Lời Chúa cntn 29c _ phương thế tuyệt hảo cho phần rỗi

PHƯƠNG THẾ TUYỆT HẢO CHO PHẦN RỖI
• Cầu nguyện là gì?
• Tại sao ta phải cầu nguyện?
• Tại sao ta phải kiên nhẫn cầu nguyện?
• Tại sao Chúa phán:"Xin thì sẽ được" mà nhiều lần ta xin vẫn không thấy được
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Tin Mừng Thánh Luca thường hay nhắc tới việc Chúa cầu nguyện cũng như việc Chúa dạy ta phải kiên nhẫn cầu nguyện
Một vị quan toà, gặp một bà goá cứ kiên nhẫn đến xin ông xử, tuy là vị quan toà độc ác, nhưng vì sự kiên nhẫn của bà ta, mà vị quan toà này phải xử cho xong, để bà ta khỏi quấy rầy.
Chẳng những Chúa dậy ta kiên nhẫn cầu nguyện, mà rồi trong đời sống trần gian, đã có lần, lúc đầu coi như Chúa đã đối xử khiếm nhã với thiếu phụ Syrophenicienne đến xin Chúa chữa con mình.
Ta nói coi như Chúa đối xử khiếm nhã với bà này, là vì Chúa chỉ nói hơi nặng lời để thử lòng tin và nhất là để xem bà có kiên nhẫn trong việc cầu xin không. Rồi kết cục Chúa cũng đã cho người con gái bà được khỏi bệnh, vì chẳng những lòng tin bà mạnh mẽ, là nhất là đo lòng kiên nhẫn của bà (x. Mt. 14, 22-26). Để có dịp hiểu rõ việc cầu nguyện, hôm nay chúng ta đặt ra mấy vấn đề sau:
• Cầu nguyện là gì?
• Tại sao ta phải cầu nguyện?
• Tại sao ta phải kiên nhẫn cầu nguyện?
• Tại sao Chúa phán:"Xin thì sẽ được" mà nhiều lần ta xin vẫn không thấy được
Cầu nguyện là gì?
Mỗi lần ta nhắc lòng trí ta lên với Chúa là cầu nguyện, khi làm bất cứ công việc gì, ta dâng cho Chúa, cũng là cầu nguyện. Tuy nhiên cầu nguyện đúng nghĩa có 4 hình thức sau: Ngợi khen, cảm tạ, thống hối và xin ơn.
Tại sao phải cầu nguyện?
Có người chủ trương cầu nguyện là hạ phẩm giá con người. Họ bảo: ta có lý trí, có ý chí, chúng ta phải tự giải quyết lấy công việc, chứ cần gì phải tự hạ mình xin xỏ sự giúp đỡ đâu đâu!
Quan niệm thế là quá sai lạc, trong cuộc sống chúng ta, chúng ta cần biết bao yếu tố bên ngoài ta: ta phải thở khí trời, phải ăn, phải uống v.v. nhờ khí trời, nhờ cơm nhờ nước không phải là hạ giá con người, mà là những điều kiện cần thiết cho cuộc sống. Nếu thân xác cần khí trời, cần cơm, nước... thì tâm hồn ta cũng cần sức mạnh nâng đỡ cho cuộc sống, sức mạnh này chính là sự trợ giúp của Chúa. Mỗi lần ta cầu xin, là ta tiếp xúc với một quyền năng vô hình, đó là ta được hân hạnh tiếp xúc với Chúa, với Đấng phép tắc vô cùng. Cầu nguyện không phải là hạ giá con người, mà chính là nâng cao phẩm giá con người. Cũng vì thế, mà ở đâu, cũng như bất cứ thời đại nào, ta cũng thấy con người cầu nguyện.
Tại sao ta phải kiên nhẫn cầu xin?
