SỐNG CHO CHÚA
Cái chết đặt ra cho người
ta nhiều câu hỏi, những câu hỏi huyền diệu mà rất thiết thực, gắn chặt với định
mệnh con người, với ý nghĩa đời người. Đó là những câu hỏi không ai có thể trốn tránh
mà không có câu trả lời, để làm người.
Thầy Tử Cống hỏi Đức Khổng Tử: “Người chết còn có biết gì không, hay không
biết gì nữa?”
Đức Khổng Tử nói: “Ta mà nói hẳn rằng: ‘Người chết có biết’ thì ta sợ những con hiếu,
cháu thuận liều thân để chết theo cha mẹ, ông bà. Ta mà nói hẳn rằng: ‘Người chết
không biết gì’, thì ta lại e những con cháu bất hiếu bỏ xác cha mẹ, ông bà mà
không chôn. Nhà ngươi muốn biết người chết có biết hay không biết, thong thả, đợi
đến lúc chết thì khắc biết. Sự biết ấy tưởng cũng không muộn gì cho lắm.”
Tác giả sách Cổ học tinh hoa phê bình: “Đức Khổng Tử lại không đáp ra làm sao, là
vì học thức của ngài chỉ cốt ở sự thực, mắt trông tai nghe hằng ngày thường
làm, chớ không bao giờ dạy đến sự quá cao. Cho nên có lúc mà ngài gạt đi: “Cái
sống còn chưa biết, sao biết được cái chết”. Còn như câu trả lời trong bài đây
cũng là gạt đi…”
Cái chết đặt ra cho người ta nhiều câu hỏi,
những câu hỏi huyền diệu mà rất thiết thực, gắn chặt với định mệnh con người, với
ý nghĩa đời người. Đó là những câu hỏi không ai có thể trốn tránh mà không có câu
trả lời, để làm người.
Đức Khổng Tử tránh né không phải vì coi
nhẹ vấn đề, mà vì một bậc thầy thì không thể dạy về những gì mình không biết chắc
chắn, như chính ngài đã nói: “Cái sống
còn chưa biết, sao biết được cái chết.”
Cũng là không biết, nhưng cái không biết
của Đức Khổng Tử lại là cái biết, vì “Tri
vi tri, bất tri vi bất tri, thị tri giả.” (Biết là biết, không biết là
không biết, ấy mới là biết); còn cái biết của những người Sađốc thực là không
biết vì đó là cái biết của người không muốn biết sự thật.
Là các tư tế giầu có quản lý đền thờ
Giêrusalem, với đời sống luân lý lỏng lẻo, đạo đức hời hợt và thiên về vật chất,
phái Sađốc hài lòng với cuộc sống thế tục này. Họ không chấp nhận sự sống lại,
sự bất tử của linh hồn và sự hiện hữu của các thiên thần. Nói cách khác, họ
không muốn biết đến một sự sống nào khác ngoài cuộc sống này.
Họ theo chủ nghĩa bảo thủ nghiêm nhặt
nên chỉ nhận Ngũ thư của Môsê là Sách Thánh. Sách Sáng Thế khi viết về các tổ
phụ không hề nói gì về đời sống sau cái chết, bắt đầu từ Ađam: “Tổng cộng ông A-đam sống được chín trăm ba
mươi năm, rồi qua đời.” (St 5,5)
Họ trích dẫn Ngũ thư (Đnl 25,5tt) để gài
bẫy Chúa Giêsu với câu hỏi về sự sống lại, nhưng Chúa đã công bố cho họ những sự
thực mà họ không muốn nhận, là sự sống lại, linh hồn bất tử và các thiên thần: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ
những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không
cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang
hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.”
(Lc 20,34-36)
Đặc biệt, khi dùng chính Ngũ thư để chứng
minh sự sống lại, Đức Kitô trình bày sự sống con người được liên kết với Thiên
Chúa trong một tương quan yêu thương cá vị, và sống động: Chúa sống nên người
Ngài yêu cũng sống; sự bất tử của linh hồn không dựa vào bản tính tinh thần cho
bằng tình yêu cá vị của Chúa cho mỗi người: “Về
vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về bụi
gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa
Giacob. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống.
Vì mọi người đều sống cho Chúa.” (Lc 20,37-39)
Không tin vào sự sống đời sau là một
trong những nét đặc trưng của xã hội hiện nay, tác giả Đặng Tự Do đã viết về Nhật
Bản, một quốc gia được kể là nơi chủ nghĩa thế tục được coi là khủng khiếp nhất,
một xã hội duy vật chất, theo bài viết của về chủ nghĩa định mệnh tại Nhật, mà
hậu quả là “xu hướng tự tử tăng mạnh
trong thanh niên và những người già cả, phá thai được dùng như cách kiểm soát
sinh sản, và trên các xe điện đông chật ních hành khách người ta thản nhiên xem
các sách báo khiêu dâm, và một tình trạng tổng quát của một cuộc sống không
chút hy vọng.
“Quan điểm
sống của thanh niên Nhật có khuynh hướng gần với chủ nghĩa hư vô một cách đáng
báo động. Trong những câu trả lời dành cho những câu hỏi của viện Gallop, tình
trạng tuyệt vọng, chán chường thể hiện rõ.”
Trái lại, niềm tin vào hạnh phúc đời sau,
dựa trên tình yêu tác sinh của Thiên Chúa, là sức mạnh tuyệt vời giúp người ta
bay cao trên mọi thử thách của cuộc sống để trung thành với tình yêu, trung
thành với Thiên Chúa. Sống cho Chúa là sống cho tình yêu ban hạnh phúc đời đời:
“Thà chịu chết do tay người đời mà trông
cậy Thiên Chúa sẽ cho sống lại thì hơn.” (2Mcb 7,14)
Sống cho Chúa là để cuộc sống tùy thuộc
vào “Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng đã
yêu thương chúng ta và dùng ân sủng của Người mà ban cho chúng ta sự an ủi đời
đời và lòng cậy trông tốt lành.” Ân sủng Chúa sẽ làm cho tôi hoàn thành
chính mình, “bền vững trong mọi việc làm
và lời nói tốt lành.” (2Tx 2,16.17)
Còn gì hạnh phúc hơn! “Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người sẽ
làm cho anh em được kiên vững và gìn giữ anh em khỏi sự dữ.” (2Tx 3,3)
Lm. HK