Mark Link _ Lời Chúa thứ năm tuần 24 thường niên

THỨ NĂM – TUẦN 24
Bài đọc 1 Năm lẻ
Anh hãy nên gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch (1Tm 4, 12)
Ngay trước khi chết vì căn bệnh ung thư, bác sĩ Lioyd Judd đã thực hiện những cuốn băng để lại cho các con mà sau này chúng hiểu được. Một cuốn băng đó như sau: “Khi đang mệt lử, các con có sẵn sàng ra khỏi nệm ấm, xông vào đêm tối giá lạnh và lái xe suốt 20 dặm để thăm bệnh nhân, dù biết rằng họ không có tiền để trả và rằng họ chờ đến sáng để được chữa trị không? Nếu các con có thể trả lời có, tức là các con có thể theo học Y khoa được.” Thánh Phaolô cũng đưa ra một thách thức tương tự đối với Timôthêô, người con thiêng liêng của Ngài: “Hãy nên gương mẫu về đức tin và đức ái đối với những người con gặp gỡ.”
Tôi là gương mẫu về đức tin và đức ái đối với những người tôi gặp như thế nào?
Tất cả những việc ta làm điều ít nhiều ảnh hưởng đến người khác.

Bài đọc 1 Năm chẵn
Tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta… và ngày thứ ba đã chỗi dậy (1Cr 15, 3. 4)
Bộ phim truyền hình nhiều tập có tựa đề “Cội rễ” ghi nhận nghiên cứu của Alex Haley về bảy thế hệ trong cây gia phả của một gia đình Châu Phi. Bộ phim thúc đẩy hàng ngàn người nghiên cứu về tổ tiên của họ. Haley nói: “Một trong những điều có uy thế nhất trên thế giới này, đó là ý thức về truyền thống gia đình.” Trong bài đọc hôm đó, thánh Phaolô đề cập tới cội rễ của niềm tin Kitô giáo: “Tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận đó là Chúa Kitô đã chết… và đã chỗi dậy.” Căn tính và lịch sử niềm tin Kitô giáo đã bắt nguồn từ biến cố này.
Tôi có thể truy nguyên truyền thống gia đình tôi không? Niềm tin của tôi có giữ một vai trò quan trọng trong việc hình thành căn tính của tôi không?
Gia đình là tiền thân của Giáo hội, hay đúng hơn, gia đình là hình thức đầu tiên của Giáo hội. (Đức Giáo Hoàng Lêo XIII)

Bài Tin Mừng
[Chúa Giêsu nói với Simon Biệt Phái về một người tha cho hai con nợ: một người mắc nợ nhiều, một người mắc nợ ít. Rồi Ngài hỏi Simon:] “Trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?”Simon đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.” Chúa Giêsu bảo: “Ông xét đúng lắm” (Lc 7, 42-43).
Một thành viên của nhóm nghiện rượu nói: “Ước gì mọi người có thể trở thành kẻ nghiện rượu một thời gian ngắn. Nếu họ có thể làm như vậy, chúng ta sẽ có một thế giới khác. Khi bị dồn đến đường cùng, người ta sẽ thay đổi: Nếu họ càng tỏ ra tự phụ, họ càng trở nên khiêm tốn hơn; và nếu họ càng hay xét đoán, thì họ sẽ càng dễ tha thứ hơn, bởi vì họ nhận ra từ kinh nghiệm đau thương sự thất bại xảy ra dễ dàng như thế nào!”
Những lời trên đây khiến tôi tự hỏi: Tôi thường có khuynh hướng tỏ ra tự phụ hoặc xét đoán như thế nào và về những việc gì?
Dù lớn lao hay nhỏ bé đến đâu, ai cũng phải khiêm nhường.