Hc. 35, 12-14. 16-18; 2 Tm. 4, 6-8. 16-18; Lc. 18. 9-14
BÀI ĐỌC I: Hc. 35, 12-14. 16-18
12 Đức Chúa là Đấng xét
xử, Người chẳng thiên vị ai. 13 Người không vị nể mà làm hại kẻ
nghèo hèn, nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức. 14 Người
không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than van của người
goá bụa. 16 Kẻ phục vụ Đức Chúa theo ý Người sẽ được Người chấp nhận,
lời họ kêu xin sẽ vọng tới các tầng mây. 17 Lời nguyện của người
nghèo vượt ngàn mây thẳm. Lời nguyện chưa tới đích, họ chưa an lòng. 18
Họ sẽ không rời đi bao lâu Đấng Tối Cao chưa đoái nhìn, chưa xét xử cho người
chính trực và thi hành công lý.
ĐÁP CA: Tv 33
Đ. Kẻ
nghèo hèn kêu xin, và Chúa đã nhận lời. (c. 7a)
2 Tôi sẽ không
ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi. 3 Linh
hồn tôi hãnh diện vì Chúa, xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.
17 Chúa đối đầu
với quân gian ác, xoá nhoà tên tuổi chúng trên đời, 16 nhưng để mắt
nhìn người chính trực và lắng tai nghe tiếng họ kêu. 18 Họ kêu xin, và
Chúa đã nhận lời, giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn.
19 Chúa gần gũi
những tấm lòng tan vỡ, cứu những tâm thần thất vọng ê chề. 23 Chúa
cứu mạng các người tôi tớ, ai ẩn thân bên Chúa không bị phạt bao giờ.
BÀI ĐỌC II:
2Tm. 4, 6-8. 16-18
6 Anh em thân mến, tôi
sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. 7 Tôi đã
đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. 8
Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị
Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải
chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.
16 Khi tôi đứng
ra tự biện hộ lần thứ nhất, thì chẳng có ai bênh vực tôi. Mọi người đã bỏ mặc
tôi. Xin Chúa đừng chấp họ. 17 Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã
ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả
các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. 18 Và tôi đã thoát khỏi nanh
vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa
tôi vào vương quốc của Người ở trên trời. Chúc tụng Người vinh hiển đến muôn
thuở muôn đời. A-men.
TUNG HÔ TIN MỪNG: 2Cr 5, 19
Hall-Hall:
Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người, và giao
cho chúng tôi công bố lời hòa giải. Hall.
TIN MỪNG: Lc. 18, 9-14
9
Khi ấy, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công
chính mà khinh chê người khác:10 "Có hai người lên đền thờ cầu
nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. 11
Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin
tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc
như tên thu thuế kia. 12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho
Chúa một phần mười thu nhập của con. 13 Còn người thu thuế thì đứng
đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa
rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. 14 Tôi
nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công
chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn
ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên. "
ƠN CỨU ĐỘ NHỜ CHÚA THƯƠNG XÓT!
Tuần trước chủ đề Cầu
Nguyện nhấn mạnh đến kiên trì sống công chính trong xã hội đầy gian ác. Nghĩa
là để được ơn cứu độ, người ta phải đương đầu với cách sống bất lương, đấu
tranh cho công lý trong môi trường xã hội họ sống.
Nhưng
như thế chưa đủ, nên tuần này Phụng Vụ lại phải dẫn ta đến Nhà Thờ để xem “ai
hạ mình xuống sẽ được nhắc lên; còn kẻ nào nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống” (x.
Lc. 18, 14: Tin Mừng). Vì ơn cứu độ không
chỉ hệ tại do công đức của mỗi người, mà quan trọng nhất là do lòng thương
xót Chúa đổ xuống trên những tấm lòng khiêm nhường, và Chúa chống lại kẻ kiêu căng (tuần này).
Vậy thế
nào là kiêu căng? Thế nào là khiêm nhường? Căn cứ vào dụ ngôn Đức Giêsu kể
trong Tin Mừng hôm nay: Kiêu căng là kẻ tự mãn cậy dựa vào sức mình
giữ Lề Luật mà khinh bỉ người khác; còn khiêm nhường là người chỉ thấy mình là
kẻ tội lỗi, bất lực, chỉ biết trông cậy vào lòng Chúa xót thương.
