TỘI THỜ Ơ
TRƯỚC NỖI KHỔ CỦA THA NHÂN
Giàu có hay nghèo khó không phải là
lý do để Thiên Chúa lên án hay chúc phúc mà tùy vào cách cư xử giữa chúng
ta với nhau, nhất là với những người kém may mắn chúng ta thường gặp
trong cuộc sống.
Đọc lướt nhanh hoặc thoáng nghe
đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta dễ đi đến kết luận: Ở thế giới bên
kia, người giàu có sẽ bị lên án và người nghèo sẽ được trọng
thưởng. Điều làm nổi bật nhận định này là lời của tổ phụ Abraham
nói với ông phú hộ đang quằn quại trong lửa và ngỏ lời xin một chút
nước: “Hỡi con, suốt đời con được
toàn sự lành, còn Lazarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Lazarô
được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ.” Nếu giàu có
là một thứ tội, sao Chúa lại ban của cải cho loài người hưởng dùng?
Sự giàu có tự bản chất không
xấu và càng không phải là một thứ tội, ngược lại, đây còn là dấu
chỉ ân huệ Thiên Chúa ban và là thành quả lao công của con người.
Trong thánh lễ, khi dâng bánh và rượu, linh mục thay lời cho cộng đoàn
dân Chúa thưa lên: “Chúc tụng Chúa
đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất và lao công
của con người.” và “Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con rượu
này là sản phẩm từ cây nho và lao công của con người.” Là ân huệ
của Chúa nên một đàng chúng ta phải dâng lời chúc tụng tạ ơn Đấng
đã thương ban, đàng khác mỗi người phải biết trao tặng lại cho tha
nhân như Đức Giêsu căn dặn các tông đồ: “Anh
em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.”
Ông phú hộ trong bài Tin Mừng và
những người giàu ở Sion thời Ngôn Sứ Amos bị lên án không phải vì họ
ăn sung mặc sướng, nhưng vì họ đã không biết quan tâm đến những người
nghèo khó. Nói cách khác, tội của họ là thờ ơ và vô cảm trước nỗi
khốn khổ của tha nhân.
Đức Hồng Y
Thimôthy M. Dolan, trong cuốn sách có tựa đề: “Bỏ Thầy chúng con biết
theo ai”, đã kể câu chuyện về người lính Mỹ gốc Ý trong thời chiến
tranh thế giới thứ hai. Anh lính này cùng hai người bạn đã nhảy dù
vào vùng quân Đức chiếm đóng để làm nhiệm vụ theo lệnh của cấp
trên. Hai người bạn của anh bị trọng thương vì trúng đạn của đối
phương, anh may mắn lành lặn và đang tìm cách chạy thoát khỏi vùng
bị bao vây; khi đó, anh nghe tiếng van xin khẩn thiết của đồng đội:
“Xin anh cứu chúng tôi!”. Nhưng anh đã chạy thoát một mình, để lại hai
người bạn đang cần được cứu giúp. Sự kiện này như vết thương luôn rỉ
máu trong lòng anh. Mỗi lần nhớ lại, anh luôn thấy mình là kẻ độc
ác, ích kỷ, hèn nhát và ti tiện.
Người lính này không làm gì xấu
để thiệt hại cho hai người bạn, nhưng anh vẫn cảm thấy mình là tên
tội phạm vì đã không cứu giúp đồng đội đang gặp nguy khốn.
Trong kinh cáo mình (kinh thú
nhận) chúng ta cùng nhau thú nhận một cách công khai những tội phạm
đến Chúa và tha nhân, những tội đó là những lỗi phạm trong tư tưởng,
lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Những lỗi được gọi
chung là thiếu sót, là những điều đáng lý phải làm mà chúng ta lại
cố tình bỏ qua hoặc làm ngơ, như người phú hộ giàu sang ăn uống dư
thừa, nhưng không hề quan tâm đến anh Lazarô nghèo khó hằng ngày ngồi
trước cổng nhà, đang mong được ăn những mảnh bánh vụn rơi xuống từ
bàn ăn của ông.
Trong xã hội hôm nay, nhiều người
cũng đang cố tình nhắm mắt bịt tai trước nỗi khổ của tha nhân. Họ
như chọn cách sống theo “chủ thuyết
mác kê nô” (mặc kệ nó) hay nói gần gũi hơn: “đèn nhà nào nhà ấy sáng”, thế nên:
Gặp người nghèo túng, mặc kệ họ, lo cho những người ấy là
việc của chính quyền và những người làm công tác xã hội.
Gặp người bị tại nạn dọc đường, mặc kệ họ, đó là chuyện
của công an giao thông.
Gặp người bị cướp trấn lột, mặc kệ họ, cướp chưa ngó đến
mình là may rồi.
Thấy hai người hoặc hai gia đình xô xát, mặc kệ họ, không dại
gì dây mình vào để mang vạ.
Người hàng xóm đau yếu nằm liệt 5 năm nay, đến thăm họ một lần
đã là sống Tin Mừng rồi đấy!
Chuyện của giáo xứ, ồ! Có cha xứ và ban hành giáo lo, việc
gì đến mình!
Trong gia đình, vợ với chồng, cha mẹ với con cái rất ít quan
tâm đến nhau, ai cũng nghĩ, việc của mình còn bề bộn chưa xong mà!
Cứ như thế, có thể liệt kê ra
hàng trăm, thậm chí hàng vạn những việc tốt mà mỗi người có thể
làm, để mang lại lợi ích cho tha nhân, nhưng chúng ta đã bỏ qua chỉ
vì thái độ vô tâm và ích kỷ.
Những tiếng rên siết của người
khổ đau, tiếng nói của lương tâm, của lời Chúa luôn vang lên bên tai và
thúc đẩy chúng ta làm điều gì đó để chia sẻ, an ủi và nâng đỡ
những người bất hạnh. Nhưng nếu chúng ta làm ngơ trước nỗi thống khổ
của tha nhân, cố tình bịt tai trước tiếng nói của lương tâm và lời
Chúa thì đúng là trái tim chúng ta đã xơ cứng.
Giàu có hay nghèo khó không phải là
lý do để Thiên Chúa lên án hay chúc phúc mà tùy vào cách cư xử giữa chúng
ta với nhau, nhất là với những người kém may mắn chúng ta thường gặp
trong cuộc sống.
Những kẻ thờ ơ hoặc từ chối
việc cần làm để giúp đỡ những người khốn khổ, sẽ khó tránh khỏi
sự kết án. Ngược lại, khi biết quan tâm và thương giúp những người
bất hạnh, chắc chắn chúng ta sẽ được hưởng tình thương vô biên của
Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã nói: “Phúc
thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.”
Lm.
Mt