NGHE VÀ HIỂU
Chúa “dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.” Dụ ngôn
đơn giản và dễ hiểu cho những ai muốn nghe, nhưng lại trở nên khó hiểu và khó
chấp nhận đối với những ai không muốn tin theo...
Mahatma Gandhi, một vĩ nhân nổi tiếng cả thế giới, người
đã dành được độc lập tự do cho Ấn Độ mà không tốn một viên đạn, đấu tranh liên
lỉ bằng phương pháp bất bạo động hòa bình.
Một hôm, trong lúc vội vàng lên xe lửa với một người bạn
và bị tuột mất một chiếc dép. Ông lập tức tháo ngay chiếc dép còn lại mà quẳng
xuống sân ga, nơi ông vừa đứng đợi tàu. Người bạn ngạc nhiên hỏi ông:
- Sao anh lại quẳng cái dép của anh xuống đó?
- Để có ai lượm, thì lượm được cả đôi mà đi.
Việc quẳng ngay cái dép đó cho thấy những suy tính vị
tha đã trở nên một phản xạ tự nhiên, như bản tính thứ hai của ông. Cả đời
Gandhi là hy sinh cho hạnh phúc người khác.
Từ đâu mà ông sống vị tha được nư thế? Có thể nói rằng Lời Chúa chính là yếu tố căn bản xây dựng nên
nhân cách đáng kính của ông. Dù không phải là một Kitô hữu, nhưng lúc nào ông cũng
có cuốn Phúc Âm ở ngay bên, để đọc, suy gẫm, và sống.
“Lời Ta cũng vậy, một
khi xuất phát từ miệng ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả” (Is 5,11). Đời sống
Gandhi cho thấy Lời Chúa là lời mạnh mẽ, ban sức sống, và luôn nảy sinh hoa
trái tốt đẹp!
Nhưng Lời Chúa không phải là một lời áp đặt, Chúa là
Tình Yêu nên Lời Chúa vẫn dành chỗ ưu tiên cho sự tự do đón nhận của con người: “Ai có tai thì nghe” (Mt 13,9). Bởi đó
mà hoa trái ơn cứu độ còn tùy thuộc vào sự cộng tác của con người, như lời nguyện
của thánh Augustinô: “Chúa dựng nên con
không cần có con, nhưng không thể cứu con mà không có con.”
Do đó, ở một góc nhìn khác, Lời Chúa là một cái lưới
sàng lọc nhân loại theo lòng dạ của họ đối với Chúa: “Từ trời cao, Chúa nhìn xuống loài người, xem ai là kẻ có lương tri, biết
kiếm tìm Thiên Chúa” (Tv 14,2).
Đó là lý do tại sao Chúa “dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.” Dụ ngôn đơn giản và dễ hiểu
cho những ai muốn nghe, nhưng lại trở nên khó hiểu và khó chấp nhận đối với những
ai không muốn tin theo: “Đức Giê-su kể cho
họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ” (Ga
10,6).
Đức Kitô phân chia người nghe thành bốn hạng người để
cho mọi người thấy rõ đâu là những nguy cơ làm cho người ta nghe mà không hiểu,
và đâu là dấu hiệu của sự hiểu Lời Chúa, của ơn cứu độ.
Nguy cơ đầu tiên là sự lơ là, không đưa Lời Chúa vào cuộc sống. Những tâm hồn như thế dễ bị ma quỉ biến thành những miếng mồi
ngon cho sự ác: “Phường gian ác để tâm đến
những lời bất chính, quân lừa đảo lắng tai nghe những chuyện hại người” (Cn
17,4).
Nguy cơ thứ hai là thói đạo đức
giả. Nó
làm nảy sinh và phát triển một niềm tin chú trọng đến hình thức phô diễn bên
ngoài hơn là sức sống bên trong, thích những bài giảng hay mà không phải thay đổi
cuộc sống, ưa những cuộc lễ lớn mà coi thường những hy sinh âm thầm. Niềm tin
đó sẽ bị chết khô trước những thử thách trong cuộc sống.
Nguy cơ thứ ba là những lo âu quá đáng cho các nhu cầu thế
tục. Sự
cậy dựa vào của cải, thế lực trần thế… sẽ bóp chết niềm tin vào Chúa: “Nó đích thị là người chẳng lấy Chúa làm nơi
ẩn náu, nhưng chỉ tin cậy vào đống tiền đống của và khoe khoang mưu độc của
mình” (Tv 52,9).
Điểm nhận dạng duy nhất về đất tốt mà Đức Kitô đưa ra
là “sinh hoa kết quả.” Chúa không bảo
đất tốt thì không có đá sỏi, hay không có gai. Điểm khác biệt của đất tốt là “sinh hoa kết quả, là nghe và hiểu.”
Cứ xem quả thì biết cây: Thánh Phaolô đã nói
rất rõ: “Những việc do tính xác thịt gây
ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận
thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say
sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như
tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên
Chúa.”
“Còn hoa quả của Thần
Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền
hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế.” (Gl 5,19-23).
Thoạt tiên, ai cũng tán đồng với một đời sống trổ sinh
hoa trái của Thần Khí, nhưng nói đến thực hành thì ai cũng thấy nhiều khó khăn
phát sinh. Quả thật là nghe mà chưa hiểu! Thật là khó mà hiểu được như thánh
Phaolô: “Những đau khổ chúng ta chịu bây
giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.”
Đây đúng là nơi cho đức tin làm việc. Làm sao có thể nói rằng
tôi tin vào Đức Kitô mà không sẵn lòng chịu thua thiệt ở đời này trong “niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải
thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa
chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,18.21).
Vì thế mà tôi phải liên lỉ cầu
xin: “Đường lối huấn lệnh Ngài, xin cho con hiểu
rõ, để con suy gẫm những kỳ công của Ngài” (Tv 119,27).
Lm. HK