NGÀY 2 THÁNG 1
BÀI ĐỌC: 1Ga 2, 22-28
22 Anh em thân mến, ai
là kẻ dối trá, nếu không phải là kẻ chối rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô? Kẻ ấy
là tên Phản Ki-tô, là kẻ chối Chúa Cha và Chúa Con. 23 Ai chối Chúa
Con thì cũng không có Chúa Cha; kẻ tuyên xưng Chúa Con thì cũng có Chúa Cha. 24
Phần anh em, ước chi điều anh em đã nghe từ lúc khởi đầu ở lại trong anh em. Nếu
điều anh em đã nghe từ lúc khởi đầu ở lại trong anh em, thì chính anh em sẽ ở
lại trong Chúa Con và Chúa Cha. 25 Và đây là điều mà chính Đức Ki-tô
đã hứa ban cho chúng ta: sự sống đời đời. 26 Tôi viết cho anh em
những điều ấy để nói về những kẻ tìm cách làm cho anh em đi lạc đường. 27
Phần anh em, dầu mà anh em đã lãnh nhận từ Đức Ki-tô ở lại trong anh em, và anh
em chẳng cần ai dạy dỗ nữa. Nhưng vì dầu của Người dạy dỗ anh em mọi sự -mà dầu
ấy dạy sự thật chứ không phải sự dối trá-, thì theo như dầu ấy đã dạy anh em, anh
em hãy ở lại trong Người. 28 Giờ đây, hỡi anh em là những người con
bé nhỏ, anh em hãy ở lại trong Người, để khi Người xuất hiện, chúng ta được
mạnh dạn, chứ không bị xấu hổ, vì phải xa cách Người trong ngày Người quang lâm.
ĐÁP CA: Tv 97
Đ. Toàn cõi đất này đã xem thấy,
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. (c 3cd)
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. (c 3cd)
1 Hát lên mừng Chúa
một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công. Người chiến thắng nhờ bàn
tay hùng mạnh, nhờ cánh tay chí thánh của Người.
2 Chúa đã biểu dương
ơn Người cứu độ, mạc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân;3ab
Người đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Ít-ra-en.
3cd Toàn cõi đất này đã
xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. 4 Tung hô Chúa, hỡi toàn
thể địa cầu, mừng vui lên, reo hò đàn hát.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Dt 1, 1-2
Hall-Hall: Thuở xưa, nhiều lần nhiều
cách, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết
này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Hall.
TIN MỪNG: Ga 1, 19-28
19 Đây là lời chứng của
ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy
Lê-vi đến hỏi ông: "Ông là ai? "20 Ông tuyên bố thẳng thắn,
ông tuyên bố rằng: "Tôi không phải là Đấng Ki-tô.”21 Họ lại hỏi
ông: "Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không? " Ông nói: "Không
phải.” - "Ông có phải là vị ngôn sứ chăng? " Ông đáp: "Không.”22
Họ liền nói với ông: "Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những
người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông? "23 Ông nói:
Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như
ngôn sứ I-sai-a đã nói. 24 Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc
phái Pha-ri-sêu. 25 Họ hỏi ông: "Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu
ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ?
"26 Ông Gio-an trả lời: "Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng
có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. 27 Người sẽ đến
sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.”28 Các việc đó đã
xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.
AI XÓA MÌNH TRƯỚC MẶT
CHÚA,
NGƯỜI ẤY TUYỆT HẢO
Thánh
Phaolô nói: Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã xóa mình trước mặt
Chúa Cha và cả nhân loại, Ngài bị thế gian liệt vào hàng tội lỗi, nhơ bẩn bất
xứng, phải đóng đinh vào thập giá, loại ra khỏi thế gian. Nhưng chính lúc ấy Chúa
Cha tôn vinh Ngài vượt trên mọi danh hiệu, để khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả
trên trời dưới đất và trong nơi Âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và để tôn vinh
Thiên Chúa Cha, mọi người phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa
(Pl 2, 6-11). Ai muốn được Thiên Chúa tôn vinh, cũng phải đi chung con đường
Đức Giêsu đã đi (x 1Ga 2, 6). Con đường ấy là:
1/ TA
CHỈ LÀ KHÔNG TRƯỚC MẶT THIÊN CHÚA.
Các tư tế
và Lêvi từ Giêrusalem đến đặt câu hỏi về tính thiên sai của ông Gioan Bt: “Ông là
ai?” Ba lần ông trả lời: “Tôi chỉ là số không”:
-
Tôi KHÔNG (0) phải là Đức Kitô.