Ông
Biệt phái và người thu thuế trong Tin Mừng hôm nay minh hoạ rõ nét khuôn mặt kẻ
kiêu căng, và chân tướng người khiêm nhường:
A. CHÚA CHỐNG LẠI KẺ KIÊU NGẠO.
Hai thái độ kiêu ngạo của ông Biệt phái:
1. Sống cậy dựa vào việc giữ Lề Luật, như lời ông nói:
a- “Mỗi tuần tôi ăn chay hai lần” (Lc. 18, 12a: Tin Mừng): Trước lưu đầy Babylon, Luật chỉ buộc người
Do Thái mỗi năm ăn chay một lần vào dịp lễ Xá Tội (x. Lv. 16, 29). Sau lưu đày,
thêm một lần nữa để nhớ cảnh tàn phá Giêrusalem. Nhưng những người Biệt phái tỏ
ra đạo đức, mỗi tuần ăn chay thêm hai lần vào ngày thứ hai và thứ năm, để đền
bù những thiếu sót của dân đối với Lề Luật.
b- “Tôi nộp thuế thập phân về hết mọi vật tôi
mua” (Lc. 18, 12b: Tin Mừng): Luật này đầu tiên chỉ nhắm đến
những nguời sản xuất, dù lợi tức nhỏ như thì là, rau húng, bạc hà (x. Mt. 23, 23).
Thuế này cũng nhắm trên cả lợi tức do súc vật mang lại (x. Lv. 27, 31). Ông
Biệt phái này còn nộp thuế thập phân trên hết mọi vật ông mua sắm được, tức là
ông quảng đại làm hơn điều Luật dạy.
Nhưng Luật đâu có sức cứu độ con người, giá trị của Luật bất quá
chỉ cho ta nhận ra tội (x. Rm 3, 20), và nó còn giam giữ con người trong tội
lỗi (x. Gl 3, 22). Tại sao thế? Bởi vì Luật luôn luôn nhắm dạy ta hai điều:
* Tiêu cực: Luật chỉ cho ta biết điều xấu phải tránh.
* Tích cực: Luật dạy ta biết điều tốt phải làm.
Ai vi phạm điều Luật cấm
dĩ nhiên là có tội. Nhưng ai biết điều tốt mà không làm thì cũng có tội (x. Gc.
4, 17). Trong thực tế, không ai có thể thi hành trọn vẹn điều tốt Luật dạy làm;
cũng như không ai có thể tránh hết điều xấu Luật cho biết. Chính thánh Phaolô
cũng đã thú tội với tín hữu: “Tôi
biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn
sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi
không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm. 7, 18-19); Vì thế ông đã rên lên: “Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi
khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: "Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức
mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. " Thế nên tôi rất
vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi
trong tôi. ” (2 Cr. 12, 7-10).
Thế mới hiểu lý do thánh
Phaolô nhắc lại lời Thánh vịnh (14, 1-3): “Không ai công chính, không một ai
… hết thảy đều lầm lạc hư đốn cả lũ! Ta biết rằng mọi điều Lề Luật nói là nói
cho kẻ ở trong Lề Luật, hầu mọi miệng lưỡi phải khóa lại, và tất cả thế gian
phải tự nhận mình mắc án của Thiên Chúa, bởi chưng do tự việc làm của Lề Luật, không
xác phàm nào sẽ được giải án tuyên công trước mặt Chúa” (Rm. 3, 10-20).
2. Khinh bỉ và kết án người khác:
Biệt phái đến nhà Chúa
cầu nguyện mà không nhìn lên Chúa để xin Chúa giúp mình cố gắng hơn, hầu điều
chỉnh cuộc đời nên hoàn thiện như Cha trên trời, mà Đức Giêsu đã đặt ra chỉ
tiêu ấy (x. Mt. 5, 48). Bởi vì ông Biệt phái mới chỉ dâng Chúa 1/10 của cải có
được, thua xa Chúa cho loài người cả vũ trụ, cả Con Một Ngài (x. Rm. 8, 32). Đúng
là nhìn lên thì không bằng ai, nhưng khi nhìn xuống ông không thấy ai bằng mình!
Do đó cách giữ Luật của ông Biệt phái là để vênh váo với đời, đạp vào mặt người
khác, như ông nói: “Tôi không phải như những người khác: gian tham, bất
lương, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia!” (Lc. 18, 11: Tin Mừng).
Đành rằng ông Biệt phái kết
án người thu thuế là kẻ gian tham, bất lương, ngoại tình, cũng không sai. Vì
-
Gian tham: Người thu thuế lợi dụng trong chức vụ của
mình để thu nhiều hơn số nhà nước đã quy định. Dĩ nhiên là chỉ nộp đủ chỉ tiêu
cho chính quyền, còn số dư tất yếu là thủ riêng.
-
Bất lương: Vì thu thuế của dân tộc mình mà nộp cho đế
quốc Roma đang thống trị, đó là hành động “rước
voi về giày mồ”.
-
Ngoại tình: Người Do Thái chỉ nương tựa vào danh Chúa, chứ
không cậy vào chiến xa pháo mã như dân ngoại (x. Tv 20/19/, 8). Còn người thu thuế
thì dựa vào thế lực ngoại bang để làm giàu, trái với niềm tin của dân tộc chỉ
cậy vào Danh Thiên Chúa. Giới thu thuế là những kẻ bất trung với Thiên Chúa, nên
họ bị liệt vào loại “đĩ thánh”.
