SÁM HỐI - BƯỚC ĐẦU TIÊN THEO CHÚA
Bởi tình yêu mà Chúa sẵn sàng ôm vào
lòng mọi tội nhân thống hối, nhưng chỉ mở cửa Nước Trời cho những tâm hồn nào sẵn
lòng bỏ ý riêng mà tìm ý Thiên Chúa.
Có hai phụ nữ đến gặp vị ẩn sĩ. Một người tự nhận mình tội lỗi nặng nề vì đã
phản bội chồng, trái lại, người phụ nữ kia thì yên tâm thấy mình
không phạm một tội nặng nào.
Sau khi nghe hai phụ nữ kể tâm trạng mình,
vị ẩn sĩ nói với người thứ nhất: “Hỡi nữ tì của Thiên Chúa,
con hãy ra ngoài tìm một tảng đá nặng và mang về đây cho ta”; với người thứ hai thì ông
nói: “Phần con không phạm tội gì nặng, con hãy
mang về một túi những hòn đá nhỏ thôi.”
Hai bà vâng lời ra đi, một lát
sau họ trở lại. Người đầu khệ nệ bê một tảng đá nặng, còn người kia xách một túi những hòn
đá nhỏ. Bấy giờ, vị ẩn sĩ mới bảo họ hãy đem tảng đá cũng như những hòn
đá nhỏ đặt trở lại đúng chỗ mình đã thấy lúc nãy, rồi trở lại gặp ngài.
Người đầu dễ dàng đặt tảng đá vào chỗ cũ, còn người kia
không sao nhớ nổi chỗ của từng hòn đá. Cả hai trở về và kể lại cho vị ẩn sĩ nghe việc làm của mình.
Ông nói với người thứ nhất: “Con đặt được tảng đá vào chỗ cũ dễ dàng vì con biết rõ nó ở đâu”; và nói với người kia: “Cái khó của con là không
nhận ra được chỗ của chúng.”
Lòng thống hối là điểm bắt đầu cho việc đón nhận Tin Mừng: Sứ vụ của Đức Kitô đã được thánh Gioan Tẩy giả chuẩn bị bằng việc kêu gọi lòng
thống hối: “Anh em hãy sám
hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2). Đó cũng là
câu đầu tiên của Đức Kitô đã nói khi bắt đầu rao giảng Tin Mừng, theo
tường thuật của Phúc âm Matthêu (Mt 4,17). Vì thế, cái
khó cho lòng thống hối cũng là cái khó cho việc đón nhận Tin Mừng.
Đức Kitô đã cho thấy cái khó đó trong dụ ngôn
hai anh em cùng nghe lệnh cha bảo họ đi làm vườn nho, một người nói không nhưng sau lại hối hận và đi làm, người kia
nói vâng rồi chẳng làm gì cả. Điểm khác biệt căn bản giữa hai
thái độ nằm trong câu hỏi Đức Kitô đặt vào cuối câu
truyện: “Ai đã thi hành
ý muốn của người cha?”
Lòng thống hối Thiên Chúa mong muốn không phải là
than khóc về tội mình đã phạm mà là một sự đổi mới toàn
diện và triệt để trong đời sống để nên một tạo vật mới theo gương mẫu Đức Kitô, Thiên Chúa nhập thể, để đưa sự sống thần linh vào đời mình: “anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô
Giê-su.” Tâm tình đó có nền tảng là sự tự hạ và vâng phục tuyệt đối thánh ý Cha trên trời: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,5.8),
Trở lại câu chuyện trên, khi nghe vị ẩn sĩ nói, người phụ nữ phạm tội ngoại tình biết ngay được việc phải làm
còn người kia thì không; cũng thế, khi Gioan đến rao giảng “Anh em
hãy sám hối” thì những người thu thuế và các cô gái điếm lại tin, còn các thượng tế và kỳ mục không
tin vì chẳng thấy mình có tội gì để sám hối. Khi liên kết lời trách
họ không tin ông Gioan Tẩy giả với câu chuyện hai
anh em trong dụ ngôn, Đức Kitô đã gián tiếp coi họ là người thưa vâng mà không đi làm, những người yên tâm với các giờ kinh và
những khoản đóng góp theo luật định, và coi mình là người đạo đức vì đã
là thầy dạy cho mọi người biết về những việc đạo đức.
Trong khi đó, tâm tình sám hối dẫn vào Tin Mừng đòi hỏi một cuộc đổi mới tất cả cuộc sống,
không ngần ngại, không lưỡng lự, như một người thu thuế tên là
Mát-thêu đã làm: “Khi ấy, Đức Giêsu đi
ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là
Mát-thêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy
theo tôi!.” Ông đứng dậy đi theo Người” (Mt 9,9)
George Washington, tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, từ khi còn
bé đã tỏ ra là một người phục thiện và yêu sự thanh liêm. Một hôm ra
vườn làm cỏ, cậu đã vô tình chặt đứt mấy cây anh đào mẹ cậu rất yêu
thích. Thấy mấy cây anh đào bị chặt, cha cậu hỏi:
- Con có biết ai đã
chặt mấy cây anh đào
không?
- Con đã lỡ tay chặt mấy cây anh đào
đó. Xin cha cứ phạt con đi.
- Con đã làm một điều lỗi, nhưng con đã chữa được lỗi lầm đó khi con
dám nhận lỗi, người cha nói.
Thiên Chúa rất nghiêm khắc, nhưng cũng hết sức nhân từ: “Bạn hãy xem Thiên
Chúa nhân từ và nghiêm khắc thế nào: Người nghiêm khắc với những kẻ sa ngã, nhưng nhân từ với bạn, cứ một mực cậy nhờ vào lòng nhân
từ đó” (Rm 11,22). Bởi tình
yêu mà Chúa sẵn sàng ôm vào lòng mọi tội nhân thống hối, nhưng chỉ mở cửa Nước Trời cho những tâm hồn nào sẵn lòng bỏ ý riêng
mà tìm ý Thiên Chúa: “chỉ ai thi hành ý
muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21)
Tội lỗi đánh mất sự sống siêu nhiên Chúa ban tặng cho người ta, nhưng lòng thống hối như thế sẽ phục hồi tất cả, và còn
hơn thế nữa, như tác giả Gương Chúa Giêsu đã viết: “Những ai tự nhận mình hèn yếu sẽ được Cha nâng lên
cao ngang hàng Thiên Chúa” (Imit.
III, LVII, 17).