-
Tôi cũng KHÔNG (0) phải là ông Êlya tái xuất hiện.
-
Và tôi càng KHÔNG (0) phải là một ngôn sứ như các ông tưởng.
Đấng đến
sau tôi, thì quyền năng hơn tôi, vì Ngài có trước tôi, tôi không xứng đáng cởi
quai dép cho Ngài (x Ga 1, 15. 20-21. 27: Tin Mừng).
Như thế
ông Gioan Bt đề cao Đức Giêsu là “số 1’’
(number one), còn ông Gioan chỉ là: “000’’.
Sự liên
hệ giữa Đức Giêsu và ông Gioan Bt là số ngàn (1. 000). Theo sách Xh 20, 6: số
ngàn biểu tượng cho thời đại Thiên Chúa thi ân giáng phúc cho dân Ngài.
Nhìn vào
sự liên hệ giữa “số 1” và “số 0” quả là một mầu nhiệm. Bởi vì dù có
bao nhiêu số 0 đi nữa, thì cũng chỉ là số 0. Nhưng nếu có số 1 đứng trước các
số 0, thì cả số 1, cả số 0 đều gia tăng giá trị theo cấp số nhân.
Vậy chỉ khi
nào ta được kết hợp với Chúa Giêsu (số 1), mà ta khiêm tốn xóa mình đi. Dù ta
là vua? Ta giàu có? Ta tài năng? Ta giàu danh vọng? Thì ta cũng chỉ là “0”! Ta
phải như ống sáo vét rỗng để Thần Khí là Lời Thiên Chúa thổi vào vang lên tiếng
kêu du dương réo rắt làm cho mọi người chú ý đến Tin Mừng là Cơ Thể thứ hai của
Chúa Giêsu (x Mc 1, 15). Ngài là số 1 để có một cộng đoàn thuộc dòng giống
Abraham ban phát dồi dào ân sủng của Thiên Chúa cho muôn dân, như Chúa đã hứa
cho dòng tộc Abraham: “Mọi dân thiên hạ
sẽ lấy dòng giống ngươi mà cầu phúc cho nhau, bởi vì ngươi đã vâng nghe tiếng
Ta’’ (St 22, 18).
2/
TẤT CẢ DANH VỌNG CỦA TA, DÙ CÓ ĐƯỢC CAO CẢ GIỐNG NHƯ ÔNG GIOAN TẨY GIẢ, TRƯỚC
MẶT CHÚA, NÓ CHỈ LÀ TIẾNG KÊU.
Để diễn
tả sự khiêm tốn, ông Gioan Bt nói về chính mình: “Tôi chỉ là tiếng kêu, còn
Đức Giêsu mới là Lời Thiên Chúa’’. Ta hãy so sánh tiếng kêu của ông Gioan
Bt với Chúa Giêsu là Lời:
GIOAN
LÀ TIẾNG KÊU
-
Tiếng kêu là sự va chạm giữa các vật chất vô tri vô giác.
-
Tiếng kêu làm cho người ta chú ý đến lời. Thí dụ: một
người muốn truyền lệnh của vua, trước đó anh gõ một hồi mõ.
-
Tiếng kêu đập vào tai ta, rồi dứt, không để lại cho ta
một ý tưởng nào.
|
GIÊSU
LÀ LỜI
+
Lời phát xuất từ một hữu thể, một ngôi vị có ý thức.
+
Lời làm cho ta hướng về một thái độ sống, hay việc làm, hoặc chú ý về một vấn
đề.
+
Lời lưu lại tâm hồn ta mãi mãi. Thí dụ: một lần ta bị mắng, dù nó đã đi vào
dĩ vãng, nhưng để lại trong tâm hồn ta đau xót mãi mãi; hoặc ta được nghe lời
ngọt ngào đầy khích lệ, thì để lại trong lòng ta niềm vui phấn khởi, khuyến khích
ta sống vươn lên.
|
Tiếng kêu của ông Gioan Bt làm cho người ta chú ý đến Đức Kitô
Giêsu, Ngài là Lời Thiên Chúa. Ta được đón nhận Lời Chúa, khởi đi từ lúc lãnh
nhận Bí Tích Thánh Tẩy, vì khi ta được “Dầu Xức’’ trên thân thể, chính là Lời được lưu lại và thấm nhập vào tâm hồn ta, nhờ
quyền năng của Chúa Thánh Thần. Do đó, ta không cần nhờ ai dạy bảo, vì Dầu Xức (Lời)
của Ngài dạy ta về mọi chân lý’’ (1Ga 2, 27: Bài đọc).
