Ơn thiên triệu _ linh mục vượt lên khủng hoảng

BÀI 2:
VƯỢT LÊN KHỦNG HOẢNG
TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC
Các xung đột nội tâm và khủng hoảng này chỉ có thể được giải quyết khi đặt Chúa Giêsu làm trung tâm cuộc sống, tình cảm và mọi hoạt động…  
(Tĩnh tâm linh mục đoàn giáo phận Vinh)
Kính thưa Quí Cha,
ĐTC Phanxicô nói: “Đừng sợ hãi, đừng lừa dối cuộc sống, mà chấp nhận đời sống thực tại như đang xẩy ra và tìm biện pháp giải quyết… phải đương đầu ngay và Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta. Hãy đến với Chúa Giêsu, Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta, dù là những lúc khó khăn tăm tối nhất của đời sống… Chúng ta có thể lầm lẫn, nhưng Chúa mãi ở bên chúng ta và nói: ‘Con đã nhầm lẫn, hãy trở lại bước đi cho đúng đường.’” Muốn sống thật tốt sứ vụ linh mục trong định hướng Tân Phúc Âm hóa để thông truyền đức tin kitô giáo, chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tại, bên cạnh những điểm son vẫn còn có những chấm đen, bên cạnh bao nhiêu điều tốt lành cũng có những khủng hoảng nhập nhằng trong đời sống và sứ vụ linh mục của chúng ta, để từ đó vận dụng ơn tĩnh tâm mà kiểm điểm vượt lên và tái định hướng đời sống và sứ vụ của mình.
1. Nhận định tổng quát
Đời người ai cũng có trải qua những cuộc khủng hoảng. Khủng hoảng không nhất thiết là tiêu cực, nhưng là thách đố để tái định hướng đời sống và sứ vụ tốt hơn. Nó mời gọi một đời sống thiêng liêng cá nhân sâu xa hơn, can đảm đối mặt và chấp nhận các thực tại của bản thân, dù có khi đau đớn và xấu hổ, để làm mới lại các liên hệ lành mạnh. Phải có cái nhìn hy vọng vượt sang bên kia những cơn khủng hoảng, tức cái được biến đổi tốt đẹp, nhờ qui chiếu vào Chúa Kitô và lấy Chúa Kitô làm trung tâm. Cơn khủng hoảng chỉ là một giai đoạn, sẽ có những lúc khó khăn và đau khổ, nhưng nó sẽ dẫn đến một cuộc sống mới.
Sau 20 năm thực hiện Chỉ Nam về Đời Sống và Sứ Vụ Linh Mục do Chân Phước Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II ban hành ngày 31/01/1994, Bộ Giáo Sĩ, trong đó có ĐGH Phanxicô lúc ấy còn là HY Bergoglio, thấy cần cập nhật hóa văn kiện này để xét đến hiện tượng tục hóa vốn là gốc rễ của cuộc khủng hoảng thừa tác vụ linh mục. Cuộc khủng hoảng này một mặt được biểu lộ bằng sự giảm sút rõ rệt các ơn gọi, và mặt khác bằng sự gia tăng việc mất đi ý thức về đặc tính siêu nhiên của sứ mạng linh mục, đồng thời tái khẳng định cái nhìn thần học về chức linh mục thừa tác như sự tham dự hữu thể vào con người của Chúa Kitô, để đáp ứng tốt hơn cho thời điểm lịch sử mà hiện chúng ta đang sống. Đó là lý do ra đời của Chỉ Nam về Đời Sống và Sứ Vụ Linh Mục 2013 được ĐGH Biển Đức XVI chuẩn nhận ngày 14/01/2013 và xuất bản ngày 11/02/2013 để giúp các linh mục sống tốt hơn sứ mạng của mình trong một thế giới càng ngày càng bị tục hóa. Văn kiện mới suy nghĩ về tương lai của chức linh mục cũng là tương lai của việc loan báo Tin Mừng, và do đó cũng là tương lai của chính Giáo Hội.
