Suy niệm hạnh thánh _ 13/8

Thánh PONTIAN VÀ Thánh HIPPOLYTUS
(k. 235)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Vào năm 235, Maximinus làm hoàng đế Rôma và hầu như ngay sau khi lên ngôi, ông bắt đầu bách hại người Kitô Giáo. Một trong những hình phạt thông thường đối với các giám mục và linh mục là các ngài bị lưu đầy đến những quặng mỏ nguy hiểm ở Sardinia, nước Ý. Chính vì sự bách hại này mà ngày nay chúng ta mừng kính hai thánh tử đạo. Thánh Pontian lên ngôi giáo hoàng sau khi Đức Urban I từ trần năm 230. Khi Maximinus lên ngôi hoàng đế, Đức Pontian cùng chung số phận với các Kitô Hữu khác và ngài phục vụ Giáo Hội trong sự đau khổ ở Sardinia.
Hippolytus là một linh mục và là học giả ở Rôma. Ngài có nhiều sáng tác về thần học và là bậc thầy tài giỏi. Hippolytus thất vọng với Đức Giáo Hoàng Zephyrinus (được tử đạo năm 217) vì đức giáo hoàng không mau mắn ngăn chặn những người giảng dạy cách lầm lạc. Khi Đức Callistus I được bầu làm giáo hoàng kế vị Đức Zephyrinus, Hippolytus cũng không hài lòng. Lúc bấy giờ, rất đông người theo Hyppolytus và họ đồng lòng bầu Hippolytus lên làm giáo hoàng. Vị thần học gia tài giỏi này đã không chế ngự được tính kiêu ngạo và đã chấp nhận. Khi cuộc bách hại bùng nổ, Hyppolytus bị bắt và cũng bị lưu đầy đến Sardinia.
Trong hoàn cảnh đáng thương ấy, môt phép lạ hòa giải đã xảy ra giữa sự cười nhạo của kẻ thù. Đức giáo hoàng Pontian gặp gỡ với Hippolytus trong hoàn cảnh lưu đầy và vị linh mục tài giỏi này đã cảm hóa trước sự khiêm tốn của vị giáo hoàng. Hippolytus trở về với Giáo Hội và mọi tức giận đều tiêu tan. Đức giáo hoàng Pontian thông cảm với vị linh mục. Ngài nhận ra nhu cầu của mỗi người là phải giúp đỡ và khuyến khích lẫn nhau trong tình bác ái của Đức Giêsu Kitô. Cả hai đã được phúc tử đạo và mãi mãi trở nên nhân chứng cho sự tha thứ và niềm hy vọng Kitô Giáo.
Suy niệm 1: Bách hại
Ông bắt đầu bách hại người Kitô Giáo.
Tác giả Herbertworkman rất có lý khi phát biểu trong cuốn sách nhan đề The Persecution in the Early Church: “Giáo Hội có lẽ sẽ không bị bách hại, nếu như Giáo Hội đã không quá hăng hái tích cực vâng theo mệnh lệnh của Thầy Chí Thánh rao giảng Tin Mừng khắp nơi! Nhưng khi ngưng rao giảng Tin Mừng nhanh chóng, thì không còn là kitô giáo nữa”.
Căn cứ vào sự kiện kim cổ, chúng ta có thể khẳng định không sai lầm rằng: Vào bất cứ thời điểm nào trên giòng sinh mệnh của nhân loại, và dưới dạng thức của bất cứ nền văn hóa nào, sự xuất hiện của Đạo Chúa Kitô luôn luôn bị các chính quyền đương thời nghi kỵ, cấm đoán, thù ghét và bách hại! Hình thức, phương pháp, chiêu bài tuy có thay đổi, nhưng nội dung vẫn là sự thù nghịch với “Nước Chúa” với “Cơ Cấu Mới” của “Nước Trời”.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cảm nghiệm được mối phúc thật khi bị người đời bách hại (Mt 5,10-12).
Suy niệm 2: Lưu đầy
Một trong những hình phạt thông thường đối với các giám mục và linh mục là các ngài bị lưu đầy.
Lưu đày là một cách hành xử những người vi phạm pháp luật đến một nơi khác trong một thời gian nhất định để cải tạo. Tuy nhiên trong kế hoạch của Thiên Chúa, thì cuộc lưu đày không phải là “viên thuốc độc” mà là “viên thuốc đắng” mà Thiên Chúa phải dùng đến để chữa trị “chứng bệnh nan y” của dân Chúa. Như thời các Thủ Lãnh, khi lâm cảnh đau khổ và tai họa, người ta mới nhận ra hậu quả ghê tởm do tội lỗi của họ đã gây ra. Nhờ sống ở chốn lưu đày mà dân Chúa đã học biết đổi mới đời sống và quay về với Chúa.