Vì thế, thánh Gioan Tông Đồ nói: “Điều anh em đã nghe từ thuở ban đầu cứ lưu lại trong anh em, thì anh em
cũng lưu lại trong Chúa Con và Chúa Cha, để anh em được sống đời đời” (1Ga
2, 23-25: Bài đọc).
Khi ông Gioan Tông Đồ trình bày những chân lý về Đức Giêsu như
thế, ông đã ghi nhận việc ấy xảy ra ở Bêthania. Có bản văn khác lại viết là
Bêthabara. Dù địa danh ấy là Bêthania hay Bêthabara, cũng gợi lên cho chúng ta
hai điểm sống:
-
Ở Bêthania? Đó là nơi gợi nhớ
cho chúng ta mẫu người nghe Lời Chúa là chị Maria em của Matta, được Đức Giêsu khen:
“Chọn phần tốt nhất và không bị ai giựt
mất” (Lc 10, 38-42). Đức Giêsu khen chị Maria như thế là Ngài muốn tất cả
chúng ta cũng phải có tấm lòng nghe Lời Chúa như chị Maria, để không sự dữ nào
giựt ta khỏi bàn tay quyền năng yêu thương của Chúa Con và Chúa Cha (x Ga 10, 28-29).
-
Ở Bêthabara? Theo ông Origène, thì
Bêthabara là chỗ ngày xưa dân Do Thái nghe lệnh ông Giosua: nhúng hai Bia Đá
ghi Lời Chúa xuống khúc sông Giođan này, để nước rẽ cho dân Do Thái tiến quân
chiếm thành Giêrikho, hầu chiếm được Đất Hứa (x Gs 4, 10t).
Như vậy, cuộc
đối thoại giữa ông Gioan Bt với một số tư tế và các thầy Lêvi từ Giêrusalem đến
đã xảy ra ở Bêthania hoặc Bêthabara sau khi ông Gioan Bt đã làm phép rửa cho
Đức Giêsu, để Ngài thông cho nước tự nhiên sức thiêng cứu độ loài người. Từ đó
ai tin vào Ngài mà lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, thì phải có trái tim nghe Lời
Chúa như chị Maria ở Bêthania, để được trầm mình trong thung lũng ân huệ của Thiên
Chúa ở Bêthabara. Bởi vì theo nhà sử học Daniel Rops, thì Bêthabara là chỗ khúc
sông Giođan thấp nhất trên thế giới: -350m so với mặt biển.
Một thiếu
nữ đến xin cha linh hướng góp ý kiến để chọn bạn trăm năm:
-
Xin cha cho con ý kiến, con quen anh này đã lâu, con biết rõ về
tông tích, cũng như lý lịch về đời sống riêng tư của bạn trai con.
-
Gốc gác bạn con thế nào?
-
Thưa anh ấy là con nhà trí thức, có địa vị lớn trong xã hội: ba
anh là chủ tịch thành phố này, mẹ anh là bác sĩ, gia đình rất giàu có.
-
Zérô (0).
-
Anh mới lấy bằng Tiến sĩ Kinh Tế hạng ưu.
-
Zéro(0).
-
Anh rất đẹp trai, phông tướng, hiền lành.
-
Zéro (0).
-
Anh ta rất đạo đức, đi dự Lễ mỗi ngày, rất thuộc Lời Chúa, tham
gia nhiều sinh hoạt Nhà Thờ, được nhiều người thương mến và khen ngợi.
-
Hoan hô số 1. Vì bạn con mỗi lần hiệp dâng Thánh Lễ là được trực
tiếp nghe Chúa Giêsu giảng dạy, như tác giả thư Do Thái viết: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa
đã phán dạy chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã
phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1, 1-2: Tung Hô Tin Mừng). Vì Chúa
Giêsu là số 1.
Cô nàng hớn hở:
-
Thưa cha, cha đã bảo bạn con là ba số 0, và được Chúa Giêsu là
số 1 ở với anh hằng ngày, vậy bạn trai của con là số 1. 000?
-
Đúng thế, may mắn cho con, cha cầu chúc cho con đi đến hôn nhân
với anh ấy, và gia đình con phải là Thánh Gia Nazareth thứ hai.
