Cha
đẻ của dối trá
Cho đến nay, Satan vẫn luôn dùng sự dối trá của nó để chi
phối và thao túng con người hiện đại, nhưng với các thủ đoạn và bằng nhiều hình
thức khác nhau.
Ngay từ thời Cựu ước, ma quỷ được mô tả là rất quỷ quyệt và luôn là kẻ lừa dối. Chúa Giêsu đã gọi nó
là kẻ nói dối và là cha của kẻ nói dối. Nó dẫn dụ và mê hoặc người ta tin vào
những điều dối trá và chống lại Thượng Đế.
Một trong những điều dối trá mà ma quỷ
đưa đến cho con người là dối trá về Thượng Đế. Nó tạo ra sự nghi ngờ về các ý định tốt lành của Thượng Đế dành cho
con người.
Điều dối trá thứ hai là về ý chỉ thánh
thiện của Thượng Đế. Thiên Chúa đã ban luật lệ vì lợi ích và bảo vệ con người,
nhưng ma quỷ dối trá xuyên tạc rằng các lệ luật ấy chỉ
làm hại và biến con người thành nô lệ.
Điều dối trá thứ ba là dối trá về hậu quả của tội và bất tuân lệnh Chúa. Ma quỷ dối trá bảo rằng
vi phạm luật Chúa sẽ không chết đâu, nhưng mắt sẽ mở ra, sẽ khôn ngoan như Thượng
Đế vậy.
Cho đến nay, Satan vẫn luôn dùng sự dối
trá của nó để chi phối và thao túng con người hiện đại, nhưng với các thủ đoạn
và bằng nhiều hình thức khác nhau. Vì thế, sau nhà trường và xã hội, gia đình vẫn mãi mãi phải là nơi đầu tiên giúp định hình nhân
cách, một
nhân cách không thể thiếu sự ngay thẳng và lòng chính trực của một con người. Sự
giáo dục phải được đặc biệt quan tâm và từng bước thực hiện ngay từ khi còn thơ
bé.
Từ một lần Đức Phật dạy con khi còn niên thiếu…
Theo lịch sử, Thái tử Tất Đạt Đa – sau
này chính là đức Phật, trước khi xuất gia đã có một người con trai duy nhất là
Lahula (La Hầu La). Song, ít ai biết rằng sau khi đạt giác ngộ, đức Phật đã trở
thành người thầy rất quan trọng dạy dỗ cho con trai mình trong hầu hết quãng đời
niên thiếu.
Kể từ khi La Hầu La lên bảy tuổi, Ngài
đã là một người cha rất mực mô phạm, nhờ vậy, La Hầu La đã đạt được giác ngộ
viên mãn khi mới tròn 20 tuổi.
Kinh điển không đề cập nhiều đến mối
quan hệ cha-con giữa đức Phật và La Hầu La, nhưng đó đây đã để lại những dấu chỉ
thú vị đáng lưu ý về việc đức Phật đã dẫn dắt con mình như thế nào trên con đường
trưởng thành.
Đó là một tiến trình liên tục của con đường
dẫn tới giác ngộ: lúc La Hầu La bảy tuổi, đức Phật dạy cho con về đạo đức; lúc
La Hầu La 10 tuổi, đức Phật dạy cho con Thiền; và lúc 20 tuổi, Ngài dạy về tuệ
giác giải thoát. Quá trình trưởng thành của La Hầu La, vì vậy, đi đôi và song
hành với tiến trình giác ngộ của Đức Phật.
ĐẠO ĐỨC
Câu chuyện đầu tiên kể về La Hầu La được
Đức Phật dạy về lòng chính trực (integrity) như thế nào. Lúc lên tám tuổi, có lần
La Hầu La đã nói dối. Bài Kinh Trung Bộ Kinh, 61, kể chi tiết rằng một lần sau
khi tọa thiền xong, Đức Phật đến tìm con. La Hầu La lấy ghế mời cha ngồi, rồi
mang đến một thau nước cho cha rửa chân theo như phong tục thời ấy. Sau khi rửa
chân xong, Đức Phật hỏi:
“Này, La Hầu La, con có thấy chút nước còn lại trong cái
thau này không?”
“Dạ, con có thấy” – La Hầu La thưa.
“Đời của một người tu cũng chỉ đáng bằng một chút nước này
thôi, nếu như người đó cố tình nói dối.”
Sau đó, Đức Phật đổ hết nước trong thau
ra và nói:
“Đời của một người tu cũng chỉ đáng vất bỏ đi như vầy, nếu
như người đó cố tình nói dối.”
Xong, Đức Phật lật cái thau úp xuống và
nói:
“Đời của một người tu sẽ trở nên đảo lộn như vầy, nếu như
người đó cố tình nói dối.”
Và, để nhấn mạnh thêm nữa, Đức Phật lật
ngửa cái thau trở lại và nói:
“Đời của một người
tu cũng trở nên trống rỗng như cái thau này, nếu như người đó cố tình nói dối.”
