"Thiên Chúa sẽ
cho tôi sức mạnh để đón nhận mọi cực hình và cả cái chết vì Người.” (Thánh
Phêrô Tuần)
Bài tin mừng ta vừa nghe,
trích trong Phúc Âm thánh Gioan: Chúa hứa sẽ ban Thánh Thần cho những ai yêu mến
Chúa, tuân giữ giới răn Chúa. Thánh Thần sẽ giúp chúng ta đón nhận mọi đau khổ,
kể cả các cực hình và hy sinh chịu chết vì Chúa.
Một tháng trong tù, nhiều
lần Thánh Phêrô Tuần (tử đạo ngày 15.7.1837, 72 tuổi) và Thánh Hiền bị đưa ra
toà đối chấp. Tướng Lê Văn Đức đứng ra hỏi cung hai cha. Thấy cha Tuần đã già,
ông nói: "Lão già quá rồi, không chịu
nổi các hình khổ đâu.” Cha Tuần trả lời: "Quả thực tôi ốm yếu lại già nua, nhưng Thiên Chúa sẽ cho tôi sức
mạnh để đón nhận mọi cực hình và cả cái chết vì Người.” Lần khác, quan cho
một tín hữu đã bỏ đạo ra lên đạp lên Thánh Giá và bảo cha làm theo, cha liền
nói: "Sao tôi lại phải bắt chước kẻ
bội giáo?"
Linh mục Phêrô Nguyễn Bá
Tuần sinh năm 1766 tại làng Ngọc Đồng (Hưng Yên). Từ bé, cậu Tuần đã
có tiếng là hiền lành, đạo đức, chăm chỉ học hành. Lớn lên cậu vào
tu và được các cha chọn vào chủng viện. Nhưng theo học Latinh được ít
lâu gặp thời bách hại của vua Cảnh Thịnh, thầy Phêrô phải nghỉ học
đi theo giúp cha Chính Gatillepa Hoan. Năm 1803, chủng viện mở cửa lại,
thầy Tuần trở về tiếp tục học, thụ phong linh mục năm 1877, khi ấy
đã 41 tuổi. Cha Tuần thi hành nhiệm vụ trong suốt 30 năm. Năm 1838, vào
lúc cuộc truy lùng rất gắt các đạo trưởng, thì cha đang là cha xứ
Lác Môn.
Cha nghe tin làng Quần
Liêu sợ vạ lây, không muốn chứa chấp cha chính Fernande Hiền đang đau
ốm trầm trọng, cha Tuần phải vội về đến can thiệp và ở lại để dân
chúng an tâm giúp đỡ cha Chính.
Rồi Cha Tuần và Cha
Hiền vượt sông qua địa phận Tây Đàng Ngoài, ghé vào xứ Kim Sơn. Vừa
đến nơi, thì hay tin quan tỉnh Nam Định đã ra lệnh cho quan địa phương lùng
bắt hai vị. Dân xứ Kim Sơn vì thế không dám chứa chấp. Họ mời hai
linh mục lên một chiếc thuyền nhỏ, rồi đưa các Ngài vào vùng sình
lầy gần đó. Địa điểm này tuy an toàn, nhưng vô cùng gian khổ vì bùn
lầy tanh hôi, ban ngày bị nắng cháy da, đêm thì đầy muỗi chích. Cũng
may có cha xứ Kim Sơn, khi biết tình trạng bi đát của hai Cha, liền thu
xếp để hai ngày sau, cho người đưa hai cha trú ở nhà ông Bát Biên (hàm
bát phẩm). Ông Bát Biên là người thọ ân cha xứ nhiều lần, Hơn nữa,
ông này ngoại giáo nên ở đây an toàn hơn. Thực tế Bát Biên xử với hai
vị rất tốt 8 ngày liền, trước khi lập mưu giao nộp để lãnh thưởng.
Đêm 15 tháng 6, Bát Biên nói láo rằng: ”Con
nghe tin quan biết hai cha ở đây, và quan quân sắp đến vây làng, con
phải dẫn hai cha đi nơi khác an toàn hơn.” Rồi ông cho mời cha chính
Hiền xuống thuyền đem nộp quan quân đang chờ trên bờ sông Qui Hậu. Sau
đó trở về nói dối cha Tuần để chở người đi nộp tiếp. Việc làm bội
tín và xảo trá này là của Bát Biên đã được vua Minh Mạng tăng thêm
một cấp quan và thưởng 100 nén bạc.
Lính dẫn hai cha đến
thị xã Ninh Bình, cha Hiền bị nhốt trong cũi bằng tre, cha Trần mang
gông nặng.
Thấy không thể làm hai
cha Tuần và Hiền bỏ đạo, đạp lên Thánh Giá, các quan họp nhau và lên
án trảm quyết hai vị. Bản án của cha Hiền và cha Tuần được vua Minh
Mạng châu phê, tới Nam Định ngày 18 tháng 7.
Nhưng cha Phêrô Tuần vì
tuổi già sức yếu, đã chết trong tù trước đó ba ngày. Giáo hữu rước
thi hài cha về an táng tại nhà thờ Ngọc Đồng. Tới năm 1954 thi hài
được đặt tôn kính trong nhà thờ giáo xứ Lạc An (Phú Cường).
Thánh Simon Hòa (tử
đạo ngày 11.12.1840, 66 tuổi) bị đánh đập bằng kìm kẹp và tra tấn
dã man cho tới khi ngài gục ngã không gượng dậy nổi. Vì Chúa, thánh
nhân đã cam chịu mọi hình khổ. Hơn thế nữa, ngài hiến dâng mạng sống
mình để làm chứng về đạo, dù phải hi sinh những người thân yêu nhất
đời.
