ĐẤNG
XÓA TỘI TRẦN GIAN
Lòng yêu mến cũng là phương thế hữu
hiệu để đền bù tội lỗi và làm cho chúng ta nên con Chúa và anh em
của nhau. Tình yêu đích thực luôn đòi hỏi sự hy sinh: “Không có tình
thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì
bạn hữu của mình.” (Ga 15, 13)
Theo sách Đại Việt thông sử, cuối tháng
4 năm 1418, Lê Lợi bị thua trận chạy về Chí Linh, quân Minh đuổi theo vây chặt
các lối hiểm yếu. Trong tình thế nguy cấp, Lê Lợi họp các tướng lại hỏi:
-
Nay
thế trận hiểm nguy, có ai dám khoác hoàng bào mà hi sinh vì ta không?
Các tướng đều ngồi yên không ai dám
thưa. Lê Lai đứng dậy nói:
-
Thần
nay nguyện được liều thân vì chúa công.
Lê Lợi trao cẩm bào cho Lê Lai, lại
ban cho hai thớt voi và 500 quân. Lê Lai đưa quân ra khiêu chiến và hô to:
-
Ta
là chúa Lam Sơn đây!
Quân Minh ngỡ là Lê Lợi nên bao vây
quyết bắt sống. Lê Lai và quân lính theo ông xung trận hết lòng giết giặc,
nhưng địch quân vừa mạnh và đông nên ông bị bắt và đem đi hành hình.
Người đời sau vẫn ca tụng: Lê Lai liều thân cứu chúa.
Trong đêm ra khỏi đất nô lệ Ai Cập,
theo lời dạy của Maisen, tất cả các gia đình thuộc dòng dõi tổ phụ
Giacob đều giết chiên và lấy máu ghi trên cửa nhà làm dấu, nhờ vậy
con cháu và loài vật của họ được an toàn; đang khi con đầu lòng của
người và vật trong các gia đình người Ai Cập đều bị giết chết. Từ
khi vào được đất hứa, hằng năm người Do Thái cử hành lễ Vượt Qua với
nghi lễ giết chiên, để nhắc lại biến cố này mà ca tụng ơn cứu thoát
của Giavê Thiên Chúa. Vì thế, khi giới thiệu Đức Giêsu với dân chúng,
thánh Gioan đã nói: “Đây là Chiên
Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian.” (Ga 1, 29)
Khi giới thiệu Đức Giêsu là Con
Chiên của Thiên Chúa, thánh Gioan như báo trước: Đấng Kitô sẽ mang lấy
tội của toàn thể nhân loại và phải chết như một tội nhân, để như
máu chiên làm dấu trên cửa đã cứu con đầu lòng của người và vật nơi
dân Israen khỏi chết thế nào, thì nhờ máu Người đổ ra, muôn người
được tha thứ tội lỗi và hưởng ơn sự sống vĩnh cửu.
Trong cựu ước, những hy lễ được
dâng bằng máu các con vật không có khả năng đền bù tội lỗi, không
thể cứu nhân loại đang chìm trong tối tăm của tội lỗi và sự chết,
cũng không có sức đem đến sự sống vĩnh cửu cho bất cứ ai, nên Con
Thiên Chúa đã tự nguyện mang thân phận con người như chúng ta. Chẳng
những thế, Người còn chấp nhận chịu chết như một tử tội và máu
Người đổ ra trên thập giá trở thành giao ước mới cũng là giao ước
vĩnh cửu, để tất cả những ai tin vào Người sẽ được ơn tha tội và
nên công chính.
Nói cách khác, việc nhập thể và
cuộc khổ nạn của Đức Giêsu là của lễ vô giá dâng lên Thiên Chúa Cha.
Nhiều năm trước, nhờ Thánh Thần soi sáng, Thánh Vương Đavit đã tiên
báo: “Chúa chẳng thích gì tế phẩm
và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội Chúa
không đòi, con liền thưa: “Này con xin đến.” (Tv 39, 7-8) Sau này tác
giả thư Do Thái còn quảng diễn thêm: “Máu
các con bò, con dê không thể nào xóa được tội lỗi. Vì vậy khi vào
trần gian, Đức Kitô nói: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã
tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ
xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để
thực thi ý Ngài.” (Dt 10, 4-7)
Máu và nước từ trái tim của Đức
Giêsu đã chảy ra trên đồi cao năm xưa đủ để đem lại ơn cứu độ cho muôn
người ở mọi nơi, nhưng suốt hai ngàn năm qua, hy lễ ấy còn được tái
diễn trên bàn thờ mỗi ngày. Thật vậy, trong thánh lễ, vị chủ tế
cầm bánh và nói: “Này là Mình
Thầy sẽ bị nộp vì các con.” Ngài cũng nâng cao chén rượu và
đọc: “Này là chén Máu Thầy, Máu
giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và mọi người được
tha tội.” Khi ấy, hy tế bàn thờ đem lại muôn ơn phúc cho những ai
đang hiện diện, cho mọi thành phần trong Hội Thánh, cho toàn thể thế
giới và cả những người đã qua đời.
Trong đời thường, Đức Giêsu vẫn
tiếp tục chịu đau khổ và đổ máu qua các Kitô hữu là những chi thể
của Người. Thánh Phaolô đã cảm nghiệm sâu sắc về những đau khổ Ngài
chịu vì danh Đức Kitô: “Những gian
nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ
mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh.” (Cl 1,24)
Đức Giêsu đón nhận thập giá để
đền bù tội lỗi cho nhân loại và nâng chúng ta lên hàng nghĩa tử của
Thiên Chúa: “Phần tôi, một khi được
giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” (Ga
12, 32) Ơn làm con Thiên Chúa và sự sống vĩnh cửu đã được ban cho
chúng ta trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Nhưng để ơn ấy sinh
hoa kết trái trong đời sống, mỗi người chúng ta còn phải cố gắng
sống lời thánh Phaolô căn dặn: “Anh
em hãy gắng sức lo cho mình được cứu độ.” (Pl 2, 12)
Gắng sức để được cứu độ là thực
lòng sám hối lỗi lầm và canh tân cuộc sống theo tinh thần Tin Mừng.
Lòng yêu mến cũng là phương thế hữu hiệu để đền bù tội lỗi và làm
cho chúng ta nên con Chúa và anh em của nhau. Tình yêu đích thực luôn
đòi hỏi sự hy sinh: “Không có tình
thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì
bạn hữu của mình.” (Ga 15, 13) Hy sinh là từ bỏ ý riêng để sống
theo ý Chúa, biết quảng đại tha thứ, can đảm chấp nhận phần thiệt
về mình để tha nhân được hạnh phúc và cộng đoàn được phát triển.
Để đền đáp tình thương của Chúa
và hưởng hồng ân cứu độ được ban nơi Đấng xóa tội trần gian, chúng
ta cần liên lỉ sống lời thánh Phaolô khuyên nhủ: “Anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh
thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em
thờ phượng Người.” (Rm 12, 1)
Lm. Mt