Lời Chúa Lễ Chúa Ba Ngôi _ được sống với Chúa

ĐƯỢC SỐNG VỚI CHÚA
"Các con cứ để thánh ý Chúa được thực hiện." (Anrê Nguyễn Kim Thông)
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Trong bài tin mừng ta vừa nghe, Chúa Giêsu đã quả quyết với Ông Nicôđêmô:
"Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con một Người, để tất cả những ai tin ở con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời."
Thực vậy, niềm tin vào Chúa Kitô đã khiến tất cả các vị tử đạo sẵn sàng bỏ những gì thân yêu nhất trên đời, đã chấp nhận những đau khổ cơ cực ngoài sự tưởng tượng, nhằm mục đích không bị án phát, nhưng được sống đời đời với Chúa.
Khi ông Anrê Nguyễn Kim Thông (tử đạo ngày 15.7.1855, 65 tuổi) bị bắt: Quan tỉnh vốn quan biết Ông từ hồi làm lý trưởng, và trước đây được Ông đãi ngộ rất hâu, nên tỏ ra rộng lượng với Ông, nhờ đó Ông không bị đánh đập, thỉnh thoảng còn được phép về thăm nhà. Ông lợi dụng cơ hội này, khuyên nhủ con cháu trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh. Ông nói:
"Tôi đã già. Chẳng còn ham sống lâu nữa, tôi sãn sàng chịu tù đầy và chịu chết vì Đức Kitô. Nhất định tôi không vận động xin tha."
Rồi Ông lại trở về trình diện quan cai ngục.
Đã nhiều lần quan tỉnh gọi Ông Thông ra công đường, nhỏ nhẹ khuyên ông bỏ đạo. Quan nói:
"Ông chỉ cần giẫm lên Thập Tự đi, chỉ tôi và Ông biết thôi, rồi về xưng tội là xong, chớ có chi phải sợ."
Ông trả lời:
"Không, Thập Giá mà tôi thờ kính, giẫm lên sao được!"
Và Ông khẳng định với quan:
"Thà tôi chịu lưu đầy và chịu chết, chứ tôi không chối đạo."
Sau ba tháng tù, Ông nhận được án phạt bị lưu đầy vàp Vĩnh Long. Các con Ông dự tính bỏ tiền vận động xin giảm án, nhưng Ông khuyên can: "Các con cứ để thánh ý Chúa được thực hiện."
Nguyễn Kim Thông sinh năm 1790, tại Gò Thị, một họ đạo kỳ cựu lớn và bậc nhất của địa phận Đông, Đàng Trong, thuộc xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Là chủ một gia đình khá giả, đạo đức, Ông Thông đã tận tình giáo dục con cái. Hai Người con Ông đã được Chúa gọi: Một người làm linh mục là Nguyễn Kim Thư, và một người là nữ tu dòng Mến Thánh giá tên Anna Nhường.
Được dân làng tín nhiệm, Ông giữ chức vụ lý trưởng và phục vụ dân làng, bất kể lương hay giáo. Về sau Ông được đề cử làm trùm họ Gò Thị, rồi được Đức Cha Thể đặt làm chánh trương, tức trùm cả hạt Bình Định.
Ngoài gương liêm chính và bác ái, Ông Anrê còn thừa hưởng truyền thống của họ Gò Thị về lòng sùng kính Đức Mẹ. Hằng ngày Ông lần chuỗi Mân Côi, Ông xây cất một nhà nguyện dâng kính trái tim vẹn sạch Đức Mẹ. Là một tông đồ giáo dân, Ông trợ giúp các Giáo sĩ rất đắc lực, khéo léo tìm nơi trú ẩn cho các ngài trong thời bách hại ngay tại nhà Ông, hoặc nơi khác an toàn hơn. Về hoạt động bác ái, từ thiện, Ông là ân nhân cả vật chất lẫn tin thần, cho một viện Mồ Côi trong tỉnh.
Ông Chánh trương Thông có một người cháu tên là Út, tính ngang tàng, phóng đãng, nên hay bị Ông quở mắng. Để trả thù, hắn viết một bức thư nặc danh lên quan tỉnh, tố cáo Ông về tội về tội chứa chấp đạo trưởng. Thế là quan quân kéo đến vây bắt Ông cùng với bốn giáo sĩ khác, đem giam vào ngục ở Bình Định.