Cuộc khủng hoảng trước hết dễ nhận thấy nơi thế hệ linh mục trẻ. Quả vậy, sau khi ra trường, vì hăng say công việc mục vụ và thiếu kinh nghiệm sắp xếp cuộc sống cầu nguyện chiêm niệm và hoạt động tông đồ hài hòa, một số linh mục trẻ dễ dàng bỏ hay làm một cách máy móc và giữ mức độ tối thiểu việc cầu nguyện, Kinh Nhật Tụng, Nguyện Gẫm, lần chuỗi, xét mình và linh hướng, xưng tội... Họ bỏ cầu nguyện và những việc sùng kính đạo đức đã giúp họ giữ vững ơn gọi sống động trong chủng viện, và cũng chính những thứ đó sẽ còn giúp họ bền đỗ trong chức vụ linh mục khi sống giữa đời. Chúng ta có một cảnh báo đáng suy tư là lời thú nhận trên tờ Records của giáo phận Perth (Australia) của một linh mục có bằng tiến sĩ thần học ở Rôma, đã hoàn tục sau 20 năm, vì đã có một đời sống quá bận rộn và thiếu sự cầu nguyện: “Trên tất cả mọi sự, tôi nhận rõ rằng chính việc thiếu một đời sống cầu nguyện đã giết chết ơn gọi Linh mục trong tôi”
Có nhiều người trách linh mục trẻ sau 1975 thiếu trưởng thành nhân bản, nhất là trong cách cư xử trịch thượng, nói năng cửa quyền “ta đây”, giải quyết công việc cách độc tài độc đoán v.v… Điều đó cũng dễ hiểu và thông cảm, một phần vì thiếu mất sự giáo dục kitô của Giáo Hội, lại thấm nhiễm tinh thần thế tục của một nền đào tạo vắng bóng Thiên Chúa trong một thời gian dài, và phần khác vì do cơ cấu quyền bính trong Giáo Hội quá được tôn trọng và não trạng thần thánh hóa hàng giáo sĩ của giáo dân Việt Nam. Mọi người phải cùng nhau đấm ngực và cố gắng thay đổi, dung hòa với tinh thần dân chủ tôn trọng lẫn nhau. Ngoài ra cũng cần xem xét một cách công bằng, vì trưởng thành nhân bản là làm chủ được bản thân và các cảm xúc của mình. Nếu hiểu như thế thì không phải chỉ linh mục trẻ thiếu trưởng thành nhân bản mà còn nhiều người khác, có khi đầy tuổi tác và chức quyền, một khi không làm chủ được nóng giận, trái ý để rồi lớn tiếng la mắng chưỡi bới hay dùng biện pháp trả đũa. Sự khủng hoảng này xem ra lắm người mắc phải! Có thể nói rằng thánh Phaolô mô tả một sự trưởng thành nhân bản kitô giáo khi căn dặn: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe… Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô”.
Những dấu hiệu tiêu cực thường có: Thiếu kỷ luật sống - Không ưu tiên cho việc cầu nguyện - Lơ là xưng tội và linh hướng kịp thời - Thiếu tương quan liên đới làm việc chung - Quá tự tin, thiếu tin tưởng đồng nghiệp - Có vấn đề về tình cảm và đức trong sạch... ĐTC Biển Đức XVI bảo đó là do thủ tục chọn lựa ứng sinh không thích đáng, việc đào tạo chủng viện không đầy đủ trong nhiều lãnh vực... Nhiều trường hợp ngay từ những ngày đầu của sứ vụ, linh mục trẻ có thể gặp căng thẳng với môi trường mục vụ và xã hội mới, bị thách đố bởi cái bất định của đời sống sứ vụ: được sai đến nơi mình không muốn, ở với người mình không ưa và làm việc mình không thích. Cộng thêm những yếu đuối, giới hạn và vấn đề không được giải quyết thỏa đáng ở trong chủng viện, nay xuất hiện mạnh hơn trước kia, vì chúng đã không được trực diện và xử lý cách thích hợp và hữu hiệu, cả toà trong lẫn tòa ngoài (như nói bỏ mà không dứt được các mối tương quan không lành mạnh, vẫn lén lút quan hệ).
