LÀM SAO CHÚNG CON BIẾT ĐƯỜNG ĐI?
Câu hỏi về “con đường” là câu hỏi được mọi người quan
tâm. Nhưng làm sao có thể quyết định con đường sẽ đi nếu không biết điểm đến?
Vụ
mùa sắp đến, có anh thợ mộc dốc hết vốn liếng trong nhà ra mua gỗ để đẽo cày. Cửa
tiệm ngay bên vệ đường có nhiều người qua lại.
Khi
biết anh đẽo cày, một cụ già mới góp ý: “Bắp
cày phải đẽo cho cao, cho to.” Nghe người có tuổi góp ý, anh làm theo ngay.
Mấy
bữa sau, một bác nông dân bước vào, nhìn đống bắp cày, bác lắc đầu nói thẳng: “Thế này thì cày làm sao được! Phải nhỏ hơn,
thấp hơn.” Thấy có lý, anh làm những bắp cày mới nhỏ và thấp hơn trước.
Hàng
bày lâu chưa thấy ai mua, có người bảo anh: “Ở
miền núi người ta phá hoang phải cày bằng voi. Anh đẽo to gấp đôi gấp ba thế
này thì bao nhiêu cũng bán được, tha hồ mà lãi.” Nghe lãi nhiều, còn bao
nhiêu gỗ anh đưa hết ra đẽo cày cho voi.
Rút
cục, anh hết cả vốn liếng mà chẳng bán được cái nào suốt vụ mùa!
Đó
cũng là câu chuyện của đời người. “Xin nhớ
rằng: đời con là một kiếp phù du, loài người Chúa dựng nên thật mỏng manh quá đỗi!”
(Tv 89,48) Đời người có trăm năm cũng chẳng hơn gì đống gỗ của anh thợ mộc, đẽo
sai vài lần là hết cả vốn liếng.
Bởi
đó vấn nạn của Tôma “Làm sao chúng con biết
đường đi” là vấn nạn hiện sinh cho con người mọi thời đại. “Đường kẻ quanh co thì có gai, có bẫy, ai biết
giữ mình ắt sẽ tránh xa. Hãy dạy đứa trẻ đi con đường nó phải đi, để đến tuổi
già, nó vẫn không lìa bỏ.” (Cn 22,5-6)
“Phải
đi trên con đường nào” là vấn nạn chủ yếu cho cuộc làm người. Câu hỏi về “con
đường” là câu hỏi được mọi người quan tâm. Nhưng làm sao có thể quyết định con đường sẽ đi nếu không biết điểm đến?
Những
mối nguy cho nhân loại hôm nay đã được ĐGH Bênêđictô 16 cảnh báo là chủ nghĩa thế tục, duy vật và cá nhân. Đó là ba ngẫu thần chuyên
dẫn người ta đi lạc nhưng lại có tiếng nói rất lớn trong xã hội hôm nay.
Cái
chết và sự sống lại của Đức Kitô là câu trả lời cho các ngẫu tượng thế tục, chỉ
ra cho nhân loại biết điểm then chốt để phân định cái được và cái mất: “Vinh dự cho anh em là những người tin, còn
đối với những kẻ không tin, thì viên đá thợ xây loại bỏ đã trở nên đá tảng góc
tường, và cũng là viên đá làm cho vấp, tảng đá làm cho ngã. Họ đã vấp ngã vì
không tin vào Lời Chúa. Số phận của họ là như vậy.” (1Pr 2,7-8)
Nhân
loại sẽ đi về đâu nếu không đặt hy vọng nơi Chúa mà đặt nơi thế giới phàm tục? “Xưa Chúa đã đặt nền trái đất, chính tay
Ngài tạo tác vòm trời. Chúng tiêu tan, Chúa còn hoài, chúng như áo cũ thảy rồi
mòn hao. Ngài thay chúng khác nào thay áo, nhưng chính Ngài tiền hậu y nguyên;
tháng năm Ngài vẫn triền miên.” (Tv 102,26-28)
Bởi
đó, trong thông điệp “Chúa Kitô nguồn hy
vọng của chúng ta”, ĐGH Bênêđictô 16 không chỉ nói với tín hữu Hoa Kỳ mà
còn với chúng ta về một lối đi: “Cha sẽ đến
Hoa Kỳ với tư cách Giáo Hoàng lần đầu tiên để công bố chân lý vĩ đại nầy: Chúa
Giêsu Kitô là nguồn Hy Vọng cho những người nam và nữ thuộc mọi ngôn ngữ, mọi
chủng tộc, mọi nền văn hoá và mọi điều kiện xã hội. Đúng vậy, Chúa Kitô là
gương mặt của Thiên Chúa hiện diện ở giữa chúng ta.”
Tôi
đang đi về đâu? Đức Kitô phục sinh đã đi dọn chỗ cho tôi! Việc của tôi là theo
Ngài.
Lm.
HK