Sống đức tin _ lương thực của Thầy


LƯƠNG THỰC CỦA THẦY
“Con xin Cha bề trên cầu Thiên Chúa cho con trong Thánh Lễ và Kinh Nguyện, để mỗi ngày con được nên hoàn thiện hơn và vui lòng nhận mọi sự khốn khổ theo thánh ý Chúa.” (Vinhsơn Liêm)
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Trong bài tin mừng này, thánh Matthêô có ghi chép: Khi Chúa nói chuyện với người phụ nữ Samaria, thì các môn đệ vào thành mua thức ăn. Lúc các ngài trở về, đưa thức ăn mởi Chúa dùng, thì Chúa nói:
“Thầy có của ăn mà các con không biết”
Thấy môn đệ thắc mắc về câu nói đó, nên Chúa đã nói tiếp:
“Của ăn Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy và chu toàn công việc Ngài”
Ước chi của ăn đời mỗi mỗi người chúng ta là biết vâng theo ý Chúa, và chu toàn công việc Chúa trao.
Thánh Vinhsơn Liêm (tử đạo ngày 7.11.1773. 41 tuổi) luôn luôn nghĩ tới việc tuân theo ý Chúa, và chu toàn công việc Chúa trao phó.
Trong thư đề ngày 17.16.1764 gửi bề trên giám tỉnh ở Manila (Phi Luật Tân) cha Vinhsơn bày tỏ những nỗi khó khăn các giáo hữu Việt Nam gặp phải trong việc giữ đạo, và những gian nan của chính cha trong sứ vụ truyền giáo. Ngài viết:
“Con xin Cha bề trên cầu Thiên Chúa cho con trong Thánh Lễ và Kinh Nguyện, để mỗi ngày con được nên hoàn thiện hơn và vui lòng nhận mọi sự khốn khổ theo thánh ý Chúa.”
Cha Vinhsơn Liêm sinh năm 1732. Năm 12 tuổi cậu Liêm vào tu tại Lục Thủy, và đã tỏ ra thông minh đạo hạnh.
Sau 6 năm học tập, cậu được cha chính Huy chọn vào số thanh niên hưởng học bổng, sang Manila học trường San Juan de Letran. Trong thời gian học ở đây, thầy Vinhsơn Liêm rất xuất sắc và được các bạn học quý mến, thầy xin vào dòng Đaminh năm 1753, và sau một năm, thầy Vinhsơn Liêm tuyên khấn. Thầy tiếp tục học thêm 4 năm thầy học và các khoa chuyên môn tại đại học Santo Tomas. Năm 1758, Thầy thụ phong linh mục và về nước giảng đạo.
Về Việt Nam, trước hết cha Vinhsơn Liêm được bổ nhiệm làm giáo sư đại chủng viện Trung Linh (Nam Định). Cha đã đem hết tài trí và nhiệt thành truyền đạt cho các chủng sinh, những kiến thức cha đã học được. Nhưng nguyện vọng của Cha là loan báo Tin Mừng. Ít lâu sau cha được rời chủng viện dấn thân vào cánh đồng truyền giáo. Cha lần lượt đảm nhiệm các xứ Quất Lâm , Lục Thủy, Trung-Lễ, Trung Lao, và từ khi cha Jacinto Gia bị bắt, cha kiêm luôn cả vùng Lai Ơn.
Hoạt động tông đồ của cha không chỉ hạn hẹp trong các giáo xứ, mà còn mở rộng đến các làng ngoại giáo, bất chấp những khó khăn nguy hiểm của thời cấm cách Trịnh Sâm (1767-1782). Tại bất cứ nơi nào, cha luôn nhiệt tình yêu thương, giúp đỡ mọi người, cha khuyên mọi người sống can đảm, an ủi khích lệ lòng tin của anh em, để không ai bị nao núng vì các nỗi gian truân.
