MỪNG RỠ THẤY NGÔI SAO
Câu
hỏi ‘Thượng Đế là ai’ cũng là mặt trái của câu hỏi ‘Tôi là ai’,…
Một bản tin đầu năm 2008 của
Vietcatholic cho biết, theo báo cáo của Google Zeitgeist’s, trong năm 2007 số
người truy cập trang Google để tìm câu giải đáp cho vấn nạn ‘Thượng Đế là ai?’
(Who is God?) được xếp hàng đầu trong những câu hỏi tìm biết về một nhân vật
nào đó.
Có lạ không khi người ta vẫn hỏi
‘Thiên Chúa là ai’ trong một thời đại có không ít người đồng hoá niềm tin với
mê tín, lạc hậu?
Thế nhưng, người ta phải tìm Thiên
Chúa, vì Thiên Chúa là một vấn nạn không thể thiếu vắng trên con đường đi tìm
chính mình. Câu hỏi ‘Thượng Đế là ai’ cũng là mặt trái của câu hỏi ‘Tôi là ai’,
vì ý niệm Thiên Chúa bao hàm một ý nghĩa, một giá trị cho cuộc sống con người
mà ai cũng phải trả lời cho cuộc làm người.
Đó là lý do cho hành trình của ba đạo
sĩ rong ruổi đường dài từ xa vời vợi, đêm ngày vất vả, chỉ mong tìm được Vua mà
bái lạy.
Họ lên đường vì “đã thấy ngôi sao của Người ở phương Đông.” Lý do rõ ràng, nhưng
hành trình rất hàm hồ càng cho thấy rõ điều Chúa cần đến nơi họ là sự thiện chí
sẵn sàng tuỳ phục theo một chân lý.
Chính Chúa trả lời cho ai tìm kiếm
chân lý: “Kìa bóng tối bao trùm mặt đất,
và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Đức Chúa như bình minh chiếu toả,
vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.” (Is 60,2)
Thế nhưng câu trả lời của Chúa không
phải lúc nào cũng toả sáng. Có lúc các đạo sĩ đã không còn thấy ánh sao. Họ đã
phải đến với Hêrôđê để tìm sự giúp đỡ. Hêrôđê đã cho họ sự giúp đỡ, nhưng đó cũng
là lúc cái chết của Đấng Cứu Thế được trù định. Trong đời sống con người, của cải
và quyền thế thường được nghĩ đến trước tiên. Đó là hai anh em sinh đôi rất được
quan tâm trong hành trình tìm kiếm một ‘đấng cứu thế’, đặc biệt trong thời hôm
nay: “Đất nước họ đầy bạc đầy vàng, kho
tàng thì vô hạn; đất nước họ đầy ngựa, chiến xa thì vô số.” (Is 2,7)
Ngay khi được người ta tìm đến, quyền
thế và của cải trù định cái chết cho Thiên Chúa: Người ta thường tôn thờ của cải
và quyền thế vì chúng mang lại cho họ cảm giác làm chủ cuộc đời: “Họ phủ phục trước những thứ bàn tay họ tạo
tác, trước những vật ngón tay họ làm thành.” (Is 2,8); và người ta nói với
Chúa, “rất tự tin”: “Xin Ngài xa chúng
tôi, chúng tôi chẳng muốn biết đường lối của Ngài.” (G 21,14)
Dù các điều thiện hảo thế tục có tốt
đẹp đến đâu, vẫn không che giấu được nỗi lo về tính phù du của chúng: “Lạy Chúa, xin dạy cho con biết: đời sống
con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm được mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù
du là thế.” (Tv 38,4-5)
Bởi đó, các ngẫu thần đó không bao
giờ có thể thay thế cho Thiên Chúa mà làm chỗ dựa cho niềm hy vọng đời đời, như
ĐGH Bênêđíctô đã nhấn mạnh trong Thông Điệp Spe Salvi, số 2, dựa vào lời nhắc
nhở của thánh Phaolô trong thư Êphêsô: “Dù
có bao nhiêu thần minh đi nữa, họ sống ‘không có Thiên Chúa’ và hệ quả là họ thấy
mình sống trong một thế giới tối tăm, đối diện với tương lai mịt mù.”
Đúng thế, không có Thiên Chúa, “cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải
là thời khổ dịch sao? Và chuỗi ngày lao lung vất vả đâu khác gì đời kẻ làm
thuê? Tựa người nô lệ mong bóng mát, như kẻ làm thuê đợi tiền công, cũng thế,
gia tài của tôi là những tháng vô vọng, số phận của tôi là những đêm đau khổ ê
chề. Vừa nằm xuống, tôi đã nhủ thầm: "Khi nào trời sáng?" Mới thức dậy,
tôi liền tự hỏi: "Bao giờ chiều buông?" Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm
trong mê sảng.” (G 7,1-5)
Mà cái mất lớn nhất là mất hy vọng: “Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa, và
chấm dứt, không một tia hy vọng.” (G 7,6)
Bởi đó, niềm tin vào Đức Kitô thực sự
là một tin mừng cho ơn gọi làm người: “Ở
đây, chúng ta thấy một dấu chỉ nổi bật của những người tín hữu Kitô: họ có tương
lai, không phải là họ biết tường tận chi tiết về những gì đang chờ đợi họ, nhưng
họ biết cách tổng quát là cuộc sống của họ không kết thúc trong hư không.”
(Spe Salvi, 2)
Còn gì tươi đẹp và mạnh mẽ hơn bầu
trời hy vọng đến từ niềm tin Kitô: “Cánh
cửa mịt mù tăm tối của thời gian, của tương lai, đã được mở toang. Ai có niềm
hy vọng thì sống khác biệt hẳn; vì người có niềm hy vọng đã được ban cho hồng
ân một cuộc sống mới.” (Spe Salvi, 2)
Vào thế kỷ thứ 4, tại Sabaria nay
thuộc Hungary, có anh Martinô 20 tuổi được gửi học ở Ý, phục vụ trong quân đội.
Tuy không có đạo nhưng anh để tâm suy nghĩ nhiều khi nghe các bạn sinh viên nói
đến Chúa Giêsu. Anh quyết định tìm hiểu cho biết Chúa Giêsu là ai.
Một ngày đông giá lạnh, anh gặp một
ông ăn xin nghèo đến nỗi không có một mảnh vải che thân, ngồi tựa lưng vào tường
giơ bàn tay khẳng khiu xin từng đồng xu nhỏ của người qua đường.
Chẳng có cả tiền lẫn lương thực, anh
xuống ngựa cắt đôi chiếc áo choàng mà quàng cho ông lão. Đêm đó, anh nằm mơ thấy
Chúa Giêsu mặc nửa chiếc áo choàng đó và nói: “Martinô chưa rửa tội đã khoác
cho tôi chiếc áo choàng này.” Anh thanh niên đó sau này là thánh giám mục Martinô
thành Tours.
Martinô đi tìm con người, và gặp được
Chúa. Ngược lại, khi thành tâm tìm Chúa, người ta sẽ gặp lại chính mình, như lời
ca của cha Tiến Lộc: “Gặp gỡ Đức Kitô,
chân thành mình gặp mình.”
“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.” Lời ca của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn còn là một thao thức, trăn trở
cho nhiều tâm hồn. Chúa đã đến để mở ra cho tôi một con đường mới tràn đầy hy vọng.
Một cuộc sống mới được chiếu sáng bởi tình yêu đang chờ đợi tôi. Tôi còn đợi gì
mà không lao ngay vào con đường hy vọng Chúa dành cho tôi, để nhờ đức tin mà
chiếm lấy hạnh phúc không bao giờ mất?