Ông Biệt phái tự mãn vào việc giữ Lề Luật, nên ông đã lên án người thu
thuế là “gian tham, bất lương, ngoại tình”; còn “Thiên Chúa là Thần chí công,
Người không tây vị, Người không nể mặt giàu để hại nghèo” (Hc 35, 12-13:
Bài đọc I). Do đó, Đức Giêsu lên tiếng xử công minh: “Tôi nói cho các ông biết: người này (thu
thuế), khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia
(Biệt phái) thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình
xuống sẽ được tôn lên. " (Lc. 18, 14: Tin Mừng).
B. CHÚA
THƯƠNG XÓT KẺ KHIÊM NHƯỜNG.
Người
thu thuế đến Nhà Thờ nhìn lên, chẳng những anh thua xa Thiên Chúa, mà anh còn
thua cả người Biệt phái đứng trước mặt anh, nên anh quá xấu hổ: “Không dám
ngước mắt lên trời, anh đấm ngực mà thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thuơng xót
tôi là đứa tội lỗi!” (Lc. 18, 13: Tin Mừng).
Thực
ra, người ta có gì tốt mà không do lãnh nhận từ Trên ban cho (x. Ga 3, 27). Cho
dù cả việc thi hành Lề Luật như ông Biệt phái trong dụ ngôn này. Thế thì có gì
mà phải lên mặt vênh váo (x. 1 Cr 4, 7), có gì đáng kể mà dâng cho Chúa, ngọai trừ
ý thức mình chỉ là tội nhân, nên cầu khẩn lòng Chúa xót thương, bởi vì “Chúa
nghe lời người oan khổ kêu xin, nỗi hồn đắng cay là của lễ được Chúa chấp nhận”
(Hc 35, 14-16: Bài đọc I). Với niềm tin ấy người tội lỗi dám kêu lên với Chúa: “Lạy
Chúa con thờ, là Thiên Chúa cứu độ, xin tha chết cho con, con sẽ tung hô Ngài
công chính. Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài
cũng không chấp nhận.
Lạy
Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò,
Chúa không khinh chê!” (Tv 51/50, 16. 18-19).
Để xác quyết cụ thể và nhấn mạnh ơn
cứu độ Chúa ban cho ta trước nhất và quan trọng nhất là do lòng Chúa thương xót, thì chỉ có
ông Luca đã cho ta thấy anh trộm có lòng sám hối kêu cầu Chúa xót thương, được Ngài
cho vào Thiên Đàng đầu tiên: “Hôm nay, Ta cho ngươi ở trên Thiên Đàng làm
một với Ta” (Lc 23, 43). Tuy nhiên Giáo Lý qua các Bài đọc trong Thánh Lễ hôm
nay, không chủ ý kết án mọi người Biệt phái, cũng chẳng có ý tâng bốc hết mọi
kẻ thu thuế. Nhưng muốn cho chúng ta bắt chước đời sống của Biệt phái Phaolô:
Trước kia ông rất tự mãn về cách sống Đạo của mình, cuồng nhiệt giữ Luật đến
nỗi ông giết kẻ nào sống Đạo không giống ông (x. Cv. 9). Ông tệ hơn người Biệt
phái đến Nhà Thờ trong Tin Mừng hôm nay. Nhưng từ ngày ông được Chúa Giêsu chộp
lấy (x. Pl 3, 12), sai ông đi giảng Tin Mừng cho muôn dân (x. Gl 1, 15-16). Thì
ông cảm nghiệm Chúa thương ông cách đặc biệt, Ngài bỏ trời đến cứu ông là người
thứ nhất trong các kẻ tội lỗi (x. 1Tm 1, 15), nên ông vênh vang trong Chúa (x. 1Cr
1, 31) khoe với Giám mục Timôthêu, học trò của mình rằng: “Tôi đã chiến đấu
trong cuộc chiến chính nghĩa, tôi đã chạy đến cùng đường, nhưng chỉ có Chúa, Đấng
phán xét chí công xử cho tôi. Chính Ngài dành triều thiên cho tôi (chứ không
phải Lề Luật tôi giữ được), cả lúc tôi bị điệu ra tòa chiến đấu một mình, vì
mọi người đã bỏ mặc tôi, nhưng công phúc đó tôi xin đừng ai kể đến, và chính
lúc ấy tôi có vững được Đức Tin là vì có Chúa phù hộ tôi, và ban sức mạnh cho
tôi, Ngài cứu thoát tôi khỏi miệng sư tử, Chúa cho tôi thoát khỏi hành vi ám
muội, và chỉ có Ngài cứu tôi vào Nước Trời” (2Tm. 4, 6-18: Bài đọc II).
