Hôm nay chúng ta kính mừng 117 vị thánh tử đạo
tại quê hương chúng ta: trong số 117 vị thánh tử đạo này có 8 giám mục, 50 linh
mục, 15 tu sĩ và 44 giáo dân.
Trong thời kì bách hại,
chẳng những chúng ta thấy lòng cam đảm, sẵn sàng hy sinh vì Chúa của các Ngài, mà
chúng ta còn thấy những lời khuyên bảo đầy đạo đức vững chắc của các bậc cha mẹ
đối với con cái, và sự gan dạ khôn ngoan của những kitô hữu tuy còn nhỏ tuổi, như
trong truyện thánh tử đạo Phêrô Đoàn Công Quý, ông trùm Emmanuel Lê Văn Phụng
và đứa con nuôi 10 tuổi của ông.
Linh mục Phêrô Đoàn
Công Quý
(33 tuổi) sinh năm
1826, cha mẹ là người xứ Bắc vào Nam lập nghiệp 1826, sinh sống tại họ đạo Búng,
xã Hưng Thịnh, Thủ Dầu Một (Bình Dương). Cậu Quý thường lui tới gặp gỡ học hỏi
Cha Tám ở nhà thờ Búng. Năm 1847 Cha Tám giới thiệu chàng trai 21 tuổi này với
Cha Miche để được học Lavăn và theo đuổi ơn gọi. Cậu Quý học tại chủng viện
Thánh Giuse (Thị Nghè). Năm 1848, Thầy Quý được du học tại chủng viện Pénang.
Năm 1855, Thầy Quý hồi
hương, Đức Cha Ngãi trao cho Thầy nhiệm vụ chăm sóc, dạy Giáo Lý và động viên
giáo hữu tại các họ đạo. Tháng 9 năm 1858 Thầy Quý được thụ phong Linh Mục. Sau
một thời gian phục phụ Lái Thiêu, Đức Giám mục địa phận, bổ Cha Quý làm Phó xứ
Cái Mơn.
Cha Phêrô Quý được
tuyển chọn vào cánh đồng truyền giáo trong giai đoạn đạo Chúa gặp hoàn cảnh
thật đen tối.
Nhưng lòng nhiệt thành
truyền giáo đã giúp cha Quý chịu đựng mọi gian khổ, mọi hiểm nguy đe doạ. Chỉ 3
tháng sau khi cha về Cái Mơn, quân lính bao vây dòng Mến Thánh Giá để lùng bắt
Giáo Sĩ, nhưng không có vị nào ở đó, nên lính muốn bắt một số nữ tu để tra tấn.
Nghe tin các nữ tu bị bắt, cha Quý muốn nộp mạng để lính tha cho chị em, nhưng
giáo dân can ngăn cha thực hiện ý định. Từ đấy cha cải trang làm thường dân đi
thăm viếng, an ủi và ban phát các bí tích cho giáo hữu.
Đức cha Ngài bổ nhiệm
cha Quý về Giáo xứ Dầu Nước (Cù Lao Giêng) thuộc tỉnh Châu Đốc ngày 27 tháng 12
năm 1858. Chỉ 10 ngày sau (7. 1. 1859) quan Tổng Trấn được mật báo có cố Tây ẩn
tại nhà ông Lê Văn Phụng ở Đầu Nước. (Ông trùm Emmanuel Lê Văn Phụng sinh năm 1946 tại họ Đầu Nước, An Giang vì lòng nhiệt thành và
tính cương trực, ông được bà con tín nhiệm đề đạt làm trùm họ Dầu Nước) Nghe
tin quan sai 100 lính đến bủa vây làng, giáo hữu vội báo tin cho gia đình ông
Phụng.
Được tin này cha Định (Pernot)
đã đề nghị với cha Quý cùng chạy trốn, nhưng cha Quý bình tĩnh trả lời: "Tôi là người bản quốc, chắc quan quân
khó nhận ra. Cha cứ đi trước, tôi ở lại thu dọn đồ lễ khỏi gây phiền hà cho chủ
nhà và giáo xứ, rồi sẽ theo sau."
Thừa sai Định vừa đi
khỏi, thì quân lính ập vào nhà ông trùm Phụng. Cha Quý ẩn nấp dưới sàn nhà. Quan
ra lệnh cho ông Phụng phải nộp đạo trưởng như đã có mật báo. Ông Phụng dõng đạc
trả lời không có ai là đạo trưởng người tây phương cả. Quan đe doạ nếu không
tuân lệnh thì ông phụng sẽ bị đánh đòn. Thấy lính sắp sửa đánh đòn chủ nhà, cha
Quý tự nhận mình là đạo trưởng. Quan không tin, nói: "Không phải mày, mày phải nộp cho tao Tây Dương Đạo Trưởng mới
được."
Cha Quý đáp: "Không có đạo trưởng người Tây ở đây,
tôi chính là đạo trưởng, tôi hãnh điện làm việc giảng đạo cho đồng bào muốn
nghe tôi"
Quan thấy cha Quý còn
trẻ, nên không tin, quay sang hỏi một em nhỏ 10 tuổi con nuôi ông trùm Phụng. Em
gan dạ không chịu khai báo gì. Quan quất cho em mấy roi, bắt phải khai chỗ ẩn
của đạo trưởng người Tây. Đứa nhỏ chỉ vào cha Quý và nói: "Chính ông này là đạo trưởng"
Lính liền trói cha Quý,
ông Phụng và 32 giáo hữu giải về thị trấn Châu Đốc.
Ngày 30 tháng 7 năm
1859, bản án trảm quyết cha Phêrô Quý được gởi từ Kinh Đô vào đến Châu Đốc cùng
với bản án tử hình (xiết cổ) ông trùm Emmnuel Phụng. Sáng hôm sau ngày 31 tháng
7, linh mục Phêrô Đoàn Công Quý và ông trùm Lê Văn Phụng được dẫn ra pháp
trường Chà Và. Tại pháp trường ông trùm Phụng gặp các con mình. Ông đeo vào cổ
cô con gái Anna Nhiên ảnh Thánh Giá và nói: "Con
ơi hãy nhận lấy kỉ vật của ba. Đây là ảnh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ảnh
này quý hơn vàng bạc bội phần. Con hãy luôn mang nơi cổ và trung thành cầu
nguyện sớm chiều."
Hai vị thánh tử đạo
quỳ xuống cầu nguyện. Cha Quý giải tội cha ông trùm. Sau 3 tiếng chiêng ngân
vang, vị thánh linh mục bị chém đầu, còn ông trùm bị siết cổ bằng dây thừng
Thi hài hai vị tử đạo
được an táng tại nhà thờ Năng Gù. Năm 1959 được cải táng về chủng viện Cù Lao
Giêng.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm