MỘT TẤM LÒNG VĨ ĐẠI
Gương thánh
thiện của cha Pierre hầu như có mãnh lực cảm hóa được bốn tâm hồn đậm nét hận
thù và tội lỗi: chúng tôi có cảm tưởng được cứu chuộc và dung thứ.
René Belbenoit, một người tù khổ
sai trên đảo Quỷ thuộc Pháp, vượt ngục bằng một chiếc thuyền độc mộc của thổ
dân. Sau khi băng qua hàng ngàn hải lý trên biển Antilles, đi bộ xuyên qua những
cánh rừng rậm của châu Mỹ La tinh, ông đã thoát được đến Hoa Kỳ.
Ông đã viết cuốn sách tường thuật
lại cuộc vượt ngục của ông. Cuốn sách đó đã trở nên một best-seller với hàng
triệu ấn bản trong một thời gian ngắn, và được các nhà xã hội học và giới văn học
của Mỹ đặc biệt quan tâm, vì nhờ đó mà họ biết đến số phận bi thảm của các tù
nhân.
Trong sách có thuật lại một tình
tiết đặc sắc. Đó là khi Marcel, người cầm đầu toán vượt ngục, ra lệnh cặp thuyền
vào bờ, cạnh một trại tù bỏ hoang để nghỉ qua đêm.
Trong lúc loay hoay tìm cành khô
đốt lửa, họ bắt gặp một ngôi mộ nhỏ với một thánh giá đẽo gọt sơ sài nằm dưới một
đám dây leo chằng chịt. Trên hòn đảo này, ngôi mộ là chuyện bất thường, vì ở
đây có tù nhân nào chết thì đều đưa ra biển vứt làm mồi cho cá mập cho gọn.
Marcel vung mã tấu dọn sạch rong
rêu trên cây thánh giá rồi trầm giọng bảo: “Linh
mục Pierre đấy! Cũng là một tù nhân khổ sai như các cậu và tớ.” Rồi anh
chùng giọng xuống, như thì thầm: “Một sứ
giả của Chúa!”
Sau đó Marcel kể cho mọi người
nghe chuyện anh ta gặp cha Pierre trên chuyến tàu chở tù nhân ra Guyane: “Thoạt tiên chúng tớ khinh tởm ông khi biết
ông bị lưu đày vì đã nhẫn tâm giết một bà lão goá bụa cư ngụ cạnh nhà thờ, và gọi
ông là ‘lão thầy tu lạc đạo.”
Nhưng thái độ của các tù nhân
thay đổi dần dần vì họ thấy cha lao động cật lực như mọi tù nhân và không bao
giờ phàn nàn. Xong việc cha còn cố giúp những bạn tù thương tật khác.
Khi trại Oraput được lệnh đóng cửa
vì bệnh dịch, cha xin được di chuyển đến đảo Saint-Louis, nơi biệt giam những
tên bị hủi, một thế giới hoàn toàn cách ly với xã hội con người. Hằng tuần, một
tên cai ngục đáp ca-nô vứt bừa lên bãi cát một bao thực phẩm rồi chuồn thẳng. Gầy
gò như cây đinh, nhưng cha vẫn chăm sóc bọn người hủi không mệt mỏi.
Một hôm, người ta mang đến cho
cha tên Groscaillou. Nằm dài trên chiếc cáng, coi hắn không còn tí gì là dáng dấp
của con người. Vừa thấy linh mục mang ly sữa đến, hắn hốt hoảng: "Không, không thể là cha Pierre"
- Anh biết tôi à? Cha dịu dàng hỏi.
- Con là Groscaillou, người làm vườn trong nhà thờ lúc
trước, hắn đáp.
Cha nhìn hắn thật lâu trước khi
thốt nên lời: "Khốn khổ cho con.
Chúa trừng phạt con thật nghiêm khắc.”
Bọn hủi xúm xít quanh tấm lều đổ
nát, háo hức lắng nghe. Giọng tên tội phạm thì thầm như từ cõi âm vọng lại:
- Chính tôi đã giết mụ góa Duval. Biết mụ vừa nhận một
món tiền khá lớn. Tối hôm đó, tôi khoác chiếc áo dòng đánh cắp của cha và đến bấm
chuông. Thấy tà áo đen thấp thoáng, mụ tin tưởng vội ra mở cổng. Khi nhận ra rõ
mặt, mụ hãi quá định gào lên cầu cứu, buộc lòng tôi phải siết cổ mụ. Quay lại
nhà nguyện tôi chạm mặt ngay với cha Pierre. Người biết tôi vừa làm một cú dại
dột. Sau khi nghe tôi xưng tội, cha khuyên tôi nên ra đầu thú. Lúc bọn "cớm"
đến bắt cha, dù nắm rõ bí ẩn của vụ án, cha vẫn tuân thủ giới luật im lặng của
Chúa. Chấp nhận một bản án chung thân như một tông đồ tử đạo, không hé răng
khai báo. Các cậu hãy giải oan cho cha để tôi ra đi thanh thản.
- Không cần thiết con ạ! Hãy thành tâm khấn nguyện và
con sẽ được tha thứ. Cha từ tốn đáp.
Sáng hôm sau, các tù nhân bắt gặp
thi thể Groscaillou ngoài bãi cát, bấp bênh theo triều sóng.
Sáu tháng trôi qua, khi quyết định
tự do của cha được gởi đến thì đã quá muộn. Trước khi mất, cha mong sẽ được
chôn trên đảo, giữa những người bất hạnh mà cha hằng chăm sóc. Chính những tên
đại bàng đã kính cẩn an táng và dựng cho cha cây thánh giá này.
Marcel ngừng kể, đăm chiêu nhìn
ngôi mộ đơn sơ ở bìa rừng rồi khẽ kết luận: “một
tấm lòng vĩ đại.”
Ngả người trên thảm lá khô, tôi
bâng khuâng nhìn ánh sao đêm nhẹ lung linh trên bầu trời nhiệt đới, Gương thánh
thiện của cha Pierre hầu như có mãnh lực cảm hóa được bốn tâm hồn đậm nét hận
thù và tội lỗi: chúng tôi có cảm tưởng được cứu chuộc và dung thứ. Chắc hẳn, với
niềm tin vừa tìm lại được, chúng tôi sẽ vững vàng đối mặt với vô vàn hiểm nguy
và cái chết bất chợt đón chờ trong chuyến du hành dài đăng đẳng trở lại với xã
hội con người.
Niềm
tin vào chiến thắng sau hết của tình yêu Đức Kitô đã hun đúc nên tâm hồn vĩ đại
của cha Pierre; Tâm hồn vĩ đại của cha đã gieo một tia sáng có khả năng cảm hóa
được tâm hồn người làm vườn phản bội Groscaillou; Không chỉ ngừng ở đó, tâm hồn
vĩ đại của cha còn cảm hóa cả bốn tâm hồn đậm nét hận thù đang trên đường vượt
ngục...
Tình
yêu đã được gieo xuống và đơm trái bình an! Biết mình sắp phải đóng đinh vào thập
giá, Chúa vẫn nói: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.”
Có
bình an nào lớn lao hơn, huyền diệu hơn bình an đến từ tình yêu?