Suy tư mùa chay _ tính sổ trước khi chết

TÍNH SỔ TRƯỚC KHI CHẾT
Qua những cái chết, Chúa đang gọi tôi. Chúa gọi tôi hãy nghĩ đến cái chết của chính mình. Cái chết của tôi là kết thúc một chuyến đi lo công việc cho Chúa.
ĐGM. GB Bùi Tuần
1. Từ mấy tháng nay, những tin về sự chết đến với tôi càng ngày càng nhiều.
Có những cái chết rất bất ngờ.
Có những cái chết rất thương tâm.
Có những cái chết kéo dài thê thảm.
Qua những cái chết, Chúa đang gọi tôi. Chúa gọi tôi hãy nghĩ đến cái chết của chính mình. Cái chết của tôi là kết thúc một chuyến đi lo công việc cho Chúa.
Công việc, mà Chúa trao cho tôi phải lo trong suốt chuyến đi cuộc đời, đã được ghi trong lòng tôi, khi tôi chịu phép Rửa tội, Thêm Sức, cũng như khi tôi được thụ phong linh mục và giám mục.
Hôm nay có thể là một ngày của cuối chuyến đi. Trong tình hình mỏi mệt, tôi được Chúa nhắc nhủ cách riêng đến ba công việc quan trọng. Nhắc nhủ này được coi như dấu chỉ của tình yêu xót thương Chúa, tôi nên chia sẻ cho mọi người thuộc Hội Thánh là một cộng đoàn tình yêu.
2. Công việc thứ nhất là loan báo Tin Mừng
Tin Mừng là Chúa Giêsu. Người đến trong thế gian, đi vào lịch sử nhân loại.
Người ta sẽ nhận ra sự Người đến qua những dấu chỉ nào? Chính Chúa Giêsu đã kể ra những dấu chỉ sau đây, khi trả lời cho các môn đệ thánh Gioan Baotixita: “Người mù được xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,5).
Có thể gọi các dấu chỉ trên đây là các việc từ thiện bác ái, đặc biệt dành cho những người nghèo khổ. Từ thiện bác ái nói đây là thăng tiến con người, giải cứu con người khỏi mọi thứ sự dữ. Từ thiện bác ái gồm nhiều thứ khác nhau, từ việc làm đến tư tưởng thái độ, từ vật chất đến tinh thần, từ cầu nguyện đến bài giảng bài viết và lối sống...
3. Ngay trong hội đường thành Nadarét, Chúa Giêsu cũng đã quả quyết những lời tiên tri Isaia nói xưa được áp dụng cho chính Chúa Giêsu: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho kẻ mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18).
4. Theo những lời Chúa phán trên đây, thì các việc bác ái từ thiện làm cho người nghèo khổ, chính là dấu chỉ loan báo Tin Mừng cho tất cả nhân loại. Tin Mừng được loan báo cho mọi người qua việc thực hiện từ thiện bác ái cho người nghèo khổ.
Chính vì thế, khi các môn đệ Chúa làm các việc từ thiện bác ái dành cho người nghèo khổ, thì họ làm nên những dấu chỉ chắc chắn nhất về sự Chúa Giêsu hiện diện ở chính các ngài, và ở nơi các ngài hoạt động.
Làm việc bác ái từ thiện như những dấu chỉ của Chúa hiện diện, thì phải để ý đến những việc làm cụ thểcách làm cụ thể, sao cho đúng là bác ái thật. Điều quan trọng là phải trao tặng rất nhiều tình yêu. Phải coi việc từ thiện bác ái là một vinh dự cao quý. Làm hết sức mình, còn kết quả ra sao hãy phó thác nơi Chúa. Chứ hễ thành công thì tự hào kể công, còn hễ thất bại thì đổ lỗi cho người khác. Làm thế là sai bác ái.
5. Công việc thứ hai là dâng của lễ.
Dâng của lễ lên Thiên Chúa, mà tôi thực hiện hằng ngày, là dâng chính mình và tất cả mọi người lên Thiên Chúa.
Thánh Gioan thuật lại lời Chúa Giêsu phán xưa: “Phần tôi, một khi được đưa lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Rồi thánh Gioan nói: “Đức Giêsu nói thế, để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào” (Ga 12,32-33). Tức là Chúa Giêsu hy sinh chết trên thánh giá vì yêu thương nhân loại. Đó chính là của lễ, mà tôi được mời gọi hãy làm theo.
Như vậy, của lễ tôi dâng lên Chúa là tình yêu với những hy sinh vì tình yêu. Nếu không, của lễ dâng lên Chúa không những chẳng có nghĩa gì, mà còn bị Chúa ruồng bỏ.
