“Ai biết giá trị cuộc
sống mà chẳng ham. Thế nhưng với những người Kitô Hữu, chết là bước đường đi
đến cuộc sống muôn đời trên Thiên Đàng.” (Phaolô Phạm Khắc Khoan)
Trong thư I gửi giáo
đoàn Côrintô, thánh Phaolô quả quyết: “Nếu
Chúa Kitô không sống lại, thì đức tin của ta vô ích.” (I Cor. 15 ,17)
Cũng vì Chúa đã sống
lại, mà mỗi thời đại đã có biết bao người sẵn sang hy sinh tận hiến cuộc đời
mình cho Chúa, không quảng ngại vất vả long đong. Cũng vì Chúa đã sống lại, mà
trải qua hai ngàn năm, biết bao cuộc bách hại đẫm máu cũng không giập tắt được
niềm tin của những người theo Chúa. Vì đối với những người tin theo Chúa, thì
Chúa đã chết để được sống lại thế nào, tín hữu của Chúa cũng sẽ phải chết để
được sống lại như Chúa.
Trong thời gian bị
giam, một hôm qua tuần phủ nói với thánh Khoan (tử đạo ngày 28. 4. 1840, 69
tuổi): “Tôi muốn kết nghĩa với cụ, tôi
chỉ muốn tìm cách cứu sống cụ thôi. Xin cụ chịu khó chấp nhận bước qua Thập Giá.”
Cha trả lời: “Mấy tháng qua ở trong tù, tôi đã suy tính
kỹ lắm rồi, nhưng càng nghĩ, tôi càng xác tín hơn, càng cương quyết giữ vững
đức Tin cho đến chết.”
- Thế ông không muốn sống ư?
- Bẩm quan, mọi sinh vật đều muốn sống, huống hồ là con người có
suy nghĩ. Ai biết giá trị cuộc sống mà chẳng ham. Thế nhưng với những người
Kitô Hữu, chết là bước đường đi đến cuộc sống muôn đời trên Thiên Đàng.
- Ai bảo ông là có Thiên Đàng?
- Đó là điều cố nhiên phải có. Như nhà vua vẫn ban thưởng cho
những trung thần, thì Chúa Trời Đất chẳng lẽ không ban thưởng cho những tôi
trung của Người sao? Nơi ban thưởng đó, chúng tôi gọi là Thiên Đàng
- Vậy ai dậy cho ông biết là có Chúa Trời Đất?
- Bẩm quan, không cần phải ai dậy cả, chính trời đất vũ trụ là
cuốn sách mở ra dạy ta bài học đó. Nhìn ngắm những công trình kỳ diệu của thiên
nhiên, tức khắc phải nhận ra có Đấng tạo Thành và giữ gìn nó. Chúng tôi gọi
Đấng ấy là Chúa Trời và tôn Thờ Người.
Phạm Khắc Khoan sinh
năm 1771 tại làng Bồng Hải (Ninh Bình). Sau khi thụ phong linh mục, cha được
sai đi coi xứ Kẻ Vĩnh, rồi xứ Phúc Nhạ. Cha Khoan rất hăng say hoạt động tông
đồ. Ngoài xứ chính ra, cha còn phụ trách thêm hai họ Đông Biên và Tôn Đạo (Ninh
Bình). Mỗi tháng cha đều đến họ lẻ dâng Lễ, giải tội và khuyên nhủ giáo hữu
sống đạo đức, gương mẫu hơn. Mỗi lần đi như vậy, cha thường dẫn theo một hai
thầy giảng để giúp việc dạy giáo lý và đi sát với quần chúng. Năm 1839 có hai
thầy cùng đi với cha về giúp họ Đông Biên là thầy Phêrô Hiếu và thầy Gioan
Baptista Thành. Trên đường trở về, cả ba cha con bị bắt và bị giải về thị xã
Ninh Bình.
Vì hy vọng thời gian
sẽ làm cho các anh hùng đức Tin nản chí, quan tìm cách trì hoãn vụ án thật lâu.
Thỉnh thoảng quan lại gọi ra tòa, đề nghị bước qua Thập Giá. Mới đầu thì khuyên
dụ ngọt ngào, sau dùng cực hình để cưỡng ép, nhưng không cách nào có thể làm
các chứng nhân thay lòng, đổi dạ.
