Chúa Giêsu ca tụng Thiên
Chúa Cha vì đã mặc khải cho những kẻ bé mọn, những người yếu đuối hiểu được mầu
nhiệm nước trời, hiểu được giá trị cuộc sống vĩnh cửu…
Mở đầu bài tin mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu ca tụng Thiên
Chúa Cha vì đã mặc khải cho những kẻ bé mọn, những người yếu đuối hiểu được mầu
nhiệm nước trời, hiểu được giá trị cuộc sống vĩnh cửu sẵn sàng chịu những đau
khổ vì mầu nhiệm đó, như trong trường hợp thánh Inê (Đê) Lê Thị Thành (tử đạo
ngày 12.7.1841, 60 tuổi)
Một nhân chứng tên Đang, đã cho biết: “Bà Inê Đê đã bị đánh đập tàn bạo đến nỗi thân mình bà đầy máu mủ. Tuy
vậy, bà vẫn vui vẻ, và còn muốn chịu khổ hơn nữa.”
Cô cụ Luxia Nụ đến thăm mẹ trong ngục, thấy áo quần của mẹ loang
lổ đầy máu, cô thương mẹ khóc nức nở, bà nói: “Đó là những bông hoa Chúa cài trên áo mẹ”
Bà nói tiếp: “Con hãy về
chuyển lời mẹ bảo anh chị em con săn sóc việc nhà, vững tâm giữ đạo, sáng tối
đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh Giá Chúa đến cùng. Chẳng bao lâu
mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên nước Thiên đàng.”
Trong cuộc điều tra phong thánh Lê thị Thành, khi giáo quyền
thẩm vấn, cô gái út Luxia Nụ, cung khai như sau: “Thân mẫu chúng con rất chăm lo việc giáo dục các con. Chính bà dạy
chúng con đọc chữ và học giáo lý, sau lại dạy cách tham dự Thánh Lễ và xưng tội
rước lễ. Bà không để chúng con biếng nhác việc xưng tội. Khi chúng con lơ là, bà
thúc giục chúng con bằng được mới thôi. Bà cho chúng con nhập Hội Con Đức Mẹ, vào
ban thiếu nữ thưa kinh ở nhà thờ.”
Một người con khác, cô Anna Năm cũng khai như sau: “Song thân chúng con chỉ gả các con gái cho
những thanh niên đạo hạnh. Sau khi con kết hôn, thân mẫu thường đến thăm chúng
con và khuyên bảo những lời tốt lành. Có lần bà dạy con rằng: Tuân theo ý Chúa,
con lập gia đình là gánh rất nặng, con phải ăn ở khôn ngoan, đừng cãi lời cha
mẹ chồng, hãy vui lòng nhận Thánh Giá Chúa gởi cho. Bà thường khuyên vợ chồng
chúng con sống hòa thuận, yên vui, đừng để ai nghe chúng con cãi lộn bao giờ.”
Khi bà Thành bị bắt và bị điệu ra trước công đường, quan tòa bắt
bà chối đạo, bà đáp: “Tôi chỉ tôn thờ
Thiên Chúa, không bao giờ tôi bỏ đạo Chúa muôn đời…”
Các quan truyền đánh đòn bà. Lúc đầu lính đánh bằng roi, sau
dùng thanh củi lớn quất vào chân bà. Bà không nản lòng, khi chồng đến thăm, bà
giải thích vì sao bà được kiên tâm như vậy: “Họ
đánh đập tôi vô cùng hung dữ, đến đàn ông cũng không chịu nổi, nhưng tôi đã
được ơn Đức Mẹ giúp sức nên tôi ít cảm thấy đau đớn.”
Lần thẩm vấn thứ hai, thứ ba, thấy bà vẫn một lòng trung kiên, lính
được lệnh vừa đánh vừa lôi bà bước qua Thánh Giá. Nhưng bà sấp mình xuống đất, kên
lớn tiếng: “Lạy Chúa xin thương giúp con,
con không bao giờ muốn chối bỏ lòng tin Chúa, nhưng vì con là đàn bà yếu đuối, nên
họ dùng sức mạnh để cưỡng bức con đạp lên Thập Giá.”
Lần khác ra đứng trước tòa, quan cho túm tay áo lại rồi thả rắn
độc vào trong áo, nhưng bà Đê đã giữ được bình tĩnh cách lạ lùng. Bà đứng yên
không hề nhúc nhích nên rắn không cắn, chỉ lượn vài lòng rồi bò ra. Các quan
truyền đánh bà dữ hơn nữa rồi dẫn về ngục. Nhưng bà đã kiệt sức, đi không nổi
phải có người dìu.
