Đặt Mình Thánh (mời quì)
(Hát một bài tôn thờ Thánh Thể)
Lời dẫn:
Hy vọng là hoa trái đầu mùa của niềm tin. Sống niềm tin là sống trong hy vọng. Vững tin vào Chúa, các thánh tử đạo, các nhà
truyền giáo, và biết bao tình nguyện viên sống đời chứng nhân luôn chứa chan hy
vọng ngay cả trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất, và hoàn tất những điều bị coi là
không thể. Dù không có “chỗ tựa đầu”, họ lại có thể gieo niềm tin và sức
sống mạnh mẽ cho bao tâm hồn, và trở nên chỗ dựa cho nhiều kẻ đơn côi, khốn
cực.
Luôn tràn trề hy vọng giữa bao nguy khốn cũng là
cảm nghiệm của thánh Phaolô: “Chúng tôi bị dồn
ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược
đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt.” (2Cr
4,8-9)
Ngược với hy vọng là thất vọng - tên gọi khác của
Hỏa ngục.
Lời Chúa: (mời đứng)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca, (Lc 16,19-31)
Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Pha-ri-sêu dụ ngôn
sau đây: "Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến
tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình,
nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt
xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi
người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà
giàu cũng chết, và người ta đem chôn.
"Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta
ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong
lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: 'Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con,
và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì
ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!' Ông Áp-ra-ham đáp: 'Con ơi, hãy nhớ lại:
suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời
chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì
phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm
lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên
chúng ta đây cũng không được.'
"Ông nhà giàu nói: 'Lạy tổ phụ, vậy thì con xin
tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa.
Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!' Ông
Áp-ra-ham đáp: 'Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị
đó.' Ông nhà giàu nói: 'Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng
nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.' Ông Áp-ra-ham
đáp: 'Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống
lại, họ cũng chẳng chịu tin.'"
Đó là Lời Chúa.
Suy niệm: (mời ngồi)
“Giữa chúng
ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con
cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được”...
Lời của Abraham nhấn mạnh đến tính quyết liệt trong những chọn lựa căn bản phải có cho đời ta nơi dương thế: Đâu là
mục đích sau hết ta tìm kiếm, đâu là con đường ta cần đi, đâu là cách sống ta phải giữ.
Abraham là tổ phụ của kẻ tin, cũng là người dẫn đầu đoàn người đi tìm hạnh phúc thật - hết thảy những ai mong đến được miền đất Chúa đã hứa.
Như vậy, câu chuyện người phú hộ và Ladarô với lời phán quyết của Abraham là câu
chuyện cho cả nhân loại về hành trình đi tìm hạnh phúc. Vực thẳm lớn mà Abraham nói đến là một vấn đề đáng được quan tâm. Vực thẳm lớn là gì mà có thể dứt khoát ngăn cản chúng ta bước vào hạnh phúc? Phải chăng Chúa không muốn người tội
lỗi được hạnh phúc?
Không! Chúa là tình yêu, hạnh phúc của mọi người là điều trên hết được Chúa tìm kiếm. Đức Kitô đã nói cho Nicôđêmô biết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của
Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16), riêng thánh
Phaolô, sau những ngày bách hại Giáo Hội Chúa, đã khẳng định khi ngài trở lại và
gặp được tình yêu của Chúa: “ở đâu tội lỗi đã
lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.” (Rm 5,20).
Như vậy, chẳng những Chúa muốn, mà còn rất muốn thấy ông
phú hộ được hạnh phúc. Có thể ông có những tội rất lớn, nhưng “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.”
Vậy thì cái vực thẳm lớn có thể tách ông ra khỏi tình yêu và ân sủng Chúa là gì vậy?
Chúa là tình yêu, giáo lý của Chúa là tình yêu. Điểm
cốt yếu của tình yêu là qui hướng mọi điều tốt lành về người mình yêu, dù có phải
chịu thiệt thòi. “Căn cứ vào điều này,
chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta.”
(1Ga 3,16)
Yêu thì phải sẵn lòng chịu thiệt thòi vì người mình yêu. Đó mới là
tình yêu, sự sống thần linh và hạnh phúc vĩnh cửu của Thiên Chúa. Vì thế mà hạnh phúc
thật đối lập một cách tuyệt đối với tính vị kỷ: “Chúng ta biết rằng: chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì
chúng ta yêu thương anh em. Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết.”
(1Ga 3,14)
Ngược với tình yêu là những suy tính vị kỷ. Người vị
kỷ coi mình là trung tâm, là thần linh, và qui hướng mọi sự tốt lành về mình: “Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn
trên trường kỷ, mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng.” (Am
6,4)
Càng ăn càng thèm và chẳng bao giờ được thỏa mãn là tình
cảnh đáng thương của người vị kỷ. Tính vị kỷ làm cho người ta ra cứng lòng, không
thể hiểu và chấp nhận giáo lý tình yêu, phủ nhận và từ chối cả Thiên Chúa. Đó
chính là vực thẳm lớn cản bước chúng ta đến với Chúa. Cứu độ là ơn Chúa ban nhưng cũng cần được đón nhận, như lời thánh
Augustinô: “Chúa dựng nên con không cần
có con, nhưng không thể cứu con nếu không có con.”
Cầu nguyện: (mời quì)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Nói làm sao cho hết được tình Chúa thương chúng con. Chúa sẵn
lòng đổ ra đến giọt máu cuối cùng chỉ mong mang lại cho chúng con sự sống linh
thiêng của tâm hồn, và hạnh phúc không bao giờ mất.
Chúa ở đây với chúng con và vì chúng con, trong bí
tích Thánh Thể, để chúng con có thể tưởng niệm cuộc khổ nạn Chúa đã trải qua vì yêu thương chúng con. Chúa phải chịu nhiều đau đớn, nhưng điều làm Chúa đau đớn và lo buồn nhất trong cuộc khổ
nạn không phải là những lằn roi, hay những nhát búa, mà là sự cứng
lòng của những kẻ hành hình. Chúa sẵn lòng chịu chết để họ được sống, nhưng họ
lại khoái trá lao vào cái chết, khi đóng đinh Chúa.
Lạy Chúa, lòng Chúa còn xiết bao đau đớn khi thấy
nhiều người trong thế giới hôm nay khoái trá chạy vào cái chết của mình, hoặc
vì gian tham, hoặc vì giận ghét, oán thù, hoặc vì những khoái lạc chóng qua...
Chúng con biết làm sao để an ủi trái tim đau đớn vì yêu thương của Chúa? Làm
sao nói cho mọi người biết về tình yêu bao la của Chúa, làm sao để khai sáng cho những tâm hồn đang chết chôn trong tội!
Thế nhưng, lạy Chúa, trước khi xét đến người khác, chúng
con nhìn lại chính mình, nhìn kỹ hơn, và thấy quả thực là không ít lần chúng con đã
khoái trá bước vào cái chết của tâm hồn mình. Đó là những lúc chúng con nổi giận. Đang
lúc nóng giận chúng con không còn biết đâu là phải, đâu là trái. Trong cơn giận,
thấy mình bị hại, thấy kẻ ác lừa mình lại ăn nên làm ra, thực tình chúng con
không hiểu được tại sao Chúa lại dạy chúng con “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ
nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.” (Lc 6,27-28) Lúc
đó, nếu có phải xuống hỏa ngục chúng con cũng chịu, miễn là kẻ ngược đãi, chơi xấu chúng con phải đau đớn đền mạng.
Khi phạm tội, chúng con mong được tha thứ, nhưng lời Chúa dạy phải tha thứ, bỏ qua lỗi lầm cho người xúc phạm đến mình thì chúng con thấy khó quá, chẳng muốn giữ cũng chẳng muốn nghe. Khi gặp khó khăn những mong được giúp đỡ nhưng khi có ai đến cầu cạnh xin giúp đỡ thì chúng con lại dễ đổi
giọng... chưa kể đến những suy tính ghê tởm của bà ác mẫu muốn bỏ đi đứa con trong bụng để
dễ sống hơn, để trẻ mãi không già...
Coi trọng vật chất và ham hưởng thụ là tính cách của người
vô thần. Họ tự nhủ nếu chết là hết thì tại sao lại không tận hưởng cho hết mọi
lạc thú trần gian? Thế nhưng khi giờ chết đến, họ mới hốt hoảng thấy
mọi điều họ quí trọng và tìm kiếm... thẳng bước lìa xa họ một cách nghiệt ngã. Lúc
đó họ mới nhận ra đời họ chẳng còn gì ngoài một con số không rỗng tuếch.
Phần chúng con, lạy Chúa, miệng thì tuyên xưng niềm
tin vào Chúa, nhưng bị cuốn vào dòng chảy của thế giới hôm nay, chúng con lại quen thói coi trọng vật chất, ham hưởng thụ, và ngại chia sẻ, chẳng khác gì những kẻ vô thần, không tin
vào Chúa.
Anh Ladarô nghèo đói và khốn cực nhưng được Chúa
thương, đơn giản chỉ vì trong cảnh nghèo, anh hoàn toàn cậy dựa vào Chúa, đúng như cái tên Ladarô mang nghĩa "Chúa là Đấng phù trợ tôi" mà Chúa đã dùng để gọi anh.
Xin cho chúng con trở nên những Ladarô khác, chẳng có
gì nhưng có Chúa là Đấng phù trợ, để chúng con có tất cả.
Để có thể gọi Chúa là Đấng phù trợ, lạy Chúa, xin giúp chúng
con nhận ra tính không không của phận người mà qui hướng đời
mình về với thánh ý, mà sống đời yêu thương, như lời Chúa dạy: "Tất cả những gì anh em muốn người
ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và
lời các ngôn sứ là thế đó.” (Mt 7,12)
Hát: “Từ muôn
thuở Chúa đã yêu con…”
Lm. HK