6. Ở đây, tôi nhớ lại lời Chúa phán qua miệng tiên tri Isaia:
“Thôi, đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa. Ta ghê tởm khói hương. Ta không chịu nổi ngày đầu tháng, ngày Sabát, ngày đại hội. Không chịu nổi những ngày cứ phạm tội ác, rồi cứ lễ lạt linh đình. Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta. Ta không chịu nổi nữa. Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn. Các ngươi có đọc kinh cho nhiều. Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu. Hãy rửa cho sạch, hãy tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa” (Is 1,13-16).
7. Những lời trên đây khiến tôi lo sợ cho những gì tôi coi như là của lễ tôi và cộng đoàn của tôi hay dâng lên Chúa, như hoa, nến, công trình xây cất hoành tráng, tiền bạc chồng chất, các nghi lễ đẹp đẽ và các quy tụ đông đảo. Dâng những thứ đó lên Chúa thực sự không phải là làm điều ác. Nhưng để có những thứ đó, biết đâu tôi đã chẳng phạm những bất công và phản bác ái. Cũng như khi dâng những thứ đó, biết đâu tôi lại không nhắm tìm một lợi ích tư riêng, trần tục. Cũng như khi dâng các thứ đó lên Chúa, mà tôi cảm thấy sung sướng, bình an, thì biết đâu sự sung sướng bình an đó chỉ là phản ánh của một sự tự đắc phô trương.
Chính vì thế, mà tôi phải rất tỉnh thức trong công việc dâng của lễ lên Chúa.
8. Công việc thứ ba là thực hành nhiệm vụ ngôn sứ.
Nhiệm vụ ngôn sứ không phải là nói tiên tri về tương lai. Nhưng là nói những lời có chất lượng đạo đức nuôi dưỡng con người. “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe” (Ep 4,29). Tất nhiên ngôn sứ đôi khi phải nói những lời cảnh báo, nhưng luôn giữ mình ở mức độ tình yêu, mà Chúa đòi ở các con cái Chúa.
Nhiệm vụ ngôn sứ còn là loan báo cho mọi người biết thánh ý Chúa trong những thời điểm nhất định.
9. Theo tôi, thánh ý Chúa rất cần được thực hiện trong thời nay là giới răn mới của Chúa Giêsu: “Thầy cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34). Ngôn sứ của Chúa phải loan báo ý Chúa là yêu thương nhau, để mỗi người sẽ là dấu chỉ và là khí cụ của tình yêu, để các cộng đoàn đều trở thành những cộng đoàn tình yêu, để bất cứ ai nhìn thấy như thế sẽ có thể nhận ra người môn đệ đích thực của Chúa: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau” (Ga 13,35).
10. Làm ngôn sứ của Chúa trong tình hình hiện nay là thế đó. Phải rất tỉnh thức và tế nhị. Nhất là khi người ta đang mỏi mệt, thiếu thốn, thì người ngôn sứ nếu không làm gì được điều tốt cho họ, thì đừng làm cho họ phải khổ thêm. Ngôn sứ làm bổn phận với tất cả nhiệt tình. Còn kết quả thế nào thì xin dâng phó cho Chúa. Không nên đề cao mình và đừng bao giờ chê trách bên nọ kết án bên kia.
11. Trong hồi tâm trước mặt Chúa, tôi nhìn lại ba công việc Chúa đã trao cho tôi trong chuyến đi cuộc đời. Tôi thấy tôi chưa làm tốt, tôi yếu đuối lắm. Tôi xin Chúa thương tha thứ cho tôi. Và tôi cũng xin cộng đoàn tha thứ cho tôi.
Với chút nghị lực còn lại, tôi quyết tâm cố gắng không ngừng phấn đấu, để bước theo Chúa Giêsu, và lo những công việc Chúa trao, cho dù phải vác thập giá: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Thầy” (Mt 16,24). Nhưng tôi nhận mình rất yếu đuối, có nhiều giới hạn, nên tôi xin phó thác mình cho lòng thương xót Chúa. Tôi xin làm hết sức mình, còn kết quả ra sao, thì xin dâng phó trọn vẹn cho Chúa. Tôi chỉ là đầy tớ vô dụng.
Lạy Chúa, xin Chúa thương đến mọi người môn đệ Chúa đang lo những công việc của Chúa trên Quê Hương Việt Nam yêu dấu của con. Trách nhiệm của họ hiện nay là rất nặng nề.
Long Xuyên, 8 tháng 3 năm 2014.
+ GB Bùi Tuần