BÔNG
HOA LẠ TRÊN ĐỐNG GẠCH VỤN
Hai bông hoa bỗng dưng lại mọc lên từ đống
đổ nát ngổn ngang. Đẹp quá! Quý quá! Nhưng làm thế nào để hai bông hoa ấy mãi
mãi tỏa hương, mãi mãi khoe sắc?...
Mình ngồi tâm sự với cha
Phaolô Nguyễn Quốc Anh, giám đốc Caritas giáo phận Hưng Hóa. Tách nước trà của
ông Q. Anh thì đặc quánh và đắng nghét. Mình chỉ dám nhấm nháp từng giọt, từng
giọt. Chuyện ông kể thì cay sè, nhưng mình lại say mê nghe và ghi nhớ từng lời,
từng lời.
I. Chuyện về một
đống gạch vụn ngổn ngang.
Cha xứ Cốc Lếu dẫn phái
đoàn Caritas Hưng Hóa đi thăm một gia đình dân tộc Hán ở Xóm Mới, xã Mường
Khương, huyện Mường Khương, tỉnh lào Cai, ngay sau cơn mưa đá dữ dội xảy ra đêm
ngày 26/3/2013. Con đường dài trên 30 cây số: đường tráng nhựa, nhưng nhỏ hẹp
và ngoằn ngoèo như con rắn bò. Bò mãi mới tới một căn nhà tuềnh toàng: nồi niêu
xoong chảo lăn lóc; áo quần vắt vẻo trên dây tùm lum. Căn nhà tuềnh toàng ấy lại
là một nhà kho chất chứa biết bao nỗi khổ của loài người.
Thống khổ một: Ông Lồ Khái Phủ, 91 tuổi, góa vợ - ông ngồi gật gù, không muốn nói chuyện. Ông tủi thân nhớ
lại quá khứ nghèo nàn. Ông tức tưởi nhìn một bầy con sống vật vờ: đứa thì mắc bệnh
tâm thần; đứa thì câm; đứa thì điếc; đứa vừa câm vừa cụt chân. Chẳng bữa cơm
nào đủ no. Chẳng có bộ quần áo nào lành. Ông vừa muốn chết để khỏi thấy kiếp sống
đọa đày, vừa muốn sống đến trăm tuổi để thấy mình còn có cái gì đó hơn người
ta. Sống cũng khổ. Chết cũng khổ. Cái khổ nào cũng to như núi. Cái khổ nào cũng
mênh mông như biển cả…
Thống khổ hai: Đứa con trai đầu lòng của ông là Lồ Sẻo Xì năm nay đã được 57 tuổi,
nhưng vẫn sống như đứa trẻ thơ chưa có tuổi nào. Đầu thì hói, trán thì cao, cứ
tưởng là triết gia, nhưng chỉ là cái sọ rỗng tuếch, ngờ nghệch. Cặp mắt thì lờ
đờ, chỉ biết nhìn xuống, chẳng dám nhìn lên. Râu và ria mọc vô trật tự y như một
nghệ sĩ lãng mạn, nhưng dường như nghệ sĩ ấy chưa có linh hồn. Chân tay oặt oẹo
chưa bao giờ biết đứng thẳng là gì. Chỉ biết ăn bám, chỉ biết sống nhờ, nhưng lại
ngơ ngơ chẳng biết ai cho mình ăn…
Thống khổ thứ ba: Đứa con thứ hai là Lồ Thị Mửng, năm nay đã 50 tuổi,
vừa câm, vừa xấu gái. Đã không biết nói, lại còn hơi ngơ ngơ. Có lúc cười thật
đẹp, mà có lúc lại cười vô duyên. Và … dường như không biết làm đẹp là gì. Bởi
thế chẳng có người đàn ông nào chiếu cố. Đành một mình vui buồn với cái cuốc,
cái liềm trên mảnh vườn nhỏ như cái bàn tay ếch…
Thống khổ bốn: Đứa con thứ ba là Lồ Thị Pà, năm nay đã 46 tuổi,
nhưng vẫn sống độc thân, không chồng, không con. Cái mặt nhìn nghiêng thì dường
như có duyên. Nhưng khổ một nỗi là vừa câm, lại vừa cụt một chân. Trí khôn thì
tỉnh táo, hơn hẳn ông anh và bà chị, nhưng khôn hơn mà chẳng sướng hơn, vì khôn
là chỉ để thấy mình cụt và câm. Lao động thì chẳng bằng bà chị, mà ăn thì chẳng
thua ai. Mặc cảm đầy mình!
Thống khổ năm: Đứa con thứ tư là Lồ Thị Sửu, năm nay cũng 46 tuổi như
bà chị. Không câm, không cụt như bà chị, nhưng lại điếc, điếc trăm phần trăm.
Bà là người con gái may mắn nhất của cụ Lồ Khái Phủ, vì bà có chồng và có con.
