Biết bao vị thánh
Việt Nam chúng ta, can đảm sẵn sàng và ước ao tỏ mình là người công
giáo, là thầy giảng, là linh mục để được trở thành chứng nhân, để
được diễm phúc tử đạo.
Thánh Gioan đã làm chứng Chúa Kitô, chẳng những bằng
lời nói, mà Ngài cũng đã sẵn sàng chết để trở thành chứng nhân của
Chúa nữa.
Biết bao vị thánh Việt Nam chúng ta, can đảm sẵn sàng và
ước ao tỏ mình là người công giáo, là thầy giảng, là linh mục để được
trở thành chứng nhân, để được diễm phúc tử đạo. Ta nhận thấy lòng can
đảm này trong câu truyện của hai Thánh Phêrô Tự (tử đạo ngày 5.9.1838,
42 tuổi) và Thánh Giuse Cảnh (tử đạo ngày 5.9.1838, 75 tuổi)
Ngày 29.8.1838 lính đến vây kín làng Đức Trai (Kẻ Mốt),
bắt được cha Phêrô Nguyễn Văn Tự. Nguyễn Văn Tự sinh tại Ninh Cường
tỉnh Nam Định năm 1796. Thụ phong linh mục năm 1826, và năm sau gia nhập
dòng Đaminh. Suốt 12 năm đời linh mục, cha Phêrô luôn tận tuỵ với sứ
vụ, không quản ngại khó khăn, luôn đối xử hoà nhã và rất mực yêu
thương mọi người. Cha đã coi sóc nhiều giáo xứ, trước khi tới Kẻ Mốt
tỉnh Bắc Ninh. Cuộc bách hại tới thời cay cấn, cha phải thi hành mục
vụ cách lén lút. Một thân hào tên Quang đã cho cha đến trú ẩn tại
vườn nhà ông. Sáng ngày 29.6.1838, cha Tự vừa dân Thánh Lễ xong, bất
ngờ lính kéo đến, cha được anh em tín hữu đưa lánh sang làng bên.
Nhưng quân lính lục soát, tìm thấy áo lễ và chén Thánh của cha, đã
tập họp dân chúng để tra khảo. Nhiều tín hữu bị đánh đập, không
chịu khai báo nơi cha trú ẩn. Đến lượt ông lang Ninh mới bị doạ đánh,
đã khai nộp cha.
Cùng bị bắt với cha Tự có thầy giảng Đaminh Bùi Văn
Uý. Cha Tự định khai thầy chỉ là giáo hữu vào làm bếp để đỡ cho thầy.
Nhưng thầy Uý lại nói: “Xin cha cứ
nói con là thầy giảng, may ra con được Tử Đạo với cha.” Hai cha con
bị dẫn đến huyện Lương Tài. Quan huyện ngỏ ý muốn tiền chuộc, song
cha bình tĩnh trả lời: “Đối với
tôi, bị bắt vì đạo là một hồng ân Chúa ban, tiền bạc thì tôi không
có, làm phiền hà giáo hữu tôi lại càng không muốn.” Quan cho áp
giải cha về thị trấn Bắc Ninh và phải mang gông đi vào ngục thất
thía sau tường thành Ninh Thái.
Ngày hôm sau, cha Phêrô Tự được gọi đến văn phòng toà
án, để khai tên các thừa sai mà cha biết. Cha khai tên hai đức cha và 6,7
nhà truyền giáo, khiến quan mừng lắm, đến sau mới biết các vị nói
trên đều đã bị bắt cả.
Ngày 10 tháng 7, cha Phêrô lại phải ra toà một lần nữa.
Lần này quan bảo cha cắt nghĩa các đồ thờ chén lễ và áo lễ, lính
đã tịch thâu được ở Kẻ Mốt. Cha được dịp giảng đạo lý Công Giáo cho
các quan nghe. Song một tin làm cha hết sức buồn, khi quan án báo tin
cho biết: Hai ngày nữa sẽ gọi tất cả những giáo dân đã bị bắt ra
toà, để mọi người phải bước qua Thánh Giá, vì đã có nhiều người
bằng lòng xuất giáo. Khi trở về ngục, suốt hai ngày liền, cha khuyên
bảo mọi người can đảm để giữ vững Đức Tin bằng cầu nguyện và ăn năn
đền tội. Đến ngày ra toà, quả nhiên 3 trong 4 ông trùm xứ bước qua Thánh
Giá để được trả về nhà. Chỉ còn lại ba giáo dân trẻ tuổi, là các
Tôma Đệ, Autinh Mới và Têphan Vinh và cụ già 75 tuổi là Lương y Hoàng
Lương Cảnh can đảm tuyên xưng đức tin. Hoàng Lương Cảnh sinh năm 1763 tại
làng Ráng tỉnh Bắc Giang lập nghiệp ở Thổ Hạ, huyện Yên Việt. Cụ
Cảnh hành nghề lương y, rất tận tụy với bệnh nhân, thường chữa trị
miễn phí cho người nghèo. Đồng thời là một giáo dân hiền lành, siêng
năng cầu nguyện và hoạt động truyền giáo. Cụ đã rửa tội cho nhiều
người trong giờ hấp hối, nhất là trẻ em ngoại giáo sắp chết. Giáo
dân Thổ Hạ tín nhiệm bầu cụ làm trùm họ. Đầu tháng 7.1838, đang khi
lao quân bao vây làng Thổ Hạ, có người mời cụ đi chữa bệnh và rửa
tội cho con họ. Dù biết nguy hiểm, cụ vẫn tìm cách lẻn đi giúp đỡ.
