Lời Chúa cntn 32c _ tôi tin sự sống đời sau


 TÔI TIN SỰ SỐNG ĐỜI SAU
Ngược với niềm tin vào đời sau, chọn lựa của đời này hạ thấp phẩm giá con người, như Marilyn Monroe, một nữ diễn viên nổi tiếng của Hoa kỳ vào thập niên 1950, đã nói: “Ở Hollywood, người ta mua một nụ hôn cả ngàn đôla, nhưng bán một linh hồn chỉ với 50 xu”.
Lm. HK
Cung Vương nước Sở đi săn, giữa đường đánh mất cung. Các quan theo hầu cố xin tìm cho được. Cung Vương nói:
“Thôi tìm làm gì nữa! Người nước Sở đánh mất cung, lại người nước Sở bắt được cung, đi đâu mà thiệt”.
Đức Khổng tử nghe thấy chuyện, bảo:
“Đáng tiếc cho cái chí vua nước Sở không làm to hơn được nữa! Hà tất phải nói ‘người nước Sở’? Giá nói: ‘Người đánh mất cung, lại người bắt được cung’, thì chẳng hơn ư?” (Cổ học tinh hoa)
Thật là hay khi nhìn ra cái được trong cái mất, nhưng Đức Khổng tử vẫn lấy làm tiếc cho cái được lớn hơn mà Cung Vương không nhìn ra.
Nhưng còn biết bao điều đáng tiếc phải nói về thế giới hôm nay với những cái nhìn đã bị điều kiện hoá khiến người ta tự giới hạn hạnh phúc đời người vào những gì chỉ được thoả mãn ở đời này. Họ chỉ thấy, chỉ hiểu và khao khát những gì tùy thuộc vào cái nhu cầu của thân xác mà quên đi những đòi hỏi của tinh thần; chỉ thấy đời này mà gạt đời sau qua một bên. Theo số liệu của Catholic Encyclopedia cập nhật ngày 18/8/2004, có 1.750.656 trẻ em bị phá thai trong 16 tháng tại Hoa kỳ!
Đối với người Xa-đốc, cuộc sống chỉ nên trọn vẹn khi hồn kết hợp với xác nên cuộc sống không thân xác và sự sống lại là những điều họ không hiểu và chấp nhận. Còn thực tế phá thai tại một nước mà đa số dân là tín hữu Kitô giáo, tin vào Đức Kitô phục sinh, thì mới thấy ngay cả trong các tín hữu cũng không thiếu những người mà cuộc sống chỉ nhắm đến các tiện ích và sự thoả mãn vị kỷ ở đời này mà thôi, không muốn biết đến một cuộc sống hay hạnh phúc nào khác.
Với người tín hữu, hạnh phúc đời sau là định hướng cho chọn lựa của đời này. Giá trị của nó vượt qua mọi giá trị phàm trần, và đòi đến những hy sinh lớn lao cho một chọn lựa triệt để.
Câu nói của các cậu Macabê đã làm cho cả nhà vua và quần thần phải sửng sốt: “Tôi có được lưỡi này, tay này, là do Chúa Trời ban. Nhưng vì luật Chúa Trời, tôi coi khinh những thứ đó, và tôi hy vọng nhờ Chúa Trời, tôi sẽ lấy lại được (…) Thà chịu chết do tay người đời mà trông cậy Thiên Chúa sẽ cho sống lại thì hơn”. (2Mcb 7,11.14)
Hạnh phúc đời sau, được gặp Chúa mặt giáp mặt, là một đặc ân Chúa ban nằm ngoài khả năng nhận biết của tri giác: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1Cr 2,9).
Ngay cả niềm tin với sự hỗ trợ của lý trí cũng chỉ đem lại một cái biết mờ nhạt về đời sau: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi” (1Cr 13,12).
Thế nên đời sau không phải là một vấn đề của lý trí, mà là vấn đề của niềm tin. Người Xa-đốc ngày xưa và con người thích đề cao lý trí của ngày hôm nay dù không thể nói một lời nào về những gì đến sau cái chết, nhưng vẫn không thích chấp nhận niềm tin vào hạnh phúc đời sau.
Niềm tin vào hạnh phúc đời sau với những gì nó đòi hỏi vượt trên sức riêng của mỗi người, và là một ân sủng phải cầu xin: “Xin Chúa hướng dẫn tâm hồn anh em, để anh em biết yêu mến Thiên Chúa và biết chịu đựng như Đức Ki-tô” (2Tx 3,5).
Ngược với niềm tin vào đời sau, chọn lựa của đời này hạ thấp phẩm giá con người, như Marilyn Monroe, một nữ diễn viên nổi tiếng của Hoa kỳ vào thập niên 1950, đã nói: “Ở Hollywood, người ta mua một nụ hôn cả ngàn đôla, nhưng bán một linh hồn chỉ với 50 xu”.
Những người Xa-đốc đã bị hụt chân khi dẫn lời Môsê để phủ nhận sự sống lại, mà quên rằng Môsê là người được Cựu ước nhắc đến việc gặp Chúa mặt đối mặt nhiều nhất (Xh 33,11; Ds 14,14; Đnl 5,4; Đnl 34,10), và chính Môsê khi đàm đạo với Thiên Chúa lại gián tiếp xác nhận về đời sau, “ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, Thiên Chúa Giacob. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết mà là của kẻ sống” (Lc 20,37-38).
Có một ông lão đánh cá tên là Aaron sống trên bờ một dòng sông. Chiều nọ, ông về nhà mắt nhắm mắt mở sau một ngày vất vả làm việc, vừa đi vừa mơ tưởng sự giàu có. Bất chợt, ông đá vào một cái túi da nho nhỏ đựng đầy những hòn sỏi. Ông nhặt cái túi lên, lơ đãng ném một hòn sỏi xuống nước, tự nhủ: “khi tôi giàu có, tôi sẽ xây một cái nhà lớn”, lại ném một hòn sỏi khác: “tôi sẽ thuê người giúp việc, sẽ có rượu ngon, bữa ăn thịnh soạn”, lại một hòn sỏi khác được ném đi.
Một lúc sau, khi chỉ còn một hòn sỏi trong tay thì một tia nắng chiếu lên làm nó lấp lánh sáng. Ông phải nhìn kỹ lại. Ôi! Một viên ngọc quí!
Tôi được sinh ra trong đời với một túi ngọc quý là tình thương vô biên của Thiên Chúa. Nhưng những giấc mơ của đời này có thể làm tôi lơ đễnh ném đi cả cái kho báu quí giá đó.
Cái khó của tôi hôm nay là kiên trì tìm kiếm sự sống đời sau mà không được quên cuộc đời hiện tại. Thánh Ambrôxiô đã dạy tôi sự khôn ngoan: “dù chúng ta ở trong thân xác, nhưng những gì thuộc về thân xác, chúng ta đừng theo, cũng đừng từ bỏ quyền lợi của tính tự nhiên, nhưng hãy dành ưu tiên cho hồng ân của Chúa”.
Ước chi tôi sống được như thế, để khi nhắm mắt xuôi tay là lúc tôi hân hoan hát lên: “khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa”!
Lm. HK