Tại sao phải thực sự khó nghèo và công bằng để
RAO GIẢNG CHÚA KITÔ CÁCH HỮU HIỆU
“Đấng vốn giầu sang phú quí, nhưng đã tự ý trở
nên nghèo khó vì anh em để lấy cái nghèo của mình mà cho anh em trở nên giầu
có.” (2 Cor 8: 9).
Đức Thánh Cha Phanxiô quả
thực là người đã sống và rao giảng cách thuyết phục tinh thần khó nghèo của
Phúc Âm nói chung và của Thánh Phanxicô khó khăn thành Assisi cách riêng.
Đây là môt gương sáng chói
cho mọi người trong Giáo Hội noi theo để Giáo Hội của Chuá Kitô không chỉ rao
giảng mà thực sự phải sống tinh thần khó nghèo của Chúa “Đấng vốn giầu sang phú quí, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em
để lấy cái nghèo của mình mà cho anh em trở nên giầu có.” (2 Cor 8: 9).
Nhưng nghèo khó ở đây
không có nghĩa là phải đói rách, vô gia cư về mặt thể lý, mà cốt yếu là phải thực
sự khinh chê của cải, tiền bạc và sa hoa vật chất cùng danh vọng phù phiếm ở đời
này. Phải khinh chê để không chạy theo và làm nô lệ cho của cải, và tiền bạc,
khiến sao nhãng việc trọng yếu hơn là rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô và sống điều
mình rao giảng để trở nên nhân chứng đích thực cho Chúa và nhiên hậu thuyết phục
được người khác tin và sống điều mình rao giảng cho họ.
Phải nói lại điều này một
lần nữa, vì thực trạng sống của hàng giáo sĩ ở trong và ngoài nước quả có mâu
thuẫn với tinh thần khó nghèo của Phúc Âm, của Chúa Kitô, Đấng thực sự khó
nghèo đến nỗi “ không có chỗ dựa đầu,
trong khi chim trời có tổ và con chồn có hang.” (Mt 8: 20)
Ai dám nói là Chúa đã đóng
kịch khó nghèo, hay dạy ta điều không thể thực hiện được?
Nếu không, thì quả thật Chúa
đã đích thực sống khó nghèo ngay từ khi sinh ra trong chuồng bò, lớn lên sống
lang thang như người vô gia cư, và chết trần trụi trên thập giá để “hiến dâng mạng
sống mình làm giá chuộc cho muôn người” (Mt 20: 28) được cứu độ để sống hạnh
phúc, giầu sang phú quí với Chúa trên Nước Trời mai sau.
Như vậy, rao giảng Chúa
cho người khác thì không thể bỏ quyên nét đặc thù này trong đời sống của Chúa
Kitô. Nghĩa là không phải chỉ nói suông, giảng mơ hồ về lý thuyết mà quan trọng
là phải thực sự sống cái tinh thần khó nghèo của Chúa từ trong tâm hồn ra đến đời
sống bên ngoài, thì lời giảng dạy của mình mới có sức thuyệt phục người nghe.
Nói khác đi, là linh mục, nếu không sống tinh thần khó nghèo của Chúa Kitô để ham
mê tiền của, chỉ muốn đi đến các xứ giầu có để kiếm tiền, làm thân với người giầu
để trục lợi cá nhân, chê lễ có bổng lễ (mass stipend) thấp, hay không có bổng lễ,
để chỉ nhận làm lễ có bổng lễ cao… thì làm sao nói được là sống “cái nghèo” của
Chúa Kitô? Và như thế, lời giảng dạy của mình về đức khó nghèo sẽ thuyết phục
được ai nghe nữa?
Liên quan đến việc này, phải
nói thêm về thực trạng duy nhất chỉ có ở bên nhà.
Đó là các linh mục không
được trả lương, khiến ít ai muốn đến phục vụ cho những xứ nghèo và ở xa xôi nơi
miền quê. Ai cũng muốn đến những xứ giầu có ở thành thị để có được nhiều bổng lộc.
Đây là một tệ trạng, bất công gây ra bởi giáo quyền từ bao đời nay đã không
quan tâm giải quyết cách thỏa đáng vấn đề này để các linh mục được an tâm phục
vụ, không bị chi phối với nhu cầu vật chất thiết thực như có của nuôi thân, có
phương tiện chữa bệnh khi đau yếu, có chỗ an dưỡng khi về hưu. Câu ngạn ngữ “có thực mới vực được đạo” rất chính xác
áp dụng vào trường hợp này.
