Mark Link _ thứ hai sau lễ Hiển Linh

THỨ HAI  - TUẦN SAU LỄ HIỂN LINH
BÀI ĐỌC 1
Lý do khiến chúng ta mạnh dạn trước mặt Thiên Chúa, đó là Ngài nhậm lời chúng ta khi chúng ta xin điều hợp ý Ngài. (1Ga 5,14)
Truyền thuyết Hy lạp kể rằng Nữ thần Aurora yêu một người đẹp trai tên là Tithonus. Hơn nữa, thần Zeus còn nói với Aurona là sẽ cho Tithonus bất cứ món quà gì nàng xin. Aurora suy nghĩ một lúc, rồi nói: “Tôi xin cho Tithonus được bất tử.” Truyền thuyết kể rằng Tithonus không bao giờ chết. Anh ta chỉ mỗi ngày một già và yếu hơn mà thôi. Aurora đã sống để hối tiếc về lời cầu xin của mình.
Tôi đang cầu xin cho ai và cầu xin gì? Tôi có thể nghĩ ra điều gì tốt hơn mà Thiên Chúa dự định cho người ấy không?
Tôi đã sống để tạ ơn Chúa, vì Ngài đã không đáp trả mọi lời cầu xin của tôi. (Jean Ingelow)

BÀI TIN MỪNG 1
Chúa Giêsu nghe tin Gioan bị tống ngục…Từ lúc đó, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 4,12.17)
Một thanh niên quỳ gối bên giường. Đó không phải là sự nông nổi nhất thời, mà là kết quả của cuộc tìm kiếm lâu dài. Anh ta quyết định mở rộng hoàn toàn tâm hồn cho Chúa. Trong khoảng tối của căn phòng, anh ta bày tỏ nỗi đau đớn vì tội lỗi và cảm tạ Chúa đã tha thứ cho anh. Hôm sau, anh viết trong nhật ký: “Này, Chúa Giêsu đứng nơi cửa và gõ. Tôi đã nghe thấy và giờ đây Ngài đã bước vào nhà tôi. Ngài đã lau sạch và giờ đây Ngài làm chủ nó.”
Câu chuyện trên đây và lời của Chúa Giêsu mời gọi tôi tự hỏi: Phần nào của cuộc đời tôi cần Chúa lau sạch và làm chủ?
Thấy miền đất hòa bình là môt chuyện, nhưng đặt chân lên con đường dẫn tới miền đất đó lại là một chuyện khác. (Thánh Augustinô)

BÀI TIN MỪNG 2
[Khi thấy tiệc cưới ở Cana thiếu rượu, Đức Maria nói: ] “Họ hết rượu rồi.” Chúa Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến.” Thân mẫu Ngài nói với gia nhân: “Ngài bảo gì các anh cứ việc làm theo” [Chúa Giêsu đã biến sáu chum đầy nước thành rượu]. (Ga 2,3-5)
Từ “bà” dường như hơi khó nghe đối với chúng ta. Nhưng thực ra, nó có một ý nghĩa khác trong thế giới thời cổ. Chẳng hạn Odysseus goi Penelope người vợ yêu dấu của mình là bà. Hoàng đế La mã cũng gọi nữ hoàng Ai cập Cleopatre bằng danh xưng này. Có lẽ cách tốt nhất để hiểu từ “bà” là biết rằng người Anh đã sử dụng từ “quý bà” để gọi một phụ nữ quý tộc.
Rất nhiều kitô hữu đã kêu cầu Đức Maria trong lúc gian nguy. Điều này gợi lên câu hỏi: Lần cuối cùng tôi kêu cầu Đức Maria là khi nào? Tại sao?
Lay Mẹ Chúa Kitô, Ngôi sao biển, xin cầu bầu cho những kẻ lầm lạc, xin cầu bầu cho con. (Bài thánh ca xưa)