Đến
Bái Lạy Đức Giêsu Hài Nhi
Ngày nay, chúng ta không được diễm phúc bái lạy Hài Nhi Giêsu
như các Đạo Sĩ năm xưa, nhưng Người vẫn luôn có mặt trong từng ngày
sống và trên mọi nẻo đường đời chúng ta đi.
Bái lạy là hành vi tỏ lòng tôn
kính và suy phục vị có quyền thế hay bậc thần minh, qua đó, nhìn
nhận vị ấy có quyền trên cuộc đời và sự sống của mình. Trong đoạn
Tin Mừng vừa nghe, chúng ta thấy thánh Matthêu dùng kiểu nói “bái
lạy” tới ba lần.
Các vị Đạo Sĩ thấy ngôi sao xuất
hiện trên bầu trời là dấu chỉ của vị vua mới sinh, nên dõi theo ánh
sao để tìm kiếm: “Chúng tôi đã thấy
vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy
Người.” (Mt 2, 2) Và khi đến nơi: “Họ
vào nhà, thấy Hài Nhi và thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình bái
lạy Người.” (Mt 2, 10) Còn vua Hêrôđê thì nói với các vị Đạo Sĩ: “Xin quí ngài đi dò hỏi tường tận về
Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến
bái lạy Người.” (Mt 2, 8 )
Vì khát mong gặp vị tân vương mới
sinh để bái lạy và tỏ lòng thần phục, nên các Đạo Sĩ không ngại
khó nhọc trong hành trình tìm kiếm. Gian nan và hiểm nguy vì đường xa
vạn dặm, khó khăn bởi ngôi sao lúc ẩn lúc hiện. Khi đứng trước Hài
Nhi Giêsu bé nhỏ nghèo hèn, các ông đã phải vượt qua rào cản là sự
tự tôn và định kiến, để có thể cúi xuống bái lạy, đồng thời dâng
lên lễ vật như dấu chỉ nhận Người là vua và làm chủ của mình.
Ngược với thái độ của các Đạo
Sĩ, khi nghe tin một vị tân vương mới sinh, vua Hêrôđê lo sợ. Ông sợ vì
nếu có một vị vua mới ra đời thì con cháu và có thể chính ông sẽ
mất ngôi báu, vì thế ông muốn biết chính xác về hài nhi đó, và khi
đã biết sẽ giết chết để trừ hậu họa. Toan tính như thế nên ông nói
các Đạo Sĩ tiếp tục tìm kiếm và khi gặp được hãy báo cho ông. Nhà
vua đâu hiểu rằng quyền vương đế của Đức Giêsu vượt trên tất cả,
Người là Chúa trời đất, lẽ nào lại tranh ngôi báu nhỏ của ông!
Dựa vào Kinh Thánh, các thượng tế
và luật sĩ biết rất rõ về nơi Hài Nhi là Đấng Messia sẽ giáng sinh,
nhưng vì không nhận ra sự hiển linh của Người, nên họ xôn xao khi hay
tin Người mới hạ sinh. Cũng bởi không nhận biết Đấng Cứu Thế qua
những dấu chỉ, nên sau này, họ đã tìm cách treo Người trên thập giá.
Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người,
nên đã tỏ mình ra cho mọi người biết Người là Thiên Chúa. Các vị
Đạo Sĩ là những bậc vị vọng của dân ngoại, nhờ ánh sao trên bầu
trời và ánh sáng thiêng soi trong tâm hồn, đã nhận ra Hài Nhi bé nhỏ
là Đấng quyền năng và bái lạy.
Ngôi Hai Thiên Chúa đến trần gian
không để cứu dân Israen mà còn làm cho mọi người trên mặt đất, từ
Adong đến người cuối hết, được nên con Thiên Chúa và đồng hưởng hạnh
phúc muôn đời: “Nhờ Tin Mừng, các
dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm
thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.” (Ep 3,
6). Đức Kitô vẫn tiếp tục tỏ mình ra cho muôn dân được thấy qua nhiều
dấu chỉ, những ai thành tâm thiện chí, biết mở rộng cõi lòng và
tầm nhìn sẽ nhận biết Người là Đấng Thiên Sai.
Chúa đang tỏ mình ra cho chúng ta qua các công trình
kỳ diệu của Người: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên
Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm.” (Tv 18A, 2) Người tỏ
bày sự linh thánh qua Lời Chúa và các bí tích, là những phương thế
cứu độ muôn dân qua mọi thời đại.
Chúa tỏ quyền năng và ân sủng qua các thánh.
