Lời Chúa cntn 16a _ Chúa nhân hậu và khoan dung

CHÚA NHÂN HẬU VÀ KHOAN DUNG
Lòng nhân hậu của Chúa là con đường sống cho tội nhân: “Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề, là người có tội được Ngài ban ơn sám hối.” (Kn 13,19)  
Lm. HK
Năm 1887, một vụ giết người cướp của đáng sợ xảy ra tại Paris. Thủ phạm là Pranzini đã giết hai phụ nữ một cách dã man để tước đoạt đồ nữ trang. Ngày 13 tháng 7, Pranzini bị kết án tử hình. Báo chí và người đương thời đều gọi anh là “tên đồi bại ghê tởm”, “ác quỷ”, “kẻ hung ác cực kỳ xấu xa.” Lúc đó, mặc dù chỉ mới 14 tuổi nhưng với một tâm hồn hết sức cao thượng và quảng đại, chị thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu chỉ thấy Pranzini là một người đáng thương hơn là đáng ghét, và hết lòng ao ước cứu sống tâm hồn anh ta.
Chị rủ chị gái Céline cầu nguyện và làm nhiều việc hy sinh để xin ơn thống hối tội lỗi cho anh. Chị đã ghi trong cuốn “Tự thuật của một tâm hồn”: “Tôi đã xác tín tận thâm tâm rằng những ước nguyện của chúng tôi sẽ được đoái nhận, nhưng để cho mình can đảm tiếp tục cầu nguyện cho kẻ tội lỗi, tôi thưa với Chúa tôi tin chắc rằng Ngài sẽ tha thứ cho Pranzini bất hạnh đáng thương, và tôi xin điều ấy cho dù anh ta không xưng tội hay tỏ dấu sám hối. Tôi đã tin tưởng như thế vào lòng nhân từ của Chúa Giêsu, nhưng tôi vẫn xin một ‘dấu chỉ sám hối’, chỉ để an ủi mình.”
Trước đó, Pranzini đã từ chối lãnh nhận các phép sau hết; nhưng vào phút chót, ngày 31/8, trước khi lên máy chém, anh đã xin cho được cây thánh giá và hôn kính hai lần. Têrêxa rất xúc động khi thấy báo chí thuật lại như thế, và coi đó như một dấu chỉ cho biết Chúa chấp nhận điều chị xin.
Thiên Chúa là tình yêu, mà công việc của tình yêu là “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,7).
Biện chứng lành-dữ là một thực tế của cuộc sống: “Kẻ gian ngoan độc dữ mở miệng nhằm hại con, nói với con toàn lời dối trá, buông lời hằn học bủa vây con, tấn công con vô cớ. Con thương nó, nhưng nó lại vu oan, phần con, con chỉ biết cầu nguyện. Nó lấy oán đền ơn, lấy hận thù đáp lại lòng con thương mến.” (Tv 109,2-5). Trước thực tế đó, “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” thoạt nghe như một lời biện hộ vụng về cho sự yếu đuối trước sức mạnh của thế gian.
Thế nhưng thắng thế của thế gian là cái khôn của sự chết: “Niềm vui của ác nhân thật là ngắn ngủi, đứa vô đạo có hân hoan sung sướng, chỉ trong chốc lát thôi?” (G 20,5). Vâng, chiến thắng của thế gian giống như “môi người đàn bà trắc nết tiết ra mật ngọt, miệng của nó trơn tru hơn dầu. Nhưng cuối cùng, nó vẫn đắng như khổ ngải, bén như gươm hai lưỡi. Đôi chân nó đi vào cõi chết, nó thẳng đường bước tới âm ty. Đường dẫn vào sự sống, nó không theo, nó lạc lối, mà không hay biết.” (Cn 5,3-6)
Ngược lại, sự kiên nhẫn của Thiên Chúa là bài khải hoàn ca của tình yêu, của sự sống. Thế gian có tội lỗi đến đâu, Chúa vẫn là “Thiên Chúa nhân hậu từ bi, Ngài chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín.” (Tv 86,15).
Vâng, chính lòng nhân hậu của Chúa là con đường sống cho tội nhân: “Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề, là người có tội được Ngài ban ơn sám hối.” (Kn 13,19) Chẳng có trạng sư nào có thể bào chữa cho tội lỗi của nhân loại trước nhan thánh Chúa ngoại trừ Thần Khí, tình yêu của Ngài, Đấng luôn “giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả.” (Rm 8,26)
Sự chết đã xuất hiện ngay trang đầu lịch sử nhân loại, nhưng tình yêu Chúa đã trở nên ngôi sao hy vọng cho nhân loại trong cuộc chiến không khoan nhượng giữa thiện và ác, giữa sống và chết đó. Chúa đã nói với Satan: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” (St 3,15)
Tình yêu đó giải thích sự kiên nhẫn vô biên của Thiên Chúa trước tội lỗi nhân loại. Ngài kiên nhẫn chờ đợi: “cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt”, và hết sức tôn trọng chọn lựa cuối cùng của con người, để khỏi làm mất đi dù chỉ một “sợi nhỏ của rễ lúa.”
Có một truyền thuyết rất đẹp kể về ngày cuối cùng, ngày tận thế. Trên thiên đàng hôm ấy, mọi người đều vui mừng hớn hở, ca hát nhảy múa và reo hò hân hoan. Trong khi mọi người vui mừng thì Chúa Giêsu đứng lặng lẽ trong góc tối của cánh cửa thiên đường. Mấy người đến hỏi Chúa đang làm gì ở đó trong lúc mọi người hân hoan vui mừng.
Chúa nhẹ nhàng trả lời: “Ta đứng đây chờ đợi Giuđa.”
Lịch sử ơn cứu độ là lịch sử chờ đợi. “Chính Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi -Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương- hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. (…) Người đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm, tức là những người xưa đã không vâng phục Thiên Chúa, trong thời Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi, nghĩa là thời ông Nô-ê đóng tàu.” (1Pr 3,18-19)
Khi chọn đường đi, khi gặp sự phiền lòng với anh em, đừng quên rằng đến Chúa vẫn đứng đó, chờ đợi tôi, trong tôn trọng và yêu mến.
Lm. HK