LỜI CẦU NGUYỆN ĐÍCH THỰC
Người Kitô hữu nào cũng phải cầu nguyện.
Nhưng lời cầu nguyện của chúng ta chỉ có ý nghĩa thực khi nó diễn tả mối tương
quan giữa con người với Thiên Chúa... : “Lạy Chúa, xin thương xót
con là kẻ tội lỗi”.
Một vị linh sư nọ đang
cầu nguyện. Các môn đệ đến xin ông dạy họ cách cầu nguyện. Vị linh sư liền dạy
các môn đệ cầu nguyện bằng một câu chuyện như sau:
Cả hai người dẫn nhau
đi qua một cách đồng, bỗng một con bò mộng giận dữ không hiểu từ đâu chạy tới.
Hai người bèn chạy đến hàng rào gần nhất để ẩn núp; những đã quá trễ, họ không
thể lẩn trốn được con bò mộng hung dữ kia đang chạy tới để hút vào người họ.
Trong cơn hốt hoảng, không còn biết làm gì được nữa, một trong hai người đề nghị:
chỉ còn có sự cầu nguyện may ra giúp chúng ta thoát được. Thế nhưng người kia lắc
đầu tuyệt vọng:
-
Cả đời tôi,
có bao giờ tôi cầu nguyện đâu!
Người bạn quả quyết:
-
Anh hãy đọc
bất cứ kinh nào anh nhớ.
Một chút hy vọng bỗng
lóe lên, anh ta nói:
-
Vậy thì tôi
sẽ đọc lời kinh duy nhất mà tôi còn nhớ, đó là lời cầu nguyện cha tôi thường đọc
trước bữa ăn như sau: “Lạy Cha, xin cho chúng con luôn biết tạ ơn Chúa, vì tất
cả những gì chúng con đã nhận được”.
Anh chị em thân mến,
Cầu nguyện là sinh hoạt
căn bản và là nhu cầu cấp thiết của lòng tin. Cầu nguyện còn là biểu hiện của một
lòng tin sống động. Người Kitô hữu nào cũng phải cầu nguyện. Nhưng lời cầu nguyện
của chúng ta chỉ có ý nghĩa thực khi nó diễn tả mối tương quan giữa con người với
Thiên Chúa. Và đó là lời cầu nguyện đẹp nhất mà Thiên Chúa mong đợi nơi những kẻ
tin Ngài.
Chúng ta thường cầu
nguyện như thế nào?
Hôm nay chúng ta hãy
nghe lời cầu nguyện của người Pharisêu và của người thu thuế trong dụ ngôn Chúa
Giêsu đã kể cho chúng ta. Qua lời cầu nguyện của hai người nầy, chúng ta thấy
được phần nào nội tâm của từng người.
Lời nguyện của người
Pharisêu trước hết là một lời tạ ơn, tiếp theo là bản liệt kê những thói hư tật
xấu mà ông không hề phạm, cuối cùng là những việc đạo đức ông quen làm. Đây là
một lời cầu nguyện hết sức thành thực, người Pharisêu chỉ nói lên những điều
ông đã sống. Chẳng những ông đã làm các việc đạo đức do luật buộc như ăn chay mỗi
năm vào dịp lễ Xá tội, nộp một phần mười lợi tức cho đền thờ, mà ông còn tự
nguyện làm những việc đó ở mức độ cao hơn, như ăn chay một tuần hai lần, nộp
cho đền thờ một phần mười lợi tức chẳng những về gia súc, ngũ cốc, rượu và dầu
mà còn cả về rau, đậu và thảo mộc nữa. Chúng ta không thấy ông xin gì cho bản
thân, nhưng chỉ là “tạ ơn”. Điều đáng tiếc là lời tạ ơn của ông đầy nét tự hào,
tự mãn và khinh bỉ tha nhân: “Tạ ơn Chúa
vì con không như bao người khác…”, “con không như tên thu thuế kia”. Chính
vì thế chúng ta có thể nghi ngờ về tâm tình “tạ ơn” của người Pharisêu nầy. Tạ
ơn thực sự bao giờ cũng gắn liền với thái độ khiêm tốn thẳm sâu.
Còn người thu thuế đến
đền thờ để thú tội. Anh ý thức mình là một tội nhân, bị kể ngang hàng với bọn
đĩ điếm (x. Mt 21,31-32). Có lẽ anh đã nghe thấy lời cầu nguyện lớn tiếng của
người Pharisêu “con không như tên thu thuế kia”, nên anh thấy khỏi cần thú tội
mình. Anh chỉ đặt mình trước Thiên Chúa một cách trung thực và khẩn khoản nài
xin: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ
tội lỗi”. Điều anh khao khát là được Thiên Chúa tha thứ và được làm hòa với
anh em, nhưng anh chỉ dám đứng xa vì thấy mình hoàn toàn bất xứng.