Ở trong ngục, cha
Khoan nhận được bức thư của đức cha Retord Liêu viết trước khi lên đường sang
Manila để được tấn phong. Bức thư bằng Hán Văn:
“Sách có câu: Chết vinh hơn sống nhục. Hãy coi chừng kẻ bội
giáo, cuộc đời họ đáng tủi hổ biết bao. Ngược lại khắp bốn phương thiên hạ đều
vang lên khen ngợi những ai chết cho đức Tin. Các vị tử đạo như tiếng kèn Thiên
Quốc với âm điệu ngân vang muôn người lắng nghe. Những kẻ chối đạo, ở lại trần
gian chỉ chờ lưỡi rìu chặt đem đi tiếp lửa cho hỏa ngục.” Máu các vị tử đạo như
giọt sương đêm tưới mát vườn nho Giáo hội, làm cho nó thêm phong nhiêu… Tôi
viết cho cha những lời vắn tắt vội vã này. Ước mong nó thành đóa hoa rực rỡ với
làn hương thơm tỏa ngát niềm vui, tô thắm tâm hồn cha trong cuộc chiến cuối
cùng. Xin kính cẩn tạm biệt cha. Xin kính cẩn hôn lên gông cùm xiềng xích của
cha. Trong lúc cầu nguyện xin cha đừng quên tôi.”
Một lần cha Khoan nói
thẳng với quan án rằng: “Quan bảo tôi chà
đạp Thập Giá là điều chẳng hợp lý chút nào?” Quan hỏi: “Sao lại không hợp lý, tôi cho ông con đường sống mà không hợp lý sao?”
Cha đáp: “Bẩm quan, nếu nước nhà có
biến, mà quan sợ, chết đào ngũ thì thật là hèn nhát. Cũng vậy, tôi chịu ơn Vua
Cả Trời Đất, tôi đâu được phép sợ chết mà bỏ Người được.”
Quan thất vọng trước
sự trung kiên của cha Khoan, thầy Hiếu, thầy Thành nên đành ký án tử gởi về
triều đình xiu châu phê. Trong những ngày chờ đợi, trại giam Ninh Bình vang
vọng những tiếng hát. Đó là tiếng hát cha Khoan và hai thầy hát bài Thánh Thi “Chúc
Tụng” (Te Deum). Cha một câu, hai thầy một câu, nhịp nhàng rộn rã. Trên đường
ra pháp trường, ba vị vẫn không ngừng cất tiếng ca trên những lời tri ân: “Tâu Thượng Đế! Này thần dân xin hát mừng
trước bệ - Tuyên xưng Ngài là Chúa Tể càn khôn …
Tại pháp trường ngày
28.4.1840, cha Khoan xin phép nói với dân chúng đôi lời: “Thưa đồng bào và các bạn hữu, chúng tôi không phạm tội ác, không chống
lại Đức Vua, không lỗi luật nước. Chúng tôi chết chỉ vì là Kitô hữu, và vì
không chịu bỏ đạo Thiên Chúa và đạo duy nhất chân thật.”
Lính đẩy ba chứng nhân
trung thành vào khu vực riêng, xa tầm mắt dân chúng. Ba vị giơ tay lên trời,
hay thầy hiệp ý cầu nguyện với vị linh mục:
“Vinh danh Chúa Tụng ngợi khen Thiên Chúa, Chúa trời đất. Chúng
con hiến dâng mạng sống cho Ngài. Xin Chúa chúc phúc cho đức vua được cai trị
lâu dài và thái bình thịnh vượng…
Như trong đêm phục
sinh, cha Khoan hát lên ba lần, Alleluia, Alleluia, Alleluia Alleluia, mỗi lần
với cung giọng cao hơn. Đối đáp lại, hai thầy hát theo cung độ của vị chủ sự. Ba
cái đầu cùng một lúc rơi xuống. Thầy giảng Huấn chứng kiến từ đầu vụ hành
quyết, đã lãnh thi thể ba đấng về Phúc Nhạc an táng.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Đề
tựa của Lm. HK