Sau đó Ngài dạy con:
“Đối với một người cố
tình nói dối, không có một tội lỗi xấu xa nào mà người đó không thể làm. Vì vậy,
La Hầu La, con hãy tập đừng bao giờ nói dối, cho dù đó là một lời nói đùa.”
Câu chuyện trên đã nhắc nhở rằng những lời
la mắng giận dữ với con cái thực ra chỉ có sức mạnh mà không có nội lực. Đức Phật
đã rất bình tĩnh, chọn đúng thời điểm để dạy con mà không trừng phạt hay nổi giận
với con.
... đến trình thuật về hậu quả của lời nói dối
trong Thánh Kinh...
Thánh Kinh đã ghi lại những dòng thật đẹp
về đời sống của cộng đoàn tín hữu đầu tiên, họ chuyên cần nghe các Tông đồ giảng
dạy, hiệp thông với nhau, không ai coi tài sản mình là của riêng, nhưng để mọi
sự làm của chung trong tinh thần hiệp nhất. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền
chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Tuy nhiên, Sách Công vụ Tông đồ (5, 1-11)
đã thuật lại một trường hợp cá biệt về việc bán đất đai hết sức ấn tượng như
sau:
“...Có một
người tên Khanania cùng với vợ là Xaphira bán một thửa đất. Ông đồng ý giữ lại
một phần tiền, rồi đem phần còn lại đặt dưới chân các Tông đồ. Ông Phêrô mới
nói: Anh Khanania, sao anh lại để Satan xâm chiếm lòng anh, khiến anh lừa dối
Thánh thần, mà giữ lại một phần giá thửa đất? Khi đất còn đó thì nó chẳng là của
anh sao? Bán đi rồi thì anh chẳng có quyền sử dụng tiền bán đó hay sao? Sao anh
lại rắp tâm làm chuyện ấy? Anh đã chẳng lừa dối người phàm, mà là lừa dối Thiên
Chúa. Nghe những lời ấy, Khanania ngã xuống đất, tắt thở. Các thanh niên đến liệm
xác và đem đi chôn.
Khoảng 3
giờ sau, vợ ông đi vào mà không hay biết chuyện đã xảy ra. Ông Phê rô lên tiếng
hỏi: “Chị cho tôi hay, anh chị bán thửa đất được bấy nhiêu, phải không? Chị ta
đáp, vâng, được bấy nhiêu thôi. Ông Phêrô liền nói, Sao anh chị lại đồng lòng với
nhau để thử thách Thần Khí Chúa, kìa, những người đã chôn cất chồng chị còn đứng
ở ngoài cửa, họ sắp khiêng cả chị đi nữa đấy. Lập tức, bà ta ngã xuống dưới
chân ông Phêrô và tắt thở”
Nếu chỉ đọc thoáng qua trình thuật trên,
dễ có cảm tưởng, sao ông Phêrô lại ác độc quá vậy?. Chỉ vì bớt lại một phần tiền
(của chính mình) mà cả hai vợ chồng bị chết tươi bởi quyền năng từ ông Phêrô,
có thể vị này đã lạm dụng quyền lực để hại chết người chăng, sao mạng người có
thể bị xem nhẹ đến thế?
Thực ra, bản chất tội của họ không phải
vì cất dấu một phần tiền bạc, nhưng chính vì vợ chồng họ đã nói dối cộng đoàn
và lừa dối Thánh Thần. Hành vi của họ làm cho đời
sống cộng đoàn xấu đi. Họ xứng đáng bị trừng phạt để nêu gương cho người khác khi nói
dối.
Thiên Chúa rất dứt khoát quyết liệt và
luôn không khoan nhượng với ma quỷ, vì thế, những hình phạt là bệnh tật, khổ
đau và chết chóc trên trái đất phát khởi từ một lời nói dối chỉ là những hậu quả
tất yếu.
Điều này làm chúng ta nhớ Ma quỷ đã nói
dối với người nữ đầu tiên là Ê-va. Hắn bảo rằng bà sẽ không chết nếu cãi lời Ðức
Chúa Trời và ăn trái cây mà Ngài bảo bà không được ăn. Ê-va đã tin Ma-quỉ và ăn
trái cây. Bà cũng đưa cho A-đam ăn nữa. Bởi vậy con người đã trở thành những kẻ
phạm tội, cùng với tất cả con cháu đều mang tội tổ tông. Vì có tội, nên tất cả
con cháu của A-đam đều đau khổ đủ đường và cuối cùng, phải chết. Những vấn đề này bắt đầu từ đâu? Thưa, bắt đầu từ một lời nói
dối.
Im lặng cũng là một cách nói
Cùng với tâm thức nhị nguyên trong nhận
thức và khái niệm về các mặt đời sống của thiện/ác, sai/đúng, phải/trái... sẽ
không sợ sai lầm khi cho rằng, ngay từ khi có tiếng nói con người đã biết nói dối.
Và, khi bắt đầu có chữ viết, văn tự, thì sự nói dối ngày càng có những bước tiến
vượt bậc cùng với sức mạnh kinh hoàng ghê gớm khó thể hình dung, đến mức con
người đã hoặc đang bị tẩy não mà không tự nhận ra.