Vì
sám hối là hành động Chúa ưa thích nhất nơi con người tội lỗi, nên mỗi khi đến Nhà
Thờ dâng Lễ cầu nguyện, ngay phút đầu ta đã phải thành khẩn thú tội với Chúa và
cùng anh chị em. Nếu ta đếm từ đầu đến cuối Lễ, thì có 14 lần nhắc đến sự bất
xứng của mọi người trong cộng đoàn cũng như của chính Chủ tế, để ta được Chuá thương
xót biến tội ra ơn, như lời thánh Phaolô nói: “Ở đâu tội lỗi đã làn tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan biết mấy!”
(Rm 5, 20). Ơn Chúa cần ban cho là ta biết yêu thương chịu đựng cả tật xấu của
đồng loại, ngõ hầu ta đi lùa những kẻ kiêu ngạo, tự mãn về cho Chúa Giêsu, để
Ngài chộp lấy, như đã chộp Biệt phái Phaolô.
Để minh chứng ở đâu tội lỗi nhiều thì ân sủng
chan chứa: chính những kẻ tội lỗi khi đã thuộc về Chúa thì họ làm vinh hiển
Chúa hơn. Đan cử
C Ông Phêrô được làm Giáo hoàng tiên khởi, chỉ vì ông là người duy
nhất trong số 12 môn đệ tự xưng thú tội mình trước mặt Đức Giêsu: “Thưa Thầy xin tránh xa con, vì con là kẻ có tội” (Lc 5, 8). Thực
vậy, trước khi Đức Giêsu trao quyền lãnh đạo Hội Thánh cho ông, Ngài hỏi ông ba
lần có yêu Thầy không? Thì ông đã nhận ra rằng mình phải lấy tình yêu mà chuộc
lại ba lần ông đã chối Thầy, qua giọng nói trầm buồn: “Thầy thông hay mọi sự (Thầy đã biết con yếu đuối chối Thầy ba lần), Thầy
biết con yêu mến Thầy” (Ga 21, 15t).
C Ông Phaolô được danh: Thánh Tông Đồ dân ngoại, vì ông là một
trong số 13 môn đệ Đức Giêsu, tiền thân ông là kẻ vũ phu, bách hại Hội Thánh
Chúa (x. Cv 9). Khi ông trở lại với Chúa, ông vẫn còn khiêm tốn thú nhận sự yếu
hèn của mình trước các tín hữu (x. Rm 7, 18-19; 2 Cr 12, 7-9).
C Bà Maria Madalena người đem Tin Mừng Phục Sinh đầu tiên cho nhân
loại.
Bà là kẻ tội lỗi khét tiếng, vì bị bảy quỷ nhập vào. Nhưng sau khi được Đức
Giêsu trừ quỷ cho, suốt đời còn lại bà đã dâng của cải của cho Đức Giêsu và các
môn đệ trong việc truyền giáo (x. Lc 8, 2), bà là người đầu tiên thấy Chúa Giêsu
Phục Sinh, và bà cũng là người đầu tiên được Chúa Giêsu sai đi loan Tin Mừng
Chúa Phục Sinh cho các môn đệ (x. Ga 20, 17-18).
Thực vậy, việc sám hối không những bảo đảm
được Chúa thương cứu độ, mà khi khiêm tốn sám hối thú nhận tội mình, thì đã được
lời ngay từ đời này:
- Vợ Tổng thống
Mỹ Bill Clinton, năm 1994 cho xuất bản cuốn hồi ký của bà: bao nhiêu sóng gió
chồng bà gây ra, bởi ông đã dan díu với nhiều phụ nữ khi còn tại chức. Cuốn
sách ấy bà thu về được 8. 000. 000 USD.
- Thấy vợ Tổng
thống Mỹ kiếm lời dễ quá, cô Monica Luinki, người tình gây tai tiếng với ông Bill
Clinton, cũng cho xuất bản cuốn hồi ký của cô và thu được 6. 000. 000 Mỹ Kim.
- Năm 2001, ông
Bill Clinton sau khi chấm dứt nhiệm kỳ làm Tổng thống, cũng cho ra đời cuốn hồi
ký của ông trong suốt hai nhiệm kỳ làm Tổng thống gây nhiều xì-căng-đan. Nhờ
cuốn sách ấy đã thu về cho ông 12. 000. 000 USD!
(Trích từ đài Chân Lý Á Châu ngày 08/08/2001)
Nếu ba người trên đây chân thành sám hối như ông Phêrô và Phaolô, thì chắc
chắn Chúa ban ơn hơn lòng mong ước (x. Ep 3, 20), vì “Chúa là Đấng giàu lòng thương xót” (Ep 2, 4a).
THUỘC LÒNG.
Lạy
Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò,
Chúa không khinh chê! (Tv 50, 19).
Lm Giuse Đinh Quang Thịnh