Chồng thì khỏe mạnh và cần cù để gánh vác hết một tập thể tật nguyền. Nhưng dường
như quá nặng, khiến vai ông phải oằn xuống và cặp mắt của ông cũng chẳng dám
ngước lên để nhìn đời…
Thống khổ sáu: Đứa con út của cụ Phủ là anh Lồ Dung Túng, đứa con may mắn
nhất vì không tật nguyền và có vợ có con như ai. Nhưng vẫn như trốn tránh gia
đình, vì quá nghèo không đủ sức để chia cơm sẻ áo… Đành chịu mang tiếng là thiếu
tình ruột thịt.
II. Chuyện kể về
một bông hoa trên đống gạch vụn.
Sau khi ủ rũ kể chuyện về
một gia đình chồng chất nỗi thống khổ, linh mục Q. Anh lại cười toe toét kể về
hai đưa con gái của bà điếc Lồ Thị Sửu, đó là hai em: Lồ Mai Duyên và Lồ Thị
Múi.
Em Duyên học lớp 8, em Múi học lớp 6 – cả hai em đều
là học sinh giỏi và ngoan. Giỏi – ngoan – nghèo là đối tượng số một của Caritas
Hưng Hóa. Vì thế khi nói về em Duyên, linh mục Q. Anh dang tay, hứng khí kể: “Khi phái đoàn đến thăm, một mình em Múi kể
chuyện về gia đình như một MC – Em đi tới đi lui, đi ra đi vào, vừa rót nước mời
khách, vừa niềm nở giới thiệu từ ông ngoại, đến ông bác, ông chú, và các dì. Em
mô tả rành mạch tật nguyền và khả năng lao động của từng phần tử trong gia
đình… Em kể chuyện học hành của bản thân em và của bé Múi. Em là ngôi sao sáng
rực giữa một đêm tối mịt mù. Em là bông hoa lạ mọc lên từ đống gạch vụn ngổn
ngang”.
Chuyện kể chưa xong, thì
có tiếng nhạc trổi lên từ trong túi quần của linh mục Q. Anh báo hiệu có người
muốn nói chuyện. Mình tủm tỉm cười và dí dỏm hỏi:
- Ai dám chui vào đấy mà nói chuyện vậy?
- Có tin buồn từ cha Thành, Lào Cai: Ngoài việc mưa đá xảy
ra đêm 26/ 03/ 2013 đã giập tanh bành căn nhà của cụ Lồ Khải Phủ, thì nay lại
thêm một tin buồn là cụ Phủ vừa qua đời. Thế là một thống khổ đè lên một thống
khổ!
- Caritas tính sao đây?
- Thì phải cấp tốc lo cho gia đình ông ấy một mái ấm tàm
tạm đã…
Mình giã từ linh mục Q.
Anh, về phòng riêng, ngồi ngẫm nghĩ một mình. Nỗi đau của hôm nay thì ngổn
ngang như thế. Nỗi đau của hôm nay còn kéo dài cho tới khi nào? Và… Còn tương
lai thì dài vô tận. Mình chạnh nghĩ đến em Duyên và em Múi: hai người thoát nạn
lạ lùng của một tai nạn khủng khiếp; hai bông hoa bỗng dưng lại mọc lên từ đống
đổ nát ngổn ngang. Đẹp quá! Quý quá! Nhưng làm thế nào để hai bông hoa ấy mãi
mãi tỏa hương, mãi mái khoe sắc?...
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
Hai bông hoa lạ Duyên và Múi “thoát nạn
lạ lùng của một tai nạn khủng khiếp; hai bông hoa bỗng dưng lại mọc lên từ đống
đổ nát ngổn ngang. Đẹp quá! Quý quá!”
Đẹp quá! Quý quá!
Nhưng còn một bông hoa lạ khác đẹp hơn, quí hơn bội phần
mà chẳng được tôi nghĩ đến, nói đúng hơn là đã được biết đến nhưng cũng đã bị
quên đi. Đó là Con Thiên Chúa, Đấng chỉ vì yêu thương mà đảm nhận lấy mọi khổ
đau của tôi, thay cho tôi và đồng hành với tôi.
”Người bị đời khinh khi ruồng rẫy,
phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật.
Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn,
bị chúng ta khinh
khi, không đếm xỉa tới.
Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta,
đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta,
còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt,
bị Thiên Chúa giáng
hoạ, phải nhục nhã ê chề.
Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,
bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm;
người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an,
đã phải mang thương
tích cho chúng ta được chữa lành.” (Is 53,3-5)
Lời tạ ơn đẹp nhất là tôi hãy thực hiện cho người khác những
gì Chúa đã thực hiện cho tôi. Đó chính là mong ước cuối cùng của Đấng đã chết vì tôi: “Anh
em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả
thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân
cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh
em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Ga 13,13-15)