Thế là cô nàng nhảy lên:
-
“Hát lên mừng Chúa một bài
ca mới, Ngài đã thực hiện bao kỳ công… Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ
của Thiên Chúa chúng ta. Mừng vui lên reo hò đàn hát” (Tv 98/97, 3-4: Đáp
ca).
THUỘC LÒNG
Chúng ta chẳng cần ai dạy dỗ nữa, vì chưng Dầu Xức (Lời) Người
dạy dỗ chúng ta mọi sự (1Ga 2, 27).
Lm GIUSE ĐINH QUANG
THỊNH
NGÀY 3 THÁNG 1
1Ga 2, 29 – 3, 6; Ga 1, 29-34
BÀI ĐỌC: 1Ga 2, 29 – 3, 6
2 29 Anh
em thân mến, nếu anh em biết Thiên Chúa là Đấng Công Chính, anh em cũng phải
biết rằng: phàm ai sống công chính thì đã được Thiên Chúa sinh ra.
3 1 Anh em hãy xem Chúa
Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con
Thiên Chúa -mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận
biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người. 2 Anh
em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào,
điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta
sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy. Điều
kiện thứ nhất: đoạn tuyệt với tội lỗi 3 Phàm
ai đặt hy vọng như thế vào Đức Ki-tô thì làm cho mình nên thanh sạch như Người
là Đấng thanh sạch. 4 Phàm ai phạm tội thì
cũng chống lại luật Thiên Chúa, vì tội lỗi chống lại luật Thiên Chúa. 5 Thế mà anh em biết: Đức Giê-su đã xuất hiện để
xoá bỏ tội lỗi, và nơi Người không có tội lỗi. 6 Phàm
ai ở lại trong Người thì không phạm tội. Còn ai phạm tội thì đã không thấy
Người, và cũng chẳng biết Người.
ĐÁP CA: Tv 97
Đ. Toàn cõi đất này đã xem thấy,
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. (c 3cd)
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. (c 3cd)
1 Hát lên mừng CHÚA một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ
công. Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh, nhờ cánh tay chí thánh của Người.
3cd Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. 4 Tung hô CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu, mừng vui
lên, reo hò đàn hát.
5 Đàn lên mừng CHÚA
khúc hạc cầm dìu dặt, nương khúc hạc cầm réo rắt giọng ca. 6
Kèn thổi vang xen tiếng tù và, tung hô mừng CHÚA, vị Quân Vương!
TUNG HÔ TIN MỪNG: Ga 1, 14a. 12a
Hall-Hall: Ngôi Lời đã trở nên người
phàm, và cư ngụ giữa chúng ta; những ai đón nhận Người, thì Người cho họ quyền
trở nên con Thiên Chúa. Hall.
TIN MỪNG: Ga 1, 29-34
29 Hôm sau, ông Gio-an
thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng
xoá bỏ tội trần gian. 30 Chính Người là Đấng
tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có
trước tôi.
31 Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân
Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước.” 32 Ông
Gio-an còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và
ngự trên Người. 33 Tôi đã không biết Người. Nhưng
chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí
xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.”
34 Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người
là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”
CHỈ CÓ CHÚA GIÊSU LÀ
ĐẤNG GIẢI PHÓNG CON NGƯỜI
THOÁT TỬ THẦN
Điều đau
xót nhất của Đức Giêsu là chính những người trong gia tộc của Ngài cũng không
tin Ngài là Đấng Cứu Độ (x Ga 7, 5). Do đó ai đến với Đức Giêsu, thì họ bắt
Ngài đi và bảo mọi người: “Ông này điên
rồi!” (Mc 3, 20-21).
Chứng từ
trên đây nói lên cả loài người mù quáng, trừ những người có tâm hồn khiêm tốn, triệt
để nghe và tùng phục Lời Chúa. Vì thế Đức Giêsu nói với những kẻ chống đối Ngài:
“Ta đã nói với các ngươi: các ngươi sẽ
chết trong tội của các ngươi. Vì nếu các ngươi không tin chính Ta là Đấng Kitô,
các ngươi sẽ chết trong tội các ngươi. Nhưng nếu các ngươi lưu lại trong Lời
của Ta, thì hẳn thật các ngươi là môn đệ của Ta, và các ngươi sẽ biết sự thật, và
sự thật sẽ cho các ngươi được tự do. Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi phàm
ai phạm tội là đứa nô lệ, mà nô lệ thì không được lưu lại trong nhà mãi mãi, con
mới lưu lại mãi mãi. Vậy nếu Chúa Con cho các ngươi được tự do, thì các ngươi
mới đích thực là tự do” (Ga 8, 24. 31-32. 35-36).