Trong thời gian này cha Liêm thường thư từ với các bề trên và bạn học ở Manila. Hai bức thư đề ngày 17.6.1764 một gởi cha Pedro Ire, bề trên giám tỉnh ở Manila, một gởi đức cha Bernardo Votaris, Giám mục địa phận Nueva Segovia (Phi Luật Tân). Cha Vinhsơn Liêm báo cho hai vị một tin vui: ”Ông Hoàng thứ 6, em của vị “Chúa” (Trịnh) xứ Bắc (Đàng Ngoài) vào đạo Công Giáo, và chịu phép rửa trước khi từ trần.
Năm 1773, lễ đức Mẹ Mân Côi, cha Liêm đi giảng cho họ Lương Đống (Cách thị xã Thái Bình 15 km). Nhà cầm quyền nghe biết, sai người theo dõi bắt cha.
Ngày 2 tháng 10 năm 1773 quân bổ vây nhà ông nhiêu Nhuệ, nơi cha đang ở. Họ đột nhập bắt trói, đánh đấm cha. Máu chảy ướt cả áo. Họ đem nộp cha cho Chánh Tổng tên là Trần Văn Hiến. Ông này muốn giáo dân đút nhiều tiền để chuộc, nên giam giữ cha 12 ngày, cho đến khi thấy không kết quả, mới giải Cha lên Phố Hiến, nộp cho quan trấn. Ở đây, cha Liêm được gặp cha Castaneda Gia trong ngục.
Ngày 20.10.1773, được lệnh của Phủ Liêu quan trấn dạy đóng gông Gia và Liêm, có ghi 4 chữ “ Hoa Lang Đạo Sư ”, rồi trao cho quan phủ Thần Khê giải hai cha lên Thăng Long.
Tịnh Đô vương đã lên án trảm quyết hai cha.
Ngày 7 tháng 11 năm 1773 cha Liêm và cha Jacintô Gia được dẫn từ ngục ra pháp trường, dân chúng đi xem rất đông. Khi qua hoàng cung, theo thói quen quan biểu hai cha đứng lại nghe vua y án hay được ân xá Một viên quan lớn tiếng nói: “Tên Gia và tên Liêm bị kết án tử hình vì tội làm đạo trưởng cho Hoa Lang Đạo, một đạo đã bị nghiêm cấm“.
Một viên quan khác lớn tiếng đáp lại: “Hoa Lang Đạo là đạo đã bị nghiêm cấm, nhưng cho đến ngày nay chưa người dân Việt nào đã bị xử tử vì đạo này, nên xin vua đại xá cho tên Liêm là công dân nước Việt ”.
Cha Liêm sợ mất phúc tử đạo, lên tiếng khiếu nại:
“Cha Gia bị án trảm quyết vì lẽ gì, thì cũng phải kết án trảm quyết tôi vì lẽ ấy. Cha Gia là đạo trưởng, tôi cũng là đạo trưởng, nếu luật nước không kết án tôi, thì càng không được kết án cha Gia, vì tôi là công dân nước Việt, tôi phải giữ luật nước hơn người. Nếu chỉ giết cha Gia, còn tôi thì tha, án của vua chúa không công minh. Yêu cầu tha thì tha cả hai, mà giết thì cũng phải giết cả hai, thế mới công bình .”
Nghe cha Liêm nói, quan dân đều ngậm ngùi muốn tha tất cả, nhưng vì bản án đã công bố, nên quan phải y lệnh dẫn hai nhà truyền giáo ra pháp trường Đồng Mơ ở ngoài thành.
Hai đấng tử đạo sung sướng cùng nhau tạ ơn Chúa. Hai vị đọc kinh Tin Kính, hát kinh Salve Regina (Lạy Nữ Vương) cho tới pháp trường. Chiêng trống đổ hồi lên hiệu. Đầu hai đấng tử đạo rơi xuống, giáo dân cũng như lương dân ùa vào tranh nhau thấm máu, cắt gông cùm, xén áo dòng làm vật kỷ niệm. Giáo dân lập mưu lượm thi hài hai đấng Thánh, chôn táng một cách kính cẩn, gồng xiềng cũng được cất giấu cẩn thận. Chỉ vài ngày sau, các bề trên trong địa phận cắt cử mấy thầy giảng đi Thăng Long để đi rước hai xác thánh về Trung Linh.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Đề tựa của Lm. HK