SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN 2014
“ĐỨC
TIN VÀ ĐỨC MẾN:
“Chúng ta cũng phải hiến mình cho anh em”
“Chúng ta cũng phải hiến mình cho anh em”
Như Chúa Cha đã
ban Con Một vì yêu thương, và Chúa Con đã hiến mạng sống mình cũng vì yêu
thương, nên chúng ta cũng có thể yêu thương tha nhân như Thiên Chúa đã yêu
thương chúng ta, bằng việc hiến mình cho anh chị em chúng ta.
Anh chị em thân mến,
1. Nhân dịp Ngày Thế Giới Bệnh Nhân lần thứ XXII, năm nay sẽ có
chủ đề “Đức tin và đức mến: ‘Chúng ta
cũng phải hiến mình cho anh em chúng ta’” (1Ga 3, 16)”, tôi xin nói đặc biệt
với các bệnh nhân và tất cả những ai đang trợ giúp và săn sóc họ. Anh chị em bệnh
nhân thân mến, Giáo Hội nhận ra nơi anh chị em một sự hiện diện đặc biệt của
Chúa Kitô đau khổ. Như thế: ở bên cạnh, hay đúng hơn ở trong đau khổ của chúng
ta, có đau khổ của Chúa Giêsu, Đấng mang sức nặng của nó cùng với chúng ta và
cho thấy ý nghĩa của nó. Khi Con Thiên Chúa bị treo trên thập giá, Ngài đã phá
đổ sự cô đơn của đau khổ và Ngài đã chiếu sáng bóng tối của nó. Bằng cách này,
chúng ta được đặt trước mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, Đấng
ban cho chúng ta niềm hy vọng và sự can đảm; niềm hy vọng, bởi vì trong kế hoạch
tình yêu của Thiên Chúa, ngay cả đêm tối đau khổ được mở ra cho ánh sáng Phục
Sinh, và can đảm, để đương đầu với mọi nghịch cảnh trong sự đồng hành của Ngài,
kết hiệp với Ngài.
2. Con Thiên Chúa làm người đã không xóa bỏ bệnh tật và đau khổ
khỏi kinh nghiệm nhân loại, nhưng chính Ngài đã đảm nhận chúng, Ngài đã biến đổi
chúng và mang lại cho chúng một chiều kích mới. Một chiều kích mới, bởi vì
chúng không có tiếng nói sau cùng nữa, mà trái lại là sự sống mới tròn đầy; được
biến đổi bởi vì, khi kết hiệp với Chúa Kitô, chúng có thể, từ tiêu cực, trở
thành tích cực. Chúa Giêsu là con đường và chúng ta có thể bước theo Ngài cùng
với Thánh Thần của Ngài. Như Chúa Cha đã ban Con Một vì yêu thương, và Chúa Con
đã hiến mạng sống mình cũng vì yêu thương, nên chúng ta cũng có thể yêu thương
tha nhân như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, bằng việc hiến mình cho anh chị
em chúng ta. Niềm tin vào Thiên Chúa nhân từ trở thành lòng nhân từ, niềm tin
vào Chúa Kitô chịu đóng đinh trở thành sức mạnh yêu thương cho đến cùng, kể cả
kẻ thù của ta. Bằng chứng của một đức tin đích thực trong Chúa Kitô là sự tự hiến
được diễn tả trong tình yêu tha nhân, cách riêng người bé mọn, người đau khổ,
người bị gạt ra bên lề xã hội.
3. Qua Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, chúng ta được kêu gọi trở
nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, người Samaritanô Nhân Hậu của tất cả những
ai đau khổ. “Căn cứ vào điều này, chúng
ta biết được Tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã hiến mạng vì chúng ta. Như vậy,
cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải hiến mạng vì anh em” (1Ga 3,16). Khi
chúng ta ân cần đến gần những ai cần săn sóc, thì chúng ta mang lại niềm hy vọng
và nụ cười của Thiên trong những mâu thuẫn của thế giới. Khi sự tận tâm quảng đại
đối với tha nhân trở nên phong cách của hành động chúng ta, thì chúng ta dành
chỗ cho Trái Tim Chúa Kitô và chúng ta được sưởi ấm, và như thế mang lại sự
đóng góp của chúng ta cho sự lên ngôi của Vương quốc Thiên Chúa.