Như vậy, Đức
Giêsu đã nói một sự thật cho mọi người để họ tin vào Ngài là Đấng Chúa Cha sai
đến thì được sống đời đời (x Ga 17, 3). Thế mà Ngài lại bị loài người giết chết
vì sự thật Ngài nói. Nhưng Đức Giêsu không bó tay trước tội ác của loài người
phủ trên đầu Ngài. Vị thủ lãnh Hội Thánh là ông Phêrô đã nói: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào
thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống
cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa
lành.” (1Pr 2, 24). Như thế Đức Giêsu đã làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia
(x Is 53, 4-12).
Chính vì
thế mà ông Gioan Bt đã chối ba lần không: “Tôi
không phải là Đấng Kitô, không phải là ông Êlya, không phải là ngôn sứ”, và
ông nói cho mọi người biết: “Đấng đến sau
tôi, trổi vượt hơn tôi, tôi không xứng đáng cởi quai dép cho Ngài” (Ga 1, 19-28).
Và “hôm sau, ông Gioan thấy Đức Giêsu
tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần
gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng
trổi hơn tôi, vì có trước tôi.” (Ga 1, 29-30: Tin Mừng).
Ông Gioan
Bt giới thiệu Đức Giêsu là “Chiên Thiên
Chúa, Đấng xóa tội trần gian”, ám chỉ Chiên lễ Vượt Qua (x Xh 12, 3 -14. 21-27.
43-46). Trong Tin Mừng Gioan, có ba điểm liên quan đến Đức Giêsu và Chiên lễ
Vượt Qua:
-
Ga 19, 14: Tòa án tổng trấn Philatô xét xử Đức Giêsu lúc 12 giờ
trưa vào ngày áp lễ Vượt Qua, lúc đó các tư tế bắt đầu sát tế chiên Vượt Qua
trong Đền Thờ.
-
Ga 19, 29: Nơi đồi Sọ, Đức Giêsu kêu: “Ta khát”, ở đó có một bình đầy giấm, người ta lấy miếng bọt biển có
thấm đầy giấm buộc vào nhành hương thảo rồi đưa lên miệng Đức Giêsu”. Có lẽ
vì vấn đề tượng trưng mà người ta lấy nhành hương thảo, vì nhành hương thảo
đóng một vai trò quan trọng trong nghi thức lễ Vượt Qua: Người Do Thái lấy bó
hương thảo nhúng vào trong chậu máu và bôi lên khung cửa …(x Xh 12, 22-23). Có
lẽ vì vấn đề tượng trưng này mà ông Gioan viết: “Ở đó có một bình đầy giấm, người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm
buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Đức Giêsu”.
-
Ga 19, 33. 36: Chỉ thị về lễ Vượt Qua trong Xh 12, 46b: “Các ngươi không được làm gẫy một xương nào
của nó” đã được ứng nghiệm khi tên lính thấy Đức Giêsu đã chết, chúng không
đập gẫy ống xương chân Ngài như hai tên trộm kia.
Một điều
lấy làm lạ, nếu không muốn nói là vô lý vì ông Gioan Bt là người được Chúa dùng
để dọn lòng mọi người đón Đấng Kitô, vậy mà hai lần ông nói: “Tôi
không biết Người” (Ga 1, 31. 33). Ông chỉ làm chứng rằng: “Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng
sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và
ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” Tôi đã
thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.” (Ga 1, 33-34:
Tin Mừng).
Như thế, chỉ
người nào được Chúa Thánh Thần rửa trong nước, người ấy mới thực là “đấng Thiên
Chúa tuyển chọn”, bởi vì trong Bí Tích Thánh Tẩy, người Kitô hữu là Hiền Thê
của Chúa Kitô, như ông Phaolô đã nói: “Tôi
đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Kitô, để tiến dâng anh em cho
Người như một trinh nữ thanh khiết.” (2Cr 11, 2).
Như vậy, hai
lần ông Gioan Bt nói “tôi không biết Ngài”, cho ta hiểu rằng: động từ “biết”
trong Thánh Kinh có hai nghĩa: “Biết” là liên hệ đời sống vợ chồng, và “biết”
là rõ mọi sự.
1/
“Biết” là liên hệ vợ chồng.
