NIỀM
TIN VÀO CHÚA PHỤC SINH
Chúa Phục sinh, đó là nền tảng của đức tin. Ðó là sự vững
chắc của Giáo hội. Và đó là chính là niềm hi vọng lớn lao của chúng ta.
Chúa
Kitô đã phục sinh. Ðó là niềm vui của chúng ta. Còn hơn thế nữa, đó là đức tin
của chúng ta, đó là niềm hi vọng của chúng ta. Niềm tin vào Chúa Kitô Phục sinh
của chúng ta có cơ sở vững chắc ở những bằng chứng khác nhau.
Có
bằng chứng tiêu cực của các lính canh mộ. Khi
an táng Chúa Giêsu, các thượng tế đã cẩn thận xin Philatô cho đóng cửa mộ bằng
một phiến đá lớn rất nặng rồi cho niêm phong và cắt cử lính canh cẩn thận. Nhưng
khi Chúa sống lại, ánh sáng rực rỡ chiếu lên chói lòa, cửa mộ bật tung, lính
canh hoảng sợ chạy trốn. Sau đó lính canh đi loan tin rằng: Trong khi chúng tôi
ngủ, các môn đệ đến lấy trộm xác Chúa. Ai cũng biết đó là tin giả. Vì các môn đệ
còn đang rất sợ hãi, trốn chạy, làm sao dám lấy trộm xác. Thánh Augustinô đã
bài bác điều này khi nói: Lính canh ngủ hay thức. Nếu họ thức thì làm sao họ để
cho các môn đệ lấy trộm xác Chúa. Nếu họ ngủ, làm sao họ biết là các môn đệ lấy
trộm xác Chúa.
Có
những bằng chứng tích cực của các môn đệ. Sáng sớm, ba người đầu tiên đã đến mộ và không thấy xác Chúa. Bà Mađalêna
hốt hoảng cho rằng người ta đã lấy mất xác Chúa. Phêrô vào trước nhưng chưa có
ý kiến gì. Gioan vào sau. Ông đã thấy và đã tin. Ông thấy gì? Ông thấy khăn che
đầu và khăn liệm xếp đặt gọn gàng trong mộ. Là người môn đệ được Chúa yêu
thương ông có một trực giác đặc biệt. Hơn nữa ông đã biết rõ thói quen của
Chúa. Nhìn khăn liệm xếp đặt gọn gàng, ông nhận ra thói quen đó. Tuy nhiên niềm
tin ban đầu còn mơ hồ. Niềm tin chỉ chắc chắn nhờ được củng cố bằng việc trực tiếp
nhìn thấy Chúa.
Sau
ngày phục sinh, Chúa hiện ra nhiều lần với nhiều người. Hiện ra với các môn đệ
trong căn phòng đóng kín. Hiện ra với Tôma và cho ông xem các vết thương ở tay,
chân và cạnh sườn. Hiện ra với hai môn đệ đi đường Emmaus. Hiện ra trên bờ biển
và chỉ dẫn cho các môn đệ đánh một mẻ cá lạ lùng. Nhưng có lẽ cuộc hiện ra có
tác động mãnh liệt nhất là với Phaolô. Thuở ấy Phaolô còn có tên là Saolê, một
người Do Thái thù ghét Chúa Giêsu, hăng say đi tìm bắt những người tin Chúa. Ở
Damas, ông bị một làn ánh sáng chói lọi chiếu vào khiến mù mắt. Con ngựa hất
ông ngã lăn xuống đất. Và có tiếng từ trời phán bảo: "Saolê, Saolê, tại sao ngươi tìm bắt ta.” Hoảng sợ Saolê thưa:
"Thưa ngài, ngài là ai.” Tiếng từ
trời trả lời: "Ta là Giêsu mà ngươi
đang tìm bắt.” Từ đó Saolê tin vào Chúa Kitô Phục sinh, trở thành Phaolô, một
tông đồ nhiệt thành đi loan Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người.
Những
kết quả của việc Chúa Phục sinh được thấy rõ ràng. Trước hết là sự đột biến nơi các môn đệ. Ngày Chúa chịu chết, các ông là
những người nhút nhát, trốn chạy, thậm chí còn phản bội, chối Chúa. Tại sao chỉ
trong một thời gian ngắn, các ngài thay đổi một cách mãnh liệt. Ðang nhút nhát,
ẩn trốn bỗng hiên ngang xuất hiện ở chốn công khai. Ðang phản bội, chối Chúa bỗng
hăng hái ra đi làm chứng cho Chúa. Ðang sợ hãi bỗng trở nên can đảm lạ thường. Không
những vui mừng được chịu đau khổ vì Chúa mà còn sẵn sàng chịu chết vì Chúa. Chắc
chắn các ngài đã được gặp Chúa nên con người các ngài đã biến đổi tận gốc rễ. Chắc
chắn các ngài đã gặp Chúa nên lời chứng của các ngài có sức thuyết phục.
Thật
vậy, làm sao những người tín hữu đầu tiên tin vào lời chứng của các tông đồ đến
nỗi sẵn sàng bỏ của cải làm của chung, sẵn sàng chịu sống chui rúc, trốn chạy
cuộc bách hại của đế quốc La mã, sẵn sàng chịu chết vì đức tin của mình. Làm
sao Giáo hội có thể tồn tại 2,000 năm, qua biết bao nhiêu khó khăn thử thách do
những người muốn tiêu diệt đạo gây nên. Nếu Chúa không Phục sinh, không thể giải
thích được những việc đó.
Chúa
Phục sinh, đó là nền tảng của đức tin. Ðó là sự vững chắc của Giáo hội. Và đó
là chính là niềm hi vọng lớn lao của chúng ta. Chúa phục sinh biến đổi thân phận
chúng ta. Từ thân phận phải chết sẽ được sống lại với Chúa. Từ thân phận tội lỗi
được trở nên trong sạch. Từ cát bụi phàm trần được trở lại làm con Chúa. Từ định
mệnh mong manh phù du được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trong nhà Cha trên trời.
Lễ
Chúa Phục Sinh đem lại cho ta niềm vui lớn lao. Vì thế mừng lễ Chúa Phục Sinh mời
gọi ta biến đổi đời sống nên tươi mới cho xứng đáng với niềm tin, xứng đáng với
phẩm giá của con người được Chúa yêu thương cứu chuộc.
Lạy
Chúa Kitô Phục Sinh, xin cho con được sống lại thật về phần linh hồn. Amen!
TGM
Ngô Quang Kiệt