Nhưng đến bến đò, quân lính nhận diện cụ, tra gông vào cổ dẫn giải
về thị xã Bắc Ninh với cha Phêrô Tự.
Tổng đốc Bắc Ninh, sau một ngày hỏi cung các chứng nhân,
đã đệ án vào triều đình xin xử trảm đạo trưởng Nguyễn Văn Tự và
đạo mục Hoàng Lương Cảnh, còn hai thầy giảng và 3 giáo dân phải đòn
100 roi, rồi phát lưu về Bình Định. Song nhà vua phúc đáp tất cả
phải được tra hỏi lại, nếu bỏ đạo sẽ được tha, nếu không sẽ phải
chết. Ngày 9 tháng 8, cha Phêrô và các bạn lại được kêu ra tòa. Trong
một gian nhà rộng lớn, một bên là Thánh Giá đặt dưới đất, một bên
là những dụng cụ khổ hình. Quan Tổng Đốc chủ sự phiên tòa, khi thì
tỏ ra mềm dẻo dụ dỗ, khi thì nổi nóng đe loi, bắt các chứng nhân dân
phải lần lượt bước qua Thánh Giá.
Trước hết, quan lấy lời ôn tồn bảo cha Tự bước qua ảnh Thánh,
ông nói ông thực tình không muốn kết án cha. Bằng một giọng kiêm tốn,
cha trả lời: “Là một linh mục trong
đạo không lẽ tôi lại phạm tội nặng như thế, để rồi không ai có thể
tha cho tôi được. Bẩm quan, tôi không dám đâu.”
Đến lượt cụ trùm Giuse Cảnh bị thúc bước qua ảnh
Thánh, song cụ cũng quỳ phục xuống đất cầu nguyện, nhưng không to
tiếng. Quan tưởng cụ nói gì, bảo nói lớn lên. Cụ liền sốt sắng lớn
tiếng đọc kinh “Chúa Thánh Thần”: “...Xin
an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành...” Rồi kinh “Thánh
Danh.” “Chúa Giêsu là đường nẻo
thật, ai theo đường này thì sẽ sống mãi vui vẻ chẳng cùng...”
vừa đọc vừa thờ lạy Thánh Giá. Quan nổi giận gào thét: “Lôi lão già ra, và bảo lão im đi.”
Nhưng cụ cứ tiếp tục đọc lớn tiếng hơn nữa “Cầu Chúa Giêsu cho các vua trị vì nước ngày càng thịnh”,
khiến các quan giận phải phá ra cười: “Lão
cầu cho kẻ hành hạ mình nữa sao?” Cụ bình tĩnh nói về giới
luật yêu thương của đạo Chúa... Khi quan hỏi ý kiến cụ về người đã
bỏ đạo, thì cụ kể tích truyện Giuđa phản thầy cho các quan nghe. Tòa
án phúc trình kết quả vào triều đình. Ngày 2.9.1838, vua Minh Mạng
tuyên án như sau: “Đạo trưởng Nguyễn
Văn Tự và đạo mục Hoàng Lương Cảnh phải trảm quyết tức khắc.”
Ba ngày sau, tức ngày mồng 5 cùng tháng, bản án ra tới
Bắc Ninh, các quan tuân lệnh thi hành ngay. Cha Phêrô và cụ Giuse được
dẫn đi xử, tỏ ra vui mừng, tạm biệt các đồng bạn và hẹn gặp nhau
trên thiên đàng.
Cha Phêrô lấy áo dòng trắng ra mặc còn cụ trùm mang tấm
áo dòng ba. Lợi dụng lúc có nhiều người đến xem, cha Phêrô lên tiếng
giảng đạo cho mọi người.
Trên đường ra pháp trường, binh lính xếp hàng đi hai bên.
Cha Phêrô ngồi chung môt cũi với cụ trùm, tay cầm tượng Chúa chuộc
tội. Hai người vừa đi vừa đọc “Kinh
cầu các thánh” rồi kinh cầu “Chịu nạn.”
Khi tới nơi xử, mỗi đấng quỳ trên một chiếc chiếu nhỏ
đã trải sẵn. Vì cha Phêrô có tầm vóc cao hơn lý hình nhiều, tuy cha
đã quỳ gối nhưng cũng phải cúi xuống sâu để lý hình làm phận sự.
Theo hiệu lệnh của quan, hai lý hình chém hai đầu. Nhiều người có
đạo và kể cả người không có đạo, xô nhau thấm máu hoặc lấy vật gì
làm kỉ niệm. Một viên quan lượm được tượng Chúa chuộc tội của cha
Phêrô, đưa về tặng cha bề trên Hermosilla Vọng. Thi hài cụ trùm Giuse
được chôn táng dưới một ngọn đồi gần đấy, đến sau giáo dân rước về
Thổ Hạ, đặt dưới nền một Thánh Đường đã đổ nát. Còn xác thánh cha
Phêrô, lương dân và giáo dân tranh nhau, cho đến khi giáo dân phải bỏ ra
60 lạng bạc để chuộc, đem về chôn táng tại họ Nghĩa Vu thuộc tỉnh
Bắc Ninh.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Đề
tựa của Lm. HK