ĐẾN HỌC CÙNG THẦY
GIÊSU
Lòng khiêm tốn và sự hiền lành giúp chúng ta mở
lòng đón nhận ơn Chúa, tạo sự cảm thông, tình hiệp nhất và là người xây dựng
tình yêu thương trong cộng đoàn.
Truyện cổ Ba Tư kể câu chuyện về vị tể tướng xuất thân
là người chăn chiên. Vì là kẻ thấp hèn trong xã hội được đặt lên địa vị cao,
nên các quan trong triều đình ghen tức, họ vào trình với vua:
-
Tâu bệ hạ, quan tể tướng xuất thân là kẻ chăn chiên, thế mà đức vua đặt lên
chức cao quyền trọng, e rằng thần dân không phục và là tai họa cho quốc dân.
Nhà vua đáp:
-
Đó là người tài đức mà trẫm rất tín nhiệm và mến phục, nhưng nếu các khanh
có bằng cớ chính xác về sự bất xứng của ông, trẫm sẽ xét lại.
Được lệnh, các quan chia nhau để dò xét vị tể tướng. Ít
ngày sau họ vào trình với vua:
-
Thưa đức vua, các bề tôi đều nhận thấy cứ chập tối thứ bảy, tể tướng vào
căn phòng nhỏ trong tư dinh, đóng kín cửa và ở đó rất lâu. E rằng việc làm này
có gì mờ ám.
Vua cho phép các quan lục soát căn phòng mà họ cho là
có những bí ẩn và mờ ám, nhưng họ chỉ tìm thấy một chiếc áo rách và đôi giày cũ.
Sự việc được trình báo với đầy đủ chứng cớ và chi tiết. Vua mời chủ nhân của
các vật dụng đó vào và hỏi trước mặt bá quan văn võ. Quan tể tướng trả lời:
-
Thưa bệ hạ, giày và chiếc áo cũ đó là của hạ thần. Kẻ bề tôi này đã dùng
chúng lúc còn hàn vi, nên muốn giữ như một kỷ niệm để mỗi tuần nhìn lại và nhớ
đến thân phận hèn kém của mình mà sống khiêm tốn, biết cư xử khoan dung với mọi
người và khắc ghi ơn mưa móc của bệ hạ.
Vượt xa các bậc hiền nhân, Đức Giêsu là thầy dạy cho
muôn người về lòng khiêm tốn và sự hiền lành. Người tha thiết mời gọi những ai
muốn nên trọn lành: “Hãy học với tôi, vì
tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11, 29a) Tiếng từ trời cao đã
minh xác Đức Giêsu là Con của Chúa Cha và là Thầy dạy muôn dân: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về
Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người.” (Mt 17, 5) Vâng nghe là noi
gương Đức Giêsu để nên giống như Người, nhờ đó Chúa Cha nhận ra chúng ta là con
trong Đức Kitô.
Khi nói về sự khiêm hạ của Thầy Giêsu, thánh Phaolô giải
thích rất rõ: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là
Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên
Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống
phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi
bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2, 6-8) Những ai muốn nên
giống Đức Giêsu, gương mẫu của lòng khiêm tốn, cũng cần trút bỏ tính tự mãn,
không tìm kiếm lời khen tặng hão huyền, nhưng chân thành nhận biết mình chỉ là
thân tro bụi.