Những biểu hiện khủng hoảng thường gặp như tìm cảm giác mạnh gây ấn tượng, thích “xuất hiện” - 3T (tửu, tiền, tình); nhu cầu khẳng định mình thái quá (phá bỏ công trình của người trước, để xây dựng những ‘công trình thế kỷ’ mang dấu ấn của mình cách phí phạm trong khi dân chúng rất nghèo…); nhìn đời và nhìn người cách tiêu cực, yếm thế; chỉ trích phê bình, bàn tán đủ thứ chuyện về Giám Mục mà không dám nói trực tiếp; ít giao tiếp với anh em linh mục; thiếu khả năng sống trầm tĩnh, cô tịch, thinh lặng; ham mê giải trí thái quá: suốt ngày lướt mạng xem phim, chơi games… hay đầu tư quá nhiều thời giờ và tiền bạc vào chim, cá, kiểng, xe cộ, điện thoại thông minh…; quá hướng ngoại, bỏ quên đời sống nội tâm và thiêng liêng; ngược lại quá thụ động, an nhàn: ở nhưng là cội rễ mọi sự dữ; thiếu tự chủ và làm chủ bản thân, có những bất bình thường về giới tính… ; khó ngủ (nhất dạ sinh bá kế, gửi và nhận tin nhắn liên hệ đến tình cảm tính dục); chỉ thường xuyên liên hệ với một số người nào đó thôi…
Nhưng không riêng gì linh mục trẻ, linh mục đứng tuổi cũng có thể gặp khủng hoảng khi bị thất bại, bị hiểu lầm, bị chống đối, cùng với những rối loạn của chu kỳ 7 năm một lần thay đổi thể lý, tâm lý và sinh lý của tuổi đời (mà người ta bảo là tuổi ‘49 chưa qua 53 đã tới’), hoặc bệnh tật và khả năng hoạt động mục vụ không thích nghi được với tâm thức và những đòi hỏi của con người thời đại. Nhiều trường hợp cũng vì do sức khoẻ, tuổi già và khả năng đáp ứng sứ vụ, mà có những cuộc đi xứ và chuyển xứ tất nhiên phải phù hợp với sức khoẻ, tuổi tác và khả năng như thế, tới những họ đạo nghèo, ít người, ở vùng sâu vùng xa, nhưng cũng gây nên tâm trạng hụt hẫng, khủng hoảng, bất mãn như bị đẩy đi đày…, nhất là khi thiếu sự nhẫn nại trao đổi thuận tình thuận lý trước, thậm chí có nơi bị buộc chỉ trong 72 tiếng đồng hồ phải chuyển xứ! Nhưng điều này cũng lại nói lên sự khủng hoảng về quan niệm và bản chất truyền giáo của Giáo Hội là đáng lẽ những người trẻ đầy nhiệt huyết, sung sức và tài năng phải được sai đến những vùng ấy để nâng đỡ vực dậy các họ đạo nghèo khổ ít người, đồng thời đẩy mạnh công cuộc Tân Phúc Âm hóa cả bên trong (dưỡng giáo) lẫn bên ngoài (truyền giáo) thì lại giao cho những người tuổi già sức yếu, chồn chân mỏi gối khiến gánh nặng của cả đôi bên đều nặng hơn, của cha già không thể tránh khỏi sự suy giảm trong những năm cuối đời lẫn giáo xứ cằn cỗi đang cần được sinh động hóa cho sứ mệnh Tân Phúc Âm hóa.