5. Để lớn lên trong sự ân cần và lòng bác ái tôn trọng và tế nhị,
chúng ta có một khuôn mẫu Kitô hữu mà chúng ta cần hoàn toàn tin tưởng hướng
nhìn về. Đó là Mẹ của Chúa Giêsu và là Mẹ của chúng ta. Mẹ chú tâm lắng nghe tiếng
Chúa và các nhu cầu và khó khăn của các con cái Mẹ. Được thúc đẩy bởi lòng
thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã hóa thành nhục thể nơi Mẹ, Đức Maria đã quên
mình và nhanh chóng lên đường, từ Galilê đi về Giuđê, để gặp gỡ và giúp đỡ người
chị họ của mình là bà Êlisabeth; Mẹ can thiệp với Con Mẹ ở tiệc cưới Cana, khi
thấy thiếu rượu; Mẹ mang trong tâm hồn mình, trong suốt cuộc lữ hành cuộc đời của
Mẹ, những lời của cụ gia Simêon, người đã cho Mẹ biết rằng một lưỡi gươm sẽ đâm
thâu tâm hồn Mẹ, và Mẹ vẫn vững vàng dưới chân Thập giá Chúa Giêsu. Mẹ biết làm
cách nào bước đi trên con đường này và chính vì thế Mẹ là Mẹ của tất cả các bệnh
nhân và những người đau khổ. Chúng ta có thể thân thưa với Mẹ với lòng tin tưởng
và sùng kính con thảo, xác tín rằng Mẹ sẽ trợ giúp chúng ta, Mẹ sẽ nâng đỡ
chúng ta và sẽ không bỏ rơi chúng ta. Mẹ là Mẹ của Đấng chịu đóng đinh đã phục
sinh; Mẹ ở gần bên thập giá của chúng ta và đồng hành với chúng ta trên con đường
dẫn đến sự phục sinh và sự sống tròn đầy.
5. Thánh Gioan, người môn đệ đã đứng dưới chân Thập giá cùng với
Mẹ, dẫn chúng ta đến tận nguồn mạch đức tin và đức mến, đến trái tim của Thiên
Chúa “là tình yêu” (1Ga 4,8.16) và nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không thể
yêu mến Thiên Chúa nếu chúng ta không yêu thương anh chị em chúng ta. Người đứng
dưới Thập giá cùng với Đức Maria sẽ học yêu mến như Chúa Giêsu. Thập giá “là sự xác tín về tình yêu trung tín của
Thiên Chúa dành cho chúng ta. Một tình yêu lớn lao đến nỗi Ngài đi vào trong tội
lỗi chúng ta và tha thứ tội lỗi, Ngài đi vào trong nỗi đau khổ của chúng ta và
ban cho chúng ta sức mạnh gánh lấy đau khổ, Ngài cũng đi vào trong cái chết để
chinh phục nó và cứu độ chúng ta… Thập giá của Chúa Kitô cũng mời gọi chúng ta
để cho tình yêu này xâm chiếm chúng ta, nó dạy chúng ta luôn nhìn tha nhưng với
lòng thương xót và yêu thương, nhất là ngời đau khổ, người cần đến sự giúp đỡ”
(Đàng Thánh Giá với giới trẻ, Rio de Janeiro, 26/7/2013).
Tôi phó thác Ngày Thế Giới Bệnh Nhân lần thứ XXII này cho sự cầu
bàu của Đức Maria, để Mẹ giúp đỡ các bệnh nhân sống nỗi đau khổ của mình trong
sự kết hiệp với Chúa Giêsu-Kitô, và để Mẹ nâng đỡ những ai đang săn sóc họ. Tôi
hết lòng ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người, cho các bệnh nhân, các chuyên
viên y tế và các tình nguyện viên.
Vatican, ngày 6 tháng 12 năm 2013