Sức khỏe _ hiến máu


 HIẾN MÁU
Mỗi khi nghe tiếng kèn xe hồng thập xé không gian trên đường phố hoặc nhìn thấy một người gặp nạn đang xối xả chẩy máu, liệu chúng ta có tự hỏi số phận người bệnh sẽ ra sao?
Hiến máu là việc làm rất giản dị mà chẳng đau đớn gì. Chỉ lim dim nằm nghỉ thoải mái khoảng 15 phút mơ màng, tưởng nghĩ tới những giọt của máu mình cứu sống được một người là thấy vui vui hạnh phúc trong lòng.  
Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
Mỗi ngày, có hàng triệu người trên thế giới cần tiếp nhận máu để được cứu chữa trong các trường hợp chấn thương tai nạn, trong giải phẫu cũng như điều trị ung thư. Tiếp hồng huyết cầu, bạch cầu, tiểu cầu hoặc huyết tương là điều thiết yếu để mang sức khỏe trở lại cho người bệnh.
Một người:
- bị tai nạn xe hơi có thể cần từ 4-40 đơn vị máu;
- mổ tim hở cần từ 2-6 đơn vị hồng cầu, 2-4 đơn vị huyết tương, 1-10 đơn vị tiểu cầu;
- ung thư bạch cầu cần 2-6 đơn vị hồng cầu và 6-8 đơn vị tiểu cầu mỗi ngày trong 2-4 tuần lễ.
Nhu cầu máu trên thế giới ngày một gia tăng mà số người hiến máu lại giảm, vì:
- Các bạn trẻ chưa có thói quen hiến máu.
- Một số người tuổi cao không còn cho máu được nữa nhưng lại cần tiếp máu nhiều hơn.
- Quy luật lấy máu nghiêm ngặt hơn để bảo đảm an toàn cho người bệnh. Như là khi có bệnh, khi uống thuốc chữa bệnh, khi làm đẹp với xâm da, đeo khuyên, khi từng du lịch tới một vài vùng có dịch bệnh...đều có thể không được hiến máu.
Bên Mỹ, một nửa dân số có đủ điều kiện để hiến máu mà chỉ có 5% những người này cho máu. Và họ cho máu tự nguyện, không vì tiền.
Vì thiếu máu an toàn là vấn đề toàn cầu, nên vào tháng 5 năm 2005, Bộ Trưởng Y tế các quốc gia trên thế giới đã đồng thanh quyết định lấy ngày 14 tháng 6 mỗi năm làm ngày “World Blood Day”.
Ðây là ngày để nhắc nhở mọi người về nhu cầu máu an toàn, để cảm ơn và vinh danh những người tự nguyện bất vụ lợi hiến máu và để khích lệ mọi người tình nguyện hiến máu mà không lấy tiền. Những người này thường có sức khỏe tốt, không che dấu về sức khỏe của mình, không bị các bệnh truyền nhiễm, không chích thuốc cấm và họ hiến máu rất đều đặn.
Bệnh nhân cần máu hầu hết không bao giờ nhận máu toàn khối, mà chỉ từng thành phần riêng rẽ, như hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu hoặc huyết tương. Vì thế sau khi lấy máu, các thành phần được phân tách ra:
- Hồng cầu chiếm từ 40-50% tổng số khối lượng máu, có thể cất giữ trong tủ lạnh được 42 ngày. Nếu không dùng trong vòng 6 tuần lễ, hồng cầu bị hủy bỏ. Hồng cầu giữ đông lạnh còn tốt trong 10 năm.
- Tiểu cầu có rất ít trong máu (150,000-450,000/ml máu) và được dùng để kiểm soát sự băng huyết. Tiều cầu cần được cất giữ ở nhiệt độ bình thường trong phòng. Sau năm ngày mà chưa dùng tới, tiểu cầu bị loại bỏ vì có thể bị nhiễm vi khuẩn.
- Huyết tương có thể giữ trong đông lạnh khoảng một năm và được truyền trực tiếp cho người bệnh có nhu cầu nhưng đa số được dùng trong chế biến dược phẩm.
- Máu toàn khối thường được dùng cho trẻ sơ sinh hoặc bệnh nhân giải phẫu lớn như mổ tim hở.
Hồng cầu cho thiếu máu, chấn thương, giải phẫu
Tiểu cầu cho bệnh nhân ung thư đang nhận hóa trị
Huyết tương cho các trường hợp phỏng nặng...
Cho máu có cần điều kiện gì không?
Không có điều kiện lớn lao gì, ngoài vài đòi hỏi tối thiểu như:
- phải trên 17 tuổi,
- nặng ít nhất 55 kg,
- có sức khỏe tốt,
- hoàn tất mỹ mãn một khám bệnh tổng quát và
- trả lời thỏa đáng các câu hỏi về y sử, nếp sống.
Trước khi hiến máu, nên ăn uống đầy đủ và uống nhiều chất lỏng (nhớ đừng uống rượu nghe, bị từ chối đấy!)
Bệnh thường thấy như cao huyết áp hoặc đang uống thuốc hạ huyết áp đều cho máu được.
Những ai không được hiến máu?
Có thể bị từ chối nếu:
- Ðã từng nghiện ngập, chích thuốc cấm như bạch phiến. Những người này thường có tỷ lệ bị nhiễm HIV/AIDS khá cao, 23%.
- Ðàn ông giao hợp với đàn ông từ năm 1977. Ðây là lúc mà bệnh AIDS được khám phá ở một người đồng tính luyến ái. Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ mắc HIV/AIDS ở người đồng tính luyến ái trong năm 1996-1997 là 38%. Lây lan virus viêm gan B và C cũng rất cao ở lớp người này.
- Có thử nghiệm dương tính với HIV
- Nam nữ giao hợp để lấy tiền hoặc để trao đổi tình dục lấy thuốc cấm từ năm 1977, vì họ có thể nhiễm HIV
- Bị viêm gan virus B từ khi 7 tuổi
- Ðang uống thuốc Tegison để chữa bệnh vẩy nến (Psoriasis).
- Có bệnh ưa chẩy máu (hemophilia) vì thiếu các yếu tố đông máu
Liệu tôi có đủ máu để cho, phải cho bao nhiêu mỗi lần và bao nhiêu lần mỗi năm?
Mỗi người có từ 5 tới 6 lít máu mà mỗi lần chỉ cho có gần nửa lít. Huyết tương được phục hồi trong vài giờ, hồng cầu được tái tạo trong vài tuần lễ.
Với toàn khối máu, có thể cho mỗi 8 tuần lễ.
Huyết tương được tái tạo sau vài ngày, do đó có thể cho huyết tương hai lần một tuần, cách nhau vài ngày.
Hiến máu rất an toàn.
Kim chích đều là mới tinh, vô trùng, dùng một lần rồi vứt bỏ cho nên không có rủi ro nhiễm sinh vật gây bệnh do máu chuyên chở như HIV, viêm gan mãn tính với virus B và C... Virus viêm gan cấp tính A và E ít khi truyền qua máu.
Lấy máu như thế nào?
Ngồi hoặc nằm trên ghế dựa êm ái, cánh tay đặt trên chỗ tựa tay. Một vòng bao cao su máy đo huyết áp cột trên cánh tay để máu dồn nhiều vào tĩnh mạch. Da trên khuỷu tay được lau sạch khử trùng. Một chiếc kim mới tinh, sạch sẽ được cắm vào tĩnh mạch. Máu được hút vào một bịch chứa.
Sau khi cho khoảng ½ lít máu, kim được rút ra, chỗ chích được dán một miếng băng keo để tránh vi khuẩn xâm nhập. Máu sẽ được đưa vào phòng thí nghiệm để kiểm tra an toàn rồi phân tách riêng các thành phần như hồng cầu, bạch cầu, tiểu bào và huyết tương. Rồi cất giữ trong tủ lạnh, dùng dần cho nhu cầu.
Sau khi cho máu, nên ngồi nghỉ chừng mươi phút để coi có khó khăn gì không, ăn một chút thực phẩm, uống vài ly nước, rồi thoải mái ra về.
Trong 24 giờ sau khi hiến máu, nên:
- Uống nhiều nước
- Tránh nâng vật quá nặng phía tay mới cho máu
- Tránh vận động quá mạnh
- Tránh uống thuốc chống đau aspirin hoặc ibuprofen
Sau khi cho máu, có thể bị hơi khó chịu bao tử hoặc hơi chóng mặt. Các dấu hiệu này chỉ thoảng qua, hết đi sau khi ăn uống.
Nên cho trung tâm hiến máu hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ nếu:
Tiếp tục buồn nôn, chóng mặt dù đã ăn uống và nằm nghỉ
- Nơi cắm kim sưng, chẩy máu hoặc đau
- Cảm thấy tê đau lan xuống bàn tay, ngón tay
- Bị bệnh với các dấu hiệu triệu chứng như nóng sốt, đau cuống họng sau khi cho máu 4 ngày, vì có thể bị bệnh nhiễm vi khuẩn. Cần cho trung tâm lấy máu hay là mình bị bệnh để không sử dụng máu của mình vừa cho, bảo đảm an toàn cho người nhận máu.
Kết luận
Mỗi khi nghe tiếng kèn xe hồng thập xé không gian trên đường phố hoặc nhìn thấy một người gặp nạn đang xối xả chẩy máu, liệu chúng ta có tự hỏi số phận người bệnh sẽ ra sao?
Liệu họ có cần tiếp máu không? Liệu bệnh viện có dự trữ đủ máu cho nhu cầu? Liệu ta có sẵn sàng cho máu chưa?
Có khi chính bản thân ta, con cái ta, người thân của ta một lúc nào đó cũng ở trong những hoàn cảnh tương tự và cũng cần đến một bịch máu nho nhỏ, hồng hồng. Bịch máu cứu sống một nhân mạng.
Hiến máu là việc làm rất giản dị mà chẳng đau đớn gì. Chỉ lim dim nằm nghỉ thoải mái khoảng 15 phút mơ màng, tưởng nghĩ tới những giọt của máu mình cứu sống được một người là thấy vui vui hạnh phúc trong lòng.
Hạnh phúc qua hành động nhân đạo của mọi người.
Vì, những giọt nước mắt của người mẹ không cứu sống được đứa con, nhưng máu ta cho có thể cứu sống cháu bé đó.
Bác sĩ Nguyễn Ý-Ðức
Giới thiệu: Tuyển tập Videos Sống Vui Sống Khoẻ do Bác sĩ Nguyễn Ý Đức thực hiện
Xin trân trọng giới thiệu tuyển tập Videos "Sống Vui Sống Khoẻ" của BS Nguyễn Ý Đức. Tuyển tập này là những bài nói chuyện hữu ích về y tế, dinh dưỡng và sức khoẻ của BS Nguyễn Ý Đức trên các đài truyền hình được đưa lên Internet. Cùng với bộ sách "Câu Chuyện Thầy Lang" và những ấn phẩm đã được xuất bản, những bài viết trên Internet, tuyển tập Videos "Sống Vui Sống Khoẻ" này sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích, đóng góp vào việc cải thiện vấn đề sức khỏe cho cộng đồng người Việt Nam khắp nơi.