Trong vài hoàn cảnh hiện nay, một số linh mục nghĩ rằng thừa tác vụ của họ ở bên lề cuộc sống, vì dân chúng dửng dưng, lo ăn lo làm mà lơ là việc đạo nghĩa, hoặc vì những lý do khác, có khi do chính linh mục, mà họ xa lìa giáo xứ; trái lại, nó thật sự nằm ở trung tâm cuộc sống, vì nó có khả năng soi sáng, hóa giải và làm thay đổi nhiều sự, nếu linh mục thực sự là mục tử tốt. Có thể xảy ra là một số linh mục, khởi sự tác vụ với tràn trề nhiệt huyết và lý tưởng, đã rơi vào bất mãn, vỡ mộng và kinh nghiệm cả sự thất bại nữa. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này: thiếu sót trong việc huấn luyện, thiếu tình huynh đệ trong hàng linh mục giáo phận, sống cô lập, hay thiếu sự nâng đỡ của Giám mục và cộng đoàn, những vấn đề cá nhân, sức khoẻ, đau khổ vì không thể tìm thấy câu trả lời hay giải pháp cho các vấn đề, lơ là trong đời sống khổ chế, bỏ bê đời sống thiêng liêng hay ngay cả thiếu đức tin. Trong khi chính đức tin đem lại cho ta sức mạnh và niềm hy vọng nơi Chúa, đặc biệt khi phải đối mặt với những thách đố và những lúc khó khăn. Thánh Kinh đầy những lời an ủi, nhưng lời này của Giêrêmia thật ý nghĩa: ‘Sấm ngôn của Đức Chúa ‘chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi, kế hoạch thịnh vượng chứ không phải tai ương, kế hoạch cho các ngươi một niềm hy vọng và một tương lai’.
Chỉ Nam 1994 nhận định: “Ở bất cứ lứa tuổi nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào, linh mục cũng có thể có cảm nghiệm về sự cô đơn… nó có thể bắt nguồn từ những khó khăn đặc biệt, như sự bị đặt ra bên lề, sự hiểu lầm, những lệch đường, sự bị bỏ rơi, những bất khôn, những giới hạn của bản tính cá nhân hoặc của người khác, những vu oan, những hạ nhục v.v… Từ đó có thể phát sinh một cảm giác mạnh của thất vọng rất độc hại”.
Các xung đột nội tâm và khủng hoảng này chỉ có thể được giải quyết khi đặt Chúa Giêsu làm trung tâm cuộc sống, tình cảm và mọi hoạt động, đồng thời để Ngài lớn lên và ta nhỏ đi; để con người trần tục nhỏ dần đi và con người thiêng liêng được lớn dần lên mãi trong mọi mối tương quan. ĐTC Biển Đức XVI dạy: “Con người cần phải có tương giao, phải lắng nghe người khác, đặc biệt là Đấng Khác, tức là Thiên Chúa. Chỉ như vậy, con người mới có thể nhận biết chính mình, mới trở thành chính mình.”
Trực diện với khủng hoảng, bình tĩnh và hành động cách có trách nhiệm: trước hết cần cầu nguyện, thinh lặng và suy nghĩ để trở nên ý thức rõ ràng hơn về các vấn đề thực sự là vấn đề. Cần có thời gian và một nơi chốn để có thể ở một mình, suy tư và cầu nguyện. Các cuộc tĩnh tâm, hồi tâm và thường huấn là các cơ hội đó. Dành thời giờ sống mật thiết với Chúa Giêsu là phương dược chữa lành vạn năng, vì việc kết hợp với Chúa Giêsu giúp linh mục thống nhất đời sống của mình. Ngoài ra cũng cần người chia sẻ, biện phân, cân nhắc tâm lý, cá tính… như vị linh hướng hay bạn tri âm tri kỷ. Chúng ta lắng nghe chính thánh Grêgôriô Giám mục Nadien nói về tình bạn của ngài với thánh Giám mục Basiliô: “Cả hai chúng tôi chỉ có một mối bận tâm là đi đường nhân đức, và cuộc đời chúng tôi luôn hướng về những thực tại tương lai nhằm chuẩn bị cho mình từ bỏ cõi đời trước khi từ biệt cõi đời. Chúng tôi định hướng cuộc đời và mọi hành động theo viễn tượng đó. Chúng tôi để cho luật Thiên Chúa hướng dẫn mình và khuyến khích nhau yêu chuộng đường nhân đức. Nếu như nói ra không phải là khoe khoang quá đáng thì tôi có thể nói rằng giữa hai chúng tôi, người này đối với người kia là mực thước và khuôn mẫu để phân biệt phải trái”. Nỗ lực vượt lên sự thiện cảm hay ác cảm tự nhiên để xây dựng một tình huynh đệ đích thực, liên kết với cuộc khổ nạn bị bỏ rơi của Chúa Cứu Thế, và cùng Ngài tìm theo ý Chúa Cha. Coi thử thách như dịp may Chúa dùng để thanh luyện ta.