Chúng ta phải xác tín là: Khi cầu xin Chúa, chúng ta sẽ được Chúa giúp đỡ ta, mà mỗi lần cầu xin ta còn được công phúc trước mặt Chúa, vì cầu xin Chúa, tức là ta nhận biết quyền năng Chúa, là tỏ lòng tin tưởng, cậy trông vào Chúa, là biết sống liên kết với Chúa... Do đó, Chúa muốn ta kiên nhẫn cầu xin,để ta có dịp lập công phúc, và nhất là để ta có dịp biểu lộ lòng trông cậy, phó thác, tin tưởng nơi Chúa...
Tại sao Chúa phán:"Xin thì sẽ được" mà nhiều lần ta xin vẫn không thấy?
Tuy Chúa phán:"Các con hãy tin thì sẽ được" nhưng đôi khi ta cũng cần phải nghĩ tới trật tự, sự an bài của Chúa trong cả vũ trụ bao la. Một người gieo mạ bên một con lộ, trên lộ đó một người đang phơi thóc hoặc phơi khoai mì. Mạ thiếu nước, người gieo mạ cầu xin Chúa cho mưa xuống, còn người phơi thóc, phơi khoai mì cầu xin Chúa trời nắng. Muốn có mưa dưới ruộng, đồng thời lại có nắng trên lộ: là bắt Chúa phải thực hiện phép lạ; giữa lộ trời nắng chang chang, còn hai bên lộ trời lại mưa xối xả, và nếu luôn luôn Chúa phải cho ta kết quả như trên, tức là chúng ta bắt Chúa luôn luôn phải thực hiện phép lạ, luôn luôn phải xáo trộn trật tự của thiên nhiên. Vậy rất nhiều lần, cầu xin, mà ta không thấy kết quả nhãn tiền, thì ta phải xác tín là, việc cầu xin đó không bao giờ trở thành vô ích, tuy trời không nắng hay không mưa, nhưng rồi Chúa vẫn âm thầm ban một ơn nào đó cho ta chẳng những tương đương với ơn ta xin mà còn vượt cả điều mong ước của ta nữa.
Mặt khác, chính Chúa cũng đã phán: "có cha mẹ nào, khi con xin trứng mà lại cho nó bò cạp ư?" Ngược lại, nếu đứa con dại đột không từng biết sự đau khổ khi bị bọ cạp chích, lại xin cha mẹ cho con bọ cạp để chơi, thì có cha mẹ nào nhẫn tâm chiều ý con, cho con điều nó xin để gây thiệt hại và đau khổ cho con. Biết bao điều ta xin, có thể là những điều chẳng giúp ích cho ta, mà còn gây thiệt hại cho phần rỗi của ta, do đó thay vì cho ta ơn ta xin. Chúa lại cho ta một ơn khác có lợi cho phần rỗi ta hơn.
Không biết câu chuyện sau đây, tuy được ghi chép trong nhiều sách vở, có thực hay không, nhưng ít ra nó cũng cho ta bài học: phần rỗi quan trọng hơn hết.
Một người mù nọ, cầu xin bất cứ điều gì, cũng có thói quen kết thúc lời cầu bằng một câu: "Nếu điều đó có ích cho phần rỗi của con."
Một ngày nọ ông được dẫn tới mộ thánh Thomas thành Cantobery, nơi đây đã nhiều người được ơn lạ, sau khi cầu nguyện cùng thánh nhân.
Ông sốt sắng cầu xin cho mình được sáng đôi mắt, đôi mắt ông tự nhiên được sáng lại, ông nhìn rõ mọi vật, và rồi vì quá vui mừng, ông chỉ cảm ơn Thánh nhân đã làm phép lạ cứu giúp ông, mà không kết thúc lời câu như thường lệ. Qua những giây phút vui mừng, sung xướng, ông chợt nhớ mình đã bỏ qua thói quen thông thường, chưa đọc câu: "Nếu điều đó giúp ích cho phần rỗi của con."
Ông liền trở lại trước phần mộ của Thánh Thomas, đọc tiếp câu: "Nếu phần đó giúp ích cho phần rỗi của con."
Lạ thay! Vừa đọc xong câu đó, thì ông lại bị mù như trước. Tuy nhiêu ông càng vui sướng, vì thấy phần rỗi của ông được đảm bảo
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
  • Đề tựa của Lm. HK