc cười cười gật đầu; và rằng mấy tuần nay anh
hay lên sân thượng chuyện trò rì rầm với ai đó khá lâu (mà anh cứ bảo là mẹ, là
em gái) thì nỗi kinh hãi về cái chết của cuộc hôn nhân mới hiện hình.
Nói cho
cùng, khả năng thấu suốt, bao quát vấn đề để phát hiện những dấu hiệu tinh tế,
những hiện tượng nhạy cảm vốn rất cần thiết trong hôn nhân. Điều này nếu được
vận dụng hợp lý, sáng suốt thì sẽ tăng thêm “quyền lực mềm” cho người phụ nữ.
Tuy nhiên, mọi bước đi quá đà đều dễ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, nhất là, khi
hành vi ấy mang tính buộc tội, động chạm đến lòng tự trọng, tự ái và giới hạn
chịu đựng của bạn đời, của những người xung quanh.
Thiên Di