Nếu cứ để tình trạng hiện
này kéo dài, thì chinh giáo quyền đã và đang là nguyên nhân khiến cho một số
linh mục phải bon chen tìm về những xứ giầu, chê xứ nghèo không có nguồn lợi vật
chất. Đây là thực trạng phải nhìn nhận để giải quyết, chứ không phải là điều tưởng
tượng nhằm phê phán.
Tại sao không thể làm được
như các giáo hội Âu Mỹ là trả lương tối thiểu đồng đều cho các linh mục đi coi
xứ hay làm việc trong giáo phận, còn tài sản của giáo xứ thì thuộc quyền quản
trị của giáo xứ? Nếu giáo xứ không đủ khả năng trả lương theo qui định của giáo
quyền địa phương, thì địa phận liên hệ phải trả lương cho linh mục phục vụ ở
các xứ nghèo, thiếu thốn kia... Có làm được việc này, thì mới giải quyết được bất
công trong việc bổ nhiệm linh mục đi phục vụ ở các xứ đạo trong toàn địa phận.
Nói khác đi, nếu cứ duy trì tình trạng hiện nay, thì tệ trạng sẽ vẫn tiếp diễn
là nếu giáo xứ giầu, thì cha xứ giầu, xứ nghèo thì cha xứ không có những phương
tiện sống tối thiểu, khiến cứ phải chạy đi đó đâu để kiếm tiền, và sao lãng bổn
phận thiêng liêng là rao giảng Tin Mừng và làm nhân chứng cho Chúa Kitô, “Đấng đến không phải để được người ta phục
vu, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc cho muôn người.” Mt
20: 28)
Phải chăng vì thế mà cho đến
nay, vẫn còn nhiều linh muc và tu sĩ nam nữ thi nhau ra nước ngoài kiếm tiền
cho những nhu cầu dường như bất tận ở bên nhà?
Mặc dù ở Mỹ người ta đã cấm
xin tiền từ lâu rồi, nhưng ở những nơi có đông người Công giáo Việt Nam như
Houston, Dallas, New Orleans và California.., mỗi Chúa Nhật, người ta vẫn thấy
có các cha, các nữ tu đến gặp giáo dân ngoài cửa nhà thờ hay đi đến các tư gia
để xin tiền!
Nhưng thử hỏi: tiền xin được
đem về có ai biết được là bao nhiêu và dùng vào việc gì hay không? Lại nữa, nếu
người này đi và xin được nhiều tiền, thì sẽ lôi kéo người khác đi theo, và tình
trạng này sẽ không bao giờ chấm dứt được chỉ vì hấp lực của đồng dollar, gây trở
ngại lớn lao cho người tông đồ lớn nhỏ sống và thực thi tinh thần khó nghèo của
Chúa Kitô. Đây là thực tế không thể chối cãi hay biện minh cách nào khác cho hợp
lý được.
Chưa hết, còn tệ trạng này
nữa: thông thường trong Giáo Hội, linh mục hay tu sĩ chỉ nên ghi nhớ kỷ niệm thụ
phong hay khấn Dòng của mình được 25 năm (ngân khánh) hay 50 năm (Kim khánh) mà
thôi. Chứ không bao giờ năm nào cũng kỷ niệm, hay cứ 10 năm, 15 năm, 35 năm, 40
năm lại mừng kỷ niệm để mời nhiều khách đến ăn ở nhà hàng hầu kiếm lợi cho mình
và làm phiền cho nhiều người khác. Phải nói là làm phiền vì lâu lâu lại được mời
đi dự kỷ niệm thụ phong, 25 năm 35 năm, 40 năm và sẽ 45 năm... của ai không biết
ngượng, khi cứ mời mãi mọi người quen biết đến dự kỷ niệm thụ phong của mình.
Muốn mừng nhiều lần như vậy, thì sao không âm thầm mừng riêng trong gia đình
mình thôi, mà lại phải ồn ào mời khách đến nhà hàng để họ phải mừng tiền cho
mình làm giầu như vậy, thì làm sao sống được “cái nghèo” của Chúa Kitô?