Bà Đê danh họ là Lê Thị Thành, sinh khoảng năm 1781, tại làng
Bái Điền, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ nhỏ cô Thành đã theo mẹ về
quê ngoại ở Phúc Nhạc. Năm 17 tuổi cô kết hôn với anh Nguyễn Văn Nhất, người
cùng xã, và sống với nhau rất hạnh phúc, thuận hòa, sinh hạ được hai trai tên
Đê, Trân và bốn gái: Thu, Năm, Nhiên, Nụ. Tục lệ địa phương thường gọi cha, mẹ
bằng tên con người đầu lòng, vì thế mới có tên bà Đê. Hai ông bà sống hiền lành
đạo đức, giáo dục con cái.
Ông Bà Thành còn có lòng bác ái thương người, nhất là trọng kính
và tận tình giúp đỡ các linh mục gặp ngặt nghèo trong thời cấm cách. Ông Bà
dành một khu nhà đặc biệt để các giáo sĩ trú ẩn. Chính đức ái đó đã dẫn bà Đê
đến phúc tử đạo.
Tháng 3.1841, có 4 linh mục hiện diện trong giáo xứ Phúc Nhạc
(Ninh Bình) mừng lễ Chúa Phục Sinh. Cha Breneux Nhan ở nhà Cai Tổng Phaolô Thức,
cha Galy Lý ở nhà ông trùm Cơ, cha Thành ở nhà bà Đê và cha Ngân ở một nhà
khác. Một người tên Đễ theo giúp cha Thành muốn lập công và tham tiền đã đi báo
cho tổng đốc Nam Định rằng trong làng Phúc Nhạc hiện có nhiều đạo trưởng. Trịnh
Quang Khanh tức tốc đích thân chỉ huy 500 lính bủa vây làng Phúc Nhạc vào sáng
sớm ngày lễ Phục Sinh (14.4.1841). Quan dạy tập họp giáo dân để lính đi lục
soát từng nhà. Hai cha Thành và Ngân chạy thoát kịp. Cha Berneux Nhân vừa dâng
Thánh Lễ xong vội rời nhà trọ, trốn sang gác bếp nhà phước Mến Thánh Giá, nhưng
vô tình để gấu áo ra ngoài kẽ ván nên bị bắt. Cha Galy Lý được ông trùm Cơ đưa
sang vườn nhà bà Đê ở sát bên. Bà Đê chỉ cho cha đường mương cạn nước ở sau
vườn, cạnh một bụi tre: “Xin cha ẩn dưới
mương này, Chúa gìn giữ thì cha thoát, bằng không thì cha và con cùng bị bắt.”
Nói xong, bà cùng cô con gái Luxia Nụ lấy rơm và cành khô che
phủ lên. Nhưng lính đã trông thấy cha chạy qua vườn nhà bà, nên họ đến bắt cha
Galy Lý và bà Đê, chủ nhà.
Ông trùm Cơ, bốn hương chức và hai nữ tu Mến Thánh Giá là Anna
Khiêm Và Inê Thanh cũng bị bắt. Tất cả bị trói, mang gông điệu ra đình làng.
Nhà bà Đê bị lục soát, thóc lúa, đồ dùng, tiền bạc đều bị lính lấy hết. Khi bị
bắt, bà Đê rất sợ, nhưng khi điệu bà ra đình làng thì gương mặt bà lại vui tươi
không còn vẻ sợ hãi nữa.
Ngay hôm bị bắt, các nạn nhân bị điệu về thị trấn Nam Định, phải
đi suốt đêm khuya rất cực nhọc. Bà Đê sức yếu, không chịu nổi cái gông quá nặng,
phải có người nâng đỡ nhiều lần. Tới thành Nam bà bị giam chung với hai nữ tu.
Vì những cực hình tra tấn nặng nề và ăn uống kham khổ, bà mắc
bệnh kiết lỵ. Hai nữ tu tận tâm săn sóc bà, các linh mục gởi thuốc, đến thăm, giải
tội và ban Bí Tích Xức dầu. Trong giờ hấp hối, người ta thường nghe bà cầu
nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết vì
con, con hết lòng theo Thánh Ý Chúa. Xin Chúa tha mọi tội lỗi cho con.”
Cuối cùng bà dâng lời sau hết: “Giêsu Maria Giuse, con xin phó thác hồn con và thân xác con trong tay
Chúa, xin ban cho con trọn niềm tin ở Chúa.” Bà Inê đã trút hơi thở cuối
cùng, hôm đó là ngày 12.7.1841, sau 3 tháng bị giam cầm vì đức Tin, thọ 60
tuổi.
Theo tục lệ, người lính cho đốt ngón chân bà để xác định nạn
nhân không còn sống. Thi hài được an táng tại pháp trường Bảy Mẫu. Sáu tháng
sau, giáo hữu cải táng, đem về Phúc Nhạc.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
* Đề tựa của
Lm. HK