YÊU CHO ĐẾN CÙNG
“Thầy ban cho
anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương
nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34).
Thánh
Gioan viết: “Chúa Giêsu đã thương yêu những
kẻ thuộc về Người còn ở thế gian, và Người yêu họ đến cùng.” "Yêu cho
đến cùng" không phải chỉ có nghĩa là yêu cho đến giây phút cuối cùng mà
còn có nghĩa là yêu hết mình. Đức Giêsu đã dùng hết mọi phương thế để biểu lộ
tình yêu của Người và của Cha Người cho chúng ta.
1. Tình yêu của Đức
Kitô
Phương
cách thứ nhất là mầu nhiệm Nhập thể:
Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, đồng bản tính, đồng quyền năng và đồng vinh quang
với Chúa Cha. Nhưng vì thương yêu loài người, Người đến sống giữa chúng ta. Người
đã mặc lấy thân xác loài người như thế, mục đích là chia sẻ thân phận yếu hèn
khổ đau của loài người và đồng thời thông ban cho loài người thần tính của
mình, tức địa vị là Con Thiên Chúa, và cùng với thân tính ấy là sự sống đời đời.
Chính Đức Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô: “Thiên
Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi
phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Qua mầu nhiệm nhập thể của
Đức Giêsu, chúng ta thấy yêu là đến với loài người, là thông cảm, là chia sẻ.
Phương
cách thứ hai mà Đức Giêsu đã dùng để biểu lộ tình yêu của Người, được cụ thể
hóa nơi cử chỉ Người quì xuống rửa chân cho các môn đệ. Rửa chân là công việc của người nô lệ trong nhà đối với chủ mình. Đó là
công việc hèn hạ nhất. Việc rửa chân mà Đức Giêsu làm đây, là một dụ ngôn bằng
hành động. Nó diễn tả cuộc đời của Đức Giêsu: Người đã đến trong thế gian,
không phải như một ông vua, ông quan, nhưng như một người nô lệ. Chính Đức
Giêsu đã nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để
phục vụ” (Mc 10, 45). Thánh Phaolô cũng đã diễn tả rất rõ cuộc đời của Chúa
Giêsu: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên
Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng
đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống
như người trần thế” (Pl 2, 6-7).
Thánh
Phaolô đã dùng một tiếng rất mạnh: “Đã
hoàn toàn trút bỏ”, nghĩa là coi mình là hư không; trong cụ thể, Đức Giêsu
đã từ khước vinh quang, quyền lực khi còn sống ở trần gian. Suốt đời Đức Giêsu
không bao giờ nghĩ tới bản thân mình: Người đã không bao giờ làm phép lạ để có
bánh ăn, có nước uống, hay để tìm danh dự cá nhân… Người đã hiến tất cả thì giờ
và sức lực của Người, để giảng dạy dân chúng, an ủi những kẻ liệt lào, chữa
lành những người bệnh tật. Cao điểm của cuộc đời phục vụ ấy là cái chết trên Thập
giá, mà Đức Giêsu đã trình bày như một cái chết để phục vụ và để yêu thương: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con! Này
là Máu Thầy sẽ phải đổ ra để chuộc tội nhiều người.” Hoặc Chúa còn nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn là thí mạng sống
mình vì bạn hữu.” Nhìn cuộc đời của Đức Giêsu, được tượng trưng qua việc rửa
chân, chúng ta hiểu ra rằng yêu là phục vụ, phục vụ đến độ hy sinh cả mạng sống
mình cho loài người. Đó là phương cách thứ hai để Đức Giêsu biểu lộ tình yêu của
Người cho chúng ta.
Và
đây là phương cách thứ ba: Người đã lập ra Bí tích Thánh Thể để hiện diện mãi với chúng ta. Khi người ta thương mến nhau, thì người ta
muốn sống gần nhau mãi mãi, muốn giữ sự trung tín với nhau mãi mãi. Chỉ vì muốn
ở với chúng ta mãi mãi, mà Đức Giêsu đã lập phép Thánh Thể để hiện diện với
chúng ta, để trở nên lương thực cho chúng ta, để tiếp tục đồng hành với loài
người, với mọi người trong cuộc hành trình ở chốn sa mạc trần gian này.
Qua
Bí tích Thánh Thể, chúng ta hiểu được rằng yêu là hiện diện với kẻ khác, giữ sự
trung tín vững vàng với bạn hữu của mình. Đức Giêsu Kitô đã yêu các bạn hữu của
Người “cho đến cùng” là như thế đó!
2. Noi gương Đức
Kitô
Chúng
ta là Kitô hữu, là môn đệ Đức Kitô, chúng ta đã cố gắng nên giống “Thầy và
Chúa” của chúng ta hay chưa? Chính trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Chúa Giêsu đã
ban giới răn mới cho các môn đệ: “Thầy
ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu
thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34). Vậy chúng ta phải
thực hiện giới răn bác ái huynh đệ theo gương của Đức Giêsu (“Như Thầy đã yêu mến
các con”). Theo gương Đức Giêsu, thì trước hết yêu mến là đến với người đồng
loại của mình: Chúng ta hãy tự vấn xem chúng ta đã quan
tâm đến những người chung quanh chúng ta chưa? Chúng ta đã chia sẻ cho họ phần
nào hay chưa trên bình diện vật chất và trên bình diện tinh thần?
Tiếp
đến, yêu mến và đặt mình trong tư thế tôi tớ để phục vụ. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có chu toàn bổn phận của mình với
tinh thần phục vụ hay không? Trong cách cư xử, nói năng với người khác, chúng
ta có khiêm tốn như một người tôi tớ không? Hay chúng ta tự xem mình như người
trên, như kẻ cả? Sau hết, yêu mến là chấp nhận ở với kẻ khác, hiện diện với kẻ khác, cộng tác với kẻ khác, giữ sự trung tín vững vàng với
kẻ khác.
Theo
khuynh hướng tự nhiên, khi chúng ta gặp một chút khó khăn với kẻ khác, là chúng
ta muốn co rút lại, chia rẽ, đoạn tuyệt. Chính vì chưa thấm nhuần tinh thần này
của Đức Kitô, mà bao đôi vợ chồng khi gặp chút khó khăn, là nghĩ ngay tới việc
ly thân, ly dị… Tình yêu của Đức Kitô mời gọi chúng ta phải giữ “chữ tín” đến
muôn đời, nhất là trong đời sống gia đình, đời sống vợ chồng.
3. Đức Kitô - sức
mạnh của chúng ta
Tình
yêu của Đức Kitô không phải chỉ là mẫu mực mà còn là sức mạnh cho chúng ta. Trong
dụ ngôn về cây nho, được Chúa kể trong bài diễn từ chia tay, Chúa nói: “Cũng như cành nho không thể tự mình sinh
hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại
trong Thầy.” (Ga 15, 4). Chúng ta ở lại trong Đức Kitô, như trong thân cây
nho, nhờ đức tin và nhờ vào việc tham dự vào Bí tích Thánh Thể. Chiều hôm nay,
khi tiến lên rước lễ, chúng ta hãy ý thức là chúng ta đang được tiếp nhận sức mạnh
của Đức Kitô, nhờ đó chúng ta có thể yêu mến anh em
chúng ta như chính Đức Kitô đã yêu mến chúng ta.
Lm
Norberto