Dù sống ở Mỹ, Canada hay
ÚC châu thì đời sống của giáo dân không phải ai ai cũng có dư tiền của để chi
phí xã giao hay làm việc bác ái. Có nhiều gia đình đã than là mỗi tuần nhận được
3, 4 thiệp cưới nên không thể đi dự hết được. Dầu vậy vẫn phải gửi tiền mừng. Nếu
mỗi tuần nhận được 2 thiệp cưới lại thêm thiệp mừng 35 năm, 40, 45 năm năm của
linh mục nào nữa thì ngân sách gia đình có lợi tức thấp làm sao cung ứng cho đủ???
mà nếu cứ phải đi mừng thì người ta có vui để làm việc này hay không? Vậy, hãy
đặt mình vào trường hợp đa số người có lợi tức thấp, hay những ông bà già sống bằng
tiền già hay trợ cấp SSI thì mời họ đi dự tiệc của mình nhiều lần như vậy có phải
là việc xã giao bác ái phải làm, hay chỉ là lợi dụng lòng tốt của người ta để
kiếm lợi cho mình???.
Thử hỏi với số khách mời
trên dưới 1000 người và ăn ở nhà hàng sang trọng thì lợi tức thu về sẽ là bao
nhiêu, và người tổ chức dùng số tiền khổng lồ này vào việc gì cho xứng đáng và
phù hợp với tinh thần khó nghèo của Phúc Âm mà mình được mong đợi phải sống để
làm gương và thuyết phục người khác tin điều mình rao giảng về đức khó nghèo
cho họ.
Chúa nói “ai có tai nghe thì nghe.” (Mt 13: 43;
Mc 7: 16; Lc 8: 8)
Chưa hết, ở bên Mỹ còn có
tệ trạng này nữa, là các linh mục, ở một vài nơi có đông giáo dân VN, thường
đua nhau đi “đồng tế” cuối tuần trong
các lễ cưới, lễ tang để nhận phong bì của gia chủ.
Đi đồng tế vì thân quen với
gia đình có đám cưới hay tang lễ thì không nói làm gì. Nhưng đi “đồng tế” chỉ vì được mời cho có đông
linh mục để gia chủ được hãnh diện với công đoàn giáo xứ, thì đây là điều không
nên làm. Không nên làm để tránh nhận phong bì của gia chủ, khiến cho mình khó sống
tinh thần nghèo khó, vì linh mục ở Mỹ đều có lương của giáo xứ. Do đó, nếu mỗi
cuối tuần kiếm thêm vài ba trăm nữa là điều không cần thiết cho nhu cầu của bản
thân. Hơn nữa, còn làm cho các gia đình nghèo, không quen biết nhiều linh mục,
buồn tủi vì lễ cưới hay lễ tang của gia đình họ không có nhiều cha đồng tế,
Liên quan đến việc này,
tôi thấy cần phải nói lại một lần nữa là ơn Chúa ban xuống cho ai còn sống hay
đã qua đời tuyệt đối không dính dáng gì đến việc có đông hay không có linh mục
nào đồng tế.
Nếu sống mà không đi tìm
Chúa, không yêu mến Chúa trên hết mọi sự, mà chỉ đi tìm những vui thú, lợi lãi
tội lỗi ở đời này, thì khi chết dẫu có cả trăm linh mục, giám mục, hồng y dâng
lễ và đồng tế thì cũng vô ích mà thôi.
Ngược lại, nếu đã thực tâm
yêu mến Chúa và sống theo đường lối của Người, thì khi chết, dẫu không có ai
làm lễ an táng, hay không có linh mục nào đồng tế thì cũng không hề thiệt thòi
gì về mặt thiêng liêng, vì đời sống của mình trên trần thế đã đủ để được Chúa
đoái thương và ân thưởng phúc trường sinh. Đây là điều các linh mục phải dạy bảo
cho giáo dân biết để không ai bị lừa dối chậy theo những vẻ hào nhoáng bề ngoài
như đốt nhiều đèn nến trong nhà thờ, kéo chuông ầm ỹ và có nhiều linh mục đồng
tế.
Chúa là tình thương và giầu
lòng tha thứ. Tuy nhiên, con người cũng phải tỏ thiện chí muốn đáp lại tình
thương của Chúa bằng quyết tâm từ bỏ ma quỉ và mọi quyến rũ của thế gian và ham
muốn tội lỗi của xác thịt. (...)
Tóm lại, là người tín hữu
Chúa Kitô sống trong thế giới tục hóa ngày nay, mọi người, từ hàng giáo phẩm,
giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, đều được mong đợi sống nhân chứng cho Chúa về tinh
thần khó nghèo, về đức công bằng, thực thi bác ái, giầu lòng nhân đạo và trong
sạch để đẩy lui bóng đen của tội lỗi, của gian ác và sự dữ vô luân, vô đạo đang
lộng hành ở khắp nơi trong và ngoài nước hiện nay.
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn
Huấn