Khi các con đến thăm,
ngày khuyên: ”Cha yêu thương các con
và hằng chăm sóc các con. Nhưng cha phải yêu Chúa nhiều hơn, các con
hãy bằng lòng vâng Ý Chúa, đừng buồn sầu vì cha. Các con ở với mẹ,
thương yêu nhau và coi sóc việc nhà. Từ đây cha không thể lo cho các con
được nữa, Chúa muốn cha chịu khổ, cha xin vâng ý người cho trọn.”
Phan Đắc Hòa sinh trong
một gia đình ngoại đạo tại làng Mai Vĩnh, xã Mông Thôn (Thừa Thiên).
Năm 1774, cha mất sớm, mẹ đưa chị em Hòa đến tá túc và làm công ở
làng Lưỡng Kim, sau đó đến giúp một gia đình Công Giáo ở làng Nhu
Lý, tỉnh Quảng Trị. Sống với người công giáo, chứng kiến những gương
sáng và được nghe nói về những điều cao đẹp của đạo mới, cậu Hòa
đem lòng cảm mến. Hòa xin phép mẹ cho mình theo học lớp Giáo Lý và
gia nhập đạo, khi ấy cậu mới 12 tuổi, cậu chọn thánh Simon tông đồ
làm bổn mạng. Cậu đã ở chủng viện một thời gian, được các bề trên
hướng dẫn. Nhưng Simon Hòa nhận ra ý Chúa muốn mình sống cuộc sống
gia đình để làm chứng về Người ngay giữa lòng đời.
Simon Hòa vẫn thường
xuyên liên lạc với chủng viện và các bề trên. Sau khi lập gia đình,
về trở thành cha 12 người con, Simon Hòa cố gắng chu toàn trách nhiệm
nuôi dưỡng và giáo dục con cái, xứng đáng là gương sáng tiêu biểu cho
mọi gia đình trong làng. Ông Hòa hành nghề y sĩ... Nhiều người được
ông chữa khỏi bệnh, dân chúng đến với ông rất đông. Nhờ đó ông có cơ
hội giúp đỡ người nghèo khổ. Nếu dư giả chút ít ông đem đóng góp
vào công việc từ thiện, xây cất thánh đường.
Với đời sống đạo đức,
lương y Hòa được đề cử làm trùm họ. Ông đã thi hành chức vụ một
cách tốt đẹp. Ai ăn ở bất xứng, biếng nhác, ông tìm cách sửa dạy
hoặc răn đe, hoặc giải thích khuyên can. Ai cờ bạc rượu chè, ông nghiêm
khắc sửa trị. Thế nhưng ai cũng quý mến chứ không oán ghét ông.
Ngoài ra ông Simon Hòa còn sẵn sàng bênh vực, giúp đỡ người già nua
tuổi tác, yếu đuối, các cô nhi quả phụ. Có lần ông đích thân cúi
xuống vực một người nằm liệt bên vệ đường, vác lên vai, đưa đến điểm
canh, rồi cho người đem cơm nước đến săn sóc kẻ bất hạnh.
Thời Minh Mạng bắt
đạo, ông trùm Hòa có dịp bầy tỏ lòng cam đảm của mình. Ông sẵn
sàng cho các linh mục ẩn náu trong nhà, mặc dù biết rằng việc chứa
chấp nguy hiểm đến tính mạng, làm phiền hà cho gia đình. Ông nhiệt
tình lo liệu sắp xếp cho các linh mục có nơi trú ẩn an toàn. Nếu
nhà mình không ổn, ông gởi gắm các cha ở nơi tương đối bảo đảm hơn.
Đêm 13.4.1840 thuyền của
ông trùm Hòa chở cha Delamotte đến làng Hòa Ninh, bị các quan phát
hiện và cho lính đuổi theo. Quân lính bắt được hai cha con dẫn đến
huyện Dương Xuân, rồi giải về thị trấn Quảng Trị, giam hai tháng,
cuối cùng đưa ra Huế.
Suốt thời gian bị giam,
lương y Hòa không những đã giúp đỡ anh em bạn tù bằng việc bốc thuốc
chữa bệnh, ông còn khuyến khích họ sống dũng cảm làm chứng cho Tin
Mừng. Cùng chịu khổ hình như mọi tù nhân, có phần còn hơn nữa, nhưng
ông Simon vẫn trung thành với Danh Chúa. Những trận đòn gây thương tích
không làm ông nản chí, trái lại ông còn lấy đó làm hạnh phúc vì
được hiệp thông với Đức Kitô chịu đóng đinh.
Ông Simon bị tra khảo
đến 20 lần, có lẽ vì các quan tưởng dùng bạo lực, ông sẽ phải cung
khai tung tích về các thừa sai, các ông đã không đạt được mục đích,
lại còn phải nghe ông giảng thuyết về đạo.
Vua Minh Mạng châu phê
án xử trảm ông Simon hòa, bêu đầu 3 ngày.
Ngày 11.12.1840 khi điệu
ông Simon đi xử, các quan còn cố bắt ông khóa quá, dụ dỗ ông bỏ đạo,
hay ít là cầm lấy ảnh thánh quăng đi, để tha ông. Nhưng ông vẫn một
lòng trung kiên tuyên xưng Danh Chúa. Ông đã vượt qua những thử thách
cuối cùng và đã toàn thắng trong niềm tín thác vào Thiên Chúa. Ông
bị chém gần chợ An Hòa, kinh thành Huế. Thi hài vị chứng nhân ban
đầu được chôn táng ngay tại nơi xử, đến sau được cải lên gởi sang
chủng viện Thừa sai Paris.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Đề
tựa của Lm. HK