Việc tái định hướng đời sống và sứ vụ được thực hiện bằng cách trực tiếp đối diện và chấp nhận thực tại của chính mình. Một tiến trình như thế thường không thực hiện một mình, mà còn cần một ai đó để nói với như một khuếch âm, một ai đó nâng đỡ và có khả năng gợi ra những quyết định mới phát ra từ sự biện phân trong thinh lặng và nguyện cầu của chúng ta. Vị đồng hành thiêng liêng là quà tặng tốt nhất ta có thể có được, nhưng người không chỉ đồng hành với ta trong một cơn khủng hoảng và ở một tình huống riêng lẻ, mà nên có sự đồng hành trong suốt một thời gian dài, cùng bước đi và cùng lớn lên trong một mối quan tâm chung là trở nên gần gũi hơn với Chúa Kitô và với con người thật của mình. Chính vị linh hướng cũng được khích lệ rất nhiều trong một kinh nghiệm như thế, nhờ đó mà có thêm hiểu biết, kinh nghiệm và khả năng để giúp đỡ người khác trong cùng một đường lối hoặc tương tự.
Khi một số chủng sinh bị tố cáo phải ngừng lại vào phút chót, những người có trách nhiệm đặt lại vấn đề và tăng cường các biện pháp kỷ luật. Nhưng biện pháp hay nhất vẫn là đào tạo lương tâm tự giác của ứng sinh, (mà ĐTC Phanxicô nhấn mạnh là tính chân thật, được biểu lộ từ gương sáng bản thân của các nhà đào tạo), gây ý thức tham gia vào việc đào tạo linh mục của mọi thành phần Dân Chúa, triệt để mở rộng điều tra có phương pháp thích hợp và hiệu quả, gia tăng việc đồng hành tiếp xúc cá nhân sâu sát với từng ứng sinh, không chỉ toà trong mà kể cả toà ngoài, qua việc thường xuyên chia sẻ nhận xét giữa các nhà đào tạo dấn thân trọn thời gian về từng ứng sinh để đánh giá giải quyết đúng và kịp thời. Điều đáng nói là có một số ứng sinh “luồn lách” lọt qua được và tiến lên chịu chức linh mục, rồi ngựa theo đường cũ gây nên biết bao đau buồn và thiệt hại.
Ý niệm “mọi sự đều có lúc” của sách Giảng Viên cũng nói lên chiều kích tích cực của các cơn khủng hoảng trong cuộc đời con người. Nhưng chúng ta hãy nhìn khủng hoảng trong ý nghĩa tích cực là nó đòi hỏi phải chuyển tải cái nhân Phúc Âm (là chính Chúa Giêsu) đến cho thế giới tục hóa và hưởng thụ muốn không có Thiên Chúa nhưng thực sự đang cần Ngài. Về điểm này, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh trong Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm rằng phải thay đổi cách Kitô giáo được trình bày với thế giới. Đặt trọng tâm nơi Chúa Giêsu là cách thế duy nhất để vượt lên khủng hoảng, tái định hướng đời sống và sứ vụ linh mục, hầu trở nên môn đệ đích thực luôn mở ra với thế giới. ĐTC Phanxicô nói rằng thái độ chúng ta phải có là “nhận biết và chấp nhận vị thế trung tâm của Chúa Giêsu Kitô trong cuộc sống của chúng ta, trong suy nghĩ của chúng ta, trong lời nói và trong các việc làm của chúng ta. Khi vị thế trung tâm này không còn nữa, khi nó được thay thế bằng cái gì khác, thì khi đó tác hại sẽ xảy đến cho tất cả mọi thứ xung quanh chúng ta và cho chính chúng ta”.