Ngoài Chúa Giêsu, chúng ta còn có nhiều mẫu gương sống
động về lòng khiêm tốn, trong đó, Đức Maria là mẫu gương tuyệt vời nhất. Dẫu được
ơn cưu mang và sinh hạ Con Đấng Tối Cao, nhưng tự nhận biết thân phận thấp hèn,
Mẹ đã thưa với sứ thần: “Tôi đây là nữ tỳ
của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1, 38). Biết
mình thật bất xứng trước ơn cao trọng làm mẹ Đấng cứu thế, Đức Maria tuyên xưng
quyền năng và ân huệ Thiên Chúa dành cho Mẹ: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật
chí thánh chí tôn!” (Lc 1, 49)
Người có lòng khiêm tốn, khi được thành đạt biết hướng
lòng về Chúa để ca ngợi quyền năng và tình thương của Người. Nhận ra sự giới hạn
của bản thân, người ngay chính đặt trọn niềm tin cậy vào Chúa và xin Người ban
ơn giúp sức, nhất là lúc gặp gian nan thử thách. Với tha nhân, người sống tinh
thần khiêm hạ biết quí trọng mọi người và chân thành nhận ra những điều tốt đẹp
nơi tha nhân như thánh Phaolô căn dặn: “Đừng
làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người
khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích
cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức
Kitô Giêsu.” (Pl 2,3-5)
Là bậc thầy về lòng khiêm tốn, Đức Giêsu còn là mẫu
gương của lòng nhân hậu. Nhiều năm trước, ngôn sứ Isaia đã tiên báo về người
tôi tớ của Giavê: “Bị ngược đãi, người
cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm
nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng.” (Is 53,7) Hiền lành không có
nghĩa là nhu nhược, nhưng là kiên nhẫn và yêu thương: “Cây lau bị giập, người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng
nỡ tắt đi.” (Is 43,3) Những gì Tin Mừng ghi lại, nhất là trình thuật về cuộc
khổ nạn của Đức Giêsu cho thấy Người là hiện thân của Thiên Chúa từ bi, nhân hậu,
chậm bất bình và rất mực khoan dung.
Những ai sống hiền lành, Đức Giêsu gọi họ là người có
phúc: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ
được Đất Hứa làm gia nghiệp.” (Mt 5, 4) Người có đức tính hiền lành khi cần,
dám mạnh dạn lên tiếng bênh vực công lý, quảng đại tha thứ lỗi lầm cho kẻ xúc
phạm đến mình, biết cảm thông trước yếu đuối của người khác, và sẵn sàng giúp đỡ
tất cả những ai đang gặp khó khăn về thể xác hoặc tinh thần.
Người biết rất rõ về kỹ năng bơi lội, nhưng chưa bao
giờ bước xuống nước, khi đắm tàu vẫn chết đuối. Giống như thế, một người biết
rõ về các nguyên tắc đạo đức, thuộc cả bộ Kinh Thánh, nếu không đem ra thực
hành, cuộc đời họ như lâu đài xây trên cát, gặp trận cuồng phong hay cơn mưa lũ
sẽ sụp đổ tan tành.
Trong cuộc sống, nhiều tình huống khiến chúng ta dễ có
thái độ nóng giận hoặc tự mãn. Là người môn đệ Đức Giêsu, chúng ta luôn ý thức
rằng tính kiêu căng chỉ gây đổ vỡ, và sự thiếu bao dung sẽ phát sinh hận thù. Ngược
lại, lòng khiêm tốn và sự hiền lành giúp chúng ta mở lòng đón nhận ơn Chúa, tạo
sự cảm thông, tình hiệp nhất và là người xây dựng tình yêu thương trong cộng
đoàn. Nhưng muốn thực thi đức khiêm tốn và hiền hòa, chúng ta phải không ngừng
học hỏi Kinh Thánh, vì khi thường xuyên chiêm ngắm Đức Giêsu, Đấng hiền lành và
khiêm nhường; đồng thời nhờ biết kiên trì tập luyện mỗi ngày, chúng ta mới có
thể nên giống Đức Giêsu hơn.
Lạy Chúa Giêsu, vị Thầy nhân lành, đang khi hướng về hạnh
phúc vĩnh cửu, xin giúp chúng con biết sống khiêm tốn và hiền lành, để chúng
con xứng đáng là môn đệ của Người, là anh em của nhau, cùng nhau xây dựng một
xã hội công bằng và yêu thương như Chúa dạy.