Sau ba tháng tù, Ông Thông nhận được án phạt bị đầy vào Vĩnh Long. Đường vào Nam xa xôi, Ông Thông cùng đi với bốn chứng nhân khác. Những chứng nhân này bị đầy vào Vĩnh Long. Vì tuổi già sức yếu, lại phải mang gông xiềng, Ông bước đi một cách rất khó khăn, mệt nhọc. Mỗi ngày chỉ đi được bảy tám dặm dưới ánh nắng gay gắt. Tối đến, đoàn tù nhân được tạm giam trong các đồn quan, hay nhà tù địa phương. Được vài ba ngày, lính thấy Ông đuối sức quá, sợ không thể đi tới nơi, thì thương tình tháo gông xiềng cho Ông. Khi ngang qua tỉnh Bình Thuận, Ông may mắn gặp linh mục Nguyễn Kim Thư, con của Ông, Ông xin lãnh bí tích hòa giải.
Đến Chợ Quán, thấy tình trạng sức khỏe của Ông quá tàn tạ, Cha Được đã đến ban phép xức dầu cho Ông. Sau đó Ông lại phải mang gông xiềng tiếp. Bốn người bạn tù của Ông đã tới Vĩnh Long trước, báo tin cho Cha Bề Trên Borelle Hòa, về tình trạng nguy tử của ông. Cha Hòa liền cử một y sĩ đến Mỹ Tho, săn sóc Ông. Nhưng không kịp nữa, vì khi chứng nhân của Chúa đặt chân lên đất lưu đầy, chỉ kịp đọc kinh ăn năn tội, vài kinh kính mừng rồi tắt thở. Hôm đó là ngày 15 tháng 5 năm 1855.
Thi hài vị tử đạo, được viên y sĩ của Cha Hòa đem về Cái Nhum. Đến sau các con Ông: Linh mục Thư, Ông Ngọc, Ông Xa dời về an tán tại nhà thờ Gò Thị. Hiện nay tại Gò Thị Gò Thị còn mộ của Ông. Nhưng hài cốt đã được rời sang chủng viện Làng Sông (Bình Định).
***
Trong khi bị giam, một hôm, quan án gọi thánh Laurensô Ngôn (tử đạo ngày 22.5.1862, 22 tuổi) ra tòa và dụ dỗ:
"Anh còn trẻ, sao lại dại đột muốn chết? Hãy bước qua thập, anh sẽ được tha về với gia đình.”
Thánh Ngôn trả lời:
"Tôi giữ đạo tôn thờ Chúa tể trời đất. Thập giá là phương thế Thiên Chúa dùng để cứu độ nhân loại, tôi chỉ có thể tôn kính, chứ không bao giờ chà đạp. Nếu quan để tôi sống, tôi cảm ơn quan, còn không, tôi sẵn sàng và vui lòng chịu chết vì niềm tin vào Chúa tôi.”
Thánh Laurensô Ngôn chào đời năm 1840 trong một gia đình đạo đức, thuộc giáo xứ Lục Thủy (Nam Định). Ngài đã lập gia đình và là một gia trưởng gương mẫu yêu thương vợ con. Một lần Ngài bị bắt và bị ép buộc chối đạo. Có lẽ vì nặng lòng với gia đình, nhưng vì sợ phạm tội bất trung với Chúa, Ngài đã hối lộ tiền bạc để được tự do. Ngài bị bắt lần thứ hai ngày 8.9.1861, bị áp giải về phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Trong tù, vì lo lắng cho gia đình Ngài tìm cách trốn về để trấn an cha mẹ, vợ con khuyên tất cả bền chí trung thành với đức tin, rồi Ngài trở lại nhà giam. Quan truyền lệnh đóng gông và đưa Ngài sang trại giam An Xá, thuộc huyện Đông Quan (Nam Định).
Trong ngục, Thánh Ngôn chịu nhiều khổ nhục vì Chúa thế mà Ngài vẫn chưa lấy làm đủ, Ngài còn ăn chay mỗi tuần ba lần, Ngài thường hối hận ăn năn mỗi khi nhớ đến những lầm lỗi trong quá khứ. Ngài còn an ủi khích lệ các đồng bạn cam đảm chấp nhận mọi cực hình, đừng bao giờ xúc phạm đến Thiên Chúa: “Chúng ta hãy bền vững kiên tâm, dù bị đánh đòn tra tấn giã man. Chúng ta hãy lo lắng sợ hãi khi nghĩ đến tội chà đạp thánh giá.”
Trong một cuộc tra tấn, khi lính tìm cách bắt Ngài chà đạp thánh giá, thì lúc đó Ngài quỳ phục xuống và kính cẩn thờ lạy thánh giá. Thái độ khiến các quan càng nổi giận, lập án trảm quyết Ngài. Tám tháng rưỡi sau ngày bị bắt, Ngài dã được diễm phúc đổ máu đào vì Chúa.
Trước sự chứng kiến của hai người thân nhất: Bà mẹ và người vợ hiền, Thánh Laurensô Ngôn hiên ngang bước ra pháp trương An Triêm (huyện Đông Quan) lãnh triều thiên tử đạo ngày 22.5.1862.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Đề tựa của Lm. HK