Các ngài là những con người yếu đuối, giới hạn, nhưng vì đức tin,
vì Chúa và Hội Thánh đã anh dũng hy sinh mạng sống, hoặc can đảm
sống lời mời gọi của Tin Mừng, dù phải chịu nhiều hy sinh, gian khổ
và thua thiệt.
Chúa cũng hiện diện nơi người nghèo hèn và thấp
cổ bé miệng. Giúp những người ấy là chúng ta đang
giúp đỡ Chúa, từ chối hoặc coi khinh họ là coi thường chính Chúa.
(Mt 25) Chẳng những tỏ mình ra, Người còn bênh đỡ họ: “Người giải thoát bần dân kêu khổ và
kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó
nghèo.” (Tv 71, 12)
Chúng ta cúi đầu hoặc quì gối khi
đọc kinh tin kính tới câu: “Bởi phép
Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã
làm người.” Chúng ta lặng quì bên hang đá để chiêm ngằm và tôn
thờ Hài Nhi Giêsu, hoặc sốt sắng thờ lạy Người trong bí tích Thánh
Thể, nhưng nhiều lần lại tỏ ra thiếu lòng kính trọng và yêu mến tha
nhân là hình ảnh của Chúa. Chúng ta trách Vua Hêrôđê độc ác và tàn
nhẫn khi ra lệnh giết các hài nhi vô tội, nhưng có người trong chúng
ta lại giết hại thai nhi là chính đứa con mình đang cưu mang, hoặc vì
ganh tị nên tìm cách loại trừ tha nhân chỉ vì một lý do cỏn con nào
đó.
Ánh sao vẫn lấp lánh trên bầu
trời, nhưng ánh đèn chớp nháy của những bảng quảng cáo và tụ điểm
vui chơi đầy hấp dẫn, khiến chúng ta chẳng nhận ra tình thương và quyền
năng của Chúa. Biết bao người đau khổ chúng ta gặp hằng ngày, họ đang
cần sự quan tâm nâng đỡ, nhưng vì quá bận rộn với những lo toan của
cuộc sống và những thú vui, nên chúng ta không nhận biết những anh
chị em đó là hình ảnh của Thiên Chúa để yêu mến và giúp đỡ. Thờ
lạy, tôn vinh Chúa trong phụng vụ và việc đạo đức là điều hết sức
cần, nhưng chúng ta còn phải gặp được Đức Giêsu trong đời thường, nơi
những anh chị em bất hạnh để yêu thương, an ủi và nâng đỡ họ.
Một trong những việc các nữ tu của
Mẹ Têrêsa phải thực hiện trong ngày là dành thời gian chầu Thánh Thể
một giờ. Nhờ kín múc ơn thánh khi chiêm ngắm Đấng là Tình Yêu mà
chị em biết phục vụ những người bất hạnh với sự tận tình, quí
trọng và yêu thương. Có lần Mẹ căn dặn hai thiếu nữ mới xin gia nhập
Hội Dòng:
- Trong
Thánh lễ, các linh mục nâng Chúa Giêsu Thánh Thể trên đôi tay. Chúng ta
không được diễm phúc ấy, nhưng các con sẽ được chạm vào Người khi
chăm sóc những bệnh nhân và người bị bỏ rơi.
Chiều hôm ấy hai thiếu nữ đã được
sai đi đến gặp Mẹ với niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt và thưa:
- Chúng con
vừa được chạm vào Chúa Giêsu hai giờ đồng hồ.
Mẹ đề nghị:
- Chúng con
có thể nói rõ hơn?
- Khi chúng
con đến nhà chăm sóc những người bị bỏ rơi, đúng lúc người ta mang
đến một cụ già đang hấp hối vừa nhặt được ở một đống rác. Lúc
tắm rửa và chăm sóc cụ, chúng con rất hạnh phúc vì như được đụng
chạm đến Chúa Giêsu.
Ngày nay, chúng ta không được diễm
phúc bái lạy Hài Nhi Giêsu như các Đạo Sĩ năm xưa, nhưng Người vẫn
luôn có mặt trong từng ngày sống và trên mọi nẻo đường đời chúng ta
đi. Nếu thành tâm thiện chí, chúng ta có thể quì xuống để dâng lời
tạ ơn vì muôn điều kỳ diệu Chúa đã thực hiện trong vũ trụ và nơi
cuộc đời của mình. Và nếu muốn, chúng ta có thể cúi xuống để chăm
sóc những chi thể đau khổ của Người là những anh chị em đang cần sự
nâng đỡ ủi an.
Lm. Mt