Riêng trong trường hợp này, Thiên Ý đã dùng bàn tay của hoàng đế Rôma là Maximinus với cuộc bách hại đạo Chúa để lưu đày Đức Pontian và Đức Hippolytus đến cùng một địa điểm là Sardinia, nước Ý. Nhờ vậy hai vị có cơ hội gặp nhau và Chúa đã thực hiện một phép lạ là làm cho hai vị được hòa giải và cùng chịu tử đạo với nhau.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con có một đức tin mạnh mẽ để đọc ra được Thiên Ý trong các nghịch cảnh của cuộc đời.
Suy niệm 3: Phục vụ
Đức Pontian phục vụ Giáo Hội trong sự đau khổ ở Sardinia.
Phục vụ luôn đòi hỏi phải hy sinh, phải đau khổ. Nhưng nét đặc trưng của Đức Pontian trong việc phục vụ, đó là gánh chịu hoàn cảnh khổ đau của sự lưu đày.
Về mặt thể xác, ngài phải đón nhận một cuộc sống thiếu thốn cũng như các công việc cực nhọc. Về mặt tinh thần, ngài luôn ray rắc và nỗ lực thể hiện sự hòa giải với Hippolytus.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết quên mình để dễ dàng sống tinh thần phục vụ.
Suy niệm 4: Không hài lòng
Hippolytus cũng không hài lòng.
Tâm trạng không hài lòng của ngài có lẽ xuất phát từ việc ngài là một học giả tài giỏi có trình độ kiến thức trổi vượt các vị bề trên, nhất là khi thấy các vị lãnh đạo không mau mắn ngăn chặn những người giảng dạy cách lầm lạc gây tác hại cho Giáo Hội.
Tâm trạng không hài lòng này cọng thêm tính kiêu ngạo đã dẫn ngài đến chỗ sai lầm trầm trọng là chấp nhận cách bất hợp pháp chức vị giáo hoàng do một số người ủng hộ bầu lên. Nhưng may thay cuộc lưu đày đã giúp ngài đủ khiêm tốn để tỉnh ngộ và quay về nẻo chính cũng như được phúc tử đạo.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con khiêm tốn để tránh được những sai lầm đáng tiếc.
Suy niệm 5: Hòa giải
Môt phép lạ hòa giải đã xảy ra giữa sự cười nhạo của kẻ thù.
Việc hòa giải này được đánh giá cao như một phép lạ, vì đây là sự kiện xảy ra giữa hai vị có chức bậc trong Giáo Hội chứ không phải giữa hai giáo dân bình thường. Điều này cho hay giữa các chức sắc vẫn còn tồn tại sự bất hòa, vốn rất khó chấm dứt do tính tự ái không bao giờ muốn mình chịu thua ai với những lý luận rất sắc bén do có trình độ rất cao.
Để có thể giải hòa, Đức Pontian đã để lại một chìa khóa rút từ kinh nghiệm bản thân ngài, đó là lòng khiêm tốn. Đồng thời hãy nhìn vào thái độ của kẻ thù, đó là họ cười nhạo với những tràng pháo tay inh ỏi, vì họ chẳng phải mất công dùng đến bất cứ thứ vũ khí gì chiến đấu mà vẫn chiến thắng vẻ vang do đối thủ tự hủy diệt mình vì mối bất hòa nhau.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng bao giờ coi thường bài học trường đời: đoàn kết là sống mà chia rẽ là chết.
Suy niệm 6: Thông cảm
Đức giáo hoàng Pontian thông cảm với vị linh mục.
Ngoài bài học khiêm tốn của Đấng bề trên, ngài còn nêu bật bài học thông cảm và tha thứ. Có khiêm tốn và thông cảm thì mới nhận ra người thuộc quyền cũng như mình đều là tội nhân. Chắc hẳn họ không muốn sai lỗi, nhưng bản tính mỏng giòn và yếu đuối của con người đưa đẩy họ như thế (Rm 7,19-20), cũng như tình cảnh của người phụ nữ ngoại tình (Ga 8,4).
Có khiêm tốn thông cảm thì mới  nhận ra thân phận tội lỗi của mình, có thể không phải tội này hoặc nặng như thế này nhưng thiếu gì tội khác, để rồi kết án người nhằm che đậy tội lỗi của mình, điều mà Đức Giêsu đã vạch ra cho mỗi người thấy (Ga 8,6-9). Có khiêm tốn thông cảm thì mới dễ tha thứ và giúp vực họ dậy (Ga 8,11), chứ không lánh xa (Cv 10,28) hoặc giết chết (Ga 8,5).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn mặc lấy tâm tình của Chúa đối với các tội nhân.