Thưa anh chị em,
Qua lời cầu nguyện của
hai người trên đây, chúng ta thấy: Người Pharisêu ra gặp Thiên Chúa và ông cảm
thấy mình có thế giá hơn nhiều người khác. Ông đã sống một đời sống đạo đức,
nhiệm nhặt. Ông ra gặp Chúa với một kho những công trạng to lớn của riêng ông.
Nhưng than ôi, cái kho đó lớn quá đến độ nó ngăn cách ông với Chúa, nó không
cho ông thấy được Ngài nữa mà chỉ còn thấy chính mình. Có nhiều chữ “tôi” trong
lời cầu nguyện của ông. Tôi tôi thế nầy, tôi thế nọ, tôi không như người nầy,
không như người khác… Rốt cuộc ông Pharisêu lại là người quay vào mình, ông ngắm
chính mình, dù chúng ta tưởng ông đã mở ra khi nói: “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa”.
Tạ ơn là quay về với Thiên Chúa, nhìn nhận Ngài là nguồn mạch, là trung tâm, là
sức sống của cả đời mình, của những việc tốt mình làm được. Ông Pharisêu đã
không tạ ơn thực tâm vì ông quay vào mình, coi mình là trung tâm, là tác giả mọi
điều tốt đẹp ông đã làm. Như thế Thiên Chúa là một người thừa, hay cùng lắm chỉ
là một người mà ông đến gặp để kể công và đòi nợ. Thiên Chúa phải trả cho ông
Nước Trời vì ông đã có công. Người Pharisêu không xin Thiên Chúa cũng chẳng thể
cho điều gì, vì ông đã đầy ắp. Vì tự mãn, nên ông mất đi một khả năng quan trọng,
đó là mở ra để đón nhận Thiên Chúa vào đời mình.
Nếu người Pharisêu là một
ông nhà giàu, chẳng có gì phải xin Thiên Chúa, thì ngược lại, anh thu thuế, tuy
là là người có lắm tiền nhiều của, nhưng thực ra anh là người nghèo trước mặt
Thiên Chúa. Anh chẳng có công trạng gì để cậy dựa. Anh ý thức về sự nhơ nhớp của
mình và thấy gần như không thể làm lại cuộc đời. Nếu hoán cải, anh phải bỏ nghề,
và nhất là phải bồi thường toàn bộ những gì anh đã thu quá mức, cộng thêm một
phần năm số tiền trên. Tình cảnh của anh thật là tuyệt vọng. Anh chỉ còn biết cậy
dựa vào lòng thương xót của Thiên Chúa.
Như thế, thật là oái
oăm, chính sự đạo đức của người Pharisêu đã trở thành một chướng ngại khiến ông
ta không gặp được Thiên Chúa, không lãnh nhận được ơn của Ngài. Còn sự tội lỗi
của người thu thuế lại đưa anh đến chỗ mở lòng ra để đón nhận Thiên Chúa, Đấng
yêu thương tha thứ. Chúa Giêsu đã long trọng tuyên bố: “Tôi nói cho các ông biết:người nầy, khi trở về nhà, thì đã được nên
công chính; còn người kia thì không”.
Như thế, thưa anh chị
em, những ai tự cho mình là công chính thì không được Thiên Chúa nhìn nhận, còn
kẻ tội lỗi biết cậy trông, lại được Thiên Chúa làm cho nên công chính. Chúng ta
không thể tự tạo cho mình sự công chính thánh thiện nhờ làm những việc lành
phúc đức. Trở nên công chính là một ơn Chúa ban cách nhưng không, nhờ lòng tin
và lòng mến của ta đối với Chúa Giêsu Kitô. Chắc chắn chúng ta phải làm nhiều
việc lành phúc đức, nhưng đừng tưởng mình có thể mua được Nước Trời bằng những
công phúc của mình. Chúng ta được cứu độ nhờ công trạng của Đức Kitô. Dù sống đạo
đức hay trót mang thân phận tội lỗi, chúng ta phải tránh thái độ khép kín trước
Thiên Chúa và tha nhân. Đừng vì mình đạo đức mà khép kín trong tự kiêu, cũng đừng
vì mình tội lỗi mà khép kín trong tự mãn, cũng đừng bì mình tội mà khép kín
trong tuyệt vọng. Ơn Chúa chỉ đến với người biết mở ra để đón nhận.
Anh chị em thân mến,
Hình ảnh của hai nhân vật
trong dụ ngôn hôm nay đã giúp chúng ta khám phá lại hai sự thật căn bản: sự thật
về Thiên Chúa tình thương và sự thật về con người tội lỗi. Vì thế lời cầu nguyện
của người thu thuế về con người tội lỗi. Vì thế lời cầu nguyện của người thu
thuế lại chính là mẫu mực cho đời sống đức tin của chúng ta: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.
Nếu dụ ngôn giúp chúng ta khám phá hai sự thật căn bản đó thì để kết thúc,
không có gì tốt hơn là lặp lại thật sâu và thật trọn vẹn lời cầu nguyện của
Thánh Âutinh: “Lạy Chúa, xin cho con biết
Chúa và xin cho con biết con”.