Một chút suy tư _ con chim sẻ non

CON CHIM SẺ NON
Chuyện con chim sẻ ám ảnh tôi mãi. Tôi nghĩ kỹ rồi: Thật lòng mà nói: Chúng mình đã bước vào tuổi “gió heo may đã về”. Cùng trang lứa với nhau chẳng còn mấy người. Đường đến nấm mồ không còn xa lắm.  
Ngulãonhân
Hai nhà cách nhau một con mương nhỏ. Đó là con rạch dẫn nước chung để bơm nước lên ruộng. Nhưng vì nhà ông bà trùm Phương có một lô đất, trong khi nhà ông bà quản Tân chỉ có nửa lô, nhà bơm ít, nhà bơm nhiều. Hàng năm lại phải vét bùn, nhà vét ít, nhà vét nhiều. Rồi điều ong tiếng ve, rồi lườm nguýt, rồi lời qua lời lại…, lâu dần, hai nhà không bằng lòng, mà cũng chẳng bằng mặt nữa. Họ bất hòa, đến nỗi cha xứ cũng không hòa giải được.
Khổ nỗi, cô Phượng, con gái cả của ông bà trùm, và anh Tấn con trai độc nhất của ông bà quản lại yêu nhau. Cô Phượng dù ở vào tuổi “đã toan về già” nhưng nhất định không lấy chồng. Cô đã từ chối bao nhiêu đám cầu hôn gần xa, kể cả một anh chàng Việt kiều Mỹ “xinh trai, con nhà giầu, ở nhà lầu, đi ôtô”. Còn anh Tấn dù đã ba mươi mấy tuổi, lại là con một, nhưng nhất quyết không lập gia đình. Hình như họ có ý định chờ nhau suốt đời hay sao ấy. Hoặc là dù tận đáy lòng, không ai muốn, phải chờ cho ông trùm và ông quản chết đi, họ mới nên vợ thành chồng được chăng?
Thế nhưng hai ông không chết đi. Nhưng, lại nhưng, ông bà trùm thì ngại con gái lớn trong nhà như bom nổ chậm, còn ông bà quản muốn sớm được nhìn thấy đứa cháu đích tôn nối dõi tông đường. Thêm vào đó, nhờ họ hàng hai bên nói vào, và nhờ cha xứ khuyên bảo, hai gia đình đánh tiếng gần xa, cắn răng chịu đựng, cho hai người lấy nhau. Đám cưới của họ được tổ chức gọn nhẹ cho có, không bằng một góc bữa nhóm họ của bạn bè cùng trang lứa. Đã vậy, thầy giáo Mẫn đại diện họ nhà trai, và thầy giáo Xuân đại diện họ nhà gái lại còn chẻ sợi tóc làm tư, bắt bẻ nhau từng câu chữ, cãi nhau như mổ bò, làm cho đám cưới tệ hại hơn cả đám tang, vì dù sao đám tang cũng còn có tình người. Tuy thế, cô dâu chú rể vẫn bằng lòng, thậm chí hài lòng, vì với họ, tình yêu là trên hết. Từ nay họ có nhau, thế là đủ.
Không may, ông quản Tân mỗi lần nhìn thấy con dâu lại nhớ ngay đến ông trùm Phương. Máu nóng bốc lên làm ông quản hoa mắt. Ông bảo vợ:
-         Ngứa mắt không chịu nổi. Chắc tôi chết non vì mất ngủ thôi. Hay là cho chúng nó ở riêng quách.
Đôi vợ chồng trẻ ra riêng. Nhưng ở đâu? Ở bên ngoại hẳn là không được rồi, lên thành phố thì lạ cái lạ nước, lại không có đồng vốn lận lưng. May cho họ còn có mẹ - Tạ ơn Chúa đến muôn đời đã dựng lên tấm lòng người mẹ. Bà trùm và bà quản giấu chồng, dấm dúi cho con số tiền đủ mua miếng đất có đến gần một công tầm lớn trên bờ kinh Đòn Giông. Nhờ anh em bạn bè giúp đỡ, anh Tấn, cô Phượng có được căn nhà tre, lợp lá, vách đất. Giấc mơ “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” của họ trở thành hiện thực.
Nhưng “đời không như là mơ, nên đời thường giết chết mộng mơ”. Cơn lốc “cơm áo gạo tiền” cuốn trôi đi mộng mơ của họ. Có ai đó bảo rằng: “Cái khó ló cái khôn”, nhưng câu thành ngữ của ông bà ngày xưa: “Cái khó bó cái khôn” mới luôn luôn đúng. Cái khó bó chặt lấy họ, làm cho họ trở về với con người thật của mình. Anh chàng “hoàng tử của lòng em” bây giờ hiện nguyên hình thành anh lực điền vai u thịt bắp; còn cô tiểu thư cành vàng lá ngọc thành người đàn bà nhà quê lắm điều. Qua rồi mộng mơ, qua rồi những khúc nhạc lòng lãng mạn đầu đời “thuở chúng mình yêu nhau”.

Thằng cu Tý, con trai đầu lòng của họ đã được chín tuổi. Mới sáng tinh mơ, cô Phượng bảo chồng:
-         Hôm nay kỷ niệm mười năm ngày cưới chúng mình, thằng Tý mới thi học kỳ một xong, được nghỉ học. Anh nghỉ phụ hồ một bữa, em làm thịt con gà, cả nhà ăn mừng.
Anh Tấn mau mắn:
-         Mười năm, suýt nữa, em không nhắc thì anh quên. Nghỉ một bữa, tốt quá! Nhưng đàn heo nhà mình bị điarê, anh phải đi chợ mua thuốc cho heo.
-         Cũng được, nhưng anh nhớ về sớm. Tiện thể mua cho em ít bông.
Anh Tấn lọc cọc đạp xe đi. Cô Phượng gọi với theo:
-         À này! Em đang bị xổ mũi, mua cho em mấy viên atpirin.
Từ nhà đến chợ, cả đi về có đến hai mươi mấy cây số. Gần ba tiếng đồng hồ sau, anh Tấn mới về tới. Anh vội vàng lao vào chích thuốc cho heo. Cô Phựợng hỏi:
-         Anh có mua bông không?
-         Ở trong giỏ, anh treo trên ghiđông xe.
Cô Phượng lấy giỏ xách xuống, gào lên:
-         Chồng ơi là chồng! Con ơi là con! Bảo mua bông là bông hồng hay layơn hay cẩm chướng… về chưng kỷ niệm ngày cưới, lại đi mua bông cải…
-         Anh tưởng mua súplơ về xào lòng gà.
-         Anh có mua thuốc atpirin cho tôi không?
-         Anh mang máng quên cái gì ấy, nhớ mãi không ra.
-         Phải rồi, anh có bị xổ mũi đâu? Có ăn nhạt đâu mà thương đến mèo.
Rồi cô khóc:
-         Thuốc heo thì anh nhớ, thuốc người thì anh quên. Anh coi tôi không bằng con heo.
-         Em không được nói thế.
-         Tôi cứ nói đấy. Ngày ấy tôi lấy Việt kiều thì đâu có khổ thế này!
-         Lấy nhau mười năm rồi, có con rồi mà cô vẫn còn tơ tưởng tới thằng Mỹ da vàng mũi tẹt đó à? Rõ là lòng dạ đàn bà…
-         Tôi không thèm nói nữa. Tôi về nhà mẹ tôi đây. Thằng cu Tý đâu? Có đi với tao không?
Thằng Tý mếu máo từ ngoài sân chạy vào:
-         Con không đi đâu hết, con ở nhà.
-          Được, mày ở nhà với thằng bố mày.
Nói vậy, nhưng cô Phượng lại xềnh xệch lôi thằng bé đi.
Thằng Tý theo mẹ về ông bà ngoại đã ba ngày. Nó nhớ bàn tay ram ráp của bố nó xoa lưng ru nó ngủ, nhớ tấm lưng rộng bè bè bố nó làm ngựa cho nó cỡi, nhớ con chó Mi Mi hay chơi đùa với nó, nhớ đám chim cò bằng đất bố nó nặn cho nó… Nó buồn lắm. Cậu Út nó dỗ dành:
-         Cậu phải đi làm, ở nhà chơi một mình, ngoan, cậu cho con chim sẻ kia.
Trong chiếc lồng tre thật đẹp, đánh vẹc ni bóng láng treo ở đầu hè, con chim sẻ non đã đủ lông đủ cánh, đậu ủ rũ trên một thanh tre ngang. Bỗng có tiếng chíp chiu mỗi lúc một gần. Con chim con trong lồng mừng rỡ bay lên. Cánh nó đập vào những nan tre, mấy chiếc lông bay lả tả. Nó há mỏ chờ mấy con châu chấu, cào cào chim cha, chim mẹ mớm cho. Thằng Tý biết rõ chúng ríu rít trò truyện với nhau, nhưng bằng ngôn ngữ riêng của loài chim nên nó không hiểu. Một lát sau, hai con chim cha mẹ bay đi, con chim con lại đậu trên thanh tre ngang, ủ rũ… Cứ như thế, từ sáng đến trưa, thằng Tý đếm được đúng tám lần. Nó chồng ba chiếc ghế lên nhau, lấy lồng chim xuống. Nó hỏi con chim non:
-         Em buồn phải không? Em nhớ tổ phải không? Em muốn bay đi với bố mẹ em chứ gì? Anh cũng đang nhớ bố anh đây. Anh thả em ra nhé, em có chịu không? Sao em im lặng không trả lời? À! Anh biết rồi, im lặng là đồng ý, như mẹ anh vẫn hay nói với bố anh, phải không? Chờ một chút nhá! Anh mở cửa lồng đây.
Con chim non hối hả ra khỏi lồng, bay đi tới ngọn cây ổi góc sân, nơi hai con chim bố mẹ đang líu lo réo gọi.
Vừa lúc cậu Út đi làm về:
-         Ai thả con chim ra?
Thằng Tý muốn đổ tội cho con mèo, để đối phó cậu Út như nhiều bạn trong lớp nói dối để đối phó với cô giáo mỗi khi không thuộc bài. Nhưng nó nhớ lời bố nó: Không được nói dối. Nó thật thà:
-         Con.
-         Tại sao con thả con chim?
-         Vì con thương nó.
-         Vì sao nữa?
-         Vì nó nhớ nhà, nhớ bố, nhớ mẹ mà không được ở cùng.
-         Con phải hỏi cậu chứ.
Nó lý luận như người lớn:
-         Cậu đã cho con con chim thì nó là của con, con có quyền…
Bên trong khung cửa sổ, ông trùm Phương há hốc miệng vì ngạc nhiên. Ông đã nhìn thấy hết, nghe thấy hết đầu đuôi câu chuyện. Ông suy nghĩ lung lắm.
Chiều hôm sau, ông trùm Phương dắt bà trùm và mẹ con cô Phượng sang nhà ông bà quản Tân. Khó khăn nhất là lời chào hỏi đầu tiên để phá vỡ tảng băng lạnh nhạt giữa hai gia đình đã mười mấy năm trời. Ông trùm phải thầm nguyện xin Ơn Trên soi sáng. Ông bà trùm chưa kịp mở lời chào, bà quản đã hờn mát:
-         Trời sắp bão rồi hay sao ấy! Gớm! Rồng đến nhà tôm. Chẳng hay ông bà trùm có điều gì dạy bảo ạ?!
Thằng Tý gọi:
-         Bà nội, bà nội!
Rồi sà vào lòng bà quản. Bà ôm chặt, âu yếm xoa đầu thằng cháu, quên hết mọi sự trần gian.
Ông trùm Phương kể chuyện thằng cu Tý và con chim sẻ rồi hạ giọng, tâm tình:
-         Ông bà quản ạ! Suốt đêm qua tôi không ngủ được. Chuyện con chim sẻ ám ảnh tôi mãi. Tôi nghĩ kỹ rồi: Thật lòng mà nói: Chúng mình đã bước vào tuổi “gió heo may đã về”. Cùng trang lứa với nhau chẳng còn mấy người. Đường đến nấm mồ không còn xa lắm. Ai đến trước chỉ có Chúa biết. Mười mấy năm trời, thằng Tấn, con Phượng có đủ cha mẹ, thằng cu Tý có đủ ông bà nội ngoại, mà có khi như không có, vì hai nhà xích mích nhau. “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Tôi xin nhận hết phần sai lỗi về mình. Xin ông bà tha thứ cho tôi, được không?
Ông quản Tân nhấp một ngụm trà, sòng sọc rít một hơi thuốc lào, trầm ngâm:
-         Có khi nào Chúa dùng loài thụ tạo bé nhỏ như con chim sẻ, dùng đứa trẻ con như thằng cu Tý để dạy dỗ chúng ta không? Tôi cũng đang bứt rứt về việc ông vừa nói… Dễ thường tôi không có lỗi hay sao? Vâng, thôi nhé! Hãy để bao nhiêu giận hờn, hiềm khích, phiền muộn… bay đi, bay hết đi, như khói như mây, như con chim sẻ của thằng cu Tý.
Ông trùm Phương quay sang nhìn con gái:
-         Làm chồng thì phải có vợ, làm vợ thì phải có chồng, làm con thì phải có bố, có mẹ. Con thu xếp đưa thằng Tý về nhà ngay kẻo bố nó trông… Chiều rồi ư? Chiều rồi cũng phải về… Chưa ăn cơm hả? Mang thức ăn về, nấu cơm ăn với chồng… Bảo cậu Út lấy xe đưa về… Ngày mai, vợ chồng con cái bảo nhau về thăm ông bà nội.
Mẹ con cô Phượng đi rồi, hai ông già sui gia, tóc muối tiêu nắm chặt tay nhau, cười ha hả, làm cho mấy con chim sẻ đang ríu rít đầu hè sợ hãi bay vù đi mất.
Ngulãonhân