Đan cử: “Ông Adam biết bà Eva là vợ mình, và bà đã có thai sinh hạ Cain” (x St 4,
1a: Bản dịch NTT); khi sứ thần Gabriel báo tin cho Đức Maria sinh Con Thiên
Chúa, Đức Maria nói: “Việc ấy xảy ra thế
nào, vì tôi không biết đến việc vợ
chồng” (Lc 1, 34: Bản dịch PVGK).
Vì thế, lần
I ông Gioan Bt nói “tôi không biết Ngài”
(Ga 1, 31: Tin Mừng), có nghĩa là ông không phải là Hiền Thê của Đức Giêsu, ông
chỉ là chú phù rể, như ông nói: “Ai cưới
cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì
vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm
vui ấy bây giờ đã trọn vẹn.” (Ga 3, 29).
2/
“Biết” là rõ mọi sự.
Ông Gioan
Bt không biết rõ về sứ mệnh của Đức Giêsu, ông chỉ biết Ngài là Đấng quyết liệt
diệt ngay kẻ ác, như ông đã giới thiệu: “Ngài
sẽ thanh tẩy các ngươi trong Thánh Thần và lửa, cái rê lúa cầm sẵn trong tay, Ngài
sẽ sảy sạch lúa sân Ngài, lúa của Ngài, Ngài thu vào kho lẫm, còn trấu lép thì
Ngài sẽ thiêu trong lửa không hề tắt. Cái rìu đã để sẵn gốc cây, cây nào không
sinh quả lành sẽ bị chặt quăng vào lò lửa. Vậy hãy sinh quả phúc đức xứng với
lòng hối cải” (Mt 3, 8-12).
Vì thế
khi ông Gioan Bt bị bạo chúa Hêrôđê, kẻ tệ hơn cây không trái, ác hơn trấu lép
tống ông vào tù, làm cho Đức Tin của ông chao đảo. Do đó: “Ông Gioan lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Kitô làm, liền
sai môn đệ đến hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không,
hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Đức Giê-su trả lời: “Các anh cứ về
thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què
được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo
được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.” (Mt 11, 2-6).
Như thế Đức Giêsu khi còn trong thân xác sống giữa loài người, Ngài không phán
xét ai, vì Ngài đến cứu kẻ có tội biết sám hối và tin vào Ngài.
Vậy chỉ
có người Công Giáo được Chúa Giêsu biết đến, vì trong Bí Tích Thánh Tẩy họ trở
thành Hiền Thê của Ngài, như lời ngôn sứ Isaia nói: “Chẳng ai còn réo tên ngươi: “Đồ bị ruồng bỏ!”Xứ
sở ngươi hết bị tiếng là “Phận bạc duyên đơn.” Nhưng ngươi được gọi: “Ái khanh
lòng Ta hỡi!” Xứ sở ngươi nức tiếng là “Duyên thắm chỉ hồng.” Vì ngươi sẽ được
ĐỨC CHÚA đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi. Như tài trai
sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là
niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ.” (Is
62, 4-5). Mà đã là Hiền Thê thì biết rõ về tình yêu của Đấng Phu Quân mình. Thánh
Gioan Tông Đồ đã nói về tình yêu Đức Giêsu phủ trên người Công Giáo: “Anh em biết Thiên Chúa là Đấng Công Chính, phàm
ai sống công chính thì đã được Thiên Chúa sinh ra, họ được gọi là con Thiên
Chúa, nhưng chúng ta sẽ ra như thế nào điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết
rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào
chúng ta sẽ thấy Người như vậy. Chúng ta đặt niềm hy vọng vào Đức Kitô thì làm
cho mình nên thanh sạch, như Người là Đấng thanh sạch. Phàm ai phạm tội thì
chống lại Luật Thiên Chúa. Đức Giêsu đã xuất hiện để xóa bỏ tội lỗi, và nơi
Người không có tội lỗi, phàm ai ở trong Người thì không phạm tội” (1Ga 2, 29-3,
6: Bài đọc).
Thực vậy,
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ
giữa chúng ta; những ai đón nhận Người, thì Người cho họ trở nên con Thiên Chúa”(Ga
1, 14a. 12a: Tung Hô Tin Mừng). Nhưng chỉ có những ai tin vào Ngài khởi đi từ
Bí Tích Thánh Tẩy mới cất lời tuyên xưng Đức Tin: “Toàn cõi đất này đã xem thấy, ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta”
(Tv 98/97, 3cd: Đáp ca).
THUỘC LÒNG
Như tài trai sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới
ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên
Chúa ngươi thờ (Is 62, 5).
Lm Giuse Đinh Quang
Thịnh