Thật vậy, tẩy não là sự tái giáo dục cưỡng
bức các niềm tin và giá trị truyền thống. Hàng ngày, qua báo, đài, tờ rơi và rất
nhiều phương tiện truyền thông khác, từng phút rồi từng giờ, ta phải nhận biết
bao thông tin không chính xác (nói dối) trong mọi mặt đời sống, từ đó, nhận thức của ta thay đổi lúc nào chính ta cũng không nhận ra qua tràn lan quảng
cáo, cùng vô vàn những thông tin vốn đã được định hướng chỉ với mục đích tuyên
truyền.
Tẩy não thì ở đâu cũng có, nơi nào cởi mở
thì chuyện tẩy não sẽ kín đáo, tế nhị và nhẹ nhàng, thể hiện giới hạn qua những
quảng cáo thương mại và các sản phẩm tiêu dùng, khác hơn với những nơi khép kín
luôn tàn bạo, trắng trợn kèm theo bạo hành dưới đủ dạng bạo lực và tràn lan mọi
mặt đời sống.
Tiến sỹ Paul Joseph Göbbels (1897–1945)
Bộ trưởng Bộ Thông tin Quần chúng và Tuyên truyền của Đức Quốc xã, đã truyền lại
một công thức để đời: SỰ THẬT là những DỐI TRÁ
ĐƯỢC LẬP LẠI NHIỀU LẦN. Kinh nghiệm xương máu ấy đã được vận dụng với rất nhiều sáng tạo,
nên không gây nhiều ngạc nhiên khi thế giới được chứng kiến, cảnh đông đảo dân
chúng Bắc Triều tiên đã khóc lóc thảm thiết khi lãnh tụ của họ từ trần, trong xứ
sở đói nghèo và khép kín nhất thế giới ấy. Họ đã lên đồng, bao nhiêu người khác
ở nhiều nơi thế giới đã lên đồng tập thể từ những dối trá.
Chẳng ai muốn nói dối, nhưng người ta vẫn
thường nói dối vì nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên
nhân lớn nhất vẫn là SỢ HÃI. Sợ mất quyền lợi, sợ trách nhiệm, sợ phải đương đầu...
cùng vô vàn nỗi sợ có tên và không tên khác.
Mấy ngày nay dư luận cả nước đang ồn ào
dậy sóng vì vụ Bác sỹ Cát Tường làm chết người rồi quăng xác xuống sông, vụ
xương động vật thay vì hài cốt liệt sỹ cùng với oan án 10 năm Nguyễn Thanh Chấn
ở Bắc Giang. Những thảm kịch ấy mỗi vụ đều khác nhau về tính chất, mức độ, thời
điểm v.v... nhưng tựu trung, xét cho cùng, tất cả đều khởi từ những lời nói dối.
Sự dối trá đang bao phủ và trùm lên tất cả trong thảm cảnh “Đêm giữa ban ngày”.
Giữa ban ngày mà bóng đen đêm tối đang ngự trị khi cha đẻ của dối trá vẫn còn
phủ trùm luôn mãi.
Chẳng ai muốn nói dối, nhưng ngay cả khi
thinh lặng thì sự thinh lặng ấy vẫn luôn mang nhiều ý nghĩa khi đối chiếu với lời
hằng sống: “Ta là Đường và là Sự Thật” để tự trả lời cho lòng mình rằng, ĐƯỜNG ấy
sẽ đưa ta đến đâu? SỰ THẬT ẤY đang là sự thật nào, bên này hay bên kia dãy
Phyrené?.
Tự nguyện
Xem như thế, ai cũng biết hậu quả kinh
hoàng của nói dối, nhưng oái oăm và đáng sợ biết bao nhiêu, nói dối lại là điều
rất dễ vướng, đôi khi rất khó nhận ra.
Nói dối là nói không thật, nói thiếu
chính xác, là chém gió, là nổ văng miểng.
Theo công trình nghiên cứu Feldman, 60%
các đối tượng được nghiên cứu đã nói dối ít nhất 1 lần trong một cuộc trò chuyện
ngắn, và cũng trong khoảng thời gian đó, họ đã nói khoảng 2,92 điều sai. Đối tượng
được nghiên cứu gồm đủ loại tuổi và nhiều thành phần và đều cho kết quả, lời
nói dối dễ xuất hiện trong lần gặp gỡ đầu tiên.
Lạy Chúa!
Nếu kết quả nghiên cứu trên là khả tín và nếu ma quỷ là cha
đẻ của dối trá, thì chưa cần cám dỗ, khi này, nơi khác, đôi lần con đã tự nguyện
đứng chung hàng ngũ với nó rồi Chúa ơi.
Xin giúp con tỉnh thức và điều chỉnh mình, để luôn nhớ Kim
chỉ Nam trong ứng xử mà Chúa đã ban cho con lâu nay:
“Có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều
gì là do ác quỷ (Mt 5, 37)”.
Amen.
Xuân Thái