CHÚA MỞ MẮT KẺ ĐUI MÙ
Khi giầu
có người ta dễ coi tôn giáo, niềm tin, và ngay cả Thiên Chúa như là một món
trang sức hơn là một nhu cầu cấp thiết; mặt khác, khi giúp người ta tự do làm mọi
điều mình thích, của cải lại trở nên một sợi dây trói buộc họ vào sức mạnh
chóng qua của thần tài và sự an toàn giả dối của chữ phú quí.
Tác phẩm ‘Inspirational stories’ đã trình bày về một cách bẫy
khỉ rất thú vị được dùng tại châu Phi để bắt sống những con khỉ không một chút
thương tích mà chuyển đến các sở thú ở Hoa kỳ: Người ta cho một nắm quả hạch
thơm lừng vào trong những chai thủy tinh rất nặng, có cổ dài và hẹp, rồi bỏ những
chai đó lăn lóc trong rừng. Sáng hôm sau, họ trở lại để bắt từng chú khỉ đang kẹt
cứng tay trong những cái chai.
Quả hạch có mùi thơm rất hấp dẫn lũ khỉ, chúng đến gần dò dẫm
và thò tay vào lòng chai nắm chặt những quả hạch thơm nức. Mùi thơm của những
quả hạch làm cho chúng cứ nắm chặt tay và đành chịu bị bắt.
Bọn khỉ thật là ngốc nghếch, nhưng Lời Chúa cho thấy người
ta không kém phần khờ khạo khi tự dính chặt mình vào những sự thiện hảo thế tục
mà quên đi hạnh phúc đời sau: “Chúng uống
rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà
Giuse sụp đổ” (Am 6,6).
Đó không phải là những gì xa lạ, mà là sự mù tối, mê muội
trong cách đánh giá, trong từng chọn lựa cụ thể trong sinh hoạt hằng ngày của
con người: “Ngươi đã thấy nhiều mà vẫn chẳng
lưu tâm, đã mở tai mà vẫn không nghe gì” (Is 42,20).
Đúng thế! Sự giầu sang dễ làm cho tâm hồn người ta nên
nghèo đói vì của cải nhiều làm cho họ khó nhận ra cái đói của tâm hồn. Khi giầu
có người ta dễ coi tôn giáo, niềm tin, và ngay cả Thiên Chúa như là một món
trang sức hơn là một nhu cầu cấp thiết; mặt khác, khi giúp người ta tự do làm mọi
điều mình thích, của cải lại trở nên một sợi dây trói buộc họ vào sức mạnh chóng
qua của thần tài và sự an toàn giả dối của chữ phú quí.
Được dựng nên theo hình ảnh Chúa nên từ trong thâm tâm mỗi
người luôn khao khát “lời ban sự sống đời
đời”. Thế nhưng nhiều khi tính xác thịt che lấp đi cái Luật căn bản đó của
đời sống tinh thần và làm cho con người ra mù tối, không thấy và hành xử mọi việc
theo đúng giá trị của nó, như kinh nghiệm của thánh Phaolô: “Vẫn biết Lề Luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi
thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi. Thật vậy, tôi làm gì
tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn thì tôi không làm làm, nhưng điều tôi
ghét, thì tôi lại cứ làm” (Rm 7, 14-15).
Sự mù tối đó thật nguy hiểm vì nó làm cho người ta theo đuổi,
tìm kiếm và ‘tôn thờ’ những gì có giá trị tương đối và chóng qua, miễn sao thoả
mãn được những ‘dục vọng của xác thịt’ hay chết này, mà dễ dàng bỏ qua một bên
những gì có giá trị đời đời, bịt tai lại trước lương tri và nhắm mắt lại trước
những dấu chỉ của tình yêu Chúa: “Hãy làm
cho lòng dân này ra đần độn, cho tai nó điếc, cho mắt nó mù, kẻo mắt nó thấy,
tai nó nghe và lòng nó hiểu, mà nó trở lại và được chữa lành” (Is 10,6)
Vì thế, theo Isaia, cứu chữa người ta khỏi sự mù tối là dấu
chỉ của Đấng Cứu thế: “Ngày ấy, kẻ điếc sẽ
được nghe những lời trong sách, mắt người mù sẽ thoát cảnh tối tăm và sẽ được
nhìn thấy” (Is 29,18).
Thiên Chúa là Tình yêu nên không ai ở ngoài sự chăm sóc của
Ngài. Chúa yêu thương cả người phú hộ lẫn Lazarô. Lazarô được ở trong lòng
Abraham vì Lazarô biết được sự nghèo hèn của mình, còn người phú hộ phải chịu cực
hình không phải vì gian xảo hay bất công nhưng vì ông tự lấy làm đủ về mình,
coi mình là người công chính và được Chúa chúc lành nên chọn lựa của cả đời ông
là “vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến
tiệc linh đình”, và bình tâm, thản nhiên trước sự túng đói của người khác.
Chọn lựa mù tối đó không chỉ là cực hình cho ông mà còn là
vực thẳm ngăn cách ông với Tình yêu Thiên Chúa: “giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ
muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ bên đó qua bên
đây được.”
Cha Anthony de Mello có kể một câu chuyện về một con trai
biển chưa có ngọc đang vui hưởng một cuộc sống nhàn hạ, thảnh thơi thì thấy một viên ngọc lóng
lánh kẹt trong một khe đá dưới lòng biển. Biết rằng con người rất thích ngọc
quí nên nó xoay trở tìm cách nhặt viên ngọc lên và đặt nó ngay trên một chiếc
lá mỏng bên cạnh mình, hy vọng rằng người ta sẽ nhặt viên ngọc mà tha mạng nó.
Sau đó ít lâu, khi một anh thợ lặn tìm ngọc trai bơi đến gần.
Thật không ngờ là anh ta chỉ thấy con trai mà không màng
chi đến viên ngọc! Anh ta bắt con trai bỏ vào giỏ, nước giao động làm cho viên
ngọc lại lăn xuống khe đá.
Biết bao lần tôi đã hành xử như thế khi bỏ qua những viên
ngọc quí để nhặt lấy một niềm vui chóng qua, hay sự an toàn đặt nơi tiền của.
Với kinh nghiệm về sự mù tối luôn nằm sẵn trong hành trình
đức tin, lựa chọn sau cùng của mọi chọn lựa là điều được thánh Phaolô đặc biệt
lưu tâm: “Anh hãy thi đấu trong cuộc thi
đấu cao đẹp vì đức tin, giành cho được sự sống đời đời.” (1Tm 6,12).
Tôi đang làm việc tông đồ, nhưng Thiên Chúa có phải là điều
cuối cùng tôi tìm kiếm không?
Lạy Chúa, xin giải thoát